Giáo sư Ngô Gia Hy: Phải rạch cái nhọt tận gốc!

KIM SƠN 29/05/2004 20:05 GMT+7

TTCN - Trước thực trạng giá thuốc tăng từ đầu năm 2003, tháng 9-2003 giáo sư Ngô Gia Hy phát biểu: “Đằng sau nó tiềm ẩn rất nhiều tiêu cực, xâm phạm tới quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân, tới y đức, công bằng xã hội... Đã đến lúc cần rạch mổ ung nhọt, xóa bỏ những tiêu cực”.


Lần gặp gỡ này, những bức xúc ở vị giáo sư trên 90 tuổi này càng dồn nén đến đỉnh điểm. Ông nói: - Trên sáu tháng qua, giá thuốc tiếp tục trôi nổi. Điều này càng khẳng định những điều tôi nói trước đó: “bệnh” đã thành ung nhọt, hết thuốc chữa. Phải rạch. Nhưng rất tiếc là các vị lãnh đạo cho đến giờ phút này vẫn chưa thấy cái nguồn gốc chính, mà chỉ nói và chữa những cái ngọn.

Gần đây Sở Y tế TP.HCM đã nêu vấn đề bác sĩ (BS) thông đồng với các công ty dược kê toa để hưởng hoa hồng, trong đó có liên hệ đến lãnh đạo các bệnh viện. Tôi đào tạo bao nhiêu thế hệ học trò mà giờ này mới thấy xuất hiện thành “hệ thống hóa” như vậy. Đó là những chuyện đau lòng. Lần trước, tôi đã nói: phải rạch cái nhọt thật tận gốc, thật triệt để. Còn đi bắt các BS ký cam đoan “không kê toa hưởng hoa hồng” là vẫn không giải quyết được tận gốc.

Quay lại chuyện giá thuốc. Có thể nói trên thế giới chỉ có VN là có chuyện để giá thuốc trôi nổi vô tội vạ như thế. Nhà sản xuất, nhà phân phối muốn cho giá nào thì tùy ý, Nhà nước không kiểm soát. Cuối cùng người bệnh là khổ nhất. Dân mình còn nghèo lắm chứ có giàu đâu? Ở đây tôi chưa kể đến khoản “viện phí trôi nổi”.

Tại sao nước khác người ta làm được mà mình không làm được? Chính các báo đã đề cập tới và đến nay ai cũng biết đó là do độc quyền. Mà tại sao độc quyền? Đó là cái gốc mà Nhà nước phải suy nghĩ đi và trị tận gốc, chứ đừng trị ở ngọn nữa.

* Vậy theo giáo sư, trị tận gốc thì trị cách nào?

- Phải xóa độc quyền, mà điều trị gốc thì xong hết. Tại các bệnh viện, đấu thầu thuốc phải cho ra bỏ thầu. Phải so sánh giá trên thế giới, xem giá ở ta chênh lệch bao nhiêu. Còn nữa. Tại sao vẫn tồn tại “cái chợ trời” là trung tâm bán sỉ thuốc? Tại sao để quá nhiều công ty TNHH phân phối trung gian? Thuốc là con dao hai lưỡi, nguy hiểm lắm, cho nên người ta mới đào tạo ra dược sĩ (DS) và chỉ có DS mới được bán thuốc. 

Các nước đều qui định bắt buộc DS phải có mặt thường xuyên tại nhà thuốc của mình, chứ không phải giao cho dược tá, mà DS cũng không có quyền đổi thuốc trên toa BS. Tôi phân tích để thấy cái trung gian chợ trời là phải triệt. Phải xóa bỏ tận gốc. Vì biết bao nhiêu tiêu cực nằm ở đó.

Tóm lại, giá thuốc hiện nay Nhà nước không thể kiểm soát được ở tất cả các khâu: từ khâu lớn là những “trùm”, những công ty độc quyền, đến chợ trời, rồi cả các hiệu thuốc bán lẻ. Tại sao? Tại vì mình không có giá nên họ bán bao nhiêu thì phải chịu chứ làm sao kiểm soát? Quản lý giá thuốc, thiên hạ làm từ lâu, tại sao mình không làm được? Phải tìm cho ra cái gốc ở đâu, ai chịu trách nhiệm để mà xử lý. Chứ không xử lý, buông trôi thì chả ra làm sao cả.

* Hiện có trên 590 công ty TNHH phân phối thuốc. Nhập độc quyền mặt hàng, nhái mẫu mã, rồi mua bán lòng vòng, đẩy giá, bán không hóa đơn, trốn thuế…cũng từ đây. Nhưng họ ra đời và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Làm thế nào xóa tầng nấc trung gian này?

- Thuốc là mặt hàng nguy hiểm, không có làm doanh nghiệp thuốc. Chợ trời thì phải ra hạn trong mấy tháng dẹp hết, chứ sao cứ luẩn quẩn không dẹp? Lậu thuế không biết bao nhiêu của Nhà nước mà không làm thì dân khổ chứ ai khổ? Đằng sau đó đều là tiêu cực hết. Thật là kinh khủng! Không có một nước nào mà để như vậy.

Tôi đề nghị các vị đi các nước xem, không thì cứ vô Internet mà xem. Lập doanh nghiệp sản xuất thuốc là được, chứ không ai lại có quá nhiều công ty phân phối. Ở nước ngoài, thuốc từ nhà sản xuất đến tay bệnh nhân chỉ qua hai nấc: một tầng bán buôn (hãng phân phối sỉ) và một tầng bán lẻ. Và Nhà nước qui định thặng số chứ không phải muốn bán bao nhiêu cũng được. Mà không phải ai cũng có quyền mở công ty trung gian, anh phải là DS và phải có học luật. Như vậy giá xuất xưởng, giá trung gian và giá bán lẻ Nhà nước đều kiểm soát. Có cái gì khó đâu?

* Thưa giáo sư, chuyện BS kê toa hưởng hoa hồng, có người cho là xúc phạm, vì chỉ một vài “con sâu” mà... vạ lây.

- Như bản thân tôi, tôi không kê toa để hưởng hoa hồng thì có gì mà gọi là xúc phạm? Chuyện các BS ăn thông với công ty dược để lấy hoa hồng thì cũng phải tìm nguyên nhân. Tại sao lại có chuyện đó? Mỗi bệnh viện hiện đều có một cửa hàng bán thuốc, bệnh viện là bệnh viện. Không có nước nào làm chuyện này cả. 

Và tôi dám chắc rằng gần 100% cửa hàng giao cho dược tá chứ không phải DS đứng bán. Mà hội đồng thuốc cũng ở trong bệnh viện, nếu không cho “cơ hội” thì làm sao công ty đưa hàng vào. Đấy là cửa ngõ để thông đồng, nguồn thông đồng ở ngay trong bệnh viện chứ ở đâu xa? Nguyên nhân chính là lương quá thấp, nên người ta phải xoay xở để sống. Hiện nay tất cả đều phải phong bì: từ người gác cổng, đẩy xe, thay băng... cũng phong bì. Vì mình không dạy cho người ta nghĩa vụ luật. 

Tôi đã nghiên cứu 10 bản nghĩa vụ luật của các nước và soạn ra dự thảo nghĩa vụ luật cho thầy thuốc VN, dưới sự bảo trợ của Hội Y dược học TP.HCM và đã mang ra hội thảo, mổ xẻ ba lần với các thầy, các BS. Tôi đã gửi bản dự thảo đó cho tất cả các nhà hữu trách, Ban Khoa giáo trung ương, kể cả Quốc hội, nhưng không ai trả lời! 

Không có nghĩa vụ luật, chỉ nói y đức chung chung thì làm sao đánh giá được sai phạm, tiêu cực, còn ra tòa lấy gì mà xử? Ở châu Âu và ngay các nước lân cận chúng ta đều đã có nghĩa vụ luật, đây là môn học bắt buộc và có thầy chuyên môn dạy về vấn đề này.

Bên cạnh đó phải thành lập y sĩ đoàn. Y sĩ đoàn không phải để quản lý như Bộ Y tế, Sở Y tế trong hành nghề tư, mà chỉ để theo dõi, kiểm tra các BS có giữ được cái trong sáng, cái lý tưởng của nghề cứu người, không được xâm phạm y đức, không được xâm phạm nghĩa vụ luật. 

Nếu một BS có sai phạm, bệnh nhân kiện, bệnh viện kiện, thì y sĩ đoàn nghiên cứu, điều tra giúp sở y tế: hoặc là minh oan cho thầy thuốc trong rủi ro nghề nghiệp, còn nếu xâm phạm đến người bệnh thì xử theo nghĩa vụ luật, có thể treo bằng sáu tháng hoặc một năm, hai năm tùy mức độ. Như vậy rất công bằng, vừa bảo đảm được quyền của bệnh nhân vừa bảo đảm quyền của thầy thuốc.

* Nhưng kê toa cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT), BS lại phải rất… dè sẻn.

- Như kỳ trước tôi đã nói: hệ thống BHYT phải đi đôi với hệ thống viện phí và hệ thống giá thuốc áp dụng cho toàn quốc. Hệ thống giá viện phí, giá BHYT cũng phải như nhau. Các nước như Pháp chẳng hạn công khai giá từ đại phẫu, tiểu phẫu, tiêm mạch, tiêm da…, giá từng loại thuốc trên một quyển sách (quyển Vidal). Mỗi BS đều có quyển này và nếu dân phát hiện tính sai thì họ đi kiện. Còn đằng này mỗi bệnh viện thu một giá. 

Đáng lẽ hệ thống BHYT phải là đòn bẩy để chống tiêu cực hoặc làm giảm tiêu cực trong khám chữa bệnh, nhưng mình ở đây thì đi ngược lại! BHYT mà kết dư trên 1.000 tỉ đồng, đó là một áp dụng sai lầm trong BHYT.

* Thưa giáo sư, BHYT cho rằng cần phải dự phòng.

- BHYT là phải chi trả lại cho người dân tất cả số tiền người ta đã đóng cho mình. Tôi đóng tiền BHYT là để được bảo vệ sức khỏe, mà tôi không hưởng thì người khác hưởng. Đó là điều sâu sắc nhất của BHYT, mọi người tham gia đóng BHYT là vậy. Đáng lẽ phải dùng 1.000 tỉ đồng này để lo chi phí sức khỏe cho dân, đằng này lại biến thành 1.000 tỉ lời! Sao không đi điều tra xem tại sao? Như vậy ngay cả BHYT cũng xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân đóng BHYT.

* Câu hỏi cuối với giáo sư. Có BS ghi toa 8-9 thứ thuốc, trong đó có hai kháng sinh cùng một hoạt chất. Một nhận định cho rằng do thiếu trình độ và thiếu y đức. Đúng không?

- Một thầy thuốc đúng đắn phải là thầy thuốc giỏi, chứ không thể nói dốt. Dốt là giết người. Để giải quyết tận gốc, tôi đã nói bao nhiêu lần là chúng ta phải đào tạo BS từ 8-9 năm, trong đó có ba năm nội trú bắt buộc, nhưng không làm. Thời gian đào tạo BS hiện nay là sáu năm, nhưng thực chất học chỉ năm năm. 

Vì thế khi ra trường anh là một BS, nhưng Bộ GD-ĐT trả lương anh tương đương một cử nhân học 3-4 năm. Trả lương kiểu cử nhân là đúng, nên BS còn phải thực tập ba năm ở một cơ sở y tế công rồi sau đó mới được mở phòng mạch ngoài giờ. Điều này dẫn đến: các bệnh viện hết biên chế, BS mới ra trường thất nghiệp phải làm “công quả”. Mình bắt BS thất nghiệp chứ có ai muốn đâu?

Tất cả các nước đều đặt hệ giáo dục y tế chương trình đào tạo BS là 8-9 năm, trong đó có ba năm nội trú. Nhà nước trả lương anh đủ để sống trong bệnh viện làm việc 24/24 giờ. Để giải quyết nạn thiếu BS ở vùng xa, các nước như Canada, Israel... qui định khi mới ra trường, muốn hành nghề ở TP phải đi vùng xa công tác hai năm. Sau đó, nếu năng lực không đủ đáp ứng ở TP lớn, anh lại sẽ phải về quê...

BS ghi toa tới 8-9 loại thuốc là cho thuốc điều trị “bao vây”, là do không làm kháng sinh đồ nên cho 2-3 loại kháng sinh cùng lúc. Các thuốc không phải không có sự tương tác trong đó, nguy hiểm chết người. Nếu có, sẽ kiểm tra xử lý, giải quyết được hàng loạt.

Tóm lại, vấn đề giá thuốc thì phải điều trị tận gốc. để tất cả các thuốc đều phải có giá in trên nhãn, hộp và giá phải thống nhất trên cả nước. Để hết tiêu cực của BS thì đào tạo BS phải cho ra BS và trả lương đủ sống. 

Hệ thống BHYT phải rất đúng đắn, kèm theo hệ thống giá viện phí và giá thuốc công khai, để BHYT hay người bệnh tự trả đều biết là tôi phải trả bao nhiêu tiền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận