TTCT - LTS: Góp vào loạt bài “Con tôi đi bụi”, TTCT giới thiệu hai câu chuyện do một tư vấn viên tâm lý học đường kể lại. Con tôi đi bụiTôi đi bụi vì nghẹt thở Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang 1. Cô ơi, em đã ổn Một ngày nắng đậm tháng 4-2010, hộp thư của tôi xuất hiện email của một em học sinh, chỉ vài dòng hết sức lộn xộn, chứng tỏ chúng được viết ra trong tình trạng bất ổn về tinh thần: “Em là một học sinh học lực trung bình dù đang cuối cấp. Cô ơi, em muốn chết hoặc đi đâu đó. Cuộc sống này không có ý nghĩa với em nữa. Người lớn quá giả dối, quá ích kỷ. Ba mẹ em là người có trình độ cao, khá giàu có, nhiều đất đai nhà cửa. Nhưng cả hai đều có bồ. Họ thường đánh nhau và dùng nhiều lời chợ búa để mắng chửi nhau. Chuyện này kéo dài nhiều năm rồi mà chẳng có một kết cuộc nào. Ba em thường xuyên vắng nhà. Chỉ thỉnh thoảng ông đảo qua để xem em sống thế nào, có cần tiền không thì ông cho. Cha con không có chuyện gì để nói. Rồi chẳng lâu sau, mẹ em cũng không quan tâm tới em mà chỉ chạy theo những mối tình mới. Thậm chí có hôm em bệnh, nằm nhà một mình tới ba ngày, sốt cao quá gọi điện mà mẹ không bắt máy. Em phải gọi bạn đến đưa em đi bệnh viện. Hôm nay là sinh nhật của em, ba không gọi điện chúc mừng cũng không gửi quà, mẹ không về nhà mà đi đâu đó. Em gọi điện thoại cho mẹ. Tiếng hát, tiếng cười trong điện thoại chứng tỏ mẹ đang vui chơi đâu đó cùng nhiều người. Thật cay đắng và thật tàn nhẫn... Cô ơi, em muốn chết nhưng em không đủ can đảm...”. Cuối thư, em học sinh ký tên maytrangcodon@... Tôi gửi một email an ủi và hẹn gặp trực tiếp. Tên em là B.V.. Rất khó khăn và kiên nhẫn tôi mới khơi mạch câu chuyện gia đình từ V. vì em cứ ngồi lặng im suốt hai giờ, hai tay ôm kín mặt. Mãi sau em mới kể chuyện mình bằng giọng đều đều, chán chường, đôi chỗ lại ngừng khá lâu như cố nuốt nước mắt tủi hờn vào lòng. Qua cách em nói, không khó khăn lắm tôi hiểu em bước vào giai đoạn trầm cảm. Tôi tìm gặp mẹ của B.V., một phụ nữ trẻ đẹp, ăn mặc sành điệu. Tôi khéo léo đề cập về chứng trầm cảm của con chị và mong sự quan tâm của chị. Người mẹ bắt đầu kể tội chồng và con, tự biện hộ cho mình, một thái độ bất hợp tác mà người tư vấn thường gặp phải. Năm ngày sau, chính mẹ V. gọi cho tôi, V. đã bỏ nhà đi. Lúc này người mẹ mới thật sự sợ hãi, lo lắng và khóc lóc. Cha của V. cũng đứng ngồi không yên và hối hận vì thái độ vô tâm của mình. Ông sợ V. là nạn nhân của đường dây buôn người và nhờ công an vào cuộc. Tôi nhờ bạn bè V. tìm kiếm khuyên em trở về nhưng không người bạn nào biết em ở đâu. Ngày thứ tám, em gọi cho tôi và bảo đang ở nhà một người dì họ tận Buôn Ma Thuột. Tôi khuyên em nên báo cho cha mẹ biết cũng như tìm cách hòa hợp với cha mẹ mình, tìm kiếm kết nối những mối dây thân ái đã mất. Em nghe lời tôi. Sau đó em trở về và dần dần tìm cách nói chuyện với cha mẹ, bày tỏ tâm tư và mong ước của mình. Em gặp lại tôi vào năm em học lớp 10 và nói rằng em đã ổn, sóng gió đã qua. Cha mẹ em đã quan tâm đến em và quan tâm lẫn nhau. 2. Chiếc nhẫn ốc màu hồng Trong hồ sơ lưu khi làm công tác tư vấn, tôi có giữ một chiếc nhẫn ốc màu hồng của một cô bé tên Ph. - học sinh lớp 8 Trường TQT, quận 9, TP.HCM. Cha mẹ Ph. có ba con đang tuổi đi học, họ là một gia đình lao động nghèo, ở trọ trong một khu nhập cư có đủ thành phần phức tạp. Cha Ph. làm phụ hồ, công việc khi có khi không vì ông nghiện rượu. Mẹ Ph. bán xe đẩy trái cây ướp lạnh. Ph. là chị cả, ngoài thời gian học, Ph. còn đan giỏ lục bình, giỏ lác, thêu khăn trải bàn để kiếm thêm tiền giúp mẹ. Tuy mới lớp 8 nhưng cô bé đã cao lớn, tóc dài, da trắng, trông như một thiếu nữ đôi mươi. Thành tích học của Ph. cũng đáng nể: suốt bảy năm liền em là học sinh giỏi. Đặc biệt cô bé còn có năng khiếu môn văn. Cuối năm lớp 8, sau khi thi xong, Ph. bỏ nhà đi. Cha mẹ, thầy cô và bạn bè nháo nhác đi tìm. Ngày thứ năm Ph. về, bảo rằng “đang ở nhà một người bạn tốt”. Cô giáo Ph. đề nghị tôi nói chuyện với Ph.. Ngay từ phút đầu tiên, Ph. đã bật khóc và kể cho tôi nghe rằng ba mẹ thường đánh em. Nhiều lần bị đánh trong nhà, Ph. còn cố gắng chịu đựng, nhưng hôm đó chỉ vì Ph. lấy tiền bỏ ống heo mua một cái kẹp tóc giá 80.000 đồng, mẹ em vừa đánh vừa nhục mạ, kéo tóc em đi dài dài trong xóm. Ph. bỏ nhà đi. Khi tôi tìm gặp và đối thoại với gia đình Ph., cha mẹ Ph. tỏ thái độ giận dữ và bất cần. Họ cho rằng phải đánh để Ph. chừa thói ăn chơi, học đòi. Rằng dạy dỗ là phải đánh, đánh mới làm cho con cái nghe lời... Tôi thật sự thất bại khi muốn thuyết phục họ nghĩ khác đi. Sau đó Ph. trở về nhưng lại bỏ nhà đi thêm hai lần. Một lần vào khoảng học kỳ 1 năm lớp 9 và lần nữa vào cuối năm lớp 9 chỉ vì em vẫn thường xuyên bị cha đánh. Bạn bè Ph. tìm gặp tôi và khóc: “Cô ơi, Ph. đi làm tiếp viên tại một quán cà phê ở Bình Dương. Cô thuyết phục bạn ấy về đi...”. Tôi tìm gặp Ph. nhưng em đã trốn mất. Em gửi lại cho tôi chiếc nhẫn vỏ ốc với một lá thư: “Đây là món trang sức mà em rất quý, em tặng cô. Mong cô đừng tìm em nữa. Em thương cô. Nhưng cô cũng không cứu được em đâu. Em sẽ không trở về lần nữa, cô cứ nói với cha mẹ em là em đã chết rồi”... Tôi ray rứt rất nhiều. Cuộc đời em sau này sẽ ra sao đây? Trẻ cần được đối xử công bằng Trẻ ở tuổi dậy thì thường xuyên bị ảnh hưởng tâm lý và chịu áp lực khi mọi người so sánh bản thân mình với những đứa trẻ khác. Hơn nữa ở lứa tuổi này, trẻ chưa đủ kinh nghiệm cuộc sống cũng như sức mạnh lý trí nên những cảm xúc tiêu cực dễ là nguồn gốc làm nảy sinh hành vi tiêu cực. Đến một giai đoạn nhất định trẻ bị ảnh hưởng tâm lý tự ti, khi không giải tỏa được thì những tích tụ lâu ngày sẽ bộc lộ thành “xung năng” để thỏa mãn và tìm cách giải phóng cho bản thân. Đó là hành động trẻ bỏ nhà ra đi. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, sự nhu nhược ở những đứa trẻ nếu được chăm bẵm quá mức, không bao giờ gặp khó khăn sẽ dễ hình thành thói quen dựa dẫm, ủy mị, lo sợ, mất niềm tin, mất dũng khí, không có khả năng tự đề kháng cũng như độc lập giải quyết vấn đề trước những khó khăn thử thách của môi trường xung quanh. Tâm lý trẻ ở tuổi mà mọi người nói là “dở dở ương ương” này đầy những xáo động, muốn tập làm người lớn hay thể hiện cái tôi… Sau mỗi lần thành công dù nhỏ hay lớn của trẻ, các bậc cha mẹ hãy động viên để phát huy ưu điểm. Khi con trẻ thất bại nên cho con một điểm tựa bằng lời khuyên, sự chia sẻ để con tiếp tục phấn đấu. Có như vậy mới tạo được niềm tin cho trẻ. Hãy tôn trọng sở thích của con, cùng con khám phá những điều mới mẻ và thật sự công bằng trong đối xử. Đối với những hành vi sai trái của trẻ, cha mẹ nên nhẹ nhàng nhắc nhở, khéo léo tâm sự riêng để trẻ vừa thấy được tôn trọng, vừa nhận ra được lỗi của bản thân. Mỹ: Thiếu niên bỏ nhà dễ lâm vào con đường tội phạm Mỗi năm tại Mỹ có trung bình 1,6-2,8 triệu thanh thiếu niên bỏ nhà đi, 86% thuộc lứa tuổi 14-17, theo số liệu của Tổng đài quốc gia dành cho thiếu niên bỏ nhà tại Mỹ (NRS). Trung bình cứ năm thiếu niên sẽ có một thiếu niên từng bỏ nhà đi một lần trước tuổi 18, số lượng thiếu niên nữ bỏ nhà đi ngang với nam. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn khi số thiếu niên dưới 12 tuổi bỏ nhà đi lại đang tăng mạnh, tăng 89% từ năm 2009 so với năm 2000. Không đủ tuổi để thuê khách sạn hoặc kiếm việc làm, các thiếu niên hầu như đều đi xin ăn hoặc tệ hơn là rơi vào con đường mua bán ma túy, mại dâm. Khoảng 75% thiếu niên rời bỏ nhà lâu hơn hai tuần sẽ đi vào con đường tội phạm, trong khi 1/3 bị dụ dỗ vào con đường mại dâm trong vòng 48 giờ. Thống kê của NRS trong thập niên 2000-2009, số lượng thiếu niên làm hành khất tăng 228%, mại dâm tăng 58%, mua bán ma túy tăng 54% và trộm cắp tăng 22%. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ đối với các thiếu niên như rối loạn tâm lý, nhiễm HIV và các căn bệnh truyền nhiễm khác, bị lạm dụng, mang thai ngoài ý muốn... Nguyên nhân gia đình như mâu thuẫn, cha mẹ ly dị là yếu tố lớn nhất đẩy các thiếu niên rời bỏ gia đình, tiếp đến là bỏ nhà đi theo bạn bè và do các rắc rối trong trường học hoặc vấn đề xã hội khác. Kinh tế cũng góp phần lớn trong việc gia tăng số thiếu niên bỏ nhà. NRS ghi nhận số cuộc gọi của các thiếu niên bỏ nhà đi vì lý do kinh tế tăng hơn 300% trong vòng bảy năm qua, đỉnh điểm là giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2006-2008.
Nước Mỹ vận hành chương trình tài trợ khoa học cho doanh nghiệp nhỏ ra sao? NGUYỄN TRUNG DÂN 13/03/2025 2424 từ
Một tỉ phú Việt vượt ông Trump 248 bậc trong top giàu nhất thế giới BÌNH KHÁNH 15/03/2025 Chứng khoán Việt Nam tăng tích cực nên có tỉ phú tăng giá trị khối tài sản hàng tỉ USD sau ít ngày. Một tỉ phú Việt đã vượt ông Trump 248 bậc trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Dự án nhà ở xã hội tại Vĩnh Long bị chuyển nhượng sai quy định THÂN HOÀNG 15/03/2025 Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất liên quan hai dự án nhà ở tại tỉnh Vĩnh Long và chuyển Bộ Công an điều tra xử lý, kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long.
Thu nhập bình quân nhân viên bến xe Miền Tây hơn 28 triệu đồng/tháng HỒNG PHÚC 15/03/2025 Hơn 28 triệu đồng/tháng là mức thu nhập bình quân của mỗi nhân viên Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây trong năm vừa qua, tăng gần 11% so với năm 2023.
Tổng thống Zelensky lên tiếng về tin quân đội Ukraine bị bao vây ở Kursk THANH HIỀN 15/03/2025 Ông Zelensky bác tin quân đội Ukraine bị bao vây ở Kursk, nhưng cảnh báo nguy cơ Nga tấn công vào khu vực Sumy ở đông bắc Ukraine. Châu Âu hội nghị trực tuyến về ủng hộ Ukraine.