TTCT - Trên chuyến bay từ Almaty - Kazakhstan đến thủ đô Dushanbe - Tajikistan, anh phi công thông báo để hành khách có thể ngắm những nét đẹp từ đôi bàn tay kiến tạo của Thượng đế qua cửa sổ máy bay. Tôi thấy mình lạc vào một khung tranh lơ lửng, trôi chầm chậm trên đôi cánh con chim sắt, những hình ảnh tuyệt vời hiện lên, nhấp nhô theo vũ điệu đầy ngẫu hứng của các vị thần ngự trị trên đỉnh Pamir. Pháo đài Hissar và cung điện mùa hè.Núi Fann, con trai của thần Pamir, cao hơn 5.000m, đang rong chơi theo những tia nắng hè cùng gió, mây và tuyết trắng tinh khôi. Những ụ khói mỏng manh pha chút huyền bí lan tỏa trên dãy núi trùng điệp như lời nhắc nhớ, rằng hoàng tử Fann của Trung Á chính là vị thần đang bảo hộ cho Tajikistan trong vòng tay…Có một con đường buồn hiuThung lũng Dushanbe hiện ra khi máy bay dần hạ cánh. Đó là một viên ngọc ruby nhỏ xinh được đính trên chiếc nhẫn, dần tỏ rõ hình oval của một chiếc hồ với khung viền khô màu sỏi cát, nhưng lòng hồ phủ màu xanh dịu mát.Những thung lũng như vậy nằm dịu êm trong lòng núi Fann khi xuyên qua Tajikistan, với những ngôi làng nhỏ bé như được nảy nở từ trong lòng cát.Quá khứ vẫn quanh quẩn đặc quánh trong không gian nơi này qua hơn 2.000 năm, dù dấu xưa vết cũ đã bị thần thời gian chôn vùi vào lòng sỏi đá. Đặt chân đến các quốc gia Trung Á, trong tôi dậy lên niềm háo hức khó tả, muốn được bước trên những lối mòn của con đường tơ lụa Á - Âu. Hỏi thăm cách đến pháo đài Hissar theo cách tiết kiệm nhất, ông chủ nhà nghỉ chỉ dẫn cặn kẽ, xuýt xoa khi biết tôi là người lữ khách hiếm hoi trong nhà trọ muốn tìm về một con đường đã cũ. Có lẽ bởi vì thiên nhiên ở vùng đất Tajikistan này quá trong trẻo, hữu tình, miên man với những chiếc hồ óng ánh màu ngọc bích trồi lên trong lòng núi, những chặng leo núi tuyết Fann thử thách cam go đầy phấn khích; mùi cây trái thơm tho, ngọt ngào trong lòng thung lũng đầy khoáng nên lữ khách ít ai hướng tới những viên gạch cũ kỹ, đường cỏ tường rêu của những trạm dừng chân trên một con đường đã cũ.“Con đường buồn hiu” - như tôi nói đùa với ông chủ nhà nghỉ, có một quá khứ lẫy lừng, nhộn nhịp vó ngựa thương gia qua từng mùa để đổi lấy những khối vàng, ngọc quý được bàn tay thần Pamir chắt chiu và trao cho hoàng tử Fann, đặc biệt là đá ruby đỏ. Người ta nói rằng Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều chọn tên đồng tiền quốc gia mình là Som hay Somoni để tôn vinh vị hoàng đế Ba Tư Ismail Samani, vị cha già của dân tộc. “Som” trong ngôn ngữ Ba Tư cổ còn có nghĩa là “đồng vàng”, gợi nhớ mãi mãi về một thuở hoàng kim trên con đường giao thương này.Sông Pamir chảy qua đoạn Khorugh, bên trái là Afghanistan, bên phải là Tajikistan.Dushanbe - từ quá khứ đến hiện tạiĐến pháo đài Hissar (hay Hisor theo tên cũ), cảnh trí đúng thật là buồn hiu bởi rất ít khách lữ hành lai vãng, nhưng tôi yêu sự tĩnh mịch ấy. Tôi không phải chen chân với những đoàn người rầm rập để ngắm nghía sự bào mòn của thời gian làm đổ vụn những mảng hoa văn hay một bức tường dài. Cảm giác yên tĩnh càng trở nên tuyệt vời khi gió hè trở ngọn se lạnh ở độ cao gần 800m. Tôi bước từng bước nhẹ đi qua hai nhịp thời gian, nghĩ ngợi xa xôi về quá khứ, hiện tại và một tương lai xa thẳm.Người Tajik tin rằng những viên gạch xây dựng cổng thành Hissar có từ thuở Đại đế Ba Tư Cyrus, mang thanh giáo dài đi mở nước và ít nhất đã hơn 5.000 năm tuổi đời. Xua đoàn quân thiện chiến ngang qua, ông dừng chân lại một vùng đất được núi Gissar, Babatag và Aktau nối tiếp tạo thành hình vòng cung hiểm trở, dòng sông Khanaka xuyên qua lòng ươm mầm sự sống từ trong sỏi và cát. Ông đặt tên là “Hisor”, có nghĩa là “mảnh đất được che chở”.Theo sau gót giày viễn chinh, phố xá bắt đầu giăng mắc, trường học và những ngôi chợ hiện lên. Cổng chào Hissar xuất hiện trên tờ tiền giấy 20 Somoni như biểu tượng ôm ấp về vùng đất thơm tho của các vương triều Ba Tư mở đường, và cả tính nết dễ thương của người Trung Á vốn được các hoàng đế xưa dạy bảo kỹ càng mà bất cứ khách lữ hành khó tính nào cũng phải gật gù đồng ý.Thời gian trôi lặng lẽ, nhịp nhàng để sắp xếp các nếp tầng văn hóa nằm thật khít lên nhau theo trật tự nhất định trong bảo tàng mở ngoài trời Hissar, tôi như chú kiến nhỏ tìm cách đi xuyên qua từng sợi bện thời gian. Có tám công trình còn sống sót, minh chứng cho sự thịnh vượng của Hissar - nơi đồng thời là thành phố nghỉ dưỡng mùa hè của các vị tiểu vương Đông Bukhara - gồm: bức tường thành pháo đài dày 1m, trường dạy kinh Quran cũ và mới, thánh đường Chasmai Mohyon, thánh đường Sangin, lăng mộ thầy tu Makhdumi A’zam, khách sạn cho đoàn thương gia và khoảng sân rộng trước pháo đài để người ta bày biện các mặt hàng trao đổi trong phiên chợ duy nhất vào ngày chủ nhật.Thuở xưa, thủ đô Tajikistan cách Hissar khoảng 30km chỉ là ngôi làng nhỏ mà đoàn thương gia hi vọng có thể vớt vát thêm một phiên chợ nữa bằng cách rủ rê dân đến tụ tập. Theo ngôn ngữ Ba Tư, Dushanbe có nghĩa là “ngày thứ hai”, chợ trung tâm Dushanbe ngày nay với cổng chào đồ sộ từng ghi lại một phiên giao dịch mua bán diễn sau Hissar một ngày. Dushanbe trở thành thủ đô vào năm 1924 khi Liên Xô quản lý cả vùng đất Trung Á. Thánh đường Hồi giáo, trạm dừng chân và quảng sân để thương gia trao đổi hàng hóa tại Hissar. Điển tích trên dòng PamirTrong thời gian chờ nhận visa Iran, tôi gặp may lần nữa: ông chủ nhà nghỉ thông báo có một cặp đôi người Đức cần đến Khorugh. Lịch trình của tôi nhờ vậy sẽ được khép kín, chiếc ví cũng sẽ bớt vơi tiền khi có bạn đồng hành. Vài người nói đường về Pamir rất gian nan, đoàn thương gia xưa từng trải qua những ngày nặng nhọc quanh co trong lòng núi sâu, đạp trên tuyết lở, cả Đường Tăng Huyền Trang cũng từng gặp khó khăn khi phải vượt qua dòng sông Pamir này để hành trình Tây du được hoàn tất. Con đường ấy ngày nay vẫn chông chênh ổ gà, bụi cuốn lên cao phủ đầy mui xe. Chính phủ Tajikistan vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa thể đầu tư hoàn chỉnh con đường.Pamir là nút nối tiếp theo của dãy núi Himalaya huyền thoại, theo ngôn ngữ Ba Tư cổ có nghĩa là “Nóc nhà thế giới”. Pamir chia cắt hai quốc gia Kyrgyzstan - Tajikistan bằng thung lũng Allay màu mỡ, có biên giới với dãy núi Hindu Kush - Afghanistan tại mối nối Wakhan. Chú tài xế cao to, đậm người bảo khi nào bắt gặp một dòng sông cuộn mình giữa triền núi Fann và Hindu Kush, khi ấy chúng tôi sẽ biết được đường về “nóc nhà thế giới”. Mãi sau chúng tôi mới hiểu: đường về Pamir là đi dọc theo dòng sông réo gọi tiếng nước.Hindu Kush và Fann đều bạc màu sỏi đá, nhưng những dãy núi nhấp nhô với những thung lũng nhỏ xinh ẩn hiện đã tạo thành bức tranh đẹp độc đáo. Dẫu rớt lên rớt xuống theo nhịp xe xóc vì đường quá xấu, chúng tôi vẫn không thể không giương ống kính chăm bẳm qua ô cửa sổ để lưu lại những cảnh trí huy hoàng. Dọc hành trình xuôi về Pamir, tôi nhớ lại cả tập truyện Tây Du Ký và bộ phim từng nuôi dưỡng tuổi thơ mình mỗi khi hè sang, đoạn thầy trò Đường Tăng bị kiếp nạn thứ 81 - kiếp nạn cuối cùng - sau khi đã đến được đất Phật Thiên Trúc. Trước đây, khi đưa Đường Tăng qua sông, con rùa có nhờ ông hỏi giùm nếu gặp được Phật Như Lai: “Rùa đã tu được 1.000 kiếp, đến bao giờ mới được thành người?”. Vì Tam Tạng đã quên lời hứa hẹn năm xưa nên rùa lặn xuống sông sâu làm những quyển kinh Phật bị ướt.Trong quyển nhật ký “Đại Đường Tây Vực”, sư Huyền Trang ghi lại: Sau 16 năm học đạo tại Nalanda và ngao du về phương Nam Ấn Độ, ông quyết định quay lại Đông Thổ Đại Đường nhưng không theo lối cũ. Vào đến địa phận Afghanistan, ông dọc theo núi Hindu Kush tìm đến Khorugh, tiếp tục băng ngang Pamir để qua Sary Tash, rồi thẳng một mạch đến Kashi (Kashgar - Tân Cương). Dòng Pamir là ranh giới phân định giữa Afghanistan và Tajikistan, muốn đến được Khorugh, ông buộc phải băng ngang sông. Ông nằm mọp trên lưng ngựa lội sông, vì thế những quyển kinh mang về từ Ấn Độ đã bị ướt.Con sông làm ướt những quyển kinh Phật vẫn còn đó, đúng như những gì Đường Tăng đã miêu tả trong nhật ký. Có đoạn con sông Pamir chảy xiết, réo ầm vang tiếng nước khi len qua ghềnh đá, dốc cao, cũng có đoạn êm đềm xuôi chảy. Tôi ước tính đoạn rộng nhất ngăn cách đôi bờ hai quốc gia có thể lên 1-2km, nhưng cũng có đoạn chỉ chừng 200m. Quá khứ vĩnh hằng trôi chảy bất tận mãi nơi này nhưng trong ký ức, những kỷ niệm được chắt lọc, nuôi dưỡng, một lúc nào đó lại ùa về đẹp đẽ, thơm tho…■ Tags: Trung ÁTajikistanPamirNúi Fann
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Dịch bệnh bí ẩn giống cúm ở Congo có đáng lo? DƯƠNG LIỄU 13/12/2024 Từ ngày 6-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu điều tra về dịch bệnh bí ẩn giống cúm, khiến hàng chục người chết ở Congo. Nhiều quốc gia trên thế giới thắt chặt biện pháp kiểm tra chuyến bay từ châu Phi.
Ông Trump lần 2 được Time bình chọn là 'Nhân vật của năm' NGHI VŨ 12/12/2024 Trong vòng chưa đến 10 năm, ông Trump hai lần được bình chọn là 'Nhân vật của năm' đầy danh giá của tạp chí Time.
Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy THÀNH CHUNG 12/12/2024 Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng liên quan nội dung đề xuất chế độ, chính sách với cán bộ trong tinh gọn bộ máy là không chính xác.
Kiến nghị hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế trên 200 triệu, doanh nghiệp nợ 1 tỉ LÊ THANH 12/12/2024 VCCI kiến nghị việc hoãn xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn.