Gia đình là nơi nương náu

DIỆU NGUYỄN GHI 24/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT- LTS: Sau sáu tuần mở diễn đàn về hiện tượng giới trẻ tự tử, Câu chuyện cuộc sống tuần này xin khép lại bằng tư vấn của bác sĩ (BS) tâm lý Nguyễn Minh Mẫn, trưởng đơn vị tâm lý lâm sàng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.

Minh họa: Phạm Giao
Minh họa: Phạm Giao


Từng làm việc tại khoa hồi sức chống độc tại Bệnh viện Kiên Giang 12 năm, ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn cho biết đã gặp rất nhiều trường hợp tự tử, có những ngày khoa tiếp nhận 7 ca tự tử.

Năm 2004, một nhóm BS của khoa đã thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề tự tử trong 5 năm (1999 - 2003) có hơn 2.500 trường hợp tự tử, trong đó độ tuổi từ 15-25 chiếm hơn 50%. Theo BS Mẫn, các BS ở đây đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu vấn đề tự tử ở trẻ em diện hẹp, chỉ mang tính địa phương.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thêm và thực tế lâm sàng tại TP.HCM gần đây, theo BS Mẫn, từ những điểm chung ở các ca tự tử của giới trẻ có thể đưa ra một số biện pháp ngăn chặn và điều trị hiệu quả.

Một số ý kiến và nghiên cứu đã chỉ ra rằng tự tử thường có xuất phát điểm từ stress đến trầm cảm. Để giảm thiểu stress tốt nhất là đưa về trạng thái cân bằng. Nhưng bằng cách nào?

- Chúng ta cần xác định được các yếu tố gây ra stress từ cuộc sống của mỗi người, có thể chia làm tám yếu tố chính: xã hội; gia đình; bản thân (đang có các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật, ngoại hình, giá trị sống bản thân...); bạn bè, người yêu, người thân; học hành, sự nghiệp, thăng tiến; kinh tế, tài chính; giải trí, thể thao, thư giãn; lòng tin.

Trong đó, sức khỏe bản thân cũng cần được xác định có bị bạo hành, lạm dụng tình dục hay nghiện chất, nghiện game... không? Khi xác định rõ các yếu tố gây ra stress, ta cần lượng giá, xem xét đâu là những nguyên nhân chính, khẩn cấp cần can thiệp; đâu là nguyên nhân phụ, dễ dàng gạt qua, rồi lập kế hoạch can thiệp thích hợp, hiệu quả cho từng trường hợp.

Tuy nhiên, có những trường hợp người trong cuộc tự xác định lại không chính xác, do vô tình hay cố ý lờ đi nguyên nhân sâu xa gây ra căng thẳng cho mình, không dám đối diện với sự thật nên khó có thể tự cân bằng hiệu quả. Chính vì vậy, bản thân người bị stress từ trung bình đến nặng, có thể có dấu hiệu của rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, cần hợp tác tích cực với nhà trị liệu.

Làm sao người bệnh có thể tự xác định để được can thiệp sớm hơn nữa không, thưa bác sĩ?

- Thông thường, một số người bị stress nhẹ có thể tự xác định tình trạng căng thẳng cũng như sức khỏe của mình và học cách tự kiểm soát stress một cách thích hợp.

Tuy nhiên, khi stress ở mức từ trung bình đến nặng, hoặc có kèm theo các hậu quả của nó như lo âu, trầm cảm thì bản thân người bệnh rất bối rối, khó nhận ra tình trạng của mình.

Khi đó, gia đình, người thân, bạn bè, thầy cô giáo có thể phát hiện sớm những dấu chứng stress, cảnh báo cho người bệnh, khuyên họ tìm đến chuyên gia tâm lý thích hợp hoặc những hỗ trợ thích hợp, giúp họ sớm thích ứng với stress, cân bằng lại cuộc sống.

Yếu tố môi trường giữ vai trò thế nào?

- Yếu tố môi trường ở đây được hiểu từ nhiều khía cạnh tự nhiên, xã hội (trường học), gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng quan trọng đến hành vi tự tử.

Trong đó, gia đình và xã hội bao gồm trường học và các chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục sức khỏe, chính sách sức khỏe... góp phần giúp cho từng cá nhân có thể nhận thức đúng, có thái độ đúng và hành động phù hợp, tránh rơi vào stress nặng, mất cân bằng nghiêm trọng, bế tắc để rồi quyết định tự tử.

Ở các nước phương Tây, trẻ được phát triển trên nền tảng giáo dục thể chất và tinh thần từ rất sớm. Nhân cách được hình thành theo chuẩn mực xã hội rõ ràng. Trẻ được đào tạo để giải quyết vấn đề và kiểm soát stress rất tốt theo cách rất tự nhiên.

“Nếu té con sẽ làm gì?” - Trẻ tự tìm giải pháp cho mình là một ví dụ rất đơn giản là vậy. Còn trẻ em Việt Nam thường hay bị áp đặt, ngoan ngoãn làm theo những gì người lớn bảo ban, dạy dỗ, làm hạn chế khả năng tự lập, tự tin, tự kiểm soát của trẻ. Nền tảng gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.

Khi nào cần đến bác sĩ trị liệu?

- Khi bạn bị stress nặng, rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc có những bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể gây ra các chứng trầm cảm do căn nguyên thực thể, bạn cần gặp BS tâm lý lâm sàng, BS tâm thần kinh chẩn đoán rõ ràng, xác định vấn đề chính xác thì mới có thể trị liệu hiệu quả.

Nếu chỉ là stress đơn thuần, có thể chỉ cần trị liệu tâm lý, phối hợp với các phương pháp cân bằng, thư giãn... Nếu nặng, có kèm các vấn đề thực thể, cần phải phối hợp các phương pháp trên với thuốc thích hợp và theo dõi trong một liệu trình chặt chẽ.

Trong điều trị tâm lý, có một phần gọi là trị liệu gia đình. Gia đình là nền tảng hình thành nhân cách của trẻ, có thể là căn nguyên gây nên những rắc rối, căng thẳng cho trẻ nếu không giáo dục đúng cách và gia đình còn là môi trường chính yếu, quan trọng giúp trẻ vượt qua stress để cân bằng lại cuộc sống.

Ví dụ: một trẻ bị căng thẳng, sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý được xác định do gia đình gây ra. Khi được hỏi, trẻ luôn cho rằng “chính bố mẹ là nguyên nhân khiến con như thế này”.

Những lúc này, bố mẹ nên cùng con ngồi lại, tìm hiểu xem mọi chuyện xuất phát từ đâu, bố mẹ đúng sai chỗ nào, nếu bố mẹ sai thì xin lỗi, còn nếu hiểu lầm thì đây là cơ hội để bố mẹ giải thích. Bố mẹ không nên dùng quyền hành áp đặt quá, nhiều khi vô lý đối với trẻ, tạo nên sự bất công ngấm ngầm làm trẻ càng lo sợ, mất tự tin, có những phản ứng tiêu cực, hoặc bị bế tắc.

Giải pháp đẹp sẽ là vậy nhưng rất nhiều bố mẹ không công nhận mình sai. Nhà trị liệu cũng gặp nhiều khó khăn với khách hàng của mình, nhiều trường hợp ngưng hỗ trợ vì khách hàng không hợp tác “trị liệu gia đình”.

Hãy cho con thấy an tâm sau mỗi vấp ngã, gia đình là nơi để quay về nương náu. Nền tảng gia đình sẽ xây dựng cho con nhân cách tốt, khi con gặp vấn đề, gia đình là nơi để con giãi bày và hợp tác điều trị cùng BS.■

Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự tử được nhận dạng, tóm tắt “SAD PERSONS”:

- Sex (giới tính): Theo nghiên cứu, phụ nữ hù dọa chết nhiều nhưng quyết định đi đến cái chết thì nam giới nhiều hơn.

- Age: lớn hơn 60 tuổi, nhóm tuổi này khi đã quyết định đi đến cái chết, dễ tự tử hơn người trẻ.

- Depression: trầm cảm.

- Previous attempts: đã từng tự tử, thoát chết trước đây.

- Ethanol abuse: nghiện rượu, hoặc các chất khác.

- Rational thinking loss: ảo tưởng, ảo giác.

- Suicide in family: gia đình có người từng tự tử.

- Organized plan: lên kế hoạch tự tử.

- No spouse: không được sự hỗ trợ cần thiết.

- Serious illness: bị bệnh nặng hoặc có những đau đớn không kiểm soát được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận