TTCT - Học ngoại ngữ kiểu "game hóa" như Duolingo có thể trở thành nỗi ám ảnh nếu người học không đủ bản lĩnh vượt qua những yếu tố thiên về chơi nhiều hơn học. Không có ứng dụng nào phát huy triệt để tinh thần vừa chơi vừa học như Duolingo. Nhưng nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến kiểu "game hóa" (gamification) này có thể trở thành nỗi ám ảnh nếu người học không đủ bản lĩnh vượt qua những yếu tố thiên về chơi nhiều hơn học.Duolingo (có thể học qua app hoặc trên web) tạo cảm giác giống chơi Candy Crush hơn là một khóa học ngoại ngữ trực tuyến. Các bài học và bài tập thể hiện dưới dạng trò chơi sắp xếp từ thành câu, dịch đơn giản, nghe và điền vào chỗ trống, nghe và lặp lại để luyện phát âm. Ngoài ra còn có điểm kinh nghiệm (XP), tiền tệ ảo, bảng xếp hạng, giải đấu, thành tích như bao game khác.Các nhân vật hoạt hình theo tinh thần "chơi mà học" của Duolingo.Chạy trời không khỏi cúLinh vật của Duolingo là cú xanh Duo. Duo đã nhiều lần được thay đổi thiết kế, song điều trớ trêu là linh vật càng trở nên dễ thương thì người ta càng thấy sợ nó. Tất cả chỉ vì các thông báo nhắc nhở chuyện học hành mà Duo giội bom người dùng - qua thông báo của app trên điện thoại hay email.Sự "khủng bố tinh thần" của Duo trầm trọng đến mức có cả series ảnh chế Evil Duolingo Owl, trong đó con cú hiền lành được chỉnh sửa thành kẻ hắc ám, chuyên đe dọa học trò nếu họ không chịu vào app học hành. Trang chuyên đăng tin giễu nhại Clickhole còn có bài "Ai mà 10 phút trôi qua không mở app sẽ bị Duolingo báo cáo "đã mất tích" với chánh quyền".Những trò đùa này đều xuất phát từ thực tế là Duolingo thật sự rất quyết liệt trong chuyện thúc ép người dùng quay lại với các bài học. Nếu bạn lỡ không vào Duolingo trong 1 tuần, Duo sẽ xuất hiện trong hộp thư, nước mắt ngắn dài, cầu xin bạn trở lại. "Trong danh sách những người tôi không muốn làm thất vọng nhất, đứng đầu là bố mẹ, sau đó là cú Duo" - Dami Lee, phóng viên trang The Verge, dí dỏm.Một ảnh chế về độ đeo bám người dùng của Duolingo.Angela Lashbrook, cây bút của chuyên trang công nghệ OneZero trên mạng Medium, cho rằng Duolingo đang dùng thủ thuật "tạo cảm giác tội lỗi" thường thấy trong các phong trào quyên góp từ thiện. Lashbrook cực lực phản đối cách làm này, và đã xóa app từ lúc nhận email với nội dung "Những lời nhắc này có vẻ không hiệu quả. Từ giờ chúng tôi sẽ không gửi nữa" do Duolingo gửi khi cô phớt lờ hàng loạt thông báo nhắc nhở trước đó.Alicia Kennedy, một nhà văn ở Puerto Rico, cho rằng cách làm khó chịu có thể gây tác dụng ngược. "Nó khiến việc vào Duolingo giống như bài tập về nhà hơn là một cách thoải mái để giết thời gian" - Kennedy kể với Lashbrook. Becky Erbelding, một sử gia ở Washington, D.C., thì nghĩ khác. Với cô, tiêu đề email nhắc nhở "Hãy giữ chuỗi __ ngày học liên tục" của Duolingo khiến cô cảm thấy "sẽ có người thất vọng nếu tôi không làm thế", vì thế cứ bị nhắc là cô vui vẻ vào app để không làm mất streak (số ngày liên tục hoàn thành một bài học).Duy trì streak khiến nhiều người ám ảnh, nhưng ngoài chỉ số này, Duolingo còn có bảng xếp hạng, giải đấu, thành tích như thường thấy ở các trò chơi điện tử, và đây mới chính là những thứ thử thách bản lãnh người học.Học hành gì tầm này, đang bận cày XPMorwenna Ferrier, biên tập viên thời trang và lối sống của tờ The Guardian (Anh), đầu tiên học tiếng Ý với Duolingo, sau đó thêm tiếng Pháp, Bồ Đào Nha và cả Latin. Sáng mở mắt dậy là Ferrier vào app học, mỗi ngày 10-20 phút, qua lại giữa 4 khóa học. Cô tự nhận mình ám ảnh với Duolingo, nhưng theo nghĩa tích cực.Ferrier cho rằng Duolingo tốt hay xấu là tùy theo mục đích, mục tiêu và cách học. Nó lý tưởng với người như cô: học theo kiểu ghi nhớ các mẫu câu và bắt chước, không chú ý nhiều đến ngữ pháp. Cô có vẻ không quan tâm đến bảng xếp hạng, thành tích và giải đấu, thứ sẽ tạo ra ám ảnh không lành mạnh cho người học.Có 10 giải đấu (league) trên Duolingo, từ Đồng đến Kim cương. Mỗi tuần, tốp 10 người có XP cao nhất và thấp nhất ở mỗi giải sẽ được thăng hoặc xuống hạng. Ngoài ra còn có bảng thành tích - được trao khi đạt một cột mốc tiêu chí (chẳng hạn học được 500 từ riêng biệt) hoặc hành động (ai học vào thứ bảy, chủ nhật sẽ được thành tích Dũng sĩ cuối tuần).Đứng đầu cấp Kim cương là những người có số XP "khủng". Việc họ có thật sự học để đạt con số đó không cũng là bí ẩn.Từ khi phát hiện hệ thống xếp hạng này, Kevin Lamb (@kevinmlamb, một blogger trên Medium) đã quyết tâm đánh bại hết các "đối thủ" để lên cấp cao nhất trong lớp tiếng Tây Ban Nha một lần xem thiên hạ có trầm trồ.Một người ở hạng Kim cương đạt 12.000XP trong 7 ngày, nghĩa là 1.715XP/ngày (nếu học suốt mỗi ngày 8 tiếng thì mỗi tiếng phải kiếm 214XP, tức làm khoảng 14 bài học). Lamb phải làm cỡ đó mới ghi tên mình vào bảng vàng. Thế là ông lao vào "học", làm mọi thứ có thể (bao gồm cả ăn gian trong phần luyện nghe) để vượt hết đối thủ này đến đối thủ khác, có khi vượt lên hạng 1 khi chỉ còn 2 tiếng là tới giờ tổng kết. Một lần khác, ông đang dẫn trước đối thủ gần nhất đến 200XP thì phải nghe điện thoại của cháu ngoại, lúc quay lại thì đã bị vượt qua và không còn đủ thời gian để giành lại thế dẫn đầu. "Tôi thật sự tức giận vì phải nghe điện thoại. Tôi đã trở thành cái gì rồi không biết?" - Lamb viết.Cuối cùng Lamb cũng lên đỉnh vinh quang vào ngày 5-1-2020. Nhưng đổi lại là gì? Ông chẳng học được gì, không dành thời gian cho những nhu cầu hằng ngày như nói chuyện với vợ, dẫn chó đi dạo, thậm chí ăn, ngủ, tập thể dục, bởi "bận tâm duy nhất của tôi là tích lũy XP và đứng đầu giải Kim cương".Thử một lần rồi thôi, giờ thì Lamb chỉ học 15 phút mỗi ngày như trước, "cho tới khi Duolingo tung ra tính năng gì kích thích hơn nữa" - ông tếu táo.Giao diện Duolingo vừa được thay đổi toàn diện.Với Mark Serrels, giám đốc nội dung của trang CNET, Duolingo khiến ông "bộc lộ hết phần xấu xa" của bản thân và trở thành "kẻ cặn bã độc hại nhất đương thế". Serrels cũng học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo, nhưng chỉ chăm chăm cày XP để lên hạng Kim cương.Có vợ nói lưu loát tiếng Tây Ban Nha, từng là giáo viên ngoại ngữ và sẵn sàng dạy chồng, nhưng ông vẫn chọn "học" với Duolingo, đôi khi mới 6h sáng đã vào app, dù ngôn ngữ mà ứng dụng dạy ông chỉ khiến ông "đứng hình" khi gặp một người nói tiếng Tây Ban Nha thật sự, thứ ngôn ngữ của đời sống thực tế. Ông đến với Duolingo vì để thỏa chí "tiêu diệt những đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội trên bảng xếp hạng".Ám ảnh đến thế, "máu me" đến thế mà đột nhiên Serrels bỏ cuộc chơi. Đó là dịp Giáng sinh, gia đình ông từ Scotland bay sang Úc để đoàn tụ sau 2 năm xa cách vì COVID-19. Cả nhà lên kế hoạch đi chơi dày đặc, không còn thời gian ngó đến điện thoại. Tất nhiên, cú Duo sẽ không buông tha Serrels. Sau một tuần ngó lơ các thông báo trên điện thoại và email van ông trở lại, Serrels nhận email Duo buông lời mát mẻ: "Nhắc cũng như nước đổ lá môn, thôi vậy!".Nói là nói thế, vậy mà hôm sau Duo vẫn tìm Serrels, nhưng ý ông đã quyết. Serrels không bao giờ trở lại, với ông, lời nguyền Duolingo đã bị hóa giải. "Những thứ Duolingo dùng để quyến rũ tôi thành công giờ không xi nhê gì nữa. Streak của tôi đã đứt, nhưng tôi được tự do" - ông viết.Một bài học tiếng Việt trên Duolingo có nội dung "thả thính". Ảnh người dùng đăng trên Reddit.Lời nhà sáng lậpLuis von Ahn, đồng sáng lập và CEO Duolingo, từng giải thích rằng những tính năng như bảng xếp hạng, giải đấu là cần thiết để tạo sự cạnh tranh, một cách duy trì động lực, vì người học Duolingo không chịu áp lực về điểm số hay ganh đua giữa bạn bè như khi đến các lớp học thực thụ.Duolingo không công bố tỉ lệ hoàn thành khóa học, nhưng một báo cáo năm 2020 cho thấy người dùng Mỹ xếp hạng 68 về số lượng bài học hoàn thành. Một nghiên cứu không chính thức khác cho thấy tỉ lệ hoàn thành khóa học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo chưa tới 0,01%. Theo The Verge, số người kẹt giữa dòng luôn đông hơn số người đi đến đích. Von Ahn cho rằng người ta dừng sử dụng Duolingo có thể không phải là để đến lớp học ngoại ngữ ngoài đời, mà là họ không muốn học ngoại ngữ nữa.Vị CEO này khẳng định Duolingo vẫn giữ tôn chỉ hoạt động như từ những ngày đầu: duy trì động lực để mọi người học ngoại ngữ. Từ góc độ bên ngoài, Sébastien Dubreil, giáo sư tiếng Pháp Đại học Carnegie Mellon, cho rằng mặc dù Duolingo không thể dạy người ta nói một ngôn ngữ, cái nó làm được là "thu hút sinh viên làm những việc mà bạn không thể dành đủ thời gian để bắt họ làm, như đọc sách giáo khoa và củng cố vốn từ vựng cũng như ngữ pháp".Về chuyện bị cú Duo "khủng bố", công bằng mà nói, người học có quyền tắt thông báo nhắc nhở qua mail hoặc app. Họ cũng không cần quan tâm giải đấu hay xếp hạng, cứ học theo đúng tôn chỉ: mỗi ngày 5-10 phút tiếp xúc với ngôn ngữ thì nhẹ đầu, và đúng nghĩa vừa chơi vừa học.Nhưng Duolingo có lẽ cũng cần lắng nghe các góp ý về cách nhắc nhở người dùng, chẳng hạn như nghĩ ra cách nói nhẹ nhàng hơn, thay vì "Đằng ấy có rảnh 5 phút không, tới giờ học tiếng Pháp rồi đấy". Duolingo chính thức chạy vào năm 2011 và 2 năm sau đó giành giải ứng dụng iPhone của năm. Đến nay Duolingo đã có trên 600 triệu lượt tải và 50 triệu người dùng thường xuyên, dạy tiếng Anh và 40 ngôn ngữ khác. Cú được chọn làm linh vật của Duolingo vì nó đại diện cho kiến thức theo văn hóa phương Tây, còn màu xanh là một trò chơi khăm Hacker, người từng góp ý chọn linh vật sao cũng được, miễn đừng màu xanh lá vì ông ghét màu này. Tags: Ứng dụng công nghệ DuolingoDuolingoGiáo dụcHọc ngoại ngữGameGame hóaVừa chơi vừa họcCông nghệ
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.