Giấc ba mươi

PHÙNG HI 30/01/2014 21:01 GMT+7

TTCT - Mới đây có người bạn ở Bonn (Đức) hỏi: “Giấc ba mươi nghĩa thế nào hả anh?”. Tôi chưa kịp hiểu “giấc ba mươi” là gì, nhưng tin có sự giải thích nằm đâu đó trong từ điển, hẹn với anh sẽ tìm hoặc sẽ hỏi giùm những bậc trưởng thượng.

Minh họa: Bích Khoa

Té ra không dễ. Hỏi mọi người không ai biết, toàn suy đoán. Tra Google không thấy. Lục tung các loại từ điển cũng không có nốt.

Anh bạn đó rời quê hương từ trước năm 1975, chừng ấy năm anh nói tiếng Đức, nay gần sáu mươi tuổi nhưng vẫn yêu và quý tiếng Việt. Anh tưởng tôi người trong nước, yêu văn chương, chắc là biết nên mới hỏi. Không có câu trả lời cho anh, thiệt là ái ngại.

Tôi ít nhớ lời nhạc, anh dẫn cho tôi mấy bài hát có cụm từ “giấc ba mươi”. Bài Mùa xuân trên cao của Trầm Tử Thiêng có đoạn: Trời bây giờ trời đã sang xuân/ Anh và mai ngủ bên bìa rừng/ Chờ giấc ba mươi mộng ảo/ Mùa xuân vẫn đẹp vô cùng... Bài thứ hai Dung nhan mùa hạ của Y Vân có đoạn: Xin cho ngây ngất bên dung nhan đang trắng hạ này/ Và cho xanh giấc ba mươi/ Còn mây bờ cát trắng/ Trời cao biển xanh thắm/ Vàng nắng và gió êm...

Lời bài nhạc khi mê say hoài nhớ, khi êm đềm hư ảo, mô tả cái đẹp thuần khiết và mặc khải của thiên nhiên và con người, thêm vào đó “giấc ba mươi” thiệt khó lòng nắm bắt được ý nghĩa. Đành suy đoán vậy!

Trước hết nêu suy đoán của chính anh. Anh nói “giấc ba mươi” chắc là nói về tuổi ba mươi, đến thời điểm đó người ta không còn bồng bột sôi nổi nữa, bắt đầu suy tư về thời cuộc, thế thái nhân tình. Cái tuổi phải lập thân, lập nghiệp, lập gia. Hay “giấc ba mươi” là cách nói khác đi của giấc hòe, Thuần Vu Phân làm quan ở nước Đại Hòe ba mươi năm chỉ trong một giấc ngủ trưa.

Tôi đến quán cà phê của một ông nhà văn, nơi tập trung giới văn nghệ, hỏi. Một người làm ở ngành văn hóa đoán: Nói đến “ba mươi” là nói đến ngày cuối năm âm lịch, chiều ba mươi, đêm ba mươi, còn đây là “giấc ba mươi” thế thôi.

Người kia cao hứng dẫn Vũ Thành An với một đêm ba mươi nồng ấm tình yêu đôi lứa: Anh đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường. Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em. Và Trần Long Ẩn với một chiều ba mươi rộn ràng xuân: Đi qua vùng cỏ non, ngỡ mùa xuân đang tới. Bâng khuâng chiều ba mươi, tóc em xanh màu trời.

Nhà văn chủ quán thì triển khai thêm: “Giấc ba mươi” có lẽ không nằm ngoài “xê ri từ” cho ngày cuối năm này. Một đêm ba mươi sau một ngày tất bật, tổng kết một năm vui ít buồn nhiều nhưng vẫn nôn nao đón chờ năm mới chứ không ngủ. Nếu có một “giấc ba mươi” sẽ là giấc ngủ ngắn vì phải thức dậy lúc giao thừa. Giấc ngủ ngắn ấy chắc là nhiều mộng mị, nhiều ước nguyện cho năm mới. Xét trong một năm, có giấc ngủ nào đặc biệt như một “giấc ba mươi” đêm cuối năm xuân về rộn rã, đầy ắp đất trời?

Cảm xúc về ngày cuối năm vốn bàng bạc trong văn - thơ - nhạc - họa, thêm một cụm từ “giấc ba mươi” cũng chưa phải là nhiều. Làm mới từ, đem lại nghĩa mới cho từ, âu cũng là trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung vậy. Một nhà thơ kết lại.

Bàn cà phê tiếp tục bàn cãi, khá nhiều người không bằng lòng những suy đoán kia. Tiếc là hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Y Vân đã về tiên cảnh, để hỏi xem “giấc ba mươi” của hai ông nghĩa gì. Có thể nhạc sĩ một phút thăng hoa, bất ngờ thốt “giấc ba mươi” để hậu thế bàn luận chút cho vui. Thôi thì tiếng Việt dung chứa thêm một cụm từ “giấc ba mươi” nhiều ước vọng bên cạnh những giấc mơ trưa, giấc hòe, giấc kê vàng...

Tôi ghi những suy đoán rời về “giấc ba mươi”, đúng sai xin hậu xét. Đôi khi tôi thích cách nói của nhà vật lý Niels Bohr lừng danh: “Tất cả chúng ta đều bị treo trong ngôn ngữ” (We are all suspended in language).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận