Giải bài toán hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần: Cần chiến lược tổng thế

NGÂN HÀ - HÀ QUÂN 20/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Theo các chuyên gia, cần có một chiến lược tổng thể vừa tạo thêm động lực cho người tham gia vừa tăng dần độ khó về rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, lại vừa có các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) kể cả lao động mất việc về quê.

Nhiều người lao động có thói quen rút BHXH một lần mỗi khi thay đổi công việc. -Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Thêm quyền lợi cho người tham gia

Bà Nguyễn Thị Thúy, phó trưởng Phòng hưu trí BHXH VN, cho biết BHXH VN đang nghiên cứu giải pháp nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần theo hướng NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi hơn khi giữ thời gian tham gia BHXH đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu. 

Các quy định sửa đổi, bổ sung sẽ theo hướng chỉ giải quyết nhận BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt. Với trường hợp nhận sớm thì mức hưởng sẽ thiết kế lại để đảm bảo NLĐ vẫn còn thời gian tích lũy cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để được hưởng lương hưu. 

“Hiện nay nhiều NLĐ không hình dung hết bất lợi của việc hưởng BHXH một lần và lợi ích của việc tích lũy nhiều thời gian đóng BHXH và quyền lợi khi hưởng chế độ hưu trí”, bà Thúy nói.

Theo BHXH VN, ngoài tác động của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nguyên nhân chủ yếu của việc gia tăng số người rút BHXH một lần đã tồn tại từ nhiều năm qua. 

Đứng đầu bảng là việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, chỉ tham gia BHXH cho NLĐ ở mức tiền lương thấp, nợ tiền đóng BHXH hoặc đóng tiền BHXH chậm, "thải loại" công nhân nhiều tuổi để tránh trả lương và đóng BHXH ở mức cao… dẫn đến NLĐ không được hưởng kịp thời và đầy đủ các quyền lợi. 

Điều đó tác động đến tâm lý NLĐ không muốn gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH và muốn hưởng sớm quyền lợi của mình. 

Ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng việc hạn chế người rút BHXH một lần hiện nay vẫn là bài toán của 16 năm về trước. Để hạn chế rút BHXH một lần, theo ông Chính, cần siết quy định về rút BHXH một lần và thực hiện theo lộ trình để NLĐ thích ứng. 

Hiện NLĐ nghỉ việc sau 1 năm vẫn chưa có việc làm mới sẽ được rút BHXH một lần. Do đó, cần tăng thời gian này lên 2 - 3 năm. Đồng thời, luật cần điều chỉnh thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. 

Trước đây, quy định thời gian đóng BHXH để hưởng BHXH một lần là 15 năm, năm 2014 sửa luật nâng lên 20 năm làm giảm động lực tích lũy số năm đóng BHXH đến khi về hưu.

 “Xu hướng sửa luật BHXH nên theo hướng giảm số năm đóng sẽ khắc phục dần điều này. Lộ trình giảm có thể chia làm hai đợt là kéo giảm xuống 15 năm, sau đó điều chỉnh xuống 10 năm. Khi đó, NLĐ chỉ cần đóng 10 năm là được hưởng lương hưu thì họ sẽ có thêm động lực để giữ khoản tiền BHXH đến khi về hưu”, ông Chính nêu.

Ai lo cho người 40 - 50 tuổi?

Ông Mai Đức Chính cho rằng ngoài những điều chỉnh, bổ sung về luật BHXH, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ, chăm lo không chỉ người đang làm việc mà cả công nhân mất việc ở tuổi 40 - 45. “Đợt dịch vừa qua cho thấy điều kiện chăm sóc công nhân không tốt, nhiều NLĐ cùng kiệt.

 Nhà nước phải có chiến lược lâu dài, chăm lo cho công nhân về nhà ở, nuôi con để đời sống công nhân khá lên và có tích lũy. Phải giải quyết khó khăn hiện tại thì công nhân mới có thể nghĩ chuyện tương lai”, ông nói. 

Đó còn là việc cần thiết kế ngay các chính sách về nhà ở cho công nhân, nhà mẫu giáo cho con em công nhân, giúp họ tìm được nhà thuê với giá hợp lý... cũng là cách giúp họ sống được để quan tâm đến tích lũy lâu dài.

“Có hàng triệu hoàn cảnh khó khăn. Khi quá khó khăn, nếu không rút BHXH một lần thì họ phải vay tín dụng đen. Do đó cần có những tổ chức tài chính hỗ trợ NLĐ đã lớn tuổi mất việc có thể vay vốn không lãi hoặc lãi suất thấp”, ông Chính nêu giải pháp.

Ông đề cập đến mô hình của Quỹ CEP (nay là Tổ chức tài chính vi mô CEP) - cho người nghèo vay vốn nhỏ, lãi suất thấp tại TP.HCM - như một hình mẫu. 

“Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn, phân chia cho liên đoàn các tỉnh thành để nhân rộng mô hình của CEP cho NLĐ vay không lãi. 

NLĐ khó khăn khi mất việc hoặc về quê có thể vay buôn bán nhỏ hoặc giải quyết các khó khăn trước mắt như đóng học phí cho con… thay vì rút BHXH một lần. Thực tế họ chỉ cần vốn 20 - 30 triệu, nhưng vay CEP sẽ khác, còn vay tín dụng đen sẽ rất khác”, ông phân tích.

Theo ông Nguyễn Tất Năm, chuyên gia về lao động, hiện nay ngoài việc giảm số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì cốt lõi là phải đào tạo để NLĐ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thì “họ sẽ không nghĩ đến chuyện rút BHXH một lần”.

“Điều tiên quyết là duy trì được việc làm liên tục cho NLĐ. Đặc biệt trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay, NLĐ rời khỏi khu vực lao động chính thức sẽ ngày càng nhiều. Do đó duy trì quan hệ lao động, việc làm là cốt lõi. Không nên đặt vấn đề siết chặt để người dân không nhận BHXH một lần mà phải tìm cách giữ chân NLĐ”.

Ông Năm cho rằng hiện kết dư của bảo hiểm thất nghiệp đang rất lớn nhưng mới chỉ lo chăm bẵm phần trợ cấp bằng tiền. Quan trọng hơn là phải đổ nguồn lực vào đào tạo để NLĐ có thể chuyển đổi công việc và việc đào tạo phải kết nối thực sự với nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp.

“Cần khuyến khích NLĐ trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp học thêm nghề. Nếu quyết liệt hơn nữa thì phải trợ cấp cả tiền ăn cho NLĐ trong lúc học, bên cạnh khoản trợ cấp thất nghiệp”, ông nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận