Giải pháp đúng nhưng điều hành chưa tốt

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 02/03/2008 03:03 GMT+7

TTCT - Trong nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế khỏi tốc độ tăng lạm phát ngày càng vượt quá tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước VN vừa có một số quyết định quan trọng nhằm hút bớt lượng tiền quá nhiều trong lưu thông.

Phóng to
Xăng dầu tăng giá...
TTCT - Trong nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế khỏi tốc độ tăng lạm phát ngày càng vượt quá tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước VN vừa có một số quyết định quan trọng nhằm hút bớt lượng tiền quá nhiều trong lưu thông.

Hiệu quả chưa thấy đâu, ngược lại đã có những phản ứng sốc khi thị trường tiền tệ xáo trộn với việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, tăng lãi suất tiền vay nhằm giữ vốn hoạt động, còn thị trường chứng khoán tụt giảm thê thảm.

Đầu tuần, người tiêu dùng lại phải hứng chịu thêm một cú sốc mới sau khi giá dầu và xăng đồng loạt tăng. Chính phủ đang đối phó như thế nào với lạm phát?

TTCT trao đổi với ông CAO SỸ KIÊM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN.

* Thưa ông, vừa qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng thực tế cho thấy chưa đem lại hiệu quả? Tại sao?

- Lạm phát đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nên chúng ta phải có thái độ rất rõ là chống lạm phát, ngăn chặn tốc độ tăng giá tiêu dùng, đẩy nó trở về trạng thái ổn định. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước VN đã thực hiện một số giải pháp nhưng chưa có kết quả cao vì chưa đồng bộ. Chính sách rút tiền ra khỏi lưu thông thông qua hệ thống ngân hàng là đúng nhưng vì không gắn với thị trường bất động sản, không gắn với sắp xếp, chỉnh sửa đầu tư, không gắn với chính sách tài khóa nên chưa hiệu quả.

Lẽ ra sau tết tiền phải vào ngân hàng nhanh nhưng năm nay do giá USD thấp, giá bất động sản cao, giá vàng cao nên các doanh nghiệp phân tán vốn, không nộp vào ngân hàng. Các ngân hàng huy động vốn không được nên xảy ra tình trạng khan hiếm vốn gây tác động vào nền kinh tế, tác động vào chính sách tiền tệ chứ bản thân chính sách không sai. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng.

Tôi được biết không phải tất cả ngân hàng mất khả năng thanh toán mà vẫn còn tiền nhưng họ không mở “hầu bao” ra ngay mà giữ thế, thành ra sự chi viện cho thị trường liên ngân hàng bị hạn chế. Vì vậy, chỉ một mình ngành ngân hàng “xông” lên là chưa đủ. Các ngành khác phải giải quyết đồng thời thì mới tác động tích cực, có sức mạnh để kéo lạm phát xuống. Nói cách khác, điều hành của chúng ta chưa nhịp nhàng, chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Phóng to
Ông Cao Sỹ Kiêm
* Ông có cho rằng lạm phát hiện nay ở VN có những yếu tố không theo đúng lý thuyết?

- Trước hết phải khẳng định lạm phát đang ở mức cao. Năm ngoái 12,6% và hai tháng đầu năm nay đã tăng 6%. Khi lạm phát cao thì nó ảnh hưởng đến đời sống, trước hết là người nghèo, người làm công ăn lương, các doanh nghiệp, các ngân hàng tài chính, ảnh hưởng đến xuất khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP...

Nguyên nhân lạm phát thì có ba nguyên nhân: 1) do tác động của nền kinh tế thế giới và 2) do thời tiết, sâu bệnh, dịch bệnh. Đây là hai nguyên nhân bất khả kháng và chúng ta chỉ có giải pháp là dùng cơ chế, chính sách để khắc phục, hạn chế. Nguyên nhân thứ ba quan trọng nhất là do chủ quan của chúng ta trong việc đưa tiền ra lưu thông.

Có năm yếu tố khiến lượng tiền trong lưu thông tăng. Yếu tố lớn nhất, tác động trực tiếp mà ai cũng thấy là việc chúng ta đã bỏ ra một khối lượng tiền VN lớn để mua vào 9 tỉ USD nhưng chưa thu được số tiền đó về nên đã tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.

Thứ hai là tốc độ tăng tín dụng nhanh, có cái tăng góp phần cho nền kinh tế phát triển, có cái tăng không được kiểm soát chặt chẽ, không có hiệu quả nên cũng gây ra áp lực cho lạm phát.

Thứ ba là do nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều nhưng chúng ta không hấp thụ nổi để nó dịch chuyển sang các luồng khác tạo thêm áp lực lên lạm phát. Thứ tư là do đầu tư của chúng ta kéo dài, dàn trải làm hiệu quả đầu tư hạn chế, kéo hệ số ICOR (tỉ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng) giãn ra. Thứ năm là do chính sách tài khóa, chính sách đầu tư xây dựng cơ bản, chi tiêu của ngân sách... còn có hiện tượng lãng phí. Tất cả năm yếu tố này đang đẩy lạm phát lên rất cao.

Hồi tôi làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì lạm phát chủ yếu do thiếu hàng nên tập trung giải quyết hàng là được. Bây giờ không phải thiếu hàng, thậm chí thừa hàng, không phải thiếu vốn mà vẫn có chỗ thừa vốn. Chỉ có hai yếu tố thay đổi mới là rét đậm ảnh hưởng đến nông nghiệp và tình hình kinh tế thế giới xấu đi, giá cả tăng nhanh, đặc biệt là giá dầu nên tác động vào lạm phát mạnh hơn.

Phóng to
Giá cả ở chợ cũng tăng theo...
* Vậy tại sao những giải pháp Chính phủ đưa ra không tác động tích cực mà lại gây ra những dấu hiệu xấu như sự tụt dốc không phanh của thị trường chứng khoán, hiện tượng các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất tiền gửi có thể gây rủi ro và việc tăng lãi suất cho vay gây khó khăn cho doanh nghiệp?

- Tiền trong lưu thông nhiều đang gây áp lực lạm phát thì rút tiền về là hợp lý. Đã rút tiền về tất nhiên nó phải phản ứng ở một số chỗ và mình phải chấp nhận ở một mức độ hợp lý, vì nếu chống được lạm phát thì sẽ có điều kiện cải thiện đời sống - vấn đề lớn nhất hiện nay - và nó có điều kiện góp phần ổn định tình hình kinh tế, góp phần tăng trưởng. Do đó, mình phải hi sinh cái gì chịu được thì phải làm để cái lớn có kết quả nó sẽ chi phối lại.

* Theo ông, Chính phủ nên xử lý thế nào trước tình hình hiện nay?

- Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia sẽ kiến nghị Chính phủ những giải pháp chủ yếu trong khâu điều hành. Ví dụ thị trường bất động sản đang có những yếu tố ảo, đang tăng giá bất hợp lý đe dọa an ninh của nền kinh tế, nếu không cẩn thận nó sẽ sụp và kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng, nhiều doanh nghiệp nên phải xử lý ngay.

Nhưng xử lý phải có phân loại. Những doanh nghiệp nào đóng góp tốt, vẫn làm cho thị trường sinh sôi, đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân, tạo nên thị trường mua bán bình thường thì phải tạo điều kiện khuyến khích, duy trì phát triển; còn anh nào đầu cơ, trục lợi, có tính chất gây tai họa cho thị trường thì phải xử lý bằng nhiều cách.

Bộ Tài nguyên - môi trường phải phối hợp với các bộ, ngành đưa giá đất trở về bình thường, hoặc ít nhất không vống lên như hiện nay. Phải rà soát lại các dự án đầu tư, phải có kế hoạch sử dụng tốt nguồn vốn nước ngoài đang vào nhanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết kiệm các khoản chi, nhất là chi tiêu công; phải có biện pháp giải quyết thị trường chứng khoán vì nó đang giảm rất mạnh...

Cùng với tập trung chống lạm phát, chúng ta phải tập trung khai thác các yếu tố thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng chứ không phải chỉ lo chống lạm phát mà quên khai thác những yếu tố thông thoáng cho phát triển. Có nghĩa là Chính phủ phải điều hành kiên quyết, đồng bộ, kịp thời, rất linh hoạt, rất chủ động thì mới được.

* Năm nay chúng ta vẫn phải mua ngoại tệ khi nguồn vốn đầu tư đang tiếp tục đổ vào nhiều, đồng nghĩa với việc lượng tiền đưa ra lưu thông sẽ lớn, gây áp lực tăng lạm phát. Vậy bài học kinh nghiệm rút ra từ việc mua USD năm ngoái là gì?

- Ngoại tệ đầu tư vào thì phải chuyển qua đồng VN mới tiêu được nên chắc chắn chúng ta phải mua. Nhưng mua thì phải có kênh để tiêu số ngoại tệ đó chứ không phải chỉ mua dự trữ. Ví dụ chúng ta có chính sách cho mua cổ phiếu bằng USD, có chính sách khuyến khích nhà đầu tư VN huy động USD cho vay ra bên ngoài...

Tất cả những kênh đó phải làm đồng thời chứ không chỉ bỏ tiền đồng VN ra mua USD vì như thế khả năng thu về sẽ rất khó và áp lực rất lớn. Khi có phương án thu về chắc chắn, hiệu quả thì số lượng mua bao nhiêu cũng không thành vấn đề. Ngược lại, nếu làm không khéo nhà đầu tư sẽ phản ứng thì rất bất lợi.

* Ông dự báo thế nào về khả năng kiềm chế lạm phát trong năm nay?

- Thời gian bình ổn tùy thuộc cơ cấu kinh tế, tùy vào trình độ quản lý, điều hành của mỗi nước. Có nước chỉ qua một thời gian ngắn, có nước kéo dài một vài năm. Chúng ta đến giờ đã lạm phát nửa năm. Tuy nhiên, tôi đồng tình với một số nhận định là chúng ta có thể vượt qua được nếu chúng ta thực hiện các giải pháp đồng bộ hơn, kiên quyết hơn, có sự phối hợp tốt hơn. Nếu làm tích cực thì quí 2 bắt đầu chuyển biến, quí 3 có kết quả. Nếu ì ạch, nhùng nhằng như hiện nay thì nó không phải chỉ như thế này mà còn khó khăn hơn. Bây giờ quan trọng nhất là phải tìm mọi cách thu tiền về và những gì tạo ra yếu tố không an toàn thì phải trị rất mạnh, đồng thời, triệt để.

Lạm phát hiện nay ở VN chưa đến mức gay cấn, báo động nhưng đang theo chiều hướng xấu vì tốc độ lạm phát tăng liên tục, áp ngay vào đời sống làm mất lòng tin của người dân vào đồng tiền, vào chế độ.

* Ông nói như vậy là mới đề cập việc giải quyết các nguyên nhân lạm phát chủ quan chứ chưa tính đến các yếu tố khách quan như tình hình kinh tế thế giới, diễn biến thời tiết, dịch bệnh?

- Nói chung nếu giải pháp đúng thì theo kinh nghiệm thế giới không có thất bại, chỉ có kết quả cao hay thấp thôi. Nếu làm quyết liệt thì kết quả cao, làm mức độ thì kết quả thấp. Nếu rét đậm, rét hại thì phải tập trung khắc phục, chuyển cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ để lấy cái khác bù vào.

Tình hình giá cả thế giới cũng vậy, nếu nó tăng cao đẩy giá của mình tăng thì mình phải nâng cao quản lý, điều hành, tiết kiệm chi tiêu, giảm chi phí hợp lý để đỡ thiệt hại. Nếu muốn tránh phụ thuộc thế giới thì khả năng điều hành, quản lý phải rất hiệu lực và lực phải có. Nhưng hiện nay chúng ta phụ thuộc thế giới 70-80% nguyên liệu đầu vào thì việc chủ động hoàn toàn là không có.

* Để xảy ra lạm phát đến thời điểm này có thể nói rằng Chính phủ đã dự báo và xử lý quá chậm tình hình, mặc dù từ cuối năm ngoái nhiều chuyên gia đã cảnh báo?

- Chính phủ đã nói dự báo lúc đó không hết nên giải pháp đưa ra cũng không hết. Lúc đó mà đưa ra hết giải pháp thì giờ đã khác rồi. Bây giờ đưa ra là muộn nhưng còn tốt hơn là để nó trượt dài. Khi mình dự báo không đúng thì khả năng khắc phục sẽ hạn chế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận