Facebook có "phây phây" dù bị tẩy chay?

TRÚC ANH 07/07/2020 02:07 GMT+7

TTCT - Tính đến ngày cuối cùng của tháng 6 là tròn hai tuần kể từ khi phong trào tẩy chay quảng cáo trên Facebook được phát động. Danh sách các nhãn hàng tham gia vẫn đang tăng, nhưng rồi sao nữa?

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Chiến dịch Stop Hate for Profit (Ngưng kiếm lợi nhuận từ việc (kích động) thù ghét) do nhiều tổ chức như Liên đoàn Chống phỉ báng (ADL) và Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) phát động ngày 17-6, kêu gọi các tập đoàn lớn ngưng chạy quảng cáo trên Facebook trong suốt tháng 7.

Lý do là vì Facebook không giải quyết rốt ráo chuyện nội dung thù ghét, phân biệt chủng tộc tràn lan trên nền tảng của mình. Bắt đầu từ The North Face và REI, danh sách hưởng ứng lần lượt có sự góp mặt của các tên tuổi quen thuộc như Honda, Coca-Cola, Unilever, và mới nhất là Ford, Adidas và HP.

Trong bài “Liệu tẩy chay có thể ‘giết’ Facebook” hôm 29-6, BBC nhắc đến hai phong trào tẩy chay trong quá khứ: những người ủng hộ bãi nô kêu gọi người Anh ngưng dùng sản phẩm do nô lệ sản xuất vào thế kỷ 18, và việc các thương hiệu bảo nhau ngưng quảng cáo trên YouTube vì thông điệp của họ được hiển thị cạnh các video phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính hồi năm 2017.

Phong trào cách đây hơn 200 năm đã thành công: khoảng 300.000 người ngưng mua đường, vốn đến từ các đồn điền có nô lệ làm việc, làm tăng áp lực lên chuyện bãi bỏ chế độ sở hữu nô lệ. Với YouTube, nền tảng do Google sở hữu này có điều chỉnh chính sách quảng cáo; và sau ba năm, phong trào tẩy chay quảng cáo gần như bị lãng quên, còn Google thì vẫn sống khỏe.

Kịch bản nào sẽ rơi vào phong trào tẩy chay Facebook hiện tại? Những tác động đầu tiên, được truyền thông quốc tế chủ yếu đưa tin, là giá cổ phiếu Facebook giảm 8% hôm 26-6, khiến giá trị vốn hóa của công ty giảm 56 tỉ USD, còn tài sản của “ông chủ” Mark Zuckerberg mất 7 tỉ USD.

Những con số này chỉ có tính thời điểm. Giá trị vốn hóa của Facebook ngày 30-6 là 634,92 tỉ USD so với 615,63 tỉ USD hôm 26-6.

Có 7-8 triệu đơn vị đang chạy quảng cáo trên Facebook, và quảng cáo chiếm đến 98% doanh thu 70 tỉ USD của Facebook trong năm 2019. Tưởng là phong trào đánh thẳng vào nồi cơm sẽ có thể khiến Facebook phải thay đổi nhưng không phải thế.

Theo CNN, 100 công ty chi tiền quảng cáo trên Facebook nhiều nhất chỉ đóng góp 4,2 tỉ USD, tức khoảng 6% tổng doanh thu quảng cáo của mạng xã hội này năm ngoái. Nói cách khác, ngay cả khi 100 khách hàng chi bạo nhất không chỉ tẩy chay trong một tháng mà “một đi không trở lại”, thì hơn 90% doanh thu của Facebook chẳng suy suyển gì. Thực tế thì nhiều tên tuổi lớn như Walmart, Disney và Procter & Gamble không (hay chưa) tham gia phong trào tẩy chay.

“Nồi cơm” chính của Facebook là tiền quảng cáo từ hàng ngàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phần nhiều trong số này không tham gia phong trào tẩy chay. Nếu các doanh nghiệp tên tuổi khắp toàn cầu như Coca-Cola có thể ngưng quảng cáo Facebook một tháng mà không ảnh hưởng gì mấy, thì các công ty nhỏ hơn không thể làm thế: không quảng cáo trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh nghĩa là tự làm mình vô hình với khách hàng.

Thứ Facebook “mất” đáng kể trong sự vụ này có chăng là lòng tin của người dùng và các đối tác quảng cáo, và “sự vắng bóng của chuẩn mực đạo đức [nơi Facebook] có thể hủy hoại công ty này”, như lời David Cumming, giám đốc đầu tư công ty quản lý tài sản Aviva Investors, nói với BBC.

Theo BBC, các nhà quảng cáo có quay lưng thì cũng khó khiến Facebook thay đổi mà “chỉ cần làm một người đổi ý”. Cái khó là “người ấy” lại là Mark Zuckerberg, đồng sáng lập, chủ tịch, CEO và người nắm cổ phần chi phối ở Facebook. Nếu Zuckerberg không muốn thì anh sẽ không làm, và các cổ đông khó gây áp lực lên vị CEO này như có thể làm ở các công ty khác.

Zuckerberg thật ra cũng đã có hành động một chút khi Facebook hôm 26-6 loan báo sẽ bắt đầu dán nhãn các nội dung thù hận, nhưng rõ ràng chừng ấy không đủ để phong trào tẩy chay chấm dứt. BBC cho rằng nếu phong trào tẩy chay không chỉ dừng khi hết tháng 7 mà kéo sang tận mùa thu và có thêm nhiều công ty tham gia, năm 2020 có thể là “năm quyết định” với Facebook.

Alan Middleton, giáo sư marketing Đại học York, tin rằng Facebook rồi cũng sẽ đến lúc nhận quả đắng. Có thể Facebook sẽ vượt qua rắc rối lần này, nhưng chuyện tẩy chay này giống như đặt thêm một tảng đá vào vai gã khổng lồ mạng xã hội, vốn đã chịu nhiều áp lực về chuyện bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. Những sự kiện đơn lẻ nối tiếp nhau có thể không có tác động ngay, nhưng cứ “tích lũy” rắc rối như thế thì sẽ đến lúc mọi thứ đủ lớn để “bùng nổ”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận