Francois Trịnh Đức và giấc mơ Việt

HUY ĐĂNG - QUANG THỊNH 07/04/2024 08:42 GMT+7

TTCT - Dưới cái nắng gắt của tiết trời Sài Gòn tháng 3, Francois Trịnh Đức vẫn nở nụ cười hưng phấn với những cô cậu bé vô cùng dễ thương.

Dưới cái nắng gắt của tiết trời Sài Gòn tháng 3, Francois Trịnh Đức vẫn nở nụ cười hưng phấn với những cô cậu bé vô cùng dễ thương. Đây mới là lần thứ hai VĐV từng giành á quân World Cup môn bóng bầu dục đặt chân đến Việt Nam, quê hương của ông nội anh.

Francois Trịnh Đức trong ngày hội bóng bầu dục do anh và bạn bè tổ chức cho trẻ em Việt Nam. Ảnh: QUANG THỊNH

Francois Trịnh Đức trong ngày hội bóng bầu dục do anh và bạn bè tổ chức cho trẻ em Việt Nam. Ảnh: QUANG THỊNH

Khoảng 10 năm trước, cả Francois lẫn bà con ở Việt Nam hầu như chưa biết gì về nhau.

Tìm về nguồn cội

Câu chuyện về Francois được chú ý sau khi tờ báo thể thao hàng đầu của Pháp L'Equipe năm 2015 đăng bài viết nói về nguồn gốc phức tạp của nhiều VĐV trong tuyển bóng bầu dục quốc gia Pháp. Francois là nhân vật trung tâm trong ba người lên hình bìa báo năm đó.

"Danh tính của họ, vẻ ngoài của họ, là nhân chứng cho một phần lịch sử nước Pháp", L'Equipe viết. Câu chuyện về gia đình Francois được khắc họa khá đầy đủ trong bài viết. 

Năm 1939, Trịnh Đức Nhiên, ông nội Francois, nằm trong nhóm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm việc cho quân đội mẫu quốc trong Thế chiến II. Năm đó ông Nhiên mới 20 tuổi và bị đưa vào làm việc ở một xưởng vũ khí.

Gần 10 năm sau, ông đến Paris học nghề thợ may, rồi chuyển về Saint Livrade miền Lot. Tại đây, ông làm nghề thợ may và lập gia đình với một phụ nữ người Argentina gốc Ý. Hai vợ chồng sinh được ba con trai và một con gái. 

Philippe, cha của Francois Trịnh Đức, là anh cả. Đó cũng gần như tất cả những gì Francois biết về ông nội, vốn đã qua đời hai năm trước khi anh sinh.

"Ông nội không kể nhiều về cuộc đời ông cho cha tôi, vì vậy tôi biết rất ít về ông. Thời đi học, cha tôi, các chú, cũng như tôi thi thoảng bị trêu chọc vì gốc gác châu Á. Có lẽ với thế hệ của cha tôi, định kiến đó nặng nề hơn. Còn ở thời của tôi, đội bóng tràn ngập những người có nguồn gốc từ mọi miền thế giới, chẳng ai lấy đó làm phiền", Francois kể.

Cũng vì chịu sự kỳ thị màu da, ông chú Albert của Francois đã tránh xa gốc gác Việt Nam của mình, đến mức không bao giờ đặt chân vào những quán ăn châu Á. Ngược lại, người chú tên Daniel tràn đầy nhiệt huyết trong việc tìm về quê cha đất tổ. 

Francois cho biết ông Daniel Trịnh Đức từng xin nghỉ việc một năm để về Việt Nam, tìm lại quê hương của ông Trịnh Đức Nhiên - một ngôi làng cách Hà Nội khoảng 30km. Phần tình cảm quê hương đó của chú Daniel đã được truyền đến Francois.

Francois thừa nhận anh chẳng biết gì nhiều về Việt Nam, nhưng thông qua chú Daniel và một số bạn bè người Pháp sinh sống, kinh doanh tại Việt Nam, anh mỗi lúc một tò mò hơn về cội rễ của mình. 

Năm 2019, cầu thủ bóng bầu dục lừng danh này đã dành thời gian nghỉ ngơi giữa mùa giải để lần đầu tiên về lại quê hương của ông nội. Anh tham gia một chương trình kết nối do đại sứ quán Pháp tổ chức, và có buổi hướng dẫn, truyền cảm hứng về môn bóng bầu dục cho các học sinh Việt Nam.

Sau năm năm, Francois - vừa chính thức giải nghệ ở tuổi 38, trở lại Việt Nam lần thứ hai với những kế hoạch ấp ủ phát triển môn bóng bầu dục.

Francois Trịnh Đức trong màu áo đội tuyển Pháp. Ảnh: Planet Rugby

Francois Trịnh Đức trong màu áo đội tuyển Pháp. Ảnh: Planet Rugby

Sẽ đưa bóng bầu dục đến Việt Nam

"Năm năm trước, tôi đến Việt Nam lần đầu theo chương trình của đại sứ quán Pháp và hầu như chưa biết gì về nơi đây. Lần này thì khác, tôi có những kế hoạch thực sự ở Việt Nam. Môn bóng bầu dục chưa được phát triển ở đây, tôi hy vọng mình có thể truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ", Francois nói. 

Thông qua kết nối với Thomas và Pierre, hai người bạn Pháp sống ở Sài Gòn, Francois tổ chức chuỗi chương trình giao lưu với các trường học và mái ấm tại Việt Nam.

Ngày 23-3, cầu thủ từng có 66 lần khoác áo tuyển Pháp tổ chức buổi tập huấn bóng bầu dục "Rugby Cùng Nhau Launching Event" (Sự kiện ra mắt: Cùng chơi bóng bầu dục) tại Phú Nhuận. Hàng trăm trẻ em từ các trường quốc tế và mái ấm thuộc nhiều độ tuổi khác nhau đã được Francois hướng dẫn chơi bóng bầu dục cơ bản.

Bà Tracey Brownrigg, giám đốc dự án cộng đồng Trường Quốc tế Anh (BIS) nói: "Tôi cảm thấy rất vui khi các em có cơ hội tìm hiểu về môn bóng bầu dục cùng nhà vô địch Francois và được Francois hướng dẫn. Ở đây, các em không chỉ học cách chơi bóng bầu dục căn bản, mà còn được học hỏi về kỷ luật, tính kiên nhẫn, bền bỉ. Những yếu tố này là một phần trong tính cộng đồng mà các em sẽ được trang bị từ bây giờ và cho tương lai".

Nhật Thiên (mái ấm Ánh Sáng) chia sẻ: "Em rất bất ngờ khi biết anh Francois là nhà vô địch thế giới môn bóng bầu dục. Em đã được tập bóng bầu dục vài lần với các huấn luyện viên khác, nhưng lần này đặc biệt quá khi có mặt của nhà vô địch thế giới".

Bóng bầu dục không hẳn là mới toanh ở Việt Nam. Thông qua các trường quốc tế và cộng đồng người nước ngoài, những năm gần đây môn thể thao này đã được giới thiệu với người Việt nói chung và trẻ em nói riêng. Dẫu vậy, bóng bầu dục vẫn khó trở nên phổ biến ở người Việt, vốn đã yêu thích bóng đá, bóng chuyền, rồi mới đến một số môn đồng đội khác như bóng rổ.

"Tôi biết người Việt hiện không ưa chuộng bóng bầu dục. Không phải chỉ người Việt, mà ở cả châu Á cũng không có nhiều quốc gia mê môn này. Tôi chỉ hy vọng có thể giúp trẻ em Việt Nam hiểu thêm về môn thể thao này, và có thêm một trò chơi để giải trí", Francois chia sẻ. Xa hơn nữa, anh cho biết sẵn sàng mở một trung tâm đào tạo bóng bầu dục ở Việt Nam nếu khả thi.

Trong lần trở lại Việt Nam thứ hai, Francois có nhiều thời gian hơn để làm điều đó. "Lần trước tôi chỉ có vài ngày, còn lần này tôi có một tuần. Không việc gì phải vội vàng cả. Bây giờ tôi giải nghệ rồi nên sẽ có thêm nhiều thời gian. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về quê hương mình", Francois chia sẻ.

Một tuần ở Sài Gòn, anh tá túc ở một khu căn hộ tại Bình Quới và không nề hà việc đi dạo giữa trưa nắng, ngắm cảnh ven sông, cũng như nhâm nhi đủ các món ăn truyền thống cùng Thomas và Pierre, những người có thể dạy cho Francois nói tiếng Việt.■

Francois Trịnh Đức từng là ngôi sao bóng bầu dục hàng đầu ở Pháp. Anh chơi môn này từ khi 4 tuổi ở trường, trước khi chuyển đến một lò đào tạo hàng đầu ở Montpellier. Phần lớn sự nghiệp, Francois khoác áo Montpellier Herault, đội bóng từng vô địch châu Âu.

Năm 2008, khi 22 tuổi, anh được triệu tập lên tuyển Pháp. Ở World Cup 2011, Francois ghi điểm quan trọng giúp Pháp đánh bại Anh ở tứ kết. Ở chung kết, Pháp thua New Zealand với tỉ số sát nút 7-8, còn bản thân Francois để lại nhiều nuối tiếc với một pha suýt ghi điểm vào cuối trận.

Hơn một năm trước, anh chính thức giải nghệ trong màu áo CLB Bordeaux rồi trở về Montpellier sinh sống cùng gia đình. Cựu danh thủ 38 tuổi cho biết anh không có ý định làm HLV, nhưng lại rất hào hứng với vai trò của một đại sứ bóng bầu dục ở Việt Nam.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận