Già Petro đã chết ra sao?

BORIS EKIMOV 03/04/2019 21:04 GMT+7

TTCT- Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nga Boris Ekimov.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

Mùa hè. Tháng tám. Ban đêm đã mát mẻ, còn ban ngày mặt trời thiêu đốt. Xóm chúng tôi ồn ào: trẻ con, khách khứa, còn tôi yên ổn ở nhà láng giềng, chỗ bà Panya, ở cái kho nhỏ, trong xưởng của già Petro quá cố. Ở đây, trên chiếc bàn thợ, giữa các mỏ cặp và máy trục gá cho việc thiếc, có đủ chỗ. Tôi bày biện sách vở, giấy bút, ngồi xuống. Nhà kho lem luốc, với những bức tường trắng, trong nó mát lạnh.

Già Petro mất vào cuối tháng sáu. Mới đây chúng tôi đã tưởng niệm bốn mươi ngày. Cái kho nhỏ này thuộc sở hữu hoàn toàn của già - một cái xưởng. Giờ chẳng ai buồn liếc vào đây, tôi ngồi sau bàn thợ. Phía dưới khuỷu tay phải là cái mỏ cặp, phía tay trái - hai cái trục gá cho việc thiếc. Trên tường là sáu hàng kệ, trên đó đựng dụng cụ. Ở kệ trên cùng là những cái giũa, các tay cầm gỗ tròn của chúng thò ra. Những cái giũa đủ loại, từ những loại mềm, nhọn hình cây kim đến những cái giũa gỗ lớn. Trên kệ thứ hai là tất cả các loại khoan: khoan cầm tay, khoan quay tay, khoan động lực, khoan bêtông. Khoan bêtông đến lượt nó cũng từ loại khoan “rơm” (mềm) đến cứng hơn. Cứ thế ở cạnh nhau.

Tôi thường đến chỗ già Petro mượn dụng cụ. Trong việc nhà cần lúc cái này, lúc cái khác, mà chúng tôi tài ba thế này: nếu có dụng cụ thì chúng tôi cũng tìm không ra. Trong nhà kho lớn của khu nhà có trăm chủ, từ già đến bé - Chúa mới biết hết. Thí dụ như, đây nhé, hôm qua cái cưa tay treo ở đây, chính tôi máng nó lên. Còn giờ bạn thử đi tìm đi. Không có, vậy mà chẳng ai lấy cả. Bốc hơi. Đi đâu bây giờ? Tới chỗ già Petro. Chỗ già ấy có những cái cưa này... Còn bây giờ cả tường treo đầy... Bạn tới chỗ già.

- Để làm gì? - già hỏi.

- Để cưa.

- Biết rồi, chẳng lẽ để đốn. Mà cưa cái gì?

Với chúng tôi, đám rỗng ruột, một cái cưa làm hết mọi việc. Còn với già: cưa gắn trong khung cửa trượt, cưa để cắt ngang thớ gỗ, cưa lưỡi răng nhỏ, lưỡi răng lớn, cưa “sói”... Bạn nói, già chọn, đưa. Cưa của già bén ngót, đứt ngọt, cắn làm đôi súc gỗ trong nhấp nháy. Chỉ cần phải trả lại, không được quên, già không ưa những kẻ hay quên.

Tôi quen già Petro lâu rồi. Nhìn chung già không phải người làng chúng tôi, mà là dân Matxcơva gốc, già đến ở với chúng tôi sau khi có con kênh Volgo-Donsky (1). Ở Matxcơva già có vợ, các con, già đã về đó, nhưng cơm không lành canh không ngọt sao đó nên quay về. Và sống làm hàng xóm chúng tôi ba mươi năm qua.

Những năm cuối cùng chúng tôi qua lại gần gũi nhau hơn. Trước đó già làm việc rất nhiều. Già là thợ xây lò và thợ thiếc, nổi tiếng khắp làng. Ở tuổi 70, già vẫn còn làm việc cật lực, đến tận 75. Sau đó không làm nữa. Người ta đến gặp già, thuyết phục, già hiếm khi đồng ý. Thì vì sức khỏe.

Nhưng bề ngoài già vẫn là một lão nam chẳng chê vào đâu. Đã 80 mà khuôn mặt trắng trẻo, đầy đặn, thậm chí còn ửng hồng. Nổi bật với mái đầu “nhím” bạc. Và lại ăn mặc chăm chút. Không phải thợ lò, mà như ngài đại tá về hưu.

Những năm cuối đời già thở hổn hển, bị đau đầu, chỉ đi đến hiệu thuốc và cửa hàng, mà thường hơn là đi dạo trong sân.

Và đây tôi muốn kể về cái chết. Già Petro đã ngửi thấy nó vào mùa xuân, và chết vào mùa hè, tháng sáu. Thường mùa đông ở chỗ chúng tôi những người già luôn thấy buồn chán. Kiểu như chẳng có việc gì đặc biệt: chỉ phải đốt lò sưởi. Và chờ hơi ấm. Mùa hè thoải mái hơn. Vầng dương, dễ thở, xung quanh mướt xanh - thật là khát sống. Vì vậy nên khi các cụ bắt đầu đi lại thoải mái vào mùa xuân - đó là niềm vui. Họ than phiền: đau đây, đau kia. Còn tôi hay cười: “Mùa hè sẽ chữa khỏi”.

Và nay cũng vậy. Một lần nọ, vào đầu mùa xuân, tôi gặp già Petro, chúng tôi trò chuyện; già nói về bệnh trạng, còn tôi vẫn bảo với già như mọi khi: “Các cụ đã sống sót qua mùa đông rồi, giờ mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Nhưng già thở dài, lắc đầu, nhìn tôi và nói:

- Khô...ông... Hết... - và nhấn từ mạnh hơn.

Dường như có gì đó vừa xô tôi. Tôi nhìn vào mắt già. Trong mắt già có gì đó nghiêm trang. Không phải buồn bã, không phải âu sầu, mà là sự chân thành.

Thời tiết ấm áp, chúng tôi gặp nhau mỗi ngày. Vừa ra vườn đã thấy già ở đó, sau hàng rào. Tôi tán gẫu một chút. Già đọc báo, thích bàn chuyện chính trị. Đôi khi than phiền về sức khỏe. Còn tôi vẫn như bình thường:

- Mùa hè. Sẽ đỡ hơn.

Còn già:

- Khô...ông. Hết rồi - già đóng dấu chắc chắn.

Còn đôi mắt già lại nói nhiều hơn... “A...ah - chúng nói - Cậu nói gì với tôi vậy! An ủi à? Cũng dễ hiểu. Nhưng tôi biết rồi. Tôi đánh hơi được”.

Già ngửi được cái chết của mình chừng hai tháng trước đó. Tháng tư già bắt đầu nói về nó, tháng sáu già chết, nhưng đấy hai tháng ấy. Tôi khó mà hiểu chúng. Khi đó, rõ rồi, tôi cũng tin, nhưng không nhiều lắm. Còn bây giờ, khi mọi việc đã trôi qua và mọi thứ đã hiển nhiên, tôi bắt đầu ngẫm nghĩ... Nhưng, tốt hơn để tôi sẽ kể.

Đấy già tiên cảm được cái chết. Và già bắt đầu chuẩn bị cho nó như thế nào? Rất đơn giản. Đầu tiên, già quyết định dự trữ lò đốt, cho cụ bà. Ở chỗ chúng tôi, tình hình với củi và than không phải tốt lắm, đối với người già, đó là cả một nỗi khổ. Già Petro có những người quen ở đâu đó. Già tới đó, đăng ký mua than, mang về, xếp gọn gàng tất thảy, chất đầy hai kho. Rồi nói với tôi, hài lòng:

- Được ba năm, bà mụ khỏi chạy đâu.

Sau đó già bắt tay vào củi. Cưa và cưa, từ sáng đến tối. Cưa rồi xếp. Tôi đã thấy là già khó ở. Mặt già trở vàng, người không khỏe. Và thở nặng, mệt. Tôi đề nghị cụ:

- Ta hãy lắp cưa đĩa đi. Cháu có cưa đĩa - ta đặt rồi cưa hẳn một ngày. Tội gì phải khổ?

- Khô...ông. Không cần - già đáp - Tôi tự. Thời gian vẫn còn. Chút - chút. Tôi sẽ cưa từ từ. Chứ sau rồi chẳng có việc gì mà làm... - già mỉm cười.

Chúng tôi thỏa thuận thế rồi chia tay.

- Đi đi, đi làm việc của mình đi.

Đó là già nói về công việc của tôi. Người thân của tôi và tất cả hàng xóm đều coi nghề viết của tôi vớ vẩn khó kiếm cơm, kiểu như tay chạy giấy. Già Petro đối với nó lại tôn trọng.

- Họ chả hiểu - cụ chỉ về phía các bà - Cái này cần phải động não - già gõ vào thái dương - Trí tuệ...

Đọc tôi thì già chẳng đọc. Chỉ thế mà tin thôi.

Nhưng trò chuyện thì già thích, kể chuyện, như bất cứ người già nào. Hơn thế nữa già điếc, với già cần phải kiên nhẫn. Còn bà mụ của già, thật tình mà nói, bộp chộp. Chỉ kiểu:

“Mẹ ơi! Điếc đặc!”. Già chẳng có ai mà trò chuyện.

Tôi qua lại thường xuyên hơn. Già vừa ngồi vừa làm việc: cái ghế cao cạnh bàn bào, còn chính mình, như mọi khi, vẫn mặc cái tạp dề sạch, mang hai ống tay. Tôi tới gần, hét lên:

- Nghỉ hút thuốc! - để già nghe thấy.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Già kể về thời xưa nhiều hơn, về nghề xây lò thời Matxcơva cổ. Hồi đó già và cha mình đã hành nghề, từ trước cách mạng.

- Chúng tôi lắp tất cả các loại, rất đa dạng. Ví dụ, lò sưởi mở, như lò sưởi Peclet (2). Hay bếp - lò sưởi kín (3). Hoặc lò sưởi bếp kiểu Anh (4). Còn lò sưởi Hà Lan hay thế nào... - già nhớ lại, mặt ngời lên vui sướng - Lò sưởi giáp tường ở góc, hay ở hai phòng, mở. Và nhất định phải phủ chúng bằng gạch sứ hay gạch tráng men đắt tiền. Mỗi viên gạch men đều phải mài đàng hoàng bằng đá dầu mài. Mỗi viên... - già thể hiện động tác mài, tay này chà lên tay kia, nhẹ nhàng - Chà láng các mối nối. Cậu ngồi xuống nhé. Hỗn hợp gồm phấn, nhưng... với lòng trắng trứng. Và đấy khi làm xong xuôi hết, cậu lấy giẻ và chà - già chà bằng giẻ và gương mặt già sống động lên - Và chẳng còn mối nối. Không có mối nối - cụ cười to vui sướng. Cái lò sưởi - tuyệt tác.

Tôi đã thấy loại lò sưởi tuyệt tác Hà Lan đó, cái lò sưởi đẹp bên ngoài tráng gạch men lấp lánh.

- Còn lò Utemarovskoe (5) là một chuyện khác, nó được bịt sắt...

Già cưa củi đâu khoảng hai tuần, không nghỉ. Chất đầy các kho, tới đâu còn có thể, cạnh nhà tắm hơi già còn đặt một đống củi, đậy bằng vải bạt. Già chất xong đống củi. Hết.

- Ba năm - già nói - Bảo đảm.

Còn tôi nghĩ không phải là ba, mà già đã cưa đủ cho năm năm. Bởi chúng tôi không đốt lò sưởi bằng củi, chỉ dùng nó để mồi lửa.

Làm củi xong, tưởng là đã có thể nghỉ. Tôi nhìn, thấy già lại bắt tay vào hàng rào.

- Để làm gì? - tôi bảo già - Hàng rào còn nguyên, tốt mà.

- Bết lắm... - già phẩy tay - Phải làm, để sau này bà mụ khỏi khổ.

Rồi già đi, đi. Cả dãy hàng rào, hết mối nối này sang mối nối khác, già tháo ra, đóng lại. Đóng lại cũng chẳng phải qua quýt, mà dưới mỗi cây đinh đều có một miếng đệm tráng kẽm, trên và dưới. Để trụ chắc cả thế kỷ. Cứ thế già làm lại hết dãy hàng rào. Hí hoáy cả tháng. Phần nào nhìn ra đường, già sơn màu xanh lam.

- Quá bảnh - tôi bảo với già. Già cười.

Già còn kịp xem lại cái bơm, dự trữ, cho giếng nước. Chúng tôi bơm nước giếng trong các sân. Mỗi sân đều có giếng, môtơ, máy bơm riêng.

Rồi già chết. Già đi nhanh, chỉ trong một tuần.

Ban đêm già chịu cú đột quỵ đầu tiên, nhẹ. Tay trái và chân bị tê. Buổi sáng tôi đến, già ngồi cạnh bếp, xoa tay, xoa xoa. Và nói với tôi:

- Hết, hết rồi... - mà trong mắt không có nỗi buồn hay sự sợ hãi, chỉ có niềm kinh ngạc nào đó.

Hôm đó già còn tới lui, đi lại. Khó khăn, nhưng cũng còn nói chuyện được. Nhưng đến hôm sau đã không ra khỏi nhà. Từ ngoài tôi nhìn vào, già ngồi trên sôpha. Bà mụ bận rộn, lót đây kê kia. Và làm ồn - bà vốn ồn ào - hét vào mặt già:

- Lão chẳng nghe thấy đâu! Cậu vào cho lão thấy!

Tôi vào ngồi đối diện. Già đã không còn nói được. Nhưng cứ nhìn, nhìn tôi, đôi môi lập bập, rồi thốt lên:

- Hết... - Rồi lại lần nữa - Hết...

Dường như già không thấy đau, mà chỉ là sự vô minh nào đó: sống cả thế kỷ và biết làm mọi thứ, vậy mà giờ đây không nói, cũng không động đậy được. Và già xấu hổ với cái yếu ớt đó của mình. Cả đời là một đấng nam nhi mạnh mẽ - mà giờ đây...

Ôi, và đôi mắt già nhìn làm sao. Bởi già vẫn tỉnh táo. Trong đôi mắt già có tất cả, tất cả những gì chúng tôi đã nói và những gì chúng tôi chưa kịp nói: cả cuộc đời và cả thế gian này. Nên tôi gật đầu, đáp lời già:

- Vâng... vâng... cháu hiểu.

Rồi mọi thứ tệ, tệ hơn. Hôm sau tôi ghé qua thăm. Hết. Không còn là đôi mắt già. Không còn là già nữa. Cái gì đó đục mờ, mất mát, chẳng phải của trần thế. Một tuần sau già qua đời.

Chúng tôi đã an táng già. Và đấy đã tưởng niệm bốn mươi ngày. Giờ tôi ngồi trong xưởng của già, căn hộ của già. Trước mặt tôi, trên chiếc bàn thợ là cái hộp thiếc màu trắng. Để đựng những thứ vặt vãnh. Được làm cẩn thận. Không một mối nối thô thiển nào, không một góc nhọn nào - một món đồ chơi. Và cạnh chân tôi, trên sàn, là cái hộp, lò nướng cho cái bếp lò. Nó có, đúng như phải có, cánh cửa. Và ở cửa có chốt, then chặn, trên một cái đinh tán đơn giản. Dưới đinh tán là cái vòng đệm. Tôi nhìn cái vòng đệm này - nó được làm như một bông hoa, một mặt trời nhỏ, từ giữa ra tới các rìa là những tia. Già Petro luôn làm như vậy, cho đẹp. Những cái lò nướng của già, một khi chúng còn sống sót, có thể nhận biết qua bông hoa này.

Em trai tôi cũng là thợ thiếc, tay nghề cao. Mới đây nó đã làm cái mặt phun cho vòi sen, do tôi đặt. Em làm nhanh, nhưng... Ở đây gờ rìa, ở kia nhô góc, cầm trong tay không êm. Tôi trách, nó ngạc nhiên.

- Chảy mà...

Chảy thì chảy... Còn cái hộp này tôi sẽ nhớ cả đời. Cho mãi sau này. Còn bây giờ cứ để nó ở đây.

Nó đứng đó, ngời sáng, tươm tất, trắng trẻo, tôi nhìn nó và nghĩ: “Vậy chúng ta sẽ gặp cái chết của mình như thế nào, nếu cảm thấy nó? Sẽ đón nó ra sao... Hả?”.

Một câu hỏi nghiêm túc.■

Phan Xuân Loan  (dịch từ Tuyển tập truyện ngắn Boris Ekimov)

(1): Ở tỉnh Volgograd, nối hai con sông Volga và Don, kênh hoàn thành vào năm 1952.

(2): Lò sưởi mang tên nhà khoa học Pháp Peclet, thường bằng gạch, không có cửa, đốt trực tiếp từ củi, ống khói âm tường

(3): Tạm dịch từ камин-печь: dạng lò sưởi kín, như một chiếc tủ hay hộp bằng sắt hoặc gạch, có cửa, ống khói âm tường hoặc đi thẳng lên trần nhà.

(4): Dạng lò sưởi có các hộc như cái tủ bếp, phía trên là tấm phiến lò, có thể nấu ăn. Thường đặt ở bếp hoặc ở dã thự.

(5): Dạng lò kín được bịt sắt, có hình ống, được đặt ở các gian bếp, cao tới trần nhà với ống khói thông ra ngoài.

Nhà văn Boris Ekimov

Boris Petrovich Ekimov (1938 -), nhà văn, nhà chính luận, từng được nhiều giải thưởng văn học Nga từ năm 1976, đặc biệt là giải thưởng Solzhenitsyn năm 2008.

Gần đây nhất, tháng 5-2016, ông được trao “Giải thưởng văn học của giáo trưởng”. Là công dân danh dự của thành phố Kalach trên sông Đông bởi những tác phẩm về cuộc sống ở miền đất này, ông đã được nhà phê bình Dmitry Shevarov nhận xét: “...Mặc dù tất cả các nhân vật của ông là cư dân vùng sông Đông, mỗi người đều nói: đây là về chúng tôi, về tôi. Về cuộc sống của chúng tôi - muộn phiền, bị vỡ tan thành từng mảnh. Nhưng nhà văn, với sức mạnh của tình yêu và tài năng, đã chắt chiu gom góp những mảnh vụn này vào lời tường thuật mà tôi nghĩ chúng sẽ còn lưu truyền lâu trong văn học Nga, trở thành chứng nhân cho tất cả những gì chúng ta đã trải 20 năm qua”.

Ông đã viết hơn 200 tác phẩm, một số đã được dịch sang tiếng Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha. Truyện vừa Ngôi sao mục đồng của ông đã được đưa vào Thư viện tổng thống Nga - loạt tác phẩm xuất sắc của các tác giả Nga.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận