EURO và ý niệm màu cờ sắc áo

BAN CẦM 16/06/2024 10:19 GMT+7

TTCT - Các giải bóng đá lớn như EURO hay World Cup không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần, mà là dịp để phô diễn một diện mạo khác của thế giới, về màu cờ sắc áo.

Tại sao chúng ta lại cổ vũ các đội tuyển quốc gia của mình? David Goldblatt, nhà xã hội học người Anh và là chuyên gia về lịch sử và chính trị bóng đá thế giới, lý giải trên The Athletic: 

"Có một cách để trả lời câu hỏi này là gián tiếp giải thích câu hỏi: Tại sao bóng đá lại là hiện tượng văn hóa phổ biến nhất thế giới?".

Những trận bóng đá của đội tuyển quốc gia là nơi hiếm hoi người Đức tập trung đông đảo và thể hiện ít nhiều tinh thần quốc gia, dân tộc. Ảnh: Spiegel

Những trận bóng đá của đội tuyển quốc gia là nơi hiếm hoi người Đức tập trung đông đảo và thể hiện ít nhiều tinh thần quốc gia, dân tộc. Ảnh: Spiegel

Bản sắc trong thời toàn cầu hóa

"Sau khi bạn đã trả lời xong câu hỏi đó, thật dễ nhận ra trong một thế giới được chia thành các quốc gia, nơi nhận thức về quốc tịch vẫn chi phối - dù thế giới hiện tại luôn được cho là toàn cầu hóa, không có gì ngạc nhiên khi đội tuyển bóng đá quốc gia, đặc biệt là trong các giải quốc tế, trở thành không gian để hình thành, tưởng tượng và nhận thức về quốc gia".

"Thật thú vị là những người không thực sự quan tâm đến bóng đá trở thành một phần của cái chúng ta đó - Goldblatt nói - Các con tôi không thích bóng đá vì nhiều lý do, nhưng khi World Cup đến, bỗng dưng chúng tôi lại cùng một phe". 

"Chuyện này chắc nhiều người cũng đồng cảm. Tôi nghĩ mọi người đều muốn tham gia. Trong một thế giới ngày càng cá nhân hóa, khao khát những trải nghiệm tập thể như thế thực ra đã lớn hơn".

Ở Tây Ban Nha (TBN), trải nghiệm tập thể đó trở nên phức tạp hơn, như Dermot Corrigan, phóng viên người Ireland chuyên theo dõi bóng đá TBN của The Athletic giải thích: 

"Hầu hết người Ireland ủng hộ đội tuyển quốc gia mà không nghĩ quá nhiều về điều đó, nhưng ở TBN, do sự đa dạng văn hóa và lịch sử như giữa người xứ Basque và người Catalonia, mọi chuyện có thể rất khác".

"Siêu đường ống bia" phục vụ cổ động viên

Để phục vụ nhu cầu khổng lồ của cổ động viên ở Euro 2024, sân vận động Veltins Arena tại Đức đã trang bị hệ thống "siêu đường ống bia" hiện đại dài đến 5km, dẫn bia trực tiếp từ nhà máy bia Veltins đến hầm chứa của sân vận động, rồi tiếp tục đưa bia đến các vòi trực tiếp bố trí khắp sân.

Hệ thống này cũng có khả năng bơm ngược bia về nhà máy trong trường hợp không sử dụng hết. Nói chung là nó thể hiện đủ mọi phẩm chất Đức: tiết kiệm, kỹ thuật điêu luyện, công nghệ cao, chia sẻ cho mọi người, và mê bia rượu.

Sân Veltins nằm ở Bắc Rhine-Westphalia, được khai trương vào năm 2001 là nơi tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, bao gồm mái che di động. Bốn bồn chứa của sân hơn 62.000 chỗ này có thể chứa 52.000 lít bia.

Hệ thống độc đáo này sẽ đảm bảo cung cấp bia tươi ngon cho tất cả CĐV, một tin vui đặc biệt với những dân châu Âu uống bia như uống nước: Đức, Anh, Scotland hay Czech.

"Ví dụ, một số người xứ Basque sẽ không quan tâm đến việc xem tuyển TBN đá trên truyền hình. Người Catalonia thì không thờ ơ như vậy, nhưng trước khi những cầu thủ như Xavi, Iniesta và Pique góp mặt ở đội tuyển khoảng mười năm trước, người Catalonia cũng không mặn mà với đội tuyển TBN như ở Madrid, Andalusia hoặc nơi khác".

Vào tháng 3-2022, TBN chơi trận đầu tiên tại Catalonia sau 18 năm, khi đối đầu Albania trong một trận giao hữu ở ngoại ô Barcelona. "Nhưng họ đã không chơi ở xứ Basque suốt nhiều thập kỷ - Corrigan nói - TBN có sự chia rẽ chính trị, giữa cánh tả và cánh hữu, từ thời nội chiến, và những người bảo thủ cánh hữu có xu hướng ủng hộ đội tuyển quốc gia và màu cờ sắc áo nhiều hơn".

Hầu hết các quốc gia khác đoàn kết xung quanh đội tuyển hơn thế, như ở Xứ Wales, đội tuyển quốc gia đã thông báo vào năm 2022 chuyện xem xét việc đổi tên thành Cymru (cách gọi Wales theo bản ngữ của xứ này) - nhìn nhận về đội tuyển cũng lập tức thay đổi.

Bình luận viên nổi tiếng người Wales Bryn Law cho biết đội tuyển quốc gia trước đây chỉ có một nhóm nhỏ fan hâm mộ chân chính. 

"Việc tuyển Xứ Wales không có nhiều cổ động viên cũng không khó hiểu, vì họ không phải một đội tuyển quốc gia thành công cho lắm - ông Law giải thích - Mọi người có thể theo dõi thăng trầm của Wales, nhưng họ không thực sự muốn tuyên bố mình là cổ động viên. Còn giờ đây với rất nhiều người, vấn đề không chỉ là bóng đá, mà còn là tuyên bố ủng hộ quốc gia".

Cổ động viên Tim Williams đã nghĩ ra khẩu hiệu "quốc gia bóng đá độc lập" và nó đã lan truyền rất mạnh trong cộng đồng người hâm mộ Xứ Wales. 

Law giải thích: "Ý tưởng quốc gia bóng đá độc lập là quan trọng. Những người ủng hộ đội tuyển Xứ Wales sẽ suy nghĩ về Wales như một quốc gia trong mọi khía cạnh, chứ không chỉ trong bóng đá. Đó là ý niệm để họ gắn kết bản thân với một tập thể".

Kể từ chiến dịch vòng loại EURO 2016, khi Gareth Bale, Aaron Ramsey và Joe Allen mang đến cho người hâm mộ những chiến thắng ngoạn mục, tình yêu với đội tuyển Xứ Wales bắt đầu thay đổi mạnh mẽ. Law có mặt ở Pháp năm đó, chứng kiến Wales vào đến bán kết EURO sau cuộc lội ngược dòng đậm chất sử thi trước đối thủ rất mạnh Bỉ, trong không khí đặc biệt cuồng nhiệt của cổ động viên Wales trên các khán đài.

Cổ động viên Anh và Serbia đã ẩu đả trước trận đấu của hai đội tuyển nước này tại Đức. Ảnh: Al Jazeera

Cổ động viên Anh và Serbia đã ẩu đả trước trận đấu của hai đội tuyển nước này tại Đức. Ảnh: Al Jazeera

Thay đổi

Điều thú vị là ở EURO 2016, Law còn gặp hai người hâm mộ đến từ Đài Loan mặc áo tuyển Wales. Họ thực ra là "fan cứng" của Bale và đến Pháp để xem anh thi đấu cho Xứ Wales. 

"Tôi đã chụp ảnh với họ - ông nói - Đến giờ đó vẫn là hình nền điện thoại của tôi, vì đó là khoảnh khắc tôi nhận ra có những người khác tin vào ý niệm đội tuyển quốc gia". 

"Bale là cánh cửa mở ra cơ hội đó. Khi cậu ấy vô địch Champions League cùng Real Madrid, cậu ấy luôn khoác lá cờ Xứ Wales vào cuối trận. Sau đó mọi người bắt đầu tự hỏi: Lá cờ đó là gì nhỉ? Rồi họ bắt đầu liên kết Bale với Wales, và có thể muốn tìm hiểu thêm".

Tiền thưởng Euro gấp 5 lần Copa America

Tổng số tiền thưởng của Euro 2024 là 331 triệu euro. Khoản tiền này sẽ được phân bổ cho các đội tham dự phụ thuộc vào thành tích.

Đáng chú ý, mỗi đội tham dự Euro đều sẽ nhận được 9,2 triệu euro. Mỗi trận thắng vòng bảng giúp các đội tuyển bỏ túi thêm 1 triệu euro nữa (500.000 euro nếu hòa). Vượt qua vòng bảng mỗi đội sẽ nhận thêm 1,5 triệu euro.

Ảnh: goal.com

Ảnh: goal.com

Lọt vào tứ kết sẽ nhận 2,5 triệu euro. 4 triệu euro là số tiền các đội nhận được nếu có mặt ở bán kết. Đội vô địch sẽ "ẵm" 8 triệu euro, còn á quân là 5 triệu euro.

Như vậy, tổng số tiền thưởng tối đa cho nhà vô địch Euro 2024 có thể lên đến 30 triệu euro, vẫn thấp hơn kỷ lục 34 triệu euro mà tuyển Ý đã nhận được ở kỳ Euro trước.

Tổng tiền thưởng năm nay tương đương với kỳ Euro trước là 331 triệu euro, cao gần 5 lần so với giải vô địch Nam Mỹ Copa America 2024. Năm nay Copa được tổ chức tại Hoa Kỳ, nhưng tổng tiền thưởng chỉ tương đương 66 triệu euro.

Đức sẽ đăng cai EURO 2024 mùa hè này, và Raphael Honigstein, ký giả nổi tiếng chuyên theo dõi Bundesliga quê ở Munich, mô tả phức cảm khó khăn của ông với đội tuyển quốc gia: 

"Trước đây tôi có một mối quan hệ kỳ lạ với họ. Như nhiều người thuộc thế hệ tôi, lòng yêu nước hơi bị xem nhẹ do hai cuộc thế chiến. Mọi người cố gắng tránh xa cờ quạt và những thứ tương tự". 

"Đội tuyển Đức những năm 1980 và đầu 1990 thu hút những người yêu thích những thứ đó. Tất nhiên, bạn muốn họ thắng vì họ là đội tuyển của bạn. Nhưng đồng thời, tôi luôn có cảm giác kỳ kỳ".

Đến năm 2006, khi Đức đăng cai World Cup, Honigstein cảm nhận được tâm trạng đã thay đổi. Các cầu thủ như Lukas Podolski, Bastian Schweinsteiger và Philipp Lahm rất thân thiện, không phải kiểu thủ lĩnh độc đoán đã chiếm ưu thế trong đội tuyển nhiều thập kỷ trước. 

Bộ đôi HLV Juergen Klinsmann và Oliver Bierhoff mang đến "tinh thần hiện đại" kiểu Đức mới, theo Honigstein, đẩy nó rời xa lịch sử, vốn gợi ra nhiều cảm xúc phức tạp, và hướng tới tương lai hơn.

Giải đấu thân thiện môi trường

Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã đầu tư 32 triệu euro cho giải để thực hiện các chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị bền vững (ESG).

Bóng đá cũng là ngành kinh doanh thải nhiều carbon. Các sân vận động ngốn nhiều năng lượng để chiếu sáng, sưởi ấm và làm mát. Tưới cỏ trên sân tiêu tốn lượng nước khổng lồ. Đông đảo người hâm mộ đến sân sử dụng những hàng hóa và dịch vụ để lại hàng tấn rác thải, nhất là ở các sự kiện lớn, diễn ra nhiều tuần như Euro.

UEFA tìm cách hạn chế tác động đến khí hậu của Euro bằng cách tài trợ cho việc đi lại của các đội tuyển và người hâm mộ bằng phương tiện công cộng nhiều hơn. Ban tổ chức cũng khuyến khích cổ động viên hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Hartmut Stahl (tác giả của nhiều sách về môi trường tại Đức) cho biết: "Đây là một bước tiến lớn, lần đầu tiên tất cả sân vận động và khu vực công cộng có kế hoạch sử dụng cốc tái chế".

"Chúng tôi coi đội tuyển như một công ty khởi nghiệp - Honigstein ví von - Cuộc cách mạng này dễ đồng hành hơn, khi chúng tôi cảm nhận được khác biệt, cùng họ phản đối khuôn khổ cũ, phản đối Bild (tờ báo thể thao nổi tiếng ở Đức) và tất cả những tiếng nói cũ kỹ..." 

"Đột nhiên, có một cách tiếp cận mới, thảnh thơi, nhiều màu sắc và hòa bình hơn để bạn tương tác với đội tuyển quốc gia".

Đội tuyển Đức mới này được yêu thích vô cùng, theo Honigstein, đến mức "ngay cả người Thổ Nhĩ Kỳ ở những nơi như Berlin và Cologne cũng bắt đầu treo cờ Đức. Đó hẳn là điều gì đó rất lớn lao. Mọi người không cảm thấy lá quốc kỳ và yêu mến nước Đức là chuyện gì cấm kỵ nữa".

Tình cảm phức tạp cũng là một vấn đề với tuyển Anh, nhưng theo cách khác. Paul Hayward, tác giả cuốn England Football: The Biography (Biên niên sử bóng đá Anh) dành hẳn một chương cho các CĐV Anh, với tiêu đề nặng nề: "Những CĐV ngỗ ngược và gánh nặng đáng xấu hổ". 

"Không nhiều quốc gia dám thừa nhận rằng CĐV của họ là đáng xấu hổ - Hayward nói với The Athletic - Nhưng điều này chắc chắn đúng với Anh". Đến tận những năm 1960, sự hiện diện của CĐV Anh trên khán đài trong các trận đội nhà thi đấu cơ bản là… vô hại: họ không gây thù địch, thậm chí còn hiền lành thái quá.

Khi Anh vô địch World Cup 1966, Hayward mô tả phản ứng của các CĐV: "Người hâm mộ Anh và Tây Đức hòa lẫn vào nhau. Không có đối đầu, không có rối loạn. Thực sự không có thù địch. Vậy nên thập niên 1960 là thập kỷ cuối cùng mà người hâm mộ Anh cư xử như những người hâm mộ chân chính; không đe dọa, tươi trẻ và đầy tự hào".

Tình nguyện viên: 1 chọi 9

Nước chủ nhà Đức đã chọn ra 16.000 tình nguyện viên đến từ 124 quốc gia trong tổng số 146.000 người đăng ký. Tỉ lệ "chọi" hơn 1/9 cho thấy yêu cầu gắt gao của Đức ở kỳ Euro năm nay để cả châu Âu thấy được sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp.

Tình nguyện viên ở Euro 2024 được tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Ảnh: uefa.com

Tình nguyện viên ở Euro 2024 được tuyển lựa rất kỹ lưỡng. Ảnh: uefa.com

Cuộc tuyển chọn tình nguyện viên bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái. Họ phải trải qua nhiều vòng như điền đơn, phỏng vấn, thực tế rồi mới được đào tạo, huấn luyện. Một số tiêu chí bắt buộc là phải đủ từ 18 tuổi và thông thạo ít nhất hai ngôn ngữ là tiếng Đức và tiếng Anh.

Trở thành tình nguyện viên cho Euro 2024 là trải nghiệm độc đáo, quý giá cho tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ. Các tình nguyện viên phải tham gia nhiều công việc khác nhau, từ hỗ trợ các đội bóng ở sân vận động, khách sạn, giao lưu người hâm mộ đến lái xe tải vận chuyển đồ...

Các tình nguyện viên sẽ đại diện cho nước Đức tại 10 thành phố trong suốt sự kiện. Chào đón khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc mang Euro đến gần mọi người, thể hiện khẩu hiệu "United by football. Vereint im Herzen Europas". (Đoàn kết bởi bóng đá, gắn kết ở trái tim châu Âu).

Nhưng điều đó đã thay đổi. "Đến những năm 1970 và 1980, người hâm mộ Anh bắt đầu nhiễm tâm lý bạo lực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan - Hayward nói - Việc cổ động cho đội tuyển quốc gia trở thành phương tiện cho tư duy bạo lực". 

Ông đã theo dõi tuyển Anh từ năm 1996 và cho biết CĐV Anh thường "gây ồn ào và say xỉn nhất". 

Ông giải thích: "Họ dường như tuyên bố với dân địa phương: Giờ chỗ này là của chúng tôi, khi chúng tôi ở đây, nơi đây không thuộc các về anh nữa. Đó là kiểu tư duy chiếm giữ kỳ lạ của dân Anh, thói quen nhìn nhận những nơi họ đến đều là thuộc địa".

Nhưng dù dưới sắc thái nào, mọi CĐV đều khát khao thứ duy nhất: bản sắc. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các biên giới vật lý và quan niệm quốc gia dân tộc bị xóa nhòa thì bóng đá là nơi con người trải nghiệm cảm giác thuộc về thứ gì đó lớn lao hơn bản thân. 

Thứ gì đó không chỉ là thể thao. Tổ quốc khi đó được phóng chiếu lên ngày hội bóng đá một cách sinh động và đầy tự hào.

EURO 2024 cũng là một dịp như vậy, để chúng ta không chỉ được xem bóng đá, mà còn chiêm ngưỡng các sắc thái đa dạng ấy.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận