"Gaslighting" - Từ của năm 2022: ai thao túng ai, và thao túng thế nào?

TƯỜNG ANH 20/12/2022 06:49 GMT+7

TTCT - "Gaslighting" được từ điển Mỹ Merriam-Webster chọn làm từ của năm 2022. Muốn hay không, người ta phải đồng ý với chọn lựa này, bởi từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, người dùng mạng quan tâm thời sự không ít thì nhiều đã vấp phải tin giả, tin sai, tin thao túng của các bên.

Gaslighting - Từ của năm 2022:  ai thao túng ai, và thao túng thế nào? - Ảnh 1.

Thành viên tổ chức Extinction Rebellion NYC giăng biểu ngữ "Ngưng thao túng chúng tôi, hãy nói sự thật" tại một cuộc tuần hành ở New York, tháng 4-2022. Ảnh: Shutterstock

Nghĩa đen của "gaslighting" là thắp sáng bằng đèn khí. Nó mang thêm ý nghĩa ẩn dụ sau vở kịch kinh dị Gaslight (1938) của nhà văn Anh Patrick Hamilton, kể về một người chồng đã khiến đèn khí trong nhà lu đi khi lục tìm kho báu giấu trên gác mái. 

Nhưng khi người vợ than phiền về việc đèn mờ và tiếng ồn trên gác mái thì người chồng phản bác, dần dần người vợ không còn tin vào nhận thức của chính mình. 

Năm 1944, bộ phim cùng tên được phát dựa trên vở kịch, khiến từ đó "gaslighting" trở thành ẩn dụ cho việc thao túng tâm lý, khiến ai đó mất lòng tin vào bản thân và thậm chí mất trí.

"Gaslighting" - thao túng cho một kế hoạch lớn hơn

Giải thích nghĩa từ, từ điển Merriam-Webster viết: "Khi gaslighting được sử dụng lần đầu vào giữa thế kỷ 20, nó đề cập đến một kiểu lừa dối giống như trong phim. Chúng tôi định nghĩa (…) gaslighting là việc một người thao túng tâm lý trong một thời gian dài khiến nạn nhân đặt câu hỏi về sự chính xác của những suy nghĩ, nhận thức về thực tại hoặc ký ức của chính họ, dẫn đến nhầm lẫn, mất tự tin và lòng tự trọng, sự không chắc chắn về cảm xúc hoặc tâm thần ổn định của một người, và sự phụ thuộc vào kẻ gây ra nó".

Tuy nhiên, từ điển phát triển thêm: Trong những năm gần đây (...), gaslighting còn đề cập đến một điều gì đó đơn giản và rộng lớn hơn: "hành động hoặc cách làm gây hiểu lầm một cách trắng trợn cho ai đó, đặc biệt là vì lợi ích cá nhân". Trong cách sử dụng này, gaslighting tương đương với các thuật ngữ khác liên quan đến các hình thức lừa dối và thao túng hiện đại, chẳng hạn như tin giả, deepfake và trí tuệ nhân tạo.

Lý do Merriam-Webster chọn gaslighting là từ của năm vì trong năm 2022 "số lượt tìm kiếm liên quan đến gaslighting trên trang web từ điển đã tăng 1.740% so với năm 2021, cho thấy mức độ quan tâm cao đối với khái niệm này".

Peter Sokolovsky, biên tập viên chính của từ điển Merriam-Webster, cho biết "gaslighting" lan truyền rất nhanh trong ngôn ngữ Anh 4 năm qua khiến ê kíp làm từ điển ngạc nhiên. "Chúng tôi không tìm hiểu lý do tại sao mọi người tìm kiếm từ này, đó có thể là bất kỳ lý do gì: từ kiểm tra chính tả nhanh đến định nghĩa, thậm chí có thể chỉ muốn biết liệu đó là một hoặc hai từ, viết dính liền hay có dấu gạch nối".

Theo ông, người ta dùng gaslighting khi muốn đề cập một âm mưu cố tình gây lầm lạc cho một kế hoạch lớn hơn. Không giống "lying" - mô tả việc nói dối giữa các cá nhân, hay "fraud" - lừa đảo, liên quan đến các tổ chức, gaslighting có thể được sử dụng trong bối cảnh cá nhân lẫn chính trị. 

Một trong những dẫn chứng được nêu là phát biểu của hạ nghị sĩ Carolyn B. Maloney, chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách của Quốc hội Mỹ, vào ngày 14 -9- 2022: "Cuộc điều tra của ủy ban chúng tôi cho thấy rõ ràng… Big Oil đang thao túng tâm lý (gaslighting) công chúng. Các công ty này tuyên bố họ là một phần của giải pháp cho biến đổi khí hậu, nhưng các tài liệu nội bộ tiết lộ rằng họ vẫn tiếp tục kinh doanh như bình thường".

Tiếng Anh có rất nhiều cách để mô tả việc "nói dối", từ các thuật ngữ trung lập như "giả dối" (falsehood) và "không trung thực" (untruth) đến nói thẳng như "dối trá" (deceitfulness) hay chính thức, uyển ngữ như "quanh co" (prevarication), "trí trá" (dissemble) hoặc "bịa đặt" (fib) nghe có vẻ vô thưởng vô phạt. Và Chiến tranh lạnh đã mang đến cho chúng ta "thông tin sai lệch" (disinformation) nhuốm màu gián điệp. Trong những năm gần đây, với sự gia tăng mạnh mẽ của các kênh và công nghệ được sử dụng để đánh lừa, "gaslighting" đã trở thành từ được ưa chuộng để chỉ nhận thức về sự lừa dối. Đây là lý do tại sao nó đã giành được vị thế "từ của năm".

Trường hợp Nga - Ukraine

Muốn hay không, người ta phải đồng ý với chọn lựa của từ điển Merriam-Webster, bởi từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2-2022, người dùng mạng quan tâm thời sự không ít thì nhiều đã vấp phải tin giả, tin sai, tin thao túng của các bên. Đặc biệt, theo thời gian, các kiểu tin giả và tin thao túng này ngày càng tinh vi.

Gần đây nhất có thể kể vụ blogger gốc Nga Alexander Nevzorov loan tin trên kênh Telegram của mình nguyên nhân hỏa hoạn ở trung tâm mua sắm Mega Khimki (ngoại ô Matxcơva) hôm 9-12 là do thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine gây nên. Vụ cháy làm chết nhân viên bảo vệ và thiêu hủy một diện tích rộng 17.000m2. 

Tuy nhiên, điều tra của Ủy ban Tình trạng khẩn cấp khu vực Matxcơva thông báo nguyên nhân cháy là do công việc hàn xì vi phạm tiêu chuẩn an toàn, khẳng định không có UAV nào được phát hiện ở Khimki. Các nguồn tin Ukraine, tìm kiếm bằng chứng để khẳng định chiến tích của quân đội Ukraine, cũng không lần ra dấu vết UAV.

Người Nga phải nhanh chóng đính chính vì việc một trung tâm mua sắm lớn trở thành nạn nhân UAV Ukraine - trong bối cảnh hiện nay - không những không gây đồng cảm cho nạn nhân vụ tấn công (nếu quả thực nó do UAV Ukraine thực hiện) mà còn khiến Matxcơva "mất điểm" trong việc phòng vệ, nhất là khi gần đây Times loan tin Lầu Năm Góc đã "bật đèn xanh cho Kiev tấn công trong lãnh thổ Nga" - điều trước đó họ từng can ngăn.

Vì vậy, một tin thoạt nhìn tưởng là tin giả vô thưởng vô phạt trong rừng tin giả hiện nay lại có thể phục vụ cho "một kế hoạch rộng lớn hơn" là tuyên truyền về năng lực phòng vệ sa sút của Nga - một phép thử để Kiev mạnh tay hành động, đồng thời tăng thêm tầm xa cũng như số lượng vũ khí xin viện trợ từ phương Tây. 

Nó còn gây thắc mắc cho dư luận Nga, khi mới mấy ngày trước đó (5-12) đã xảy ra hai sự cố ở các sân bay quân sự hai tỉnh Saratov và Ryazan của Nga (mà phía Ukraine cho là kết quả của các UAV cảm tử Ukraine hoạt động trong lãnh thổ Nga, trong khi Nga bác bỏ và thông báo chỉ là "những sự cố nhỏ đang được điều tra"). 

Có lẽ không thừa khi nhắc tác giả tin này Alexander Nevzorov, cựu công dân Nga nay là người Ukraine, từng là tác giả của nhiều tin giả, trong đó có các tin "bác sĩ Nga đánh bệnh nhân" hay "có các tù nhân trọng tội tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine". Vào tháng 5-2022, sau khi loan tin (giả) quân Nga bắn vào nhà bảo sanh Mariupol, blogger đang sống ở nước ngoài này đã bị Nga phát lệnh truy nã. 

Nhưng tin đã được đưa lên mạng và sống đời sống độc lập của nó, mấy ai quan tâm mục đích kẻ tung tin!

Gaslighting - Từ của năm 2022:  ai thao túng ai, và thao túng thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh: Merriam-Webster

Lời trần tình của bà Merkel

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel (giữ chức vụ từ năm 2005 đến 2021) thì liên quan gì tới "gaslighting"? Ấy nhưng hãy đọc trả lời phỏng vấn của bà cho tờ báo Đức Die Zeit hôm 7-12 (ria.ru), liên quan tới các lập trường của Đức trong thúc đẩy thỏa thuận Minsk 1 (2014) và Minsk 2 (2015), bà nói: "Thỏa thuận Minsk là một nỗ lực để cho Ukraine thời gian... Ukraine của năm 2014 - 2015 không phải là Ukraine của ngày hôm nay. Như chúng ta đã thấy trong cuộc giao tranh quanh Debaltsevo năm 2015, Nga có thể dễ dàng giành chiến thắng khi đó. Và tôi rất nghi ngờ rằng các nước NATO sau đó có thể đã làm nhiều như họ đang làm bây giờ để giúp Ukraine. Tất cả chúng ta đều thấy rõ đây là một cuộc xung đột bị đóng băng, rằng vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nhưng đó chính là điều đã mang lại cho Ukraine thời gian quý báu".

Có nghĩa là bà Merkel thừa nhận việc ký kết Minsk 1 và Minsk 2 trên thực tế không nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Donetsk và Lugansk mà chỉ nhằm "câu giờ" để tiếp tay Ukraine chuẩn bị cho một kế hoạch về sau. Suốt một thời gian dài không chỉ nước Nga mà công chúng đã bị thao túng để tin rằng phương Tây cũng thật lòng tìm cách thoát khỏi khủng hoảng. Thế nên, một độc giả Pháp thảng thốt đặt câu hỏi khi đọc được trả lời phỏng vấn này: "Vậy hóa ra Putin không nói dối sao?" (Inosmi.ru ).

Bà Merkel nói cũng trong phỏng vấn: "Tôi cho rằng việc khởi xướng chuyện gia nhập NATO của Ukraine và Gruzia, được thảo luận vào năm 2008, là sai lầm. Không quốc gia nào trong số này có các điều kiện tiên quyết cần thiết cho việc này, hậu quả của một quyết định như vậy đã không được cân nhắc từ phía hành động của Nga chống trả Gruzia và Ukraine, cũng như từ quan điểm của NATO về các quy tắc hỗ trợ của nó".

Chỉ một nửa sự thật được kể, một nửa còn lại bị bưng bít, theo cách mà nhà báo kỳ cựu Glenn Greenwald vào tối 7-12 kể trên Tucker Carlson show: "Anh nhắc đến lập luận rằng Zelensky "đang trong chiến tranh , nên ông ta phải hạn chế quyền tự do", nhưng hãy quay trở lại năm 2021, một năm trước khi Nga xâm lược, và anh sẽ tìm thấy các bài viết về việc ông ta đóng cửa các đài truyền hình đối lập và các đảng chính trị đối lập…".

Gaslighting - từ của năm 2022 - là một nhắc nhở không thừa: những mâm cỗ thông tin được dọn sẵn có thể đầy độc tố.■

Quá trình "gaslighting" đã diễn ra không phải mới đây. Một độc giả người Ukraine đã viết cho tổng biên tập Cổng thông tin Regnum (Nga) Marina Akhmedova hôm 28-11, khi thành phố Vinnitsa (miền trung Ukraine) đổi tên quảng trường Lev Tolstoy.

Bà viết: "Tôi sống ở Ukraine. Tôi biết rõ những người sống ở đây, và thật sự tôi đã khóc trước sự chuyển hóa những phẩm chất tâm hồn của chúng tôi... Tôi có thể nói chắc chắn rằng cái chính là đa số chúng tôi không kết nối các sự kiện ngày nay với các sự kiện năm 2014 ở Donbass. Hơn nữa, dân thường ở miền trung Ukraine tin rằng những người ở đó (tức dân Donbass - NV) phải chịu trách nhiệm vì muốn ở bên người Nga và do vậy phải ráng mà chịu đựng, trong khi với hầu hết những người còn lại, cuộc chiến chỉ bắt đầu vào ngày 24-2-2022 với cuộc tấn công bước ngoặt của quân đội Nga. Không ai tìm kiếm mối quan hệ nhân quả của tất cả những sự kiện này, và nếu có thể chứng minh được điều gì đó, họ sẽ ngay lập tức nhắc về Crimea và nói rằng, theo Bản ghi nhớ Budapest, lãnh thổ Ukraine thuộc về những người sống ở Ukraine, rằng người Nga đã chiếm đoạt nó một cách bất hợp pháp… Đó là cách họ cố gắng chia cắt chúng tôi, và đó là cách mọi chuyện xảy ra… Cư dân của đất nước này tin rằng các "chiến binh" của họ đang chiến đấu cho quê hương khi kẻ chiếm đóng đến".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận