TTCT - Nhiều trang tin tài chính lớn đã nhận định rằng Việt Nam có thể trở thành người chiến thắng nhờ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc ở giai đoạn hậu COVID-19. Nhưng cuộc đua trở thành công xưởng mới của thế giới, hay thậm chí chỉ để trở thành số 1 trong công thức Trung Quốc + 1 của các tập đoàn toàn cầu không hề dễ dàng. Thông tin được chú ý gần đây là sự kiện Hãng công nghệ Apple của Mỹ bắt đầu sản xuất 30% lượng tai nghe Airpod tại Việt Nam - dấu hiệu cho thấy công ty này đang khẩn trương dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Thực tế thì trước đó, hàng loạt nhà cung ứng cho Apple đã hiện diện tại Việt Nam như Foxconn, Pegatron, Compal Electronics. Gần đây, doanh nghiệp chuyên lắp ráp sản phẩm Airpod cho Apple là Inventec cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam. Nhóm Quad Do mâu thuẫn nhiều mặt, cả kinh tế lẫn chính trị, văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, một phần vì COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xây dựng chiến lược để giảm lệ thuộc thương mại vào đối thủ nhằm hạn chế rủi ro. Từ năm 2018, Mỹ đã ấp ủ xây dựng đề án vành đai thương mại mới với tên gọi là nhóm Quad hòng tạo đối trọng với dự án “Vành đai con đường” của Trung Quốc. Quad, viết tắt của Quadrilateral Security Dialogue (Đối thoại an ninh bốn bên), hiện đã có các thành viên là Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand đang được mời tham gia nhóm này, với mục tiêu không chỉ là an ninh, mà còn là thiết lập lại chuỗi cung ứng và thúc đẩy kinh tế toàn cầu hậu COVID-19. Tương tự một hiệp định thương mại tự do, nếu tham gia Quad, Việt Nam sẽ có cơ hội hiếm có tiếp cận dòng vốn đầu tư và thương mại của nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo Hãng tư vấn A.T. Kearney, trong số 31 tỉ đôla giá trị hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2019 di chuyển khỏi Trung Quốc, khoảng 46% đã được Việt Nam hấp thụ. Tuy vẫn còn tồn tại một số rào cản, nhưng theo quỹ đầu tư Asia Frontier Capital, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không ảnh hưởng đến sự lớn mạnh về lâu dài của Việt Nam, và thêm một lần nữa, Việt Nam sẽ chứng minh mình nằm trong số ít những người chiến thắng từ đại dịch. “Đơn cử, động thái tự do hóa thương mại tại châu Á với hiệp định CP-TPP sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho Việt Nam. Trong bối cảnh các công ty nước ngoài tìm kiếm nhiều cơ sở sản xuất chi phí thấp ngoài Trung Quốc, Việt Nam rõ ràng là một ứng cử viên” - Asia Frontier Capital nhận định. Giữa lúc đại dịch diễn biến phức tạp đầu năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam vẫn tương đối lạc quan. Sau 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký đạt 12,33 tỉ đôla, bằng 84,5% so với cùng kỳ 2019, còn vốn giải ngân ước được 5,15 tỉ đôla, bằng 90,4% so với cùng kỳ. Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn rất sôi động với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Đó là do hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc do chi phí tăng, xung đột thương mại với Hoa Kỳ, đi cùng chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất sau COVID-19”, CBRE nhận định. Ảnh: Macmillan.com Không dễ tận dụng cơ hội Dù vậy, cuộc chiến giành phần vốn đầu tư tháo chạy khỏi Trung Quốc không hề dễ dàng. Lý do là ngoài Việt Nam, các quốc gia trong khu vực cũng nhăm nhe giành phần, trong đó có một số gương mặt tiềm lực lớn và đã có lịch sử phát triển lâu dài. Nếu xem xét các tiêu chí định lượng về thị trường, nguồn lực và kỹ năng lao động, điều kiện hạ tầng và quyết sách của nhà nước, các nước này còn được đánh giá tốt hơn Việt Nam. Đơn cử, quốc đảo đông dân nhất khối ASEAN Indonesia không giấu tham vọng trở thành một thỏi nam châm hút vốn mới hậu COVID-19. Với khoảng 650 cổ phiếu niêm yết và vốn hóa thị trường hơn 500 tỉ đôla, Indonesia tự hào là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á. Theo tờ London Post, nhờ quy mô dân số 260 triệu người, nhiều ngõ ngách chưa được khám phá, tiềm năng của thị trường tiêu dùng Indonesia rất lớn. Đất nước này có thể là lựa chọn của giới đầu tư nếu họ có ý định tham gia các ngành sản phẩm tiêu dùng hoặc sản xuất quy mô lớn. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông trong các năm qua đã giúp Indonesia trở thành địa điểm được nhiều tập đoàn đa quốc gia ưa thích. Indonesia cũng có một chính phủ nhanh nhạy với các đề án hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đại dịch, ngành công nghiệp chủ lực của quốc gia này là xe hơi chịu thiệt hại nặng nề. Chính phủ Indonesia đã nhanh chóng ban hành chính sách giảm thuế mạnh tay, hứa hẹn sẽ giải quyết các điểm nghẽn về quy trình thủ tục và sắp tới đây dự kiến ban hành gói hỗ trợ trị giá 4,7 tỉ đôla để giúp ngành công nghiệp chủ lực này sớm phục hồi, đồng thời thúc đẩy các tập đoàn thế giới đầu tư vào Indonesia. Một đối thủ khác mà Việt Nam phải dè chừng là Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, Ấn Độ hiện là một trong 10 quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới. Người khổng lồ châu Á đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, được xem là một trong số các quốc gia có lực lượng lao động lành nghề nhất trong nhóm các nước đang phát triển. Hãng Apple đang xúc tiến kế hoạch chuyển khoảng 20% năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, còn Facebook mới đây đã chi 5,7 tỉ đôla để sở hữu 9,99% cổ phần trong nền tảng công nghệ Jio Platforms ở nước này. Tính ra trong cuộc chiến giành lấy dòng vốn rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam có nhiều đối thủ rất lớn. Theo CBRE Việt Nam, tuy đánh giá Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu, giới đầu tư vẫn còn một số quan ngại về khả năng của Việt Nam trong việc hấp thụ làn sóng di dời sản xuất từ Trung Quốc. Vẫn tồn tại nhiều thách thức trong nền kinh tế Việt Nam như rủi ro chuyển tải, nguy cơ bị áp thuế cao do mất cân bằng thương mại, hạn chế về cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái các nhà sản xuất thiết bị gốc. “Việc tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền trung ương về các chính sách ưu đãi, quản lý rủi ro và đầu tư công vào cơ sở hạ tầng mà còn là cả sự thích ứng nhanh chóng của các chủ đầu tư nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau từ các đơn vị sản xuất” - CBRE nhận định. Không chỉ phải tìm cách để thu hút nguồn vốn từ các tập đoàn đa quốc gia, giới làm chính sách cũng cần xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư sáng suốt, có tính dài hạn để mang lại sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ kế tiếp. Trong cơ hội đón vốn đầu tư nước ngoài đợt này, Việt Nam vẫn còn cần các lĩnh vực thâm dụng lao động, nhưng không thể để phần gia công nhà máy thuần túy tập trung vào Việt Nam quá nhiều, trong khi các phần gia công chất xám lại đổ sang các nước khác, chẳng khác nào mình “gặm xương”, để người khác xơi hết thịt! Dĩ nhiên, để trở thành một đối tác có thể nhận gia công các khâu sản xuất kỹ thuật cao hay đòi hỏi chất xám thì đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và cơ sở giáo dục Việt Nam cần có sự chuẩn bị mang tính chiến lược. Vai trò và tầm hoạt động của các trường đại học, các viện nghiên cứu do đó phải được đặt đúng vị trí để được đầu tư cả về cơ sở hạ tầng đến con người và các quy chế liên quan. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều công sức và dài hơi nhưng vô cùng xứng đáng nếu kinh tế nước nhà muốn thay da đổi thịt một cách bền vững. Không có chất xám thì không có tự chủ, không có thương hiệu, không có tiếng nói và mãi mãi bị lệ thuộc trong bàn cờ kinh tế toàn cầu. Những lĩnh vực đấy mới là cơ hội giúp các doanh nghiệp sở tại thực sự có ngày vươn mình bước ra khỏi cái bóng nhân công giá rẻ của công xưởng để làm thương hiệu, làm chủ chuỗi cung ứng sau này.■ Khu vực Đông Nam Á về cơ bản không chịu tác động mạnh từ dịch bệnh như nhiều vùng kinh tế lớn khác của thế giới. Khi lệnh cách ly xã hội ở các nước ASEAN lần lượt được dỡ bỏ, họ sẽ có lợi thế đi trước trong cuộc chiến toàn cầu thu hút FDI, điều đang ngày càng trở nên khó khăn, theo Hội nghị Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD). Trong báo cáo “Đầu tư thế giới 2020: Sản xuất quốc tế hậu COVID-19”, UNCTAD dự báo FDI toàn cầu sẽ giảm 30-40% giai đoạn 2020-2021. Câu hỏi lúc này là ASEAN có thể trở thành vùng ngoại lệ hay không? Năm 2018, trong khi dòng FDI giảm hơn 1% trên toàn thế giới, vốn đổ vào ASEAN lại tăng 11,5%. Nửa đầu năm 2019, khi FDI giảm 5% trên toàn cầu, mức này ở ASEAN lại là tăng 20%, cũng theo UNCTAD. “Trong dài hạn, chuỗi cung ứng toàn cầu được tiên đoán sẽ giảm quy mô, thu hẹp hơn nhiều vì những rủi ro mà đại dịch đã cho thấy rõ - Supavud Saicheua, tư vấn viên ở hãng tài chính Thái Lan Kiatnakin Phatra, nói với Asia Times - Vậy thì ta cần phải có mức độ khả tín cao về mặt y tế để tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”. Tags: Việt NamFDINhóm QUADBộ tứ kim cươngĐón sóng đầu tư
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
'Anh cả' công ty chứng khoán bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).