Dùng sức dân để chịu đựng sự tăng giá?

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 11/11/2007 09:11 GMT+7

TTCT - Ước tính kết thúc năm nay nền kinh tế nước ta sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng mười năm qua (8,5%).

Phóng to
Ngành công nghiệp cùng với xây dựng là lĩnh vực có tỉ lệ tăng trưởng ước đạt 10,6% trong năm 2007 (ảnh chụp tại Nhà máy ôtô Xuân Kiên, Việt Nam)

Dự kiến kế hoạch năm 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8,5-9%, đảm bảo đưa VN vượt ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp ngay trong năm 2008 (báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII).

Ông LÊ QUỐC DUNG, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần xung quanh vấn đề này. Ông nói:

- Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng 8,5% vẫn chưa tương xứng với tiềm lực của đất nước. Nếu chúng ta làm tốt nhiều khâu hơn thì tốc độ đó đã có thể tăng cao hơn nữa. Chẳng hạn nếu chúng ta có chính sách thu hút đầu tư vào chế biến nông nghiệp thì tốc độ tăng trưởng của riêng khu vực này cũng đã tăng lên rất nhiều. Hay nếu chúng ta triển khai hiệu quả việc đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước và hạn chế được thất thoát thì chúng ta cũng góp phần đưa tăng trưởng lên cao.

* Như vậy là vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém trong bộ máy điều hành quản lý?

- Cái khó nhất là cả bộ máy hành chính chưa vận hành theo tư tưởng và chỉ đạo của Thủ tướng. Công tác cải cách hành chính của chúng ta quá chậm nên giải ngân trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 22% trong chín tháng qua.

Công tác quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược, trong điều hành của Chính phủ với các bộ, ngành, các cấp chưa thật sự cùng chiều với nhau nên còn những vướng mắc chính trong nội bộ bộ máy, dẫn đến nhiều kìm hãm phát triển kinh tế.

Những tồn tại này đã nhìn ra từ lâu nhưng sự thống nhất trong nhận thức hiện nay chưa cao, đặc biệt trong tổ chức thực hiện quá chậm. Bộ máy nhà nước chưa tuân thủ theo mục tiêu lấy phục vụ nhân dân làm chính, dẫn tới hạn chế phát triển so với khả năng.

* Theo ông, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 lên 9% liệu có khả thi?

- Khả thi. Vấn đề là sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trong nước, vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ và có chiến lược cho từng sản phẩm để biến tiềm năng lợi thế thành thế mạnh hiện thực.

Đến giai đoạn này chúng ta có rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư. Chúng ta có khoảng 300.000 doanh nghiệp và họ sẽ mở rộng qui mô đầu tư rất lớn. Nhà nước cũng dự kiến đầu tư 98.000 tỉ đồng cho xây dựng cơ bản. Ngoài ra, năm nay chúng ta thu hút được khoảng 13 tỉ USD đầu tư từ nước ngoài, một con số rất lớn mà chắc chắn sang năm có thể lớn hơn nữa. Như vậy khả năng phát triển kinh tế rất tốt.

Chúng ta còn có thể phát triển thông qua việc phát huy nội lực như cổ phần hóa mạnh một số doanh nghiệp nhà nước để họ lên sàn chứng khoán thu hút vốn đầu tư, hay giao quyền tự chủ tài chính cho trên 7.000 cơ sở sự nghiệp công lập để họ tham gia quá trình phát triển. Nếu Chính phủ điều hành tốt thì bức tranh phát triển kinh tế sẽ rất tốt.

* Ông không tính đến rủi ro có thể xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động?

- Có hai tác động trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế VN gồm tác động của thị trường chứng khoán và tác động của giá dầu. Sự biến động của thị trường chứng khoán thế giới có thể tác động đến thị trường chứng khoán VN, nhưng nếu chúng ta làm khéo thì sẽ tránh được đổ vỡ, giữ được ổn định và vẫn thu hút được đầu tư qua thị trường chứng khoán. Đối với tác động của giá dầu, nếu giá dầu tiếp tục tăng lên thì nó sẽ ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực khác. Nhưng tôi nghĩ hai yếu tố này ảnh hưởng đến nền kinh tế VN không đáng quan ngại vì chúng ta có nền của sự phát triển và tốc độ tăng trưởng ổn định từ trước đến nay.

* Nhiều người e ngại việc tăng trưởng “nóng” sẽ gây ra những tác động xấu?

- Nếu chúng ta tăng trưởng với tốc độ hiện nay và trong những năm tới còn cao hơn nữa thì những cân đối vĩ mô phải đảm bảo. Chẳng hạn về điện, nếu không thể đảm bảo được điện năng thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn. Chúng ta phải cân đối vĩ mô về mặt lao động. Lao động của chúng ta hiện nay còn dư thừa nhưng chất lượng, trình độ, tay nghề lao động còn rất hạn chế, cần phải đào tạo gấp về kỹ năng lao động để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài. Một điểm quan trọng nữa là phải cân đối về điều hành của Nhà nước. Bài học năm 2007 là chúng ta có rất nhiều vốn, vốn vào rất nhiều, “bội thực” vốn nhưng không tiêu thụ được kịp thời nên ứ vốn. Khi có dự án rồi thì chúng ta lại giải ngân vốn rất chậm, gây thiệt hại, lãng phí rất lớn. Do đó, khi phát triển mạnh thì phải đảm bảo những vấn đề này.

* Ông có cho rằng tăng trưởng sẽ bảo đảm đem đến lợi ích cho người dân?

- Mối quan hệ giữa tăng trưởng và nâng cao đời sống nhân dân để các khu vực dân cư được hưởng thụ tăng trưởng là một vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành phải quan tâm, vì thật ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ là một chỉ tiêu bình quân. Có những nơi tăng trưởng trên 10% nhưng cũng có nơi tăng trưởng dưới 2-3%, thậm chí không tăng trưởng. So với sự tăng giá tiêu dùng 8% thì những nơi tăng trưởng 2-3% rõ ràng có đời sống thấp đi chứ không phải được hưởng thụ tăng trưởng. Cho nên trong thời gian tới tăng trưởng càng cao thì Chính phủ càng phải lưu tâm giữ chỉ số tăng giá tiêu dùng ở mức vừa phải, không được tăng tương ứng.

Tôi rất mong Quốc hội quyết được chỉ số tăng giá là một con số cụ thể, chứ không phải chung chung rằng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn nếu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9-10% thì chỉ số tăng giá chỉ nên 6-7%, như vậy mới đảm bảo không có sự dãn ra giữa các khu vực, giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và đô thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp. Lúc đó xã hội mới phát triển bền vững hơn. Nếu tăng trưởng càng cao, chỉ số tăng giá càng cao thì sự dãn ra giữa người giàu và người nghèo càng lớn, dẫn tới mâu thuẫn càng lớn và nảy sinh nhiều bức xúc.

Với sự tăng giá tiêu dùng xấp xỉ tỉ lệ tăng trưởng kinh tế như năm nay thì khoảng cách giữa giàu và nghèo vẫn tăng lên. Tốc độ tăng của nông nghiệp thời gian qua chỉ 3,5% nhưng đây lại là khu vực có dân số rất lớn và thu nhập rất nhỏ, trong khi giá tiêu dùng lên 8% thì rõ ràng đời sống của họ thấp đi.

* Thưa ông, việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao và nhập siêu đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ tăng trưởng kinh tế?

- Tăng giá không tác động lắm đến tăng trưởng kinh tế vì các doanh nghiệp có thể điều chỉnh để giữ mức phát triển của mình. Chỉ có điều nếu tăng giá tiêu dùng ở trong nước nhiều hơn so với mặt bằng giá chung của thế giới sẽ khiến việc xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm của chúng ta khó khăn. Đặc biệt, sự tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Tương tự như vậy, nhập siêu cũng không ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng. Nếu nhập siêu thiết bị, máy móc, nguyên - nhiên - vật liệu thì nó sẽ phục vụ rất tốt cho phát triển, còn nhập siêu sản phẩm hàng tiêu dùng thì sẽ tốn nhiều ngoại tệ. Vì vậy mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị Chính phủ phân tích rõ cơ cấu nhập khẩu, đánh giá tình hình nhập siêu để có biện pháp kiểm soát sao cho nhập siêu phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

* Ông dự báo thế nào về tình hình giá cả trong năm tới?

- Rất có thể giá cả vẫn tăng nếu Chính phủ không quan tâm một cách đúng mức. Sang năm mà chúng ta giữ được chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng như năm nay cũng là hết sức cố gắng. Tất nhiên phải hạ thấp được mới tốt, còn để như năm nay thì bức tranh xã hội sẽ không tốt.

* Có ý kiến cho rằng có vấn đề trong điều hành kiềm chế tăng giá?

- Trung Quốc tăng trưởng trên 11% nhưng giá cả tăng chỉ 6% mà họ đã điều hành rất mãnh liệt và băn khoăn rồi. Chúng ta thì tung ra một lượng tiền lớn để mua ngoại tệ về dự trữ nên giá cả tăng và chính người dân phải chịu sự tăng giá đó, tức là Chính phủ dùng sức dân để chịu đựng sự tăng giá, chống đỡ sự tăng giá thay vì Chính phủ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế tăng giá. Vì thế tới đây Quốc hội phải khống chế được chỉ số tăng giá thấp mà theo quan điểm của tôi thì chỉ bằng khoảng 2/3 mức tăng GDP.

* Theo ông, trong năm tới Chính phủ cần có những giải pháp gì để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho đại đa số người dân?

- Điểm quan trọng nhất là phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc ưu tiên và đảm bảo cho những vùng kinh tế động lực, những lĩnh vực có nhiều lợi nhuận cao thì Nhà nước phải có chính sách đối với khu vực có thu nhập thấp như nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt phải có lộ trình hỗ trợ về phí học hành, chữa bệnh cho người dân. Những vấn đề này phải đi đôi với nhau, nếu không chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu một xã hội phát triển bền vững.

Phải tổ chức lại sản xuất

Mười tháng đầu năm, VN đã nhập siêu gần 9 tỉ USD, tăng hơn 50% so với năm 2006. Con số cả năm có thể lên tới hơn 10 tỉ USD. Nhập siêu năm 2007 của VN trước Trung Quốc đã cao gấp hơn 20 lần năm 2001.

Nhập siêu cao chứng tỏ hai điều, thứ nhất là sản xuất trong nước yếu kém, sản xuất không đủ tiêu dùng; thứ hai là việc chuyển dịch cơ cấu, quá trình công nghiệp hóa chưa đạt, không hiệu quả. Nói công nghiệp hóa nhưng đến giờ những sản phẩm cơ bản nhất của công nghiệp hóa là thép ta vẫn phải nhập tới 2,97 tỉ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập gần 1,4 tỉ USD, sợi và vải các loại gần 3 tỉ USD chỉ trong tám tháng đầu năm 2007. Đó là thất bại không đáng có của sản xuất, của công nghiệp hóa.

Các nước mới công nghiệp hóa như Trung Quốc chỉ mất khoảng năm năm đầu phải nhập siêu. Còn VN đã đổi mới, công nghiệp hóa 20 năm nhưng chỉ có năm 1992 xuất siêu được 40 triệu USD, còn lại nhập siêu suốt từ năm 1990 đến nay và ngày càng có xu hướng tăng.

Trong tám tháng đầu năm nay, nhập khẩu tăng có phần đóng góp của hàng tiêu dùng, tức ta nhập về để “ăn tiêu” tận dụng thuế giảm khi vào WTO. Mức tăng lên tới hơn 52,8% so với cùng kỳ năm 2006. Như vậy, với số liệu nhập siêu năm 2007, có thể nói VN chưa tận dụng được cơ hội khi vào WTO. Quan trọng hơn, một phần tiền nhập khẩu hàng hóa các loại có được là nhờ đi vay. Không cẩn thận, nó sẽ trở thành gánh nặng trong tương lai.

Nếu cứ nhập siêu thì nền sản xuất không phát triển, công nghệ lạc hậu. Một thực tế là VN đang tự tin vì dư giả tiền mặt. Dư giả này có được nhờ vốn đầu tư, vốn vay ODA, kiều hối đang chảy về nhiều. Nhưng nếu cứ tiêu, không tận dụng để phát triển sản xuất trong nước thì cái chúng ta đạt được chỉ là vẻ hào nhoáng bề ngoài trong thời gian trước mắt. Khi lợi thế mất đi hoặc tình hình kinh tế thế giới bất lợi, đầu tư giảm, nhà máy của nước ngoài thu hẹp sản xuất... thì sẽ rất đáng lo.

Để giảm nhập siêu, theo tôi, việc đầu tiên phải làm là rà soát các công ty để tổ chức lại sản xuất. Nếu cứ đầu tư mà không ra hàng hóa thì sẽ mãi nhập siêu. Nền sản xuất của chúng ta đang còn nhiều vấn đề phải mổ xẻ, điều chỉnh chính sách mạnh mới phát triển, mới tiến tới xuất siêu được.

TS Nguyễn Văn Nam (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ)

C.V.K. ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận