“Ghi nhớ Sochi” và ván cờ mới ở Trung Đông

TƯỜNG ANH 01/11/2019 22:11 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng người Kurd ở Syria xem như tạm được giải quyết hôm 17-10, sau khi hai ông lớn Nga - Thổ hội đàm suốt sáu tiếng để chốt lại một phương án khả dĩ cho tất cả các bên. Thế giới sẽ như thế nào sau thỏa thuận này?

Ông Putin (trái) đã đứng ra làm trung gian dàn xếp cho sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria do ông Erdogan phát động. Ảnh: Reuters
Ông Putin (trái) đã đứng ra làm trung gian dàn xếp cho sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria do ông Erdogan phát động. Ảnh: Reuters

“Cứ để họ nghịch cát”

Có thể hiểu như thế lời đáp trả của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông này bị chê trách vì tuyên bố rút quân Mỹ khỏi bắc Syria hôm 7-10, “bỏ rơi” người Kurd, “bật đèn xanh” cho việc hai ngày sau Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở chiến dịch “bình định” người Kurd ở biên giới Thổ - Syria. Một hành động được những người ủng hộ phe người Kurd cho rằng Mỹ bỏ ngõ cho Nga dọn vào xây dựng “bàn thạch” hiện diện của mình trong khu vực.

Trung thành với phong cách “ngoại giao twitter”, ông Trump viết về sự can dự này của Nga: “Ở đó có nhiều cát, họ có thể chơi đùa”, đồng thời không quên nhắc lại sự sụp đổ của Liên Xô thuở nào mà ông cho rằng nguyên nhân là vì “đổ quá nhiều tiền vào Afghanistan”.

Nhưng nói gì thì nói, trên lãnh thổ Syria đã có nguy cơ chiến tranh lần nữa vào 9-10, khi ông Erdogan khởi động chiến dịch trấn áp người Kurd. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích, bộ binh được xua qua biên giới, buộc người Kurd phải bắt tay với quân chính phủ Syria mà trước đó họ từng giao chiến để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 13-10, chính quyền tự trị người Kurd đã đồng thuận với Damascus triển khai quân dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ hòng đẩy lui quân đội Ankara. Giữa lúc tình hình sôi sục thì Nga tuyên bố về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Erdogan ngày 17-10 tại Sochi, và kết quả là một bản ghi nhớ 10 điểm được hai bên thông qua, chấm dứt những lo sợ về một cuộc chiến tranh trực diện. “Soi kính lúp” để tìm thực chất thỏa thuận qua những lời lẽ ngoại giao trong những văn bản loại này, các nhà bình luận đã “diễn giải” như sau (xem Globalresearch.ca ngày 23-10):

Điều 1 và 2, tuyên bố “hai bên cam kết giữ gìn... toàn vẹn lãnh thổ Syria và an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ” cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ trấn an Nga rằng họ không quan tâm đến việc sáp nhập bất cứ lãnh thổ Syria nào, vì thế Nga đã xác nhận lại sự ủng hộ đối với hoạt động “chống khủng bố” của Thổ Nhĩ Kỳ và sự phản đối mục tiêu ly khai của người Kurd.

Trong điều 3, “hiện trạng” được đề cập (ở Tel Abyad và Ras Al Ayn, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km) đơn giản là hợp thức hóa sự hiện diện vô thời hạn các lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều 4 nói Nga không đồng tình với những cáo buộc được Syria lặp đi lặp lại rằng Thỏa thuận Adana (ký năm 1999 theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đòi Syria chấm dứt ủng hộ “Đảng lao động Kurdistan PKK, tuyên bố nhóm này là khủng bố”) không có hiệu lực cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này.

Điều 5 quy định quân cảnh Nga và biên phòng Syria, bắt đầu từ 12g ngày 23-10, sẽ tiến vào phần Syria của biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bên ngoài khu vực chiến dịch quân sự của Thổ, để tạo điều kiện loại bỏ các phần tử vũ trang người Kurd khỏi khu vực biên giới tới 30km, một chiến dịch dự kiến sẽ kết thúc trong 150 giờ. Sau đó Nga sẽ cùng Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung “vùng an toàn” 10km cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều 6 nói lực lượng vũ trang người Kurd bị buộc phải rút khỏi các thành phố mang tính chiến lược và biểu tượng Manbij và Tal Rifat, làm suy yếu đáng kể lực lượng người Kurd ở Syria.

Điều 7 quy định “hai phía sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để chống sự thâm nhập của khủng bố”, nhưng việc nhập nhằng không nêu rõ cụ thể nơi nào và điều gì sẽ được bảo vệ được hiểu đơn giản là sự tái khẳng định Nga ủng hộ các kế hoạch của Ankara.

Điều 8, 9 và 10 là các tuyên bố chung chung, khá mập mờ về vấn đề người tị nạn và “một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột Syria”.

Được và mất

Để tóm tắt, theo Thỏa thuận Sochi, trong vòng 150 giờ, tức khoảng một tuần kể từ ngày 23-10, các đơn vị người Kurd phải rút quân 30km khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và các đơn vị Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra chung tại khu vực diễn ra chiến dịch quân sự ở bắc Syria trong 10km, ngoại trừ thành phố Qashmili (thủ phủ của khu tự trị người Kurd, còn được gọi là Rojava).

Có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được “vùng an toàn” 10km, trong khi Nga cam kết với Syria hỗ trợ họ bằng cách giúp Damascus giải trừ những “đồng minh” người Kurd mới của Syria khỏi khu vực ảnh hưởng của Ankara, mặc dù quân đội Syria (SAA) và lính biên phòng nước này được phép kiểm soát một số đoạn của đường biên giới quốc tế “từ thành phố Kobani đến Tell Abayad và từ Ras Al-Ayn đến biên giới Iraq” với sự hỗ trợ của quân cảnh Nga (theo RT).

Tuy thỏa thuận Sochi là một thắng lợi to lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ (được hai cường quốc Mỹ và Nga bật đèn xanh cho “vùng an toàn” dù thẳng thắn mà nói, việc đem quân vào một quốc gia có chủ quyền là phi pháp), nhưng không nhất thiết là một mất mát lớn với Syria, kể cả khi nó là sự “xuống thang” đáng kể so với những tuyên bố trước đó của Tổng thống Assad.

Bởi Ankara đã “nhân nhượng” khi chỉ nhận được 1/3 diện tích vùng an toàn họ muốn, còn sự nhân nhượng của Damascus là “ủng hộ hoàn toàn” lời hứa của Nga rằng Syria sẽ giải trừ vũ khí và loại bỏ các “đồng minh” người Kurd mới, đổi lấy việc quân đội Syria được phép tuần tra chung một phần trong đường biên giới quốc tế cùng quân cảnh Nga.

Damascus cũng mở rộng được khu vực tài phán với phần lãnh thổ trước đây họ không kiểm soát được. Còn Mỹ yên ổn rời khỏi sân chơi này với lý do nó không quan trọng với mình, phần nào vẫn giữ được thể diện.

Các lực lượng quân sự người Kurd ở bắc Syria chắc chắn là những người thua thiệt khi số phận của họ bị Matxcơva và Ankara định đoạt. Giấc mơ ly khai của họ phải xếp lại - giấc mơ liên kết với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq tiếp tục là giấc mơ (dù Nga đang kêu gọi Syria “nghiêm túc cân nhắc” về một mức độ tự trị cho người Kurd ở khu vực đông bắc trong dự thảo hiến pháp mới của Syria).

Nga cũng được cho là phía hưởng lợi trong ván cờ này. Tuy nhiên, hãy nghe một chuyên gia Nga Fyodor Lukyanov phân tích trên Aurora ngày 23-10: “Nhìn chung, tình hình khá mơ hồ. Một mặt, những gì diễn ra không mâu thuẫn với logic và thậm chí tạo ra những điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề.

Nhưng cần chú ý rằng sự tương tác giữa các tay chơi chính là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ không dựa trên niềm tin lẫn nhau và sự trùng hợp lợi ích, mà là trên hiểu biết hợp lý rằng không thể đáp ứng lợi ích của một bên mà không liên lạc với hai bên còn lại.

Mặt khác, sự căng thẳng về cảm xúc và tuyên truyền ngày càng tăng, khiến bất kỳ ý đồ hợp lý hoặc thậm chí là xác đáng nào cũng có thể trở thành con tin của nó. Một diễn ngôn công khai đang gây áp lực lên Erdogan, Trump và thậm chí Putin.

Không phải ngẫu nhiên mà điệp khúc bình luận đang vang lên ở phương Tây cho rằng Nga là người chiến thắng chính, mọi thứ đều phụ thuộc vào Nga, Nga quay tất cả. Còn Trump và những người khác đang thua thiệt, vô tình hay cố ý bị kích động phải “bắt kịp” chiến thắng của Matxcơva, và lý tưởng nhất là đặt Nga trở lại chỗ của mình. Ở Syria đang là một thời khắc quyết định nữa và khoản cược được đặt đang rất cao. Cái chính ở đây là thần kinh phải vững vàng và tính toán phải lạnh lùng”.

Những hệ quả

Phân tích cục diện thế giới hậu “ghi nhớ Sochi”, các chuyên gia vẽ ra nhiều kịch bản. Trong đó có những suy đoán cho rằng bằng chiến dịch “bình định” người Kurd trên đất Syria, ông Erdogan “đã đưa ra một cơ chế mới cho trật tự thế giới”. Cụ thể, nhà bình luận Ruslan Gorevoi viết: “Ông Erdogan đưa quân vào Syria để thiết lập hòa bình - vậy thì tại sao ông Putin không làm tương tự - đưa quân vào Donbass cũng vì mục đích như vậy: tái lập hòa bình. Cộng đồng thế giới đã tiêu hóa được thủ đoạn của Thổ Nhĩ Kỳ, ắt sẽ nuốt trọng được kế sách của chúng ta. Dẫu sao thì ông Erdogan đã mở hộp Pandora và thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa” (aurora.network 23-10).

Paul Antonopolous thuộc “Trung tâm các nghiên cứu đồng bộ hóa” dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo cái được gọi là hiểm họa “di cư ngược” của những tay khủng bố quốc tế trở về xứ sở của họ, một khi Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ 12 nhà tù và tám trại giam giữ các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do người Kurd quản lý. Ông cũng cho biết IS đang mở rộng sang các nước Đông Nam Á sau khi bị đánh bại ở Syria.

Theo ông Shoigu, hiện có khoảng 60 nhóm được xem là khủng bố hoạt động trong khu vực này. Năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga từng tiết lộ việc gia đình Erdogan có dính líu tới hoạt động buôn bán dầu hỏa với IS. Mặt khác, tờ The Washington Post ngày 12-8-2014 từng dẫn lời một chỉ huy IS cho biết “phần lớn các tay súng tham gia hàng ngũ chúng tôi hồi đầu chiến tranh đã đến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các trang thiết bị và hậu cần”.

Bên cạnh đó là thông tin nhiều chỉ huy cao cấp của IS đã được điều trị ở các bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ. Với những “dính líu” này, sẽ ít có cơ may Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn những tay súng IS đào thoát khỏi các trại tù Syria”, Antonopoulos viết trong bài báo “Nhà nước Hồi giáo ở châu Á: Những hậu quả “ngoài ý muốn” của Thổ Nhĩ Kỳ”!■

Một điều đáng ngạc nhiên là Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã “ủng hộ hoàn toàn” kế hoạch Sochi, sau khi được ông Putin thông báo chi tiết cuộc gặp Nga - Thổ hôm 17-10. Trước đó cũng trong ngày, ông Assad từng tuyên bố “SAA sẵn sàng ủng hộ bất kỳ nhóm nào tiến hành cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ”.

Có thể suy đoán hợp lý rằng thái độ thay đổi của ông Assad là do tuyên bố mạnh mẽ của Nga về việc Nga sẽ tạo điều kiện để thực thi “Thỏa thuận Adana” trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ này không hẳn là “thất bại”, vì nó vẫn giữ được hòa bình quốc tế và thúc đẩy quá trình giải quyết xung đột tiến lên phía trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận