Giấc mơ giữa hai rặng núi

SÁNG ÁNH 17/10/2017 01:10 GMT+7

TTCT - Dân tộc Kurd là dân tộc vô quốc gia lớn nhất thế giới.

Đã bị quăng quật hàng bao nhiêu thế kỷ, người Kurd giờ đang khát khao một quốc gia độc lập của riêng họ.                  -Ảnh: abakanews.org
Đã bị quăng quật hàng bao nhiêu thế kỷ, người Kurd giờ đang khát khao một quốc gia độc lập của riêng họ. -Ảnh: abakanews.org

 

30 hay 45 triệu [1] người Kurd hiện diện ở khu vực Trung Đông mà không hề có một quốc gia được công nhận. Họ đứng đầu trong danh sách những dân tộc không tổ quốc so với 7,5 triệu người Catalonia, 5,5 triệu người Scotland, 12 triệu người Palestine, 7,5 triệu người Tây Tạng hay 1,5 triệu người Rohingya và bao nhiêu những thiểu số khác lẻ tẻ.

Dân tộc chỉ có núi là bạn

Thuộc gốc dân tộc “Iran”, người Kurd đã có mặt trong khu vực từ trước Công nguyên, thời Đế quốc La Mã. Lãnh thổ họ sinh sống là vùng dưới chân rặng Zagros dài 1.500 cây số, về phía tây là rặng Taurus dọc biển Địa Trung Hải và “Đế quốc” là khái niệm mà dân tộc này quen thuộc suốt lịch sử của họ: hết La Mã đến Ba Tư, hết Ả Rập tới Ottoman.

Số phận dân tộc Kurd cũng thế mà bị quăng quật, thỉnh thoảng thế kỷ này thế kỷ kia, đâu đó một vương triều Kurd nhen nhúm mà độc lập, rồi lại bị dập tắt trên con đường các đại đế ruổi quân. Người Kurd lúc dựa vào bên này, lúc bên kia, trong các cuộc xâu xé và vì thế họ trở nên “Dân tộc chỉ có núi là bạn”.

Họ tuyệt đại đa số mang đạo Hồi sau khi Thiên sứ rao lời Chúa giảng. 3/4 theo hệ phái chính thống Sunni, số nhỏ (ở Iran hiện nay) theo hệ phái Shia.

Khoảng 1 triệu người Kurd theo tín ngưỡng Yazidi, là một tôn giáo đồng thanh (vừa thờ Victor Hugo vừa thờ Khổng Tử). 1 triệu người khác theo đạo Yarsan. Có 100.000 hay 200.000 người Kurd theo Do Thái giáo (Do Thái là một tôn giáo, không phải là một dân tộc), hiện định cư tại Israel. Số Kitô rất ít, vài chục ngàn, có lẽ từ thời Jesus, vẫn sử dụng ngôn ngữ Aramaic, là ngôn ngữ của đấng Christ.

Về ngôn ngữ, nếu tiếng Việt ở hải ngoại sau 40 năm đã có phần khác biệt với tiếng Việt trong nước thì tưởng tượng trong 20 thế kỷ, qua những chia cắt và vùi dập, ngôn ngữ Kurd theo từng vùng miền đã trở nên khác biệt chừng nào.

Người Kurd sử dụng tiếng của các quốc gia thống trị họ - tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Họ vẫn giữ 4 phiên bản tiếng Kurd địa phương và chữ viết (phiên âm tiếng Kurd) cũng tùy theo khu vực. Tùy nơi và thời điểm, ngôn ngữ của họ có khi bị cấm đoán ngặt nghèo, ngay cả dùng trong nhà (như tại Thổ Nhĩ Kỳ đến năm 1991).

Tình trạng này khiến có người Kurd không thông ngôn ngữ của chính họ. Năm 1991, tiếng Kurd “chỉ còn” bị cấm đoán sử dụng nơi công cộng và cô Leyla Zana là phụ nữ Kurd đầu tiên được bầu vào Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đọc tuyên thệ nhậm chức, cô đọc câu chót bằng tiếng Kurd và chẳng bao lâu sau lãnh án 15 năm tù.

Không quốc gia, không tôn giáo riêng biệt và có khi không cả ngôn ngữ thì cái gì định nghĩa người Kurd? Đó là văn hóa Kurd, chẳng hạn sắc phục màu mè. “Ăn mặc màu mè như dân Kurd” là một thành ngữ Ả Rập. Mấy chục thế kỷ hai ba bến nước, người Kurd vẫn giữ được bản sắc văn hóa.

Quốc gia là một khái niệm mới trong lịch sử. Thời đại phong kiến, nước là của vua, đất là của chúa. Chủ nghĩa quốc gia hiện đại đến khu vực đầu thế kỷ 20, khi Cận Đông ở dưới đế triều Ottoman. Thời điểm đó, đế quốc này đồng minh với các đế quốc Đức, Áo - Hung. Iran thì trung lập và đế quốc Nga là bạn chí tình của Anh và Pháp.

Năm 1898, đại đế Đức Wilhem II đến thăm thân hữu và ghé thành Damascus. Ông mang vòng hoa đến mộ Saladin là vương Ai Cập và Syria vào thế kỷ 12, tặng quan tài bằng đá hoa thay quan tài gỗ. Trên vòng hoa là hàng chữ “Một hiệp sĩ không biết sợ và không có gì trách được, thường phải dạy cho kẻ địch thế nào là hành hiệp ở đời”.

Đây là một biến cố vào thời điểm đó với chủ nghĩa quốc gia Ả Rập để nhen nhúm tự hào. Biểu tượng đại bàng trên vương kỳ của Saladin trở thành biểu tượng của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập, mãi đến sau này vẫn còn trên quốc hiệu của Ai Cập, Iraq, Libya, Yemen, Palestine. Saladin sống lại trong vai trò mới: biểu tượng chủ nghĩa quốc gia Ả Rập thống nhất.

Một trẻ em ủng hộ độc lập ly khai của Kurdistan với Iraq. Trong luật Hồi về ly hôn, lần thứ 3 - tượng trưng ở đây bằng hòn sỏi - là đoạn tuyệt vĩnh viễn. -Ảnh: CNN
Một trẻ em ủng hộ độc lập ly khai của Kurdistan với Iraq. Trong luật Hồi về ly hôn, lần thứ 3 - tượng trưng ở đây bằng hòn sỏi - là đoạn tuyệt vĩnh viễn. -Ảnh: CNN

 

Từ Saladin tới ISIS

Điều trớ trêu là Saladin không phải người Ả Rập. Ông là người Kurd và là người Kurd lừng lẫy nhất trong lịch sử dân tộc, lập ra triều đại Hồi giáo Ayyubid, trị vì Ai Cập và Syria, bình định Yemen và đẩy lùi các đạo quân xâm chiếm châu Âu.

Ông là người hiếm hoi được kẻ thù tôn vinh là anh hùng và lãng mạn hóa thành huyền thoại. Khi vua Anh Richard I ngã ngựa trong trận Jaffa, Saladin cho gửi ngựa đến để Richard “Sư tử tâm” tiếp tục chiến đấu. Chiếm lại thành Jerusalem, Saladin tha chết cho dân thành và sau khi đuổi các đạo quân Thập tự chinh về châu Âu, ông lại cho phép người Kitô hành hương đất Thánh nếu không mang vũ khí.

Ở thời đại của chủ nghĩa hiệp sĩ Trung cổ, ông là gương đại hiệp của châu Âu, dù là kẻ thù Hồi giáo đã đánh bại họ. Ngày nay, xe bọc sắt của Anh quốc vẫn còn mang tên Saladin.

Đầu thế kỷ 20, không chỉ có người Ả Rập học lấy quốc gia chủ nghĩa và đưa Saladin lên làm biểu tượng. Người Kurd cũng thế và khi họ làm loạn chống đế quốc Ottoman thì Anh - Pháp hứa hẹn dành cho họ một quốc gia độc lập.

Năm 1916, hai nước này vác thước kẻ vạch phân chia khu vực. Gạch mấy hàng ngang dọc trên bản đồ, đây là Syria của tớ, còn Iraq là của đằng ấy. Mình lấy Palestine nhé, ừ, nhưng để cho bạn Lebanon. Hiệp ước tay đôi này còn định để cho Sa hoàng Nga thành phố Istanbul để Nga có lối ra Địa Trung Hải.

Khi cách mạng Nga lật đổ Sa hoàng thì Anh - Pháp đổi ý, vì họ là bạn của Nicholas II. Thử tưởng tượng ngày nay Istanbul-grad thuộc về Nga. Dông dài để cho thấy gốc rễ của những vấn đề hiện nay trong khu vực là từ sự chia cắt kiểu thực dân “ông nội” này. Không lý gì mà người Ả Rập bên này đường gạch thì nói tiếng Pháp và gọi là Syria, còn bên kia lại nói tiếng Anh và gọi là Iraq.

Trong thập niên 1960-1970, chủ nghĩa quốc gia Ả Rập từng muốn vẽ lại biên giới nhân tạo đó của phương Tây. Gamal Abdel Nasser mộng tưởng về một Liên bang thống nhất Ai Cập - Syria - Iraq nhưng thất bại. ISIS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) trước hết cũng là một phản ứng với lối phân chia thực dân, dù là bằng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Dân tộc Kurd, vì thế, thấy không lý gì họ lại không thể có một quốc gia. Hiện họ đang sinh sống chủ yếu trên lãnh thổ 4 nước: Syria (3-4 triệu), Iraq (6-9 triệu), Thổ Nhĩ Kỳ (15-20 triệu) và Iran (9-12 triệu). Một số nhỏ tại Armenia thuộc Liên Xô cũ [2]. Cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ (năm 2003) đã khiến chính quyền trung ương Baghdad trở thành yếu kém, nay ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ Iran.

Khu vực dân tộc Kurd-Iraq trở nên tự trị, đứng bên ngoài tranh chấp giữa các hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia. Người Kurd là Sunni, nhưng trước hết họ là Kurd. Tại Iraq, họ là lực lượng ngăn được sự bành trướng của ISIS (Sunni), nên liên minh với chính quyền Shia trung ương và được phương Tây ủng hộ.

Biến loạn từ năm 2011 tại Syria, với 300-1.000 nhóm vũ trang độc lập hay liên kết lỏng lẻo và đánh nhau chí chóe cũng khiến khu vực dân tộc Kurd (Rojava) trở nên tự trị. Đứng bên ngoài tranh chấp giữa trung ương (Assad, được Iran và Nga ủng hộ), họ phản ứng khi ISIS bành trướng ào ạt và được phương Tây giúp vì phương Tây không còn lực lượng “mặt đất” nào khác khả dĩ. Đây là một sự trớ trêu nữa vì về mặt ý thức hệ, phong trào Kurd-Syria là một phong trào xã hội chủ nghĩa.

Hiện chính quyền Damascus để yên cho họ vì họ đắc lực trong việc đẩy lui ISIS, sát cánh cùng với quân Hezbollah (Shia từ Lebanon do Iran điều đến)! Như vậy, Hoa Kỳ và Anh tại Syria đang giúp một phong trào tự trị xã hội chủ nghĩa đồng minh với Hezbollah! Hóa ra làm gì có trắng đen rõ rệt.

Phong trào Kurd-Syria này trên thực tế là “phân bộ địa phương” của phong trào tự trị Kurd-Thổ Nhĩ Kỳ (PKK) đang vừa đánh vừa đàm với Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, thành viên NATO. Tại phi trường quân sự Encilik của Thổ Nhĩ Kỳ, phi cơ Hoa Kỳ cất cánh đánh bom ISIS để yểm trợ phân bộ Syria của PKK, trong khi phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ lại xuất phát đánh bom PKK. Không phải chỉ giới quan sát rối trí, ngay chính quyền Mỹ cũng không hiểu họ đang làm gì.

Nếu tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd là mối ưu tư lớn đối với chính quyền và bị đàn áp gay gắt thì ở Iran, thiểu số Kurd tương đối dễ thở hơn. Số lớn người Kurd theo Hồi giáo Shia là ở Iran. Trong chiến tranh Iran - Iraq 1980-1988, họ đứng hẳn về phía Iran [3].

Người Kurd dưới thời quân chủ từng giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, sau khi quân chủ bị thần quyền lật đổ ở Iran, họ vẫn rải rác làm bộ trưởng hay đô trưởng Tehran. Điện ảnh Iran xuất sắc là có sự đóng góp lớn của người Kurd. Nói thế không phải là họ không bị kỳ thị tại Iran và như người Kurd ở mọi nơi, hẳn cũng mơ có ngày độc lập và thống nhất ở chân hai rặng núi.■

 

Biểu tượng của độc lập khỏi Iraq trong kỳ trưng cầu vừa qua là ba hòn sỏi. Trong luật Hồi, vợ chồng ly dị phải qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, họ còn có thể hòa giải sau thời gian nghĩ ngợi. Giai đoạn thứ nhì là giai đoạn ly thân và giai đoạn thứ ba là không thể hàn gắn và đường ai nấy đi, vợ chồng không thể kết hôn lại được trước khi người vợ cũ trải qua một đời chồng khác. Ý nghĩa của hòn sỏi thứ ba là chỉ có cách đợi sang kiếp sau, tình yêu ơi kiếp này đành cúi đầu! Người Kurd sẽ không bao giờ trở lại với Iraq.

 

[1]: Con số này không chính xác vì không ai muốn nó chính xác. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, luôn dùng số nhỏ nhất để giảm ảnh hưởng của cộng đồng Kurd trong quốc gia.

[2]: Có 2 triệu người Kurd ở ngoài khu vực Trung Đông, nhiều nhất là ở Đức. Đây nói đến Armenia vì con số rất nhỏ này (50.000 người) ở gần khu vực đông người Kurd.

[3]: Hoa Kỳ vào lúc đó ủng hộ... Saddam Hussein.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận