Frida, người đàn bà vẽ

DIÊN VỸ 18/07/2004 01:07 GMT+7

TTCN - Frida Kahlo (1907-1954) là một gương mặt nữ kiệt xuất trong làng hội họa Mexico và thế giới, dù rằng bà chưa hề học vẽ tại trường lớp nào. 50 năm sau ngày Frida qua đời (13-7-1954), những dòng người đang đổ về bảo tàng Ngôi Nhà Xanh ở Mexico City để chiêm ngưỡng các tác phẩm của bà.

Phóng to
Năm 2002, bộ phim Frida (với Salma Hayek trong vai Frida Kahlo, Alfred Molina vai Diego Rivera) đã trở thành một sự kiện nghệ thuật khi được đề cử sáu giải Oscar và đã được trao hai giải. Đây là lần đầu tiên gương mặt hội họa huyền thoại và bí ẩn này được thể hiện rất thành công trên màn bạc với diễn xuất tuyệt vời của Salma Hayek – tiếc là cô không được trao Oscar nữ diễn viên xuất sắc nhất dù đã được đề cử.
TTCN - Frida Kahlo (1907-1954) là một gương mặt nữ kiệt xuất trong làng hội họa Mexico và thế giới, dù rằng bà chưa hề học vẽ tại trường lớp nào. 50 năm sau ngày Frida qua đời (13-7-1954), những dòng người đang đổ về bảo tàng Ngôi Nhà Xanh ở Mexico City để chiêm ngưỡng các tác phẩm của bà.

Đó là cách người ta tưởng nhớ một tài năng nghệ thuật hiếm có mà cuộc đời gắn liền với những biến động xã hội quan trọng của xứ sở Mexico và với một tên tuổi lớn của hội họa hiện đại, một trong các họa sĩ vẽ tranh tường lừng danh nhất: Diego Rivera.

Kỷ niệm 50 năm ngày Frida Kahlo qua đời, hàng loạt các triển lãm, hoạt động được tổ chức tại Mexico City, nơi bà đã sinh ra, lớn lên và sống suốt 47 năm ngắn ngủi nhưng đầy ắp sáng tạo. Nơi bà ra đời – Ngôi Nhà Xanh, cái tên được đặt từ màu chàm mà Frida tự tay sơn nó – một loạt các tranh tự họa chân dung với ánh mắt nhìn soi mói như bóc trần người xem của Frida được trưng bày. Đó là những tự họa được Frida vẽ gắn với những biến cố của đời bà: cái tai nạn xe buýt dữ dội khiến bà tàn tật suốt đời, dẫn tới bà không thể có con, và nhất là mối tình và cuộc hôn nhân đầy sóng gió với Diego Rivera.

Phóng to
Tự họa (1940)
Sau khi Frida qua dời, chính Diego đã biến Ngôi Nhà Xanh thành một bảo tàng vào năm 1958 và tới nay nó là một trong những địa chỉ nghệ thuật được nhiều người lui tới nhất tại Mexico. Mỗi năm có tới 325.000 người đã đến vùng ngoại ô Coyoacan của Mexico City tham quan ngôi nhà màu chàm ẩn mình trong vườn cây xanh tươi, xem tranh của Frida cũng như tận mắt nhìn thấy chiếc giuờng ngủ của Frida, nơi bà thường ngồi vẽ tranh cho tới ngày giã biệt cuộc sống.

Hiện Ngôi Nhà Xanh được quản lý bởi một tổ chức quần chúng và nó vừa được tôn tạo trong thời gian một năm với kinh phí lên đến 130.000 USD, nhằm phục hồi như nguyên trạng cái màu chàm sơn bên ngoài, màu mà Frida đặc biệt ưa thích. Nơi đây còn có hơn 26.000 bức thư và các tư liệu khác liên quan đến Frida chỉ mới được hệ thống lại để sẽ phục vụ công chúng đến tìm hiểu về một nhân cách độc đáo.

Frida Kahlo được đông đảo người dân Mexico yêu mến không chỉ qua các tác phẩm và người tình Rivera mà còn vì những lý tưởng cộng sản của bà cũng như cách bà đề cao văn hóa bản địa qua những trang phục của người da đỏ Mexico bà thường mặc và các đồ nữ trang dân dã thường đeo, để rồi tất cả đã đi vào các tranh tự họa, tạo nên một nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang sau này. Cả cuộc sống có gì đó rất digan của bà đã tác động không ít tới nhiều nghệ sĩ tạo hình, nhà văn và nhiều nhân vật khác.

Phóng to
Chân dung tự họa với Rivera (1943)
Ở Mexico, hình ảnh, tranh Frida in trên áo pull cùng các tranh phiên bản của bà được bán trên khắp các đường phố bên cạnh những hàng lưu niệm, hình ảnh về hai thủ lĩnh nghĩa quân nông dân là Pancho Villa và Emiliano Zapata, hai thần tượng của những người Mexico nghèo khó. Thậm chí như bà Hilda Trujillo của nhà bảo tàng Frida Kahlo nói: “Bạn có thể thấy những hình ảnh được bày bán trong các khu chợ đã gắn Frida với Thánh nữ xứ Guadeloupe, bởi cái nỗi đau và sự chịu đựng trong đạo Công giáo đã được liên hệ với những gì Frida đã trải qua”.

Thật vậy, sự sáng tạo kỳ diệu đã đến với Frida từ sau một tai nạn xe buýt thảm khốc khiến cô gái trẻ 18 tuổi gần như gãy nát hết xương trong cơ thể và phải sống với một bộ khung xương mới có kim loại kết nối. Frida đã trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật trong suốt cuộc đời còn lại và đã chịu đựng biết bao đau đớn. Nhưng trong những ngày chỉ có thể nắm dài trên giường bệnh, cô đã tập vẽ.

Chính người phát hiện ra tài năng của cô gái trẻ đầy thương tật là Diego Rivera, khi đó đã là một tên tuổi lừng lẫy. Năm Frida 22 tuổi, cô thành vợ của Diego, lúc đó lớn hơn Frida 20 tuổi. Đôi vợ chồng nghệ sĩ đã có những ngày thật hạnh phúc và có cả những thời gian chịu đựng nhau bởi cả hai đều là những tính cách quyết liệt và họ đều có riêng những mối tình khác. Người ta từng nói nhiều đến những liên hệ tình cảm giữa Frida Kahlo và một nhân vật cộng sản nổi tiếng sống lưu vong tại Mexico lúc đó: Leon Trotsky.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận