TTCT - Nhà nước xây nhà tái định cư nhằm tạo điều kiện cho người bị giải tỏa có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng thực tế tại TP.HCM hiện có hàng ngàn căn nhà tái định cư bỏ trống nhiều năm qua. Khu tái định cư 30,2ha P.Bình Khánh (Q.2, TP.HCM) hiện còn nhiều căn hộ để trống-Hữu Thuận Từ đường Nguyễn Văn Giàu rẽ vào lối đi nhỏ, khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh, TP.HCM) hiện ra với hơn 40 block chung cư cao 5 tầng, tổng cộng hơn 1.900 căn hộ. Thế nhưng bên trong các chung cư khá vắng vẻ. Toàn bộ dãy chung cư phía bên phải (hướng từ đường Trần Văn Giàu vô) không có người ở. Người dân TĐC được bố trí ở dãy chung cư ở giữa và bên trái khu dân cư. Gần trung tâm cũng thừa Gia đình bà Huỳnh Thị Bang trước kia ở Q.6, thuộc dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm và TĐC tại căn hộ 1.03 lô B1.1, xã Vĩnh Lộc B được 5 năm. Bà Bang nhìn khách vẻ dò xét rồi phân bua: vì ở đây vắng quá nên phải đề phòng người xấu. Bà Bang cho biết từ ngày về đây bà không có việc gì làm. Gia đình người con trai út ở nhờ nhà người quen tại Q.6 để đi làm, các cháu đi học, chỉ có vợ chồng bà và người con trai lớn về sống ở khu TĐC. “Ở đây xa quá, ngày nghỉ cũng không giữ các cháu được. Khu này lại vắng người qua lại, muốn bày ra buôn bán cũng không được. Hiện căn nhà TĐC của tôi chưa có giấy chủ quyền dù tôi đã trả đủ bằng tiền bồi thường. Muốn bán nhà cũng không được vì khu vực này heo hút, ít người mua, chứng giấy tờ gì cũng khó khăn. Cán bộ UBND phường chỗ ở cũ nói gia đình tôi không còn ở địa phương nữa nên họ không chịu trách nhiệm, còn ở đây thì chỉ đăng ký tạm trú nên không phải chuyện gì xã cũng chứng. Ngay cả bảo hiểm y tế tôi cũng đăng ký ở Bệnh viện Q.6 do khu vực này chưa có bệnh viện” - bà Bang nói. Không riêng khu nhà của bà Bang, nhiều lô chung cư cạnh đó cũng ít người sinh sống. Có chỗ người dân còn nuôi gà trong bồn hoa ở tầng trệt, trồng rau trên đất công viên để cải thiện đời sống. Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Bình Chánh (đơn vị quản lý khu TĐC trên), trong 40 block chung cư thì cơ quan chức năng đã phân cho 10 quận, huyện 23 block chung cư với gần 1.000 căn hộ, nhưng chỉ mới bố trí cho hơn 400 hộ dân. Thực tế số hộ cư trú còn ít hơn. Tại Q.2, hàng trăm căn hộ TĐC hiện vẫn còn trống. Hai block nhà C và D khu 17,3ha An Phú - An Khánh giao nhà từ tháng 8-2014 nhưng đến nay người ở vẫn chưa đầy. Cũng trong năm 2014, hai block R6 và R7 trong khu 38,4ha An Phú - An Khánh với hơn 1.080 căn hộ TĐC được chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng UBND Q.2 mới bố trí được hơn 200 hộ dân, hiện còn trên 800 căn hộ để trống. Trong khi tại khu 38,4ha này còn hàng chục block nhà TĐC khác với hàng ngàn căn hộ đã hoàn thiện và đang chờ bàn giao cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, dự án TĐC 30,2ha P.Bình Khánh hiện còn hơn 500 căn hộ để trống. Tòa nhà Riverview 9 (số 9 Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh) với 500 căn hộ ở đầu cầu Thủ Thiêm cũng vẫn vắng vẻ. Chung cư có 500 căn hộ, trong đó có 100 căn chủ đầu tư bán kinh doanh và 400 căn hộ TĐC. Mặc dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà từ tháng 6-2015, nhưng đến nay cơ quan chức năng mới bố trí vài chục hộ dân, hiện còn trống hơn 300 căn. Làm nhà ở thương mại? Trước ngày 1-10-2009 (thời điểm nghị định 69 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có hiệu lực), cơ quan chức năng áp dụng theo quy định bồi thường cũ: giá đất đền bù cho người bị thu hồi thấp hơn giá thị trường. Bù lại, người dân được mua nhà TĐC giá “rẻ” (tương đương giá bồi thường). Do vậy, hầu hết các hộ dân di dời đủ điều kiện TĐC đều đăng ký chọn căn hộ hoặc nền đất TĐC nên nhu cầu nhà đất TĐC rất lớn, Nhà nước xây không kịp. Nhưng khi nghị định 69 có hiệu lực, khẳng định nguyên tắc giá bồi thường phải bằng giá thị trường và nhà TĐC bán cho người bị di dời cũng là giá thị trường, do vậy người dân bị di dời thường nhận tiền bồi thường để tự lo nơi ở mới, khiến nhà TĐC xây sẵn bị thừa. Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Bình Chánh, nhiều căn hộ TĐC ở khu dân cư Vĩnh Lộc B đã bị hư hỏng ít nhiều sau nhiều năm để trống. Một số lô chung cư có hiện tượng bị lún nền đất, chân tường có vết nứt... đã được đơn vị thi công sửa chữa. Theo Sở Xây dựng, UBND TP đã giao khoảng 950 căn hộ (22 block) tại khu TĐC Vĩnh Lộc B cho Sở Tài chính để bán đấu giá do nhu cầu TĐC của người dân thay đổi so với dự định ban đầu. Với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, ban đầu UBND TP dự kiến xây dựng 12.500 căn hộ TĐC, tương đương 12.500 hồ sơ bồi thường của các hộ bị ảnh hưởng của khu đô thị này. Sau đó, UBND TP giảm còn 8.550 căn. Nhưng thực tế Q.2 chỉ cần gần 3.000 căn hộ để TĐC cho Thủ Thiêm và các dự án trọng điểm của quận này. Hiện còn hơn 5.600 căn hộ với tổng giá trị đầu tư khoảng 12.450 tỉ đồng (kể cả hạ tầng kỹ thuật), UBND TP đề xuất bán đấu giá cho các chủ đầu tư khác có nhu cầu về nhà TĐC (kể cả các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn TP) hoặc sẽ bán theo dạng nhà ở thương mại. UBND TP cho rằng nếu tiếp tục mua, giữ lại hơn 5.600 căn hộ TĐC để bố trí cho những năm tiếp theo thì Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm phải tiếp tục vay tiền của các tổ chức tín dụng để thanh toán. Điều này sẽ tạo áp lực về tiền vay ngân hàng và lãi suất phát sinh rất lớn (TP phải thanh toán khoảng 8.600 tỉ đồng cho các chủ đầu tư). Sau đó còn phải tốn kinh phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng nhằm tránh xuống cấp khi chưa đưa vào sử dụng. Chưa kể giá nhà TĐC ở khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cao (do tiêu chuẩn nhà cao), không phù hợp với nhu cầu sử dụng của các hộ dân bị di dời nhà ven kênh rạch. Giá thành căn hộ đến năm 2020 (gồm giá thành hiện tại cộng chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng) sẽ rất cao, trên 32-53 triệu đồng/m2, cao hơn giá thành của căn hộ thương mại cùng vị trí và khu vực đang bán trên thị trường nên sẽ không hiệu quả và gây lãng phí. ■ ThS Lê Văn Thành (trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Không phải nhà đẹp là dân thích Theo ý chí chủ quan của chính quyền muốn người dân di dời có chỗ ở chắc chắn, tiện nghi là tốt, nhưng người dân không chỉ cần chỗ ở, họ rất cần những tiện nghi khác như việc làm, học hành, mua bán, sinh hoạt... thường ngày. Tôi từng tham gia dự án 415 TP.HCM (dự án TĐC cho một cộng đồng dân cư nhỏ thuộc dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm do Chính phủ Bỉ tài trợ). Dự án có hai nơi TĐC: chung cư Lò Gốm ngay bên kênh Tân Hóa (TĐC tại chỗ) và TĐC bằng nền đất tại P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Hiện trên 95% hộ dân TĐC tại chung cư Lò Gốm còn ở, còn phần lớn những người TĐC ở P.Bình Hưng Hòa đã bán nhà, đất rồi trở lại khu vực Q.6 sinh sống. Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến người dân “chê” nhà TĐC do nhà xây xa nơi ở cũ. Ở một số dự án, hình ảnh căn hộ TĐC không tạo niềm tin cho người dân: nhà xấu về hình thức, chất lượng không tốt, tiện nghi không nhiều... Trước đây khi công bố phương án TĐC, cơ quan chức năng không nói rõ giá nhà, điều kiện nhận, không có nhà mẫu để dân xem... Hiện nay Nhà nước xây nhà TĐC rất đẹp, trang thiết bị nội thất xịn nhưng cũng không phù hợp với người dân. Cái họ cần là chỗ ở phù hợp với khả năng, thích hợp với thói quen, công việc đang làm... Để dân chọn nhà TĐC, Nhà nước phải hỏi ý kiến họ trước khi xây, tránh tình trạng dân chỉ có ba đồng mà xây nhà bảy đồng, dân cần một sạp chợ nhỏ thì Nhà nước lại xây trung tâm thương mại, dân cần chỗ để xe ba gác thì nhà TĐC xây chỗ để xe hơi... Từ lâu quy định bắt buộc cơ quan chức năng điều tra, khảo sát đời sống của người dân trước khi di dời. Thực tế cơ quan chức năng chỉ điều tra chung chung: nhân khẩu, diện tích nhà, đất, pháp lý... để phục vụ công tác bồi thường chứ không đi sâu vào đời sống, điều kiện từng gia đình. Vì vậy việc điều tra không giúp ích cho từng gia đình cụ thể. Nhà nước vẫn xây nhà TĐC, nhưng cần xem đây là một chính sách xã hội để “bao cấp” một chút về giá thành, không nên sòng phẳng như thị trường. Ông Lại Phú Cường (trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân): Quy định giải tỏa phải có nhà tái định cư Nhà TĐC hiện nay phần lớn là chung cư, chỉ để ở, không có điều kiện kinh doanh. Thực tế người dân chọn nhà TĐC khi rơi vào thế không còn khả năng tạo lập nơi ở khác và được hỗ trợ thêm một khoản tiền, hoặc hỗ trợ trả góp lãi suất thấp, trả dài hạn... Ở Q.Bình Tân có dự án ít hộ dân bị giải tỏa trắng, khi Nhà nước công bố giá bồi thường, giá bán nhà TĐC để lấy ý kiến người dân thì 100% những người bị giải tỏa trắng đã chọn cách tự lo nơi ở mới. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, các chủ đầu tư phải xây sẵn nhà TĐC khi triển khai di dời dân. Vì vậy, chính quyền vẫn phải chuẩn bị nhà TĐC cho các dự án dự định khởi động trong vòng 5 năm. Sau 5 năm, nếu quỹ nhà TĐC còn thừa thì cơ quan quản lý quỹ nhà này sẽ cân đối lại. Tags: Nhà tái định cưẾ nhà tái định cưBỏ trống nhà tái định cư
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cán bộ nghĩ đến lợi ích chung sẽ vượt qua nỗi lo tinh gọn bộ máy TIẾN LONG 04/12/2024 Cán bộ nếu đặt lợi ích quốc gia, thành phố và người dân lên trên, mọi nỗi lo đến bản thân sẽ nhẹ nhàng, có thể vượt qua được khi tinh gọn bộ máy.
Quỹ từ Trung Quốc nắm bao nhiêu cổ phiếu Sacombank? BÌNH KHÁNH 04/12/2024 Sacombank vừa công bố thông tin cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ. Trong danh sách này, ngoài 4 cổ đông tổ chức, chỉ có duy nhất cổ đông cá nhân là ông Dương Công Minh - chủ tịch của ngân hàng này.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Những chú chó cứu hộ Làng Nủ trình diễn tại Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 VŨ TUẤN 04/12/2024 Những chú chó từng tham gia cứu hộ lũ quét tại Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) sẽ trình diễn trong lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024.