Georg Solti & 31 tượng vàng Grammy

XUÂN TÙNG 16/02/2023 06:19 GMT+7

TTCT - Ca sĩ Beyonce vừa làm nên lịch sử khi giành giải Grammy thứ 32 trong sự nghiệp. Nhưng hãy nói về người vừa mất kỷ lục vào tay cô: nnhạc trưởng Georg Solti (1912-1997).

Thần thái khi chỉ huy dàn nhạc của Georg Solti.

Thần thái khi chỉ huy dàn nhạc của Georg Solti.

Ngày 6-2, Beyonce đã làm nên lịch sử khi giành chiến thắng ở bốn hạng mục trong tổng số bảy đề cử tại lễ trao giải grammy 2023, nâng tổng số tượng máy hát vàng trong bộ sưu tập của nữ diva lên con số 32. 

Con số này cũng giúp Beyonce vượt qua thành tích 31 tượng vàng của Georg Solti, nhạc công và nhạc trưởng huyền thoại người Anh gốc Hungary, trở thành người giành nhiều chiến thắng nhất tại lễ trao giải của Viện hàn lâm Thu âm Mỹ.

Không thể chối cãi rằng cả hai đều là những nghệ sĩ lớn, đã ghi những dấu ấn làm thay đổi cục diện ngành âm nhạc thế giới. Dù không thắng được các giải thưởng lớn năm nay, Beyonce vẫn giành về phần mình ánh hào quang, báo chí tung hô cô cũng đã đủ nhiều. 

Nhưng hãy cùng hướng mắt nhìn về Georg Solti, người vừa "đánh mất" kỷ lục giải thưởng hiệp hội thu âm vào tay nữ diva người Mỹ. Nếu còn trên dương thế, có lẽ ông cũng sẽ không thấy tiếc bởi danh sách Grammy cũng chỉ là một phần khiêm nhường trong danh sách những thành tựu ông đạt được trong 7 thập niên theo đuổi âm nhạc của mình.

Sự nghiệp lẫy lừng

Với hơn 70 năm cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc giao hưởng, Sir Georg Solti (1912 - 1997) được coi là nhạc trưởng lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 và là biểu tượng hàng đầu của nền văn hóa châu Âu và Mỹ. 

Ông được nhớ tới với vai trò giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Chicago (Mỹ), nơi ông xác lập kỷ lục với 31 giải Grammy cho vai trò nhạc công và chỉ huy cho nhiều bản thu âm giao hưởng. Ông đã thể hiện khả năng lãnh đạo và chỉ huy của mình tại hầu hết các dàn nhạc giao hưởng lớn trên thế giới, bao gồm Nhà hát opera Hoàng gia Anh, Dàn nhạc giao hưởng Paris, Dàn nhạc giao hưởng London.

Georg luôn được nhớ tới với phong cách chỉ huy đầy năng lượng cùng sự hiểu tường tận các tác phẩm được trình diễn. Với mái đầu trọc và dáng người tầm trung, ông thường dẫn các tác phẩm giao hưởng thời kỳ Lãng mạn với những nét chỉ, cú khoát tay góc cạnh tựa hồ đang vẽ lên dàn giao hưởng một cách đầy thôi thúc. Đã không ít lần ông bị thương bởi chính cây gậy chỉ huy của mình chỉ vì quá nhiệt huyết với bản nhạc. 

Theo William Barry Furlong, tác giả cuốn hồi ký của Solti - Season With Solti: A Year in the Life of the Chicago Symphony, đôi lúc người nhạc trưởng "trông như một chú cò bị liệt, người co quắp mất kiểm soát, khuỷu tay giật, đầu gối rung, thân mình quằn quại như thể đang lôi âm nhạc từ cơ thể mình ra theo kiểu Dionysus [vị thần Hy Lạp được cho là đại diện cho sự khoái lạc mất kiểm soát]".

Thần thái Geogr Solti khi chỉ huy dàn nhạc.

Thần thái Geogr Solti khi chỉ huy dàn nhạc.

Sinh năm 1912 tại Budapest trong một gia đình gốc Do Thái, Solti theo học trường nhạc Ernö Fodor tại thủ đô Hungary từ năm lên 10, và chỉ hai năm sau đã được nhận vào Học viện Franz Liszt, nơi ông theo học piano, sáng tác và chỉ huy từ những tên tuổi lẫy lừng như Bartók, Dohnányi, Kodály và Leo Weiner. "Tôi có rất nhiều may mắn trong đời, một trong số đó là được sinh ra trong một thị trấn có những nhạc viện tuyệt vời nhất trên thế giới" - Solti nói trong một bài phỏng vấn năm 1987.

Ông tiếp tục theo đuổi âm nhạc tại Budapest, nơi ông giành được cơ hội chỉ huy dàn nhạc lần đầu năm 1938 với vở opera Nozze di Figaro của Mozart. Không được diễn tập trước với ban nhạc, vở diễn vẫn diễn ra trôi chảy, báo hiệu một thành công rực rỡ cho sự nghiệp của nhạc trưởng trẻ - cho đến khi thông tin về quân đội Hitler tiến sát biên giới Hungary cắt ngang buổi diễn. "Bạn bè tôi đều vội vã về nhà trong lúc giải lao giữa giờ. Đó giống như một gáo nước lạnh dội vào đêm diễn ra mắt của tôi" - ông nhớ lại.

Nhận thấy thiên hướng bài Do Thái ngày càng lớn mạnh trong Dàn nhạc giao hưởng Hungary, Solti chuyển đến Thụy Sĩ năm 1942 và sống bằng tài năng piano trước khi đảm nhận vị trí giám đốc Dàn nhạc opera Bavaria (Đức) năm 1945. Từ đây, ông tiếp tục đảm nhận vị trí cao nhất tại Nhà hát opera Frankfurt năm 1962, trước khi vươn tới bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp: giám đốc Nhà hát opera Hoàng gia Anh tại London.

Với tài năng âm nhạc và quản lý của mình, ông đã đưa tên tuổi Nhà hát opera Hoàng gia Anh lên tầm hàng đầu thế giới, giúp ông nhận được tước hiệu Hiệp sĩ từ Nữ hoàng Anh. Năm 1969, ông chuyển tới Dàn nhạc giao hưởng Chicago, nơi ông cống hiến không ngừng nghỉ đến tận năm 1991 - cũng là nơi giúp ông hiện thực hóa được hết khả năng của mình trong vai trò nhạc trưởng và nhạc công.

Chỉ sau một thời gian ngắn, dàn nhạc dưới sự dẫn dắt của Solti đã xây dựng được khả năng chơi nhạc với chất lượng sáng, sạch, sánh ngang với các bản thu âm trên đĩa than. Giữa thập niên 1970, các đêm diễn của dàn nhạc luôn trong tình trạng cháy vé; đêm diễn thường niên của dàn nhạc tại New York cũng được săn đón nhiệt liệt.

Geogr Solti.

Geogr Solti.

Thành tựu trọn đời

Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn, Georg Solti còn là một nhân vật quan trọng trong ngành công nghiệp thu âm với các di sản còn để lại ảnh hưởng đến ngày nay. Sự nghiệp thu âm của ông chính thức bắt đầu với Hãng đĩa Decca (Anh) vào năm 1945 với vai trò nhạc công chơi piano, song hành cùng Georg Kulenkampff trong các bản violin sonatas của Beethoven, Brahms và Mozart.

Solti trở thành hạt nhân của một nhóm nhà sản xuất và kỹ sư âm thanh có tên gọi Decca boys đã góp công xây dựng nhiều cải tiến trong ngành thu âm. "Lúc ấy là thời điểm TV vừa mới xuất hiện, kế đó là TV màu và video - tương lai của đĩa hát và máy hát cũng còn đang bỏ ngỏ với sự xuất hiện của các định dạng mới" - vợ ông, Valerie Pitts, còn được gọi là phu nhân Solti (Lady Solti), nhớ lại.

Với ý chí quyết tâm cải tiến chất lượng thu âm cho các đĩa hát sản xuất hàng loạt, Solti cùng các cộng sự đã sáng tạo ra "Cây Decca" - một thiết bị gồm ba microphone thu âm từ mọi hướng, móc phía trên phòng thu âm để thu lại âm thanh phía trên đầu người chỉ huy dàn nhạc, đi kèm nhiều microphone có định hướng đặt phía sau dàn nhạc. "Chúng tôi dùng ít micro hơn đối thủ, nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn" - John Pellowe, một cộng sự của Solti tại Decca, chia sẻ.

Những thành tựu của Solti đã làm nên một cuộc cách mạng trong âm nhạc và thiếp lập một tiêu chuẩn âm thanh mà hậu thế vẫn còn đang cố gắng theo đuổi. Bản thu Ring des Nibelungen (Richard Wagner) của Solti từ những năm 1960 được BBC Music Magazine gọi là "bản thu xuất sắc nhất mọi thời đại".

 Geogr Solti chỉ huy dàn nhạc.

Geogr Solti chỉ huy dàn nhạc.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Solti đã thu tổng cộng 40 vở opera và 250 đĩa các loại. Ông giành giải Grammy đầu tiên (hạng mục Thu âm opera xuất sắc nhất) tại mùa giải thứ 5 (năm 1963) với vở Aida, trước khi thắng thêm 29 tượng vàng khác cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 5-9-1997. 

Nhưng chuỗi giải thưởng của ông không dừng lại - album Georg Solti - The Last Recording thắng hạng mục Album cổ điển xuất sắc nhất ở Grammy 1998, và ngay năm sau đó, ông được truy tặng thêm giải Thành tựu trọn đời từ Viện hàn lâm Thu âm Mỹ vì các đóng góp của mình cho ngành thu âm opera.

Dù đã trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất trong ngành, Solti vẫn được các nhạc công nhớ tới với lòng yêu mến và tôn kính. "Nhiều khi Solti nói chuyện trực tiếp với tôi - chuyện hiếm thấy bởi các nhạc trưởng thường giao tiếp với nhạc công thông qua nhà sản xuất. Ông ấy hỏi ý kiến tất cả mọi người - ông ấy đảm bảo vở diễn là công trình tập thể và Solti là một phần trong tập thể ấy" - Pellowe nhớ lại.

Trong những năm cuối đời, Solti vẫn thường xuyên đi khắp nơi trên thế giới vì hoạt động nghệ thuật, miễn là sức khỏe còn cho phép. Ông gần như không có một quê hương cố định: Một người Hungary tha hương đến Thụy Sĩ, lập gia đình ở London, mua nhà ở Ý, sau đó theo đuổi sự nghiệp ở Vienna và Chicago. Ông dường như là một người không quốc tịch nhưng đồng thời cũng là công dân của toàn cầu.

Theo lời phu nhân Solti, ông "ghét từ cosmopolitan (chủ nghĩa thế giới, thuộc về toàn cầu). Là con người không còn gia đình và quê hương, nhà với ông ấy là bất cứ đâu có gia đình, cũng là bất cứ đâu ông ấy đang theo đuổi âm nhạc. Ông ấy sinh ra là cho thế giới; với xúc cảm sâu sắc dành cho thế giới, cùng một niềm tin vào một châu Âu tốt đẹp hơn, ngay từ khi ông ấy bắt đầu".■

Xét về Grammy như một cuộc chơi kín, với mỗi lá phiếu - tưởng chừng "ẩn danh" và vô tư tuyệt đối - đều có ít nhiều cân nhắc đến khía cạnh chính trị và kinh doanh, Beyonce và Georg lại chọn cho mình những vị thế khác nhau.

Nữ diva với sự nghiệp pop-R&B lẫy lừng đã cùng người chồng Jay-Z xây dựng một "đế chế" trị giá hàng tỉ USD trong làng giải trí Mỹ; mọi sản phẩm, mọi sự xuất hiện của cô đều được tính toán kỹ càng bởi ê kíp chuyên nghiệp nhằm hướng tới vinh quang trên các sân chơi lớn.

Sinh ra trong một gia đình nhà nghề, sự nghiệp của Bey đã vùn vụt tiến lên ngay từ thuở mới chạm ngõ showbiz nhờ sự mát tay người mẹ kiêm quản lý Tina Knowles, cũng như những mối quan hệ đắt giá của người cha Matthew Knowles - nhà sản xuất danh tiếng, cũng là một thành viên lâu năm của hội đồng chấm giải Grammy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận