Gia đình Johnny Trí Nguyễn mở lò võ

JOHNNY TRÍ NGUYỄN 18/03/2012 04:03 GMT+7

TTCT - Sau một thời gian “dựng nghiệp” ở quê nhà, diễn viên điện ảnh Johnny Trí Nguyễn cùng gia đình quyết định mở võ đường Liên Phong (Trung tâm huấn luyện Liên Phong) sẽ khai trương tháng 4 này ở quận 7, TP.HCM.

Johnny Trí Nguyễn và ba anh (ông Nguyễn Chánh Sử - con trai thứ năm của “Nhạn trắng Cà Mau” Nguyễn Chánh Minh) từ Mỹ trở về dự lễ khai trương, đã dành cho TTCT một cuộc trò chuyện.

Từ phải qua: ông Nguyễn Chánh Sử cùng Johnny Trí Nguyễn và đạo diễn Charlie Nguyễn - Ảnh: Gia Tiến

“Nhạn trắng Cà Mau” Nguyễn Chánh Minh cùng gia đình của ông không xa lạ với người Cà Mau nên tuy ông mất đã lâu nhưng những huyền thoại vẫn còn lưu truyền.

Gia đình ông với các con, các cháu vẫn nối tiếp truyền thống võ học của gia đình, trong số họ có nhiều người nổi tiếng như diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín (con trai út), các cháu nội đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà sản xuất phim Twany Trúc Nguyễn hay diễn viên Johnny Trí Nguyễn. Ai cũng được học võ từ nhỏ, nhưng theo đuổi và nuôi dưỡng niềm đam mê võ thuật thì có lẽ Johnny Trí Nguyễn xứng đáng là chân truyền.

Chính vì đam mê đó mà trên miếng đất 1.700m2 (đường Lê Văn Lương, quận 7) ba mẹ mua tính để dưỡng già sau này, Johnny Trí Nguyễn đã xây một võ đường giản dị, đậm chất Việt với nhà vách đất, lợp lá, ao cá, cây xanh và không gian thì vô cùng tĩnh lặng.

Trưa hè nắng gắt nhưng bàn trà nước trong khuôn viên võ đường thì thoáng đãng và mát lành, ông Nguyễn Chánh Sử trầm ngâm bên ly trà xanh sau bữa cơm chay giản dị, khẽ kể:

- Dù tôi sinh ra trong gia đình võ nhưng từ nhỏ lại chỉ biết cầm cây viết thôi. Ba tôi là một người dựng nghiệp bằng võ thuật. Ông say mê võ thuật lắm, nghe thấy thầy hay ở đâu là tìm đến xin học. Ba tôi đã học 50, 70 đường quyền, rồi lại lên núi Thất Sơn, núi Cấm gặp các ông nổi tiếng thời đó như ông Tám Bằng, ông Ba Đạo... những người sống trên núi mà gặp cọp chỉ giống gặp con chó, đánh là cọp chạy dạt đi.

Ba tôi đã học cả những người như thế. Mới học thì đánh có lúc thua lúc thắng, học nhiều thì mình đánh được năm có khi cũng ăn lại một. Nhưng khi đã học khắp nơi, nhận được những tinh túy của nhiều người, ba tôi đã phối hợp lại, liên kết các tinh hoa võ thuật mà ông học được thành một môn phái riêng mà ông gọi là Liên Phong quyền.

Ba tôi sống vào thời thực dân Pháp đô hộ, chế độ thực dân lúc đó đã làm xã hội VN mình loạn lạc, hỗn độn ghê lắm, có lẽ để mình không chống lại họ được. Ba tôi đi đâu cũng phải mang theo song sỉ là những ống thép che cánh tay, che cẳng chân để nếu đánh nhau cũng không bị thương tích. Tôi cũng học võ của ba tôi từ khi 5-6 tuổi nhưng đến đại học thì tôi lo học không luyện võ nữa. Chỉ còn em tôi là tiếp tục theo nghề...

Nhưng đó là lúc trước, còn bây giờ tôi hay các con tôi như Trí (Johnny Trí Nguyễn) hay Trực (Charlie Nguyễn) đều chỉ muốn sao cho thân tâm hòa hợp nên Liên Phong không còn là môn võ thuật để chiến đấu, để đánh nữa mà chỉ còn là môn thể thao, tập luyện, kết hợp nhiều môn võ khác để càng ngày Liên Phong càng hay hơn...

Võ là chính xác

* Tại sao ba của bác lại có biệt danh là “Nhạn trắng Cà Mau”? Lúc nhỏ, hình ảnh ba trong hình dung của bác như thế nào?

- Ông Nguyễn Chánh Sử: Biệt danh “Nhạn trắng Cà Mau” có được là bởi ba tôi lúc nào cũng vận đồ bà ba trắng với tay áo dài qua tận bàn tay, để che những song sỉ bảo vệ tay mà ông luôn đeo trong người. Khi cần mặc đồ tây, comple ông cũng mặc đồ trắng. Nhưng đó là hình thức thôi. Còn điều mà tôi khâm phục ba tôi là dù tôi luyện cỡ nào cũng sẽ không bằng ông.

Ví dụ như sau khi luyện võ rồi ông bỏ hết đi theo kháng chiến chống Pháp. Nhưng lúc đó Pháp bố ráp dữ quá nên gia đình tôi về lại Sài Gòn, ba tôi về thăm và bị bắt. Khi ông được thả, gia đình trở nên nghèo khó, mướn căn nhà giăng mùng dưới đất, nhà nhiều chuột lắm. Mỗi ngày ba tôi bắt được 4-5 con bỏ vô lồng cho chúng tôi chơi. Ba tôi nằm ngủ mà chuột chạy qua, ông chộp dính liền. Sau này tôi mới hiểu đó là một công lực phi thường.

Rồi tôi dạy học ở trường quân cảnh Vũng Tàu, trong phòng cũng có một con chuột chạy qua chạy lại mà tôi canh hoài không thể bắt được. Lúc đó mới hiểu lời ba tôi nói: Võ không phải là lẹ hay chậm mà võ là sự chính xác. Như khi người ta đánh mình, mình chỉ cần lách nhẹ là hụt. Lẹ quá đỡ rồi mới trúng mà chậm quá thì trúng rồi mới đỡ. Như con gấu ở bờ suối, cá nhảy lên nó chộp dính liền là vì sự chính xác chứ không phải lẹ hay chậm.

* Liên Phong quyền có bí mật gì về những đòn đánh hay thế đánh không? Là một người theo đuổi võ thuật, anh Johnny Trí Nguyễn chắc biết rành?

- Johnny Trí Nguyễn: Ưu điểm của Liên Phong quyền do ông nội tôi lập ra có năm thân pháp trong khi các võ phái khác (khi nhỏ chúng tôi còn được học boxing, aikido, judo... nên có dịp so sánh) như aikido có hai thân pháp chỉ đi thẳng nên không uyển chuyển. Trong năm thân pháp của Liên Phong quyền, ba cái chính là thẳng, xiên, ngang nhưng biến hóa có thể đi vòng, đi chéo. Nếu đem ra chiến đấu thì mình đi nhanh lắm, đối phương không tránh được.

Liên Phong quyền cũng không đỡ để đánh, mà tùy địch thủ, họ tấn công là mình ra đòn. Thân pháp của Liên Phong quyền khiến địch thủ không đánh trúng được do đó Liên Phong quyền chỉ có tránh và đánh, vừa liên kết vừa liên tiếp, ra đòn không phải một mà liên tiếp 7-8 đòn, địch thủ sẽ không đỡ kịp. Liên Phong quyền cũng có ưu điểm ở cái chân.

Chân trong Liên Phong quyền không trụ cứng ở một chân nào hết mà luôn ở thế quân bình giữa hai chân đứng với trọng tâm ở giữa thân, nên nếu địch thủ muốn phá chân không thể phá được vì hai chân đều tạm, vững vàng và di chuyển nhanh.

Là cháu nội, tôi đã học và theo đuổi niềm đam mê của mình trong thế giới võ thuật gần 30 năm nay. Nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi lập Trung tâm huấn luyện Liên Phong cùng với người bạn tri kỷ và là một người am thông võ thuật - Patrick Huấn Nguyễn.

Trẻ em nghèo sẽ là võ sinh

* Võ đường Liên Phong được mở ra từ mong muốn nối tiếp truyền thống võ học của gia đình. Ngoài ra anh còn muốn chia sẻ võ học với nhiều người khác?

- Johnny Trí Nguyễn: Từ khi về VN làm phim đến giờ, gắn bó, ở lại và mở võ đường, chúng tôi đã có ý muốn đào tạo ra những người có thể vừa tập võ để khỏe mạnh vừa để tạo ra nhiều người cung ứng cho phim hành động Việt. Chúng tôi muốn phát huy tinh thần thể thao hòa hợp trong võ học thông qua Liên Phong quyền. Tinh thần của võ đường Liên Phong sẽ không còn là của riêng một môn phái, của riêng gia đình tôi nữa.

Võ đường Liên Phong khi hoạt động sẽ có lớp tự do ai học cũng được, có lớp do tôi tuyển trực tiếp miễn phí dạy cho các em có năng khiếu, chủ yếu dành cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo. Võ đường cũng sẽ có lớp dành cho sinh viên với giá cả thích hợp, không nằm trong giờ hành chính. Mỗi lớp tối đa 30 người.

* Đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, học võ rồi học đạo, xa quê rồi về lại quê. Bây giờ bác tâm niệm điều gì?

- Ông Nguyễn Chánh Sử: Con người ta sống sinh ra một tần số, khi mình chết đi tần số ấy vẫn còn đó, nếu ai cũng có tần số giống mình thì họ sẽ gặp mình, giàu nghèo sang hèn đều vậy, đều do ba cây cọ thân miệng ý vẽ ra. Nhân nào quả đó. Muốn cho hình ảnh tốt đẹp, hoàn cảnh tốt đẹp cho mình thì tại sao mình không gieo hành vi tốt đẹp ngay bây giờ, những lời nói hay bây giờ!

Mình ăn ngủ bao nhiêu, nhu cầu của mình bao nhiêu, nếu biết đủ thì sẽ không mệt thân. Chạy theo ham muốn thì chết thân mình thôi. Người biết đạo đỡ ở chỗ đó. Loài người làm không ít điều xấu, nhưng nếu chỉ thấy mặt xấu thì mình không có khi nào vui hết, vậy tại sao không đổi lại, nhìn cái tốt cái hay để được cười, cười hoài. Có phải sướng không!

* Cảm ơn bác và anh Trí về sự chia sẻ.

Những năm 1930, ông nội tôi là Nguyễn Chánh Minh (Nhạn trắng Cà Mau) theo đuổi đam mê võ thuật và học được rất nhiều bài quyền khác nhau từ nhiều võ sư trên khắp miền Nam Việt Nam. Ông chắt lọc tinh túy, đúc kết các kỹ thuật đó để dạy cho các con và những môn đệ của mình, ông gọi phong cách này là Liên Phong - “liên kết những ngọn gió”. Các con của ông sau này đã học và truyền dạy lại những kinh nghiệm của mình cho con cháu và các môn đồ của họ.

Võ thuật ngày nay không còn là một phương tiện dành riêng cho chiến đấu và tranh chấp, mà là một môn thể thao phổ thông rèn luyện tinh thần và thân thể. Chúng tôi tin rằng võ học là một điểm tương đồng nơi mà chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta là bản chất của thiên nhiên. Bởi chúng tôi quan niệm: trong mô hình tổng thể của thiên nhiên, mọi sản phẩm của tạo hóa đều sẵn sàng chờ đợi để được khám phá.

Chúng tôi tin rằng võ thuật cũng tuân theo nguyên tắc đó. Những kỹ thuật của võ học không phải được phát minh ra mà được khám phá bởi nhiều cá nhân trên thế giới từ thuở hoang sơ của loài người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận