TTCT- “Tôi có đọc các ý kiến trên các diễn đàn giáo dục, có người yêu cầu bỏ chương trình VNEN để cứu giáo viên, nhưng cũng có người nói nếu cứu giáo viên thì ai cứu học sinh.", bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia cao cấp về giáo dục của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thành viên nhóm thiết kế dự án VNEN Bà Trần Thị Mỹ An. -Ảnh: Q.TR. Chia sẻ với TTCT, bà Trần Thị Mỹ An cho rằng phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết . Sau hơn ba năm triển khai dự án VNEN với cả lời khen, tiếng chê..., bà nhận thấy mô hình VNEN cần tiếp tục triển khai, mở rộng tại Việt Nam không? Vì sao? - Cần nói rõ đây không phải là đổi mới mô hình mà là đổi mới phương pháp sư phạm trong nhà trường như cách tổ chức dạy học và đánh giá học sinh. VNEN khi áp dụng cho Việt Nam đã được điều chỉnh cho phù hợp điều kiện của từng địa phương. Chương trình này có sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh, các làng nghề, ngành nghề... giúp học sinh chủ động hơn, vừa học vừa thực hành thông qua các trải nghiệm thực tế, gắn với các điều kiện đặc thù của địa phương. Ví dụ, tôi tham dự một tiết học tự nhiên xã hội của một lớp 3 ở tỉnh Hòa Bình, thấy các thầy cô tổ chức cho các em đi thực tế, học cách gieo và ươm mầm các loại nông sản chủ lực của địa phương. Các em mang cây về, cùng cha mẹ gieo mầm, ươm mầm, rồi học cách thuyết trình trước đám đông về quá trình sinh trưởng của cây. Nghiên cứu tâm lý sư phạm cho thấy ở bất kỳ độ tuổi nào, giáo dục có tính trải nghiệm càng lớn thì sự thu nhận của trẻ em càng lớn. Xã hội hiện đại, học sinh cần biết nhiều thứ hơn. Việc tổ chức học tập theo mô hình của VNEN cho phép học sinh học nhiều vấn đề, hiểu được những vấn đề liên quan đến cuộc sống, giúp phát triển năng lực của học sinh, đó là vấn đề rất quan trọng. Cụ thể, giúp các em tự học, tự chủ, tự quản, làm việc theo nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, thuyết trình trước đám đông. Tuy nhiên, làm sao phát huy được kỹ năng ấy đồng đều cho tất cả học sinh trong lớp là tùy thuộc vào năng lực của giáo viên. Bà có ý kiến gì về sự phản đối của không ít phụ huynh và giáo viên hiện nay với VNEN? - Một bài học rút ra là đưa cái gì mới vào thực thi đều cần quan tâm đến đối tượng thực thi sự thay đổi. Đối với VNEN, đối tượng thực thi sự thay đổi chính là giáo viên và phụ huynh học sinh. Nếu không có sự ủng hộ của hai đối tượng này thì dù cải cách như thế nào đều có kết cục thất bại. Giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất. Và nếu các lãnh đạo địa phương kiên trì, hiểu và tạo điều kiện, hỗ trợ chuyên môn cho các giáo viên, lắng nghe những khó khăn của họ thì tôi tin rằng họ sẽ hợp tác tốt, dám thay đổi và tiếp cận cái mới. Cũng có một số giáo viên, phần lớn là các giáo viên quen cách dạy truyền thống, còn bảo thủ và ngại thay đổi. Vòng đời đổi mới giáo dục là 15 năm. Do đó, việc cải cách giáo dục theo hình trôn ốc là hướng đi cần thiết. Quan trọng là cải cách như thế nào để không gây xáo trộn và nắm bắt xu hướng thời đại. Gần đây, nhiều người nói rất nhiều đến cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo. Trong vòng 10 năm tới, 40-60% công việc hiện tại có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo, nên giáo dục phải trang bị cho học sinh khả năng thích ứng với những đổi thay trong tương lai. Theo tinh thần của VNEN, giáo viên đánh giá sự tiến bộ của học sinh dựa trên sự tiến bộ của các em đối với bản thân chứ không so sánh với các học sinh khác. Dự án chỉ có khoảng ba năm thực hiện mà chỉ có một năm chuẩn bị nên chưa được sát sao. Công tác truyền thông dự án chưa được chủ động nên công chúng chưa nắm được thông tin đầy đủ. Điều kiện cơ sở vật chất là khó khăn cố hữu của Việt Nam, nên mới có ý kiến nói mô hình VNEN chỉ áp dụng cho lớp học 15-20 học sinh là hiệu quả, sao áp dụng được cho các lớp học lên đến 60 học sinh. Việc quyết định mở thêm trường, qua đó điều chỉnh sĩ số lớp học là tùy thuộc chính sách từng địa phương. Tuy nhiên, ở thời đại này mà vẫn còn lớp học có đến 60 học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì khó mà triển khai các đổi mới giáo dục, bất kể là VNEN hay không. World Bank đánh giá sơ bộ về hiệu quả chương trình ra sao, thưa bà? - Sắp tới chúng tôi sẽ công bố báo cáo đánh giá khoa học giữa phương pháp giảng dạy của VNEN so với phương pháp truyền thống. Theo báo cáo sơ bộ, tỉ lệ các trường học ủng hộ chương trình VNEN rất cao, hơn 90%. Lúc đầu chỉ có 1.500 trường tham gia, bây giờ là khoảng 3.500 trường tham gia theo tinh thần tự nguyện. Xin cảm ơn bà!■ Tags: Mô hình VNENVNENMô hình trường học mới
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Bắt nghi phạm trộm cướp 2 ô tô, đánh chết cụ ông ở Hà Nội DANH TRỌNG 23/11/2024 Nghi phạm Ma Vũ Duy bị công an bắt giữ với cáo buộc sử dụng ma túy rồi trộm cướp 2 ô tô, tông vào người đuổi theo ngăn chặn và dùng xẻng đánh chết cụ ông 69 tuổi ở Hà Nội.
Mỹ hé lộ lý do được Nga thông báo trước khi bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine DANH ĐỨC 23/11/2024 Từ đây cho tới ngày 20-1-2025, thời điểm ông Trump trở lại Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ có nhiều diễn biến khó lường.