TTCT - Mỗi nhân vật đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc đều đề ra chủ thuyết của mình để thể hiện tầm nhìn và giải pháp đối với các vấn đề thời cuộc. Nếu Giang Trạch Dân có thuyết “Ba đại diện” thì Hồ Cẩm Đào có thuyết “Xã hội hài hòa”, “Thế giới hài hòa”. Trong khi đó, Tập Cận Bình nêu “Giấc mơ Trung Hoa”. Phóng to Chủ tịch Tập Cận Bình nói chuyện với đại diện các doanh nghiệp tại Diễn đàn Bác Ngao hằng năm ngày 8-4, trong đó có nhắc đến nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” - Ảnh: Reuters Nhằm tạo ra một quá trình tích lũy tư bản phi mã, Đặng Tiểu Bình đã nêu phương châm “Làm giàu là vinh quang” và “Hãy để một số người giàu lên trước”. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã sản sinh ra số lượng tỉ phú với tốc độ nhanh nhất thế giới: số đại tư bản tăng lên khoảng 250 người trong vòng sáu năm. Đến kỳ họp Lưỡng hội 2013, trong số 2.987 đại biểu có 90 người nằm trong tốp 1.000 người giàu nhất Trung Quốc. Danh sách các “đại gia - chính trị gia” năm nay đã tăng 20%, tức thêm 15 người so với năm ngoái. Chưa đầy 1% dân số Trung Quốc kiểm soát hơn 70% giá trị tài sản ở nước này. Tạo lý luận cho thực tiễn Nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn phát triển chậm lại như một số nền kinh tế châu Á từng một thời tăng tốc và đạt đỉnh, sau đó phát triển chậm lại: Nhật Bản đạt đỉnh năm 1968, Đài Loan đạt đỉnh năm 1978, Hàn Quốc đạt đỉnh năm 1987. Để tạo cơ sở lý luận cho quá trình làm giàu siêu tốc, tại Đại hội 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002, Giang Trạch Dân đã đưa ra thuyết “Ba đại diện”. Nội dung là: Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Một bộ phận người dân trở nên giàu hoặc siêu giàu, nhưng khoảng cách giàu nghèo mở rộng tới mức gây ra tình trạng đối lập như tồn tại “hai xã hội” ở Trung Quốc. Không xa rời phương châm chỉ đạo “ổn định áp đảo tất cả” - một trong các chủ thuyết của Đặng Tiểu Bình, ông Hồ Cẩm Đào đã đề ra chủ thuyết “Xã hội hài hòa”, nhấn mạnh điều hòa phát triển bền vững, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa, thúc đẩy xã hội công bằng chính nghĩa. Về đối ngoại, chính sách bành trướng ra biển để đưa Trung Quốc thoát khỏi giới hạn của một cường quốc lục địa đã tạo ra các cuộc xung đột chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng, làm cho chủ thuyết “hài hòa” trở nên giả tạo. Sau khi được bầu làm người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm, ông Tập Cận Bình đã đề cập “Giấc mơ Trung Hoa”. Trong bài phát biểu tại Quốc hội Trung Quốc ngày 17-3, sau khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi toàn dân “tiếp tục hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa”. Nội hàm “Giấc mơ Trung Hoa” được thể hiện khá đầy đủ trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2013 (ngày 8-4), trong đó ông Tập nêu rõ: “Vào giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp; và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, sẽ thành hiện thực”. Một cái mốc quan trọng mà ông Tập thường đề cập cho việc hoàn thành giấc mơ Trung Hoa là năm 2049, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. “Giấc mơ Trung Hoa” là một khẩu hiệu nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, kêu gọi họ dẹp bỏ các bất đồng, nhận thức lớn hơn về sự đoàn kết giữa đảng và dân, để cùng phấn đấu cho mục tiêu đề ra tại Đại hội 18: đưa thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi, đạt 10.000 USD vào năm 2020, và tạo ra một xã hội khá giả với nền văn minh cao. Đằng sau những lời lẽ to tát là mong muốn củng cố quyền lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và duy trì ổn định xã hội dưới thời ban lãnh đạo thứ năm do ông Tập Cận Bình đứng đầu. Trong tình hình có sự căng thẳng xã hội rất cao, bất kỳ cú sốc nào cũng có thể tạo ra biến động chính trị và đảo lộn xã hội, ông Tập Cận Bình chú trọng kiểm soát quân đội làm chỗ dựa giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội của Trung Quốc. Điều này được đề cập lần đầu tiên trong dịp ông đến thăm khu trục hạm Hải Khẩu thuộc Hạm đội Nam Hải, tháng 12-2013: “Giấc mơ này có thể nói là giấc mơ về một quốc gia hùng mạnh. Đó là giấc mơ về một quân đội hùng mạnh”. Nguồn: CEIC Những điều khó đoán định Hai người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình chỉ có thể hiện thực hóa một phần chủ thuyết của mình. Thậm chí thuyết “Xã hội hài hòa” chỉ tồn tại được hai năm. Nhưng để thực hiện mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả, theo tính toán của Chính phủ Trung Quốc, mỗi năm GDP chỉ cần tăng bình quân 6,8%, tới năm 2020 Trung Quốc có thể đạt mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi. Nhưng sau đó nữa có rất nhiều điều khó đoán định. Một trong các lý do là tình hình kinh tế có thể không phát triển như các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn. Gần đây, phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập Cận Bình thừa nhận thời kỳ phát triển cao của Trung Quốc đã kết thúc. Theo phân tích của Nhật báo Phố Wall ngày 17-4, sau ba thập kỷ phát triển với tốc độ bình quân khoảng 10%, nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc đang trải qua thời kỳ khó khăn. Nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào giai đoạn phát triển chậm lại như một số nền kinh tế châu Á từng một thời tăng tốc và đạt đỉnh, sau đó phát triển chậm lại: Nhật Bản đạt đỉnh năm 1968, Đài Loan đạt đỉnh năm 1978, Hàn Quốc đạt đỉnh năm 1987 (xem biểu đồ). Sự mất đà thể hiện rõ trong GDP quý 1-2013. Trung Quốc tiếp tục có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng đang đối diện với sự phát triển chậm lại kể từ thời điểm đạt 14,2% năm 2007. Trong quý vừa rồi, lương công nhân nhập cư tăng 12,1% so với một năm trước, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều xí nghiệp phải chuyển hoạt động sang các thị trường nhân công rẻ hơn. Nếu Trung Quốc chưa kịp đổi mới công nghệ, việc làm chuyển ra nước ngoài sẽ không được thay thế, thất nghiệp sẽ tăng lên. Trung Quốc bắt đầu thực hiện điều chỉnh mô hình tăng trưởng mới, từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang một nền kinh tế cân bằng lớn dựa trên tiêu dùng nội địa và do dịch vụ dẫn đầu. Ban lãnh đạo mới phải giải quyết năm nhóm vấn đề: Thứ nhất là quan hệ kinh tế - xã hội: sự phân cực kinh tế - xã hội, quan hệ giữa thị trường và nhà nước, sự thống trị của các tập đoàn kinh tế quốc doanh, phân phối thu nhập, các tham vọng trở thành trung tâm tài chính thế giới, giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường, dân số già hóa, quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai là quan hệ giữa con người và xã hội: chăm sóc y tế, giáo dục, nhà ở, chế độ nghỉ hưu, an toàn thực phẩm, các giá trị và đạo đức tinh thần. Thứ ba là quan hệ giữa sự cai trị và dân chủ: chính phủ và sự lãnh đạo của đảng, thông tin đại chúng và an ninh quốc gia, tham nhũng, báo chí truyền thông cũ và báo chí truyền thông mới, các tổ chức phi chính phủ, dân chủ, quyền con người. Thứ tư là quan hệ đối ngoại: xung đột với các nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, quan hệ Mỹ - Trung, các quan hệ song phương (với Nga, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, hai nước Triều Tiên, Việt Nam, Brazil...), trách nhiệm toàn cầu. Thứ năm là sự trỗi dậy của Trung Quốc: văn minh và văn hóa, khoa học và kỹ thuật, các công ty mở rộng hoạt động quốc tế, hiện đại hóa quân sự. Mất lòng tin Tháng 3 vừa rồi có một cuộc thăm dò dư luận trên mạng do Nhân Dân Nhật Báo tiến hành liên quan đến “Giấc mơ Trung Hoa”. Kết quả cho thấy 75% số người tham gia cuộc thăm dò bày tỏ hoài nghi và thiếu tin tưởng đối với các nỗ lực cải cách, vai trò của đảng cũng như những lợi ích mà “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc” mang lại cho họ. Ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo mới đứng trước một hiện thực mới khác trước về đảng và xã hội Trung Quốc. Tình trạng tham nhũng, thoái hóa biến chất và lạm dụng quyền lực của các cấp đảng và chính quyền đã xói mòn nghiêm trọng lòng tin của người dân đối với giới lãnh đạo. Sứ mệnh khó khăn là tập trung thực hiện những biện pháp cụ thể cấp bách để khôi phục lòng tin của dân chúng mà một khẩu hiệu trừu tượng không thể thay thế. Một số biện pháp bước đầu chống lại tệ quan liêu quá mức, bệnh hình thức và sự xa hoa lãng phí sẽ tiếp tục được thực hiện thông qua một cuộc vận động trong vòng một năm nhằm làm trong sạch Đảng. Để tránh lặp lại những thất bại của các cuộc vận động trong quá khứ, ban lãnh đạo mới phải thực hiện dân chủ hóa trong đảng, huy động sự tham gia của quần chúng và các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc ban lãnh đạo mới có đủ quyết tâm và kiên trì thực hiện đến cùng cuộc vận động ấy hay không sẽ có tầm quan trọng đặc biệt đối với tương lai chính trị của Trung Quốc và việc thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”. Về đối ngoại, sự phục hưng văn minh Trung Hoa không thể không đi liền với một “trật tự Trung Hoa”. Xung đột ngày càng gay gắt với các nước láng giềng, Trung Quốc đang gặp khó khăn thuyết phục các nước chấp nhận thực tế Trung Hoa. Trong một thế giới đa cực và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, Bắc Kinh càng khó thiết lập một hệ thống các nước chư hầu và thực thể thần phục. Tags: Trung QuốcTập Cận BìnhLòng tinTS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNGGiấc mơ Trung Hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cô ơi, nhờ có cô con mới biết đến học bổng Tiếp sức đến trường NGUYỄN THỊ HOA PHƯỢNG (GIÁO VIÊN) 23/11/2024 Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Phượng đã gửi đến Tuổi Trẻ lời cảm ơn của mình, sau khi cô nhận được lời cảm ơn của một học trò vừa nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
'Ông lớn' chứng khoán SSI bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt hàng tỉ đồng BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).
Ông Medvedev: Phương Tây xác định mục tiêu và dẫn đường cho các tên lửa đánh Nga THANH BÌNH 23/11/2024 Ngày 22-11, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo bất kỳ kịch bản leo thang nào đều có thể xảy ra trong xung đột Nga - Ukraine vì những gì phương Tây đang làm.