TTCT - Trong khi hầu hết mọi người nghĩ rằng tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ là một phụ nữ tới từ Đông Âu, kết quả chỉ còn đợi phê chuẩn lại là António Guterres - cựu thủ tướng Bồ Đào Nha. Tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres -dailymaverick.co.zaQuy trình thiếu dân chủ?Truyền thông quốc tế nói chung nhìn nhận đó là một lựa chọn hợp lý, nhưng quy trình đặt ông Guterres vào chiếc ghế thay thế người tiền nhiệm Hàn Quốc Ban Ki Moon lại gây nhiều nghi kỵ.“Cách mà chúng ta chọn nhà ngoại giao số 1 của thế giới đầy những sai sót - Adil Najam, hiệu trưởng Trường nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Frederick S.Pardee thuộc Đại học Boston (Mỹ), viết trên báo Time - Về cơ bản, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - nhóm P5) tìm một người họ đều có thể chấp nhận, và chỉ cần một nước không vừa ý, ứng viên đó sẽ bị loại. Sau đó họ sẽ thông báo với Hội đồng Bảo an, và cuối cùng là 193 nước ở đại hội đồng”.Các kết quả, vì thế, thường là những người “lành tính” nhất, một ai đó không gây sự, không làm dậy sóng, không quá quyết liệt và chắc chắn không phải là một bất ngờ.Vì thế, đôi khi đó là một nhân vật cực kỳ ba phải như Kurt Waldheim (người Áo, 1986-1992), dù cũng có lúc nhóm P5 chọn ra được một người xông xáo, dám làm và dám đối mặt như Dag Hammarskjöld (Thụy Điển, 1953-1961), người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay khi đang trên đường trực tiếp dàn xếp một vụ ngừng bắn ở Bắc Rhodesia (nay là Zambia).Là một tổ chức quá lớn, quá phức tạp và lợi ích chồng chéo, cuộc cải tổ Liên Hiệp Quốc đã cực kỳ gian nan, bao gồm quá trình minh bạch hóa việc lựa chọn tổng thư ký.Lần này, dưới sự điều hành của Chủ tịch đại hội đồng Mogens Lykketoft, một nhà ngoại giao Đan Mạch, nhiều nỗ lực khiến quy trình cởi mở hơn đã được thực hiện.Lần đầu tiên các ứng viên tham gia những cuộc tranh luận công khai trình bày tầm nhìn và những ưu tiên của họ, được phát trên toàn cầu (điều an ủi là trong khi các cuộc tranh luận khá tẻ nhạt, không ứng viên nào đòi bỏ tù (những) người thua cuộc). Các cuộc đối thoại không chính thức ở đại hội đồng cũng đã được tổ chức, và những cuộc biểu quyết ở Hội đồng Bảo an được công khai cho dư luận.Trước kia, toàn bộ quá trình này diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín, và giống như một cuộc bình chọn giáo hoàng, dư luận chỉ biết tin tức rò rỉ qua những nguồn không chính thức.Sau sáu vòng bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an, kết quả đã được xác định và lựa chọn này, dẫn lời đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power, “có cơ sở đồng thuận cao và ít gây tranh cãi một cách ấn tượng”.Guterres đã dẫn đầu trong cả sáu vòng bỏ phiếu, và không ai trong số sáu ứng viên nữ nhận được sự ủng hộ ổn định và đáng kể. Điều đó thật ra cũng đã được dự báo trước. Tháng 9 vừa rồi, Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Susana Malcorra, một trong các ứng viên, nói với Foreign Policy: “Bạn không có cơ hội nếu là phụ nữ... Đó không chỉ là cái trần thủy tinh, đó là rào chắn thép (với phụ nữ)”.Ở vòng bỏ phiếu quyết định thứ 6 vào ngày 5-10, cả năm nước P5 đều không được dùng tới lá phiếu phủ quyết.Mọi ứng viên khác ngoại trừ Guterres đều đã bị phủ quyết ít nhất một lần bởi nhóm P5. Danilo Türk, người Slovenia, có lúc là đối thủ sát sao nhất của Guterres, bị tới 4/5 thành viên thường trực phủ quyết. Rốt cuộc, chính P5 đã đảm bảo Antonio Guterres là ứng viên duy nhất còn lại.Tuy nhiên, cũng đáng nhắc rằng chỉ 4/5 nước P5 bỏ phiếu ủng hộ ông rõ ràng. Một lá phiếu bí ẩn số 5 chọn phiếu “không ý kiến”, một kiểu không biểu quyết của riêng những dịp thế này. Dẫu sao thì lần này cánh cửa không hề đóng chặt như những lần trước.P5 vẫn quyết định, nhưng giờ chúng ta biết họ quyết định thế nào. Việc thông qua ở Hội đồng Bảo an ngày 6-10 chỉ là vấn đề thủ tục.Guterres là ai?Dù Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có một nhà lãnh đạo nữ sau 70 năm tồn tại, và dù Guterres, ở tuổi 67, là tổng thư ký lớn tuổi thứ hai trong lịch sử (kỷ lục thuộc về Boutros Boutros-Ghali, 70 tuổi), đây vẫn là một lựa chọn được ca ngợi.Trước hết, Guterres, sẽ chính thức thay ông Ban Ki Moon từ ngày 1-1-2017, là tổng thư ký đầu tiên từng nhận lãnh trách nhiệm điều hành tối cao ở một quốc gia. Kinh nghiệm và sự nhạy cảm chính trị là điều tối quan trọng với chiếc ghế đặt giữa các lằn ranh này.Là thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995-2002, rồi cao ủy của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn từ năm 2005-2015, ông đã nhiều lần cho thấy quyết tâm đối mặt với những vấn đề khó khăn.Trong vai trò thứ hai, ông đã không chỉ hợp tác được với các cường quốc, mà còn nài nỉ - hay đôi khi là thúc ép - họ làm những điều họ không muốn. Đó sẽ là kỹ năng luôn cần thiết cho vai trò mới.Cũng trong cương vị cao ủy đó, ông đã hành động nhất quán với lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình (Guterres là tổng thư ký Đảng Xã hội Bồ Đào Nha khi làm thủ tướng nước này): ông thúc ép các nước phương Tây mở cửa biên giới và chấp nhận dòng người nhập cư từ các nước Hồi giáo.Ông cũng là chủ tịch Quốc tế xã hội chủ nghĩa (SI) - một tổ chức hết sức lý thú nhìn từ các nước cộng sản. Ngay từ tên gọi đã có thể ít nhiều đoán ra ý nghĩa của SI. Sau Quốc tế 1 (London 1864) và Quốc tế 2 (Paris 1889), phong trào cánh tả thế giới bắt đầu rẽ hướng.Quốc tế 3 (Comintern) chỉ bao gồm các đảng cộng sản, được tổ chức ở Matxcơva năm 1919. Các đảng cánh tả khác không muốn đi theo con đường đó mà muốn đấu tranh cho người lao động qua con đường dân chủ nghị viện, tự tổ chức Quốc tế Vienna (còn gọi là Quốc tế hai rưỡi) ở Vienna năm 1921.Nhóm chính trị này bị giải tán năm 1940 vì sự truy bức của Quốc xã, trước khi tái lập ở Frankfurt năm 1951, và SI là hậu duệ của phong trào Quốc tế hai rưỡi. SI, mà Guterres là chủ tịch, theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng và bàng bạc một màu lý tưởng đại đồng thật ra chưa bao giờ chết: “Xây dựng một hệ thống dân biểu toàn cầu” bằng cách thiết lập “một nghị viện dân biểu ở Liên Hiệp Quốc”.Giờ thì chủ tịch của họ đã ngồi lên chiếc ghế để ước mơ đó ít ra là có thể tiếp tục.Tất cả những điều đó vẽ ra một chân dung đặc sắc, đồng thời khiến nhóm P5 có thể gật đầu. Guterres, trong khi là một chính trị gia Tây Âu, gần gũi với những ý thức hệ tư bản tự do cá nhân và tự do thị trường là tuyệt đối như Mỹ hay Anh, lại có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tuyên ngôn đấu tranh cho giai cấp công nhân, mang tới một sự cân bằng, dù là mong manh, trong bối cảnh thế giới có lẽ chưa bao giờ chia rẽ như những năm gần đây.Quan điểm thế giới đại đồng của Guterres còn được thể hiện qua cả góc nhìn của ông về thế giới Hồi giáo.Vào năm 2007, trong vai trò cao ủy về người tị nạn, ông đã có bài phát biểu ở Liên đoàn Ả Rập, trong đó Guterres nói luật Hồi giáo là “nền tảng vô giá cho bộ khung pháp lý hiện đại”, và cho rằng “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” và “chủ nghĩa bài ngoại” là những nguyên nhân chính dẫn tới nỗi thống khổ của người tị nạn, vốn hầu hết cũng là người Hồi giáo.“Chúng ta phải nói rất rõ điều này: người tị nạn không phải là khủng bố, họ là những nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố” - Guterres nói. Không khó để người ta đi từ hữu ái giai cấp sang hữu ái toàn nhân loại, trong một hoàn cảnh mới.Cải tổ trong tương laiTổng thư ký đầu tiên của Liên Hiệp Quốc (tên hiện tại là United Nations, và khi thành lập năm 1919 là League of Nations, được dịch ra tiếng Việt là “Hội Quốc Liên”) Eric Drummond, một người Anh, đã gọi đó là “công việc bất khả thi nhất trên trái đất”. Báo Anh Guardian thì bình luận “sự chia rẽ đã quyết định người chiến thắng” và “câu hỏi thật sự không phải tổng thư ký thứ 9 là ai, mà là cái gì”.Công bằng mà nói, Hiến chương Liên Hiệp Quốc không có mô tả rõ ràng cho công việc đứng đầu đó, thường mang dấu ấn cá nhân của người ngồi vào chiếc ghế, và thường người kế nhiệm được lựa chọn dựa trên những phẩm chất mà nhóm P5 cho là thiếu ở người tiền nhiệm.Ông Ban cũng làm được nhiều việc, nhất là trong đối phó với biến đổi khí hậu, nhưng cảm nhận chung là thế giới cần một người thương lượng khủng hoảng mạnh mẽ hơn và một tính cách sôi động hơn.Ông Guterres đáp ứng được hai điều đó. Các phẩm chất trên càng cần thiết khi Liên Hiệp Quốc có lẽ đang phải xử lý những nhiệm vụ nhân đạo và gìn giữ hòa bình lớn nhất trong lịch sử: trên toàn cầu, số người bị mất nhà cửa vì chiến tranh, đàn áp và đói nghèo lên tới 65 triệu, tương đương 24 người bỏ nước mà đi mỗi phút.Cùng lúc, Liên Hiệp Quốc hiện có 100.000 lính gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, nhưng lực lượng này bị dàn quá mỏng và quá nhiều dự án của họ đang thất bại.Cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào Guterres. Quyền hành chiếc ghế của ông ở mức tối đa vẫn phải tuân theo sự cho phép của các cường quốc, và là một cuộc thương lượng của nhóm P5. Bất chấp hào quang thánh thiện của cương vị đó, thực tế là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng không khác nhiều với một chính trị gia nếu muốn thành công: thực dụng, nhượng bộ cần thiết, và cả lý tưởng để theo đuổi.Năm nay cũng là lần đầu tiên, nhờ có Internet và mạng xã hội, chứng kiến một phong trào kêu gọi cải tổ Liên Hiệp Quốc với quy mô chưa từng thấy: chiến dịch 1 cho 7 tỉ.Trên trang web của họ, 1for7billion.org, với lời giới thiệu “(chúng tôi là) hơn 750 tổ chức đại diện cho 170 triệu người ủng hộ trên toàn thế giới kêu gọi một quy trình lựa chọn tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tốt hơn”, những thường dân đã được quyền lên tiếng trong cuộc bầu bán vị tổng thư ký của hành tinh.Một trong những đề xuất của 1 cho 7 tỉ là thay đổi nhiệm kỳ tổng thư ký thành 7 năm một nhiệm kỳ, thay vì hai nhiệm kỳ 5 năm như hiện nay, điều có thể triển khai ngay mà không cần sửa hiến chương. Họ hi vọng thay vì mất thời gian vận động cho nhiệm kỳ thứ hai, vị tổng thư ký sẽ có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc hiện tại và không phải lo sợ về việc lấy lòng các nước P5 để giữ được chiếc ghế của mình.■G4: Những thế lực mớiLiên Hiệp Quốc phản ánh trật tự thế giới ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia đang nổi lên cho rằng trật tự đó là lỗi thời. Ngay trước những cuộc bỏ phiếu chọn tân tổng thư ký, nhóm G4 (Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Brazil) đã ra lời kêu gọi “cải cách toàn diện” Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong phiên họp thứ 71 của đại hội đồng.“Các bộ trưởng (ngoại giao) G4 nhất trí nhấn mạnh cam kết không lay chuyển về một cuộc cải cách toàn diện Hội đồng Bảo an vốn phải tính tới những thực tế địa chính trị của thế kỷ 21 - tuyên bố chung của bốn cường quốc này cho biết - Hơn 70 năm sau khi thành lập Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an phải thích nghi để thích ứng với những thách thức toàn cầu mới”. Ngôn từ thì khách khí, nhưng tuyên bố này diễn giải ra chỉ là một lời đòi ghế ủy viên thường trực của bốn quốc gia đó. Tags: Liên Hiệp QuốcTổng thư ký Liên Hiệp QuốcCựu thủ tướng Bồ Đào NhaAntónio Guterres
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Thời cơ vàng để khẳng định năng lực cạnh tranh công nghệ trên trường quốc tế THANH HÀ 15/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định như vậy tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2024.
Phạm Nhật Minh Hoàng, con trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng nắm nhiều vị trí tại thành viên Vingroup CÔNG TRUNG 15/01/2025 Ông Phạm Nhật Minh Hoàng (sinh năm 2000) là con trai thứ 2 của tỉ phú Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương. Dù chỉ mới 25 tuổi, ông Minh Hoàng đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup.
Nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam ngừng hoạt động THÀNH CHUNG 15/01/2025 13 kênh truyền hình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cùng kênh truyền hình VOV, truyền hình Nhân Dân chính thức ngừng phát sóng từ 15-1.
Xuất hiện đàn cá heo ở vùng biển Phú Quốc, du khách thích thú quay phim CHÍ CÔNG 15/01/2025 Đàn cá heo vừa xuất hiện ở khu vực vùng biển xã Gành Dầu (TP Phú Quốc, Kiên Giang) thu hút du khách quay phim, chụp ảnh.