TTCT - Ông không chỉ có những đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành tim mạch can thiệp thế giới mà còn là người đã giúp tạo lập ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam. Câu chuyện của ông đưa ta về những ngày đầu và hành trình vươn lên vị trí đáng tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Ông là GS.BS Nguyễn Ngọc Thạch (thường được gọi là Thạch Nguyễn), người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội Can thiệp tim mạch học Hoa Kỳ; giám đốc nghiên cứu tim mạch của Bệnh viện Methodist, Merrillville Indiana. Chân dung Giáo sư Thạch Nguyễn (họa sĩ Đức Trí) Giáo sư đã tới Trung Quốc năm 1992 để bắt đầu sự hợp tác giữa các bác sĩ tim mạch Mỹ và Trung Quốc rất thành công. Vì sao lại là Trung Quốc? Và sự hợp tác ở đó đã diễn ra như thế nào?Trong những năm 1985 - 1987, tôi học về tim mạch ở TP New York và gặp nhiều bạn là bác sĩ (BS) Trung Quốc. Khi về nước, họ trở thành trưởng khoa tim mạch của nhiều bệnh viện (BV) lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An hay Quảng Châu. Một người đã mời BV của tôi đến dạy các BS Trung Quốc về phẫu thuật tim hở (nhóm này đã thực hiện phẫu thuật bắc cầu cho cha của thư ký của Đặng Tiểu Bình). Năm 1992, họ lại mời chúng tôi đến dạy phương pháp nong động mạch vành.Sau đó một người bạn của tôi, con trai một vị ủy viên trung ương Đảng, đang học ở Mỹ hỏi: “Vì sao anh tới Trung Quốc mà không đi Việt Nam?”. Tôi trả lời: “Vậy chúng ta chuẩn bị cho chuyến đi Việt Nam, nhờ anh thu xếp”.Tôi đến Hà Nội năm 1993. Lúc đó ở Hà Nội chưa có kỹ thuật chụp mạch máu nên không làm được gì. Tôi phải đợi đến năm 1998, khi GS Eugene Braunwald dự định sang Trung Quốc, tôi hỏi ông ấy có muốn đến Hà Nội không. “Có!” - bậc danh sư của y học thế giới trả lời.Phái đoàn tới Việt Nam lúc đó rất hùng hậu, có cả giáo sư Michael Gibson - bác sĩ tim mạch can thiệp, nhà giáo dục y khoa, người tiên phong về “giả thuyết động mạch hở” và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong các thử nghiệm về thuốc làm tan huyết khối, thuốc hạ lipid máu và các thiết bị mới... (được Thompson Reuters bình chọn là một trong những nhà khoa học được công bố và trích dẫn rộng rãi nhất trên thế giới trong thập niên qua vào năm 2014, hiện có gần 440.000 người theo dõi trên Twitter). Và giáo sư Stephen Oesterle, trưởng khoa tim mạch của ĐH Stanford, người đã có rất nhiều khám phá quan trọng cho ngành tim mạch can thiệp Mỹ lúc đó.Ban đầu chúng tôi được giới thiệu đến BV 108, nhưng BV này lúc đó không đủ điều kiện cho đoàn triển khai nhiều thủ thuật mới nên chúng tôi đến BV Bạch Mai. Đó đúng là một chữ duyên vì BV Bạch Mai phù hợp hơn do không bị ràng buộc bởi những nhiệm vụ quá lớn (chăm sóc sức khỏe cho nhiều lãnh đạo cấp cao, mỗi quyết định phải qua rất nhiều tầng hội chẩn, nhiều bên tham gia quyết định). Điều này cũng tương tự tình trạng của BV Massachusetts General của ĐH Harvard lúc đó, quá nổi tiếng nên không thể mạo hiểm làm điều gì mới.BV Bạch Mai triển khai mọi việc rất nhanh, dẫu lúc đó, BV này còn cũ kỹ, thua một nhà thương cấp huyện bây giờ. Tôi còn nhớ mình dạy trong một hành lang được quây lại để thành phòng học. Ngày nay, BV Bạch Mai vẫn là nơi hàng đầu ở Việt Nam làm về tim mạch can thiệp, cũng là nơi đặt trụ sở của Viện Tim mạch quốc gia, độc lập về ngân sách và nghiên cứu, và nguồn lực, không có các rào cản về hành chánh.Thời điểm đó, mọi việc diễn ra như thế nào, thưa giáo sư?Năm 1993, mọi thứ đều rất thiếu thốn, Hà Nội hầu như chưa có gì hết nên chúng tôi cũng không làm được gì nhiều. Tới năm 1997 - 1998, Hà Nội có máy chụp hình mạch nên chúng tôi mới thực sự bắt tay vào việc được. Bác sĩ Khôi Lê trao tặng rất nhiều thiết bị đủ dùng cho bộ phận tim mạch can thiệp của Bạch Mai trong một năm. Và điều đó cũng thuận lợi cho việc tái đầu tư, giảng dạy và học tập.Sau đó, chúng tôi điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên thực tế bệnh lý của Việt Nam (thời đó, các ca bệnh bị hẹp van hai lá do thấp tim rất nhiều). Chúng tôi mời hai người qua dạy, GS Sam Shubrooks, trưởng đơn vị tim mạch can thiệp ở BV Deaconess, ĐH Harvard và một người rất nổi tiếng lúc đó là GS Ted Feldman, trưởng đơn vị tim mạch can thiệp ở ĐH Chicago, người đã khám phá ra nhiều thủ thuật mới cho tim mạch can thiệp Mỹ. GS Feldman dạy thủ thuật nong van hai lá cho BS Phạm Mạnh Hùng và BS Nguyễn Quang Tuấn.Tôi nhớ lúc đó có hỏi GS Feldman “Phải thực tập trên bao nhiêu ca rồi các BS Việt Nam mới tự làm được một mình?”. Ông trả lời “Khoảng 20 ca”. Nhưng đồ nghề GS Feldman mang qua lúc đó chỉ có 5 bóng nong Inoue. Sau hai ca, GS Feldman và tôi lên hội trường lầu 2 để giảng bài. Bên dưới, BS Nguyễn Quang Tuấn đưa một bệnh nhân vào tự làm và thành công. Phái đoàn Mỹ vô cùng ngạc nhiên và thán phục về tài và tinh thần năng động của BS Việt Nam. GS Thạch Nguyễn và GS Eugene Branwald. Ông có nói rằng trong quá trình hợp tác giữa các BS Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch, việc “cầm tay chỉ việc” trong lâm sàng rất quan trọng. Tại sao lại như vậy?Tại Trung Quốc, tôi đã dạy thủ thuật can thiệp tim mạch trên truyền hình. Nhưng làm thế nào một BS có thể biết phải làm gì khi chỉ xem thủ thuật tim mạch can thiệp qua màn ảnh tivi? Vì vậy, tôi nói với người bạn của tôi, BS Dayi Hu, GS ĐH Y Bắc Kinh, áp dụng kỹ thuật dạy nong mạch vành như ở Mỹ, BS thực tập sẽ đứng sát bệnh nhân với tư cách là người mổ chính, giảng viên Mỹ sẽ đứng sau lưng (cầm tay nếu cần) cho thực tập sinh làm thủ thuật. Bằng cách này, BS thực tập học hỏi, tự tin làm được và tiến bộ rất nhanh.Trước đây, khi các giảng viên từ Mỹ hoặc châu Âu đến Trung Quốc hoặc Việt Nam, họ thích làm tất cả và không kèm cặp nhiều. Tuy nhiên, với phương pháp giảng dạy cầm tay chỉ việc kiểu Mỹ (nhất là BS Thomas Bump, trưởng đơn vị Điện sinh lý học tim ở ĐH Chicago), các BS Trung Quốc và Việt Nam đều rất thích và đánh giá cao cách học này.Ông đánh giá như thế nào về năng lực học hỏi của các thế hệ BS tim mạch Việt Nam mà ông từng giảng dạy? Những tiến bộ và thành công nào của họ khiến ông tự hào nhất?Ở Việt Nam tôi hợp tác giảng dạy với 5 BV, nhưng một số BV không đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu ban đầu nên hợp tác chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Nhiều nơi khác như Thái Nguyên, Kiên Giang, Cần Thơ, Nha Trang, Nghệ An cũng mời nhưng chúng tôi không thể đi hoài đi mãi tới mọi nơi được. Chúng tôi nghĩ đến lúc các BS Việt Nam sẽ đảm trách tiếp phần việc này. Và đúng như vậy, BS Nguyễn Quang Tuấn đứng ra đặt nền móng chương trình tim mạch can thiệp tại BV Thống Nhất, rồi BS Phạm Mạnh Hùng về các tỉnh miền Nam, các BS BV Chợ Rẫy về Cần Thơ, Kiên Giang, sau đó tới Nha Trang, Nghệ An... Có cả BS Nguyễn Lân Hiếu, người học ở Pháp và Mỹ về, sau đó đã phát triển tiếp chương trình tim mạch can thiệp ở trẻ em và làm còn giỏi hơn cả ông thầy Phil Moore ở khoa y ĐH San Francisco. Vì lúc đó, các BS bên Mỹ một năm làm giỏi lắm chừng 100 ca, nhưng các BS Việt Nam mỗi tháng làm từ 30 - 40 ca vì nhu cầu điều trị rất lớn. Họ có thể làm mỗi ngày chục ca nên tiến bộ rất nhanh.Hiện nay nhiều BS đã làm rất bài bản, ví dụ BS Lê Văn Trường - chủ nhiệm tim mạch can thiệp của BV Quân y 108, phát triển một thủ thuật rất mới là nong động mạch trên não khi bệnh nhân bị đột quỵ não. Tốc độ và chất lượng phát triển của ngành tim mạch học non trẻ ở Việt Nam là rất đáng khâm phục và bất ngờ.Khi đến Việt Nam, tôi chỉ mới mở ra một “khung cửa hẹp”. GS Phạm Gia Khải, GS Phạm Nguyễn Vinh, GS Đặng Vạn Phước đã mở rộng ra nhiều chân trời mới khi gửi nhiều BS trẻ Việt Nam đi nước ngoài tu nghiệp. Khi về nước, với tay nghề được đào tạo chuyên nghiệp, họ đã vươn đến trình độ đỉnh cao như hiện nay. Có bác sĩ hỏi tôi vì sao ông vẫn làm việc? Tôi trả lời: Phải làm việc thì mình mới có câu hỏi để nghiên cứu khoa học. Đặt câu hỏi tốt và đúng thì sẽ bắt đầu hướng đi nghiên cứu đúng và tốt. Đi làm mới thấy được sự khác biệt giữa thực tế bệnh nhân và sách vở, để tìm ra những khám phá mới, cách thức điều trị mới.Ông đã viết hàng trăm bài báo khoa học. Ông đánh giá như thế nào về năng lực nghiên cứu khoa học của các BS Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp?Đội ngũ Việt Nam đã thực hiện nhiều ca hơn nhiều nước trên thế giới: số ca nong van hai lá cao nhất, số ca đóng lỗ thông liên nhĩ (ASD), ống thông động mạch (PDA), số ca nong mạch hoặc đặt stent nguy cơ cao... Tôi thấy 3 lĩnh vực kỹ thuật cao tại Việt Nam (trong đó có nhiều BS từ Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á đến học tập): nong van hai lá, đóng ASD, PDA, nong mạch vành và đặt stent. Ngay cả các BV Mỹ nổi tiếng cũng muốn gửi thực tập sinh qua học.Tuy nhiên, vì áp lực công việc quá lớn, quá bận rộn nên BS TMCT Việt Nam không có thời gian tổng hợp tất cả các dữ liệu lại và công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới.GS Thạch Nguyễn Trình bày nghiên cứu tại Hội Nghị JCR lần 19 Giáo sư có rất nhiều nghiên cứu mang tính cách tân trong lĩnh vực tim mạch, giúp tìm ra những phương pháp mới để cải thiện các can thiệp về nguy cơ mạch vành... và được đánh giá là những tiếp cận rất sáng tạo, đột phá. Đâu là nghiên cứu mà ông dành nhiều tâm sức nhất và hài lòng nhất? Tôi cho là việc phát hiện ra một phương pháp mới để xem xét chi tiết hình thái, hướng và tương tác của các dòng chảy mạch vành là quan trọng, vì nó giúp ta có thể dự đoán vị trí tổn thương, khi nào sẽ xảy ra, giải thích tại sao tổn thương xảy ra ở đây mà không phải ở kia. Những nghiên cứu này tôi dựa trên thủy động học.Nhưng trong tim mạch học, một nghiên cứu mới, một thiết bị hay thủ thuật mới sẽ lạc hậu trong vòng 6 tháng, vì y khoa là một khoa học không ngừng tiến bộ và tiến bộ rất nhanh. Nên những cái nhìn đột phá của tôi trước năm 2010 không còn áp dụng nữa hoặc đã trở thành kinh điển mà không ai còn nhớ người khai phá đầu tiên nữa. Cần phải khiêm tốn nhìn nhận thực tế này. Sách của tôi năm 2007 - 2010 là best-seller, nhưng bây giờ không còn thời thượng nữa, vì đã có nhiều tiến bộ mới thay vào và sách không còn là phương pháp tương tác tối ưu. Internet mới là cách tiếp cận thông dụng cho các BS trẻ hay sinh viên y.Chuyện đó có xảy ra với một mình tôi không? Không! Ví dụ điển hình là BS Ferdinand Kiemeneij, có biệt danh là “cha đẻ của phương pháp thông động mạch vành qua động mạch quay”, là một BS tim mạch can thiệp thực hành kiệt xuất ở Amsterdam (Hà Lan). Nhiều BS trẻ trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ kỹ thuật của ông. Tuy nhiên giờ đây BS Kiemeneij chỉ còn là một ký ức mơ hồ.Có một câu chuyện rất vui mà tôi muốn chia sẻ. Khoảng năm 2010, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hỏi tôi vì sao không tiếp tục về Hà Nội thường xuyên nữa, tôi nói tất cả những gì hay nhất tôi đã dạy rồi, giờ tôi không còn gì mới để dạy thêm. Tuy nhiên, lớp trẻ và lớp không còn trẻ (lớp thế hệ tôi) luôn có một cuộc cạnh tranh ngầm rất thú vị, lành mạnh. Tôi phải tự tái chế thế nào để lối nghĩ, cách làm việc của tôi vẫn còn ý nghĩa cho tôi, cho bệnh nhân và cho các BS học với tôi. Tôi phải điều trị lâm sàng, nghiên cứu hay làm thủ thuật một cách thật tốt đẹp, nhất là phải có ý mới. Thậm chí có cả con trai một BS bạn thân của tôi. Ngày cậu ấy vào nghề, bước chân vào BV trong chiếc áo blouse trắng, tôi nhìn cậu ấy như một đồng nghiệp, một người bạn, không còn là đứa trẻ năm xưa tôi viết thư giới thiệu xin học ở khoa y ĐH Indiana nữa. Các BS trẻ năm xưa làm việc với tôi nay đều là những người rất thành đạt, giữ những vị trí quan trọng ở nhiều đơn vị y tế hàng đầu Việt Nam hay Trung Quốc. Bây giờ họ là những người bạn thân hay cộng tác viên đắc lực nhất.Nghiên cứu mới nhất của tôi là về thủy động lực học trong tim mạch, truy về căn nguyên của bệnh. Tôi đã trình bày những dữ liệu của báo cáo đó đầu tiên ở Việt Nam để sau này ngành tim mạch Việt Nam được ghi nhận là nơi đầu tiên công bố nếu nghiên cứu mới này sẽ làm thay đổi cách các BS tim mạch chữa bệnh. Bầu trời là không giới hạn!“Hiện nay, ngành tim mạch can thiệp ở Việt Nam đã trưởng thành. Tất cả các kỹ thuật tim mạch can thiệp mới đều có thể được thực hiện ở Việt Nam. Ngày 2-8 vừa qua, các BS Việt Nam tiếp tục thảo luận trực tuyến với giảng viên chính là GS Michael Gibson, Trường Y Harvard và giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu lâm sàng Baim (trước đây là Viện Nghiên cứu lâm sàng Harvard, HCRI). Vào ngày 24-10 năm nay, Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam do PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng làm chủ tịch sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến với kỹ thuật can thiệp mới nhất, sử dụng sóng xung kích để phá vỡ mảng bám canxi trong động mạch vành (trước đây phương pháp tán canxi chỉ dùng để phá sỏi trong thận mà không cần phải phẫu thuật).Tôi đã đưa ngành tim mạch can thiệp vào Việt Nam, tuy nhiên các BS trẻ, hiện là lãnh đạo nhiều BV ở Việt Nam là những người đã xây dựng và đưa chương trình tim mạch can thiệp ở Việt Nam lên mức cao nhất hiện nay như PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, PGS.TS Phạm Như Hùng, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, TS.BS Nguyễn Thượng Nghĩa, PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, PGS TS Võ Thành Nhân, PGS TS Trương Quang Bình, TS Phạm Quốc Khánh, TS Trần Văn Đồng, TS Đỗ Quang Huân, TS Nguyễn Cửu Lợi, TS Tôn Thất Minh, TS Đinh Đức Huy, và nhiều BS khác nữa. Cộng đồng tim mạch can thiệp Việt Nam đã rất giỏi trong việc áp dụng và sử dụng các thiết bị và kỹ thuật đã phát triển ở các nơi khác. Giờ là thời điểm để cộng đồng tim mạch can thiệp Việt Nam phát triển những phương pháp điều trị mới, phát minh ra những thiết bị mới, từ Việt Nam đưa ra thế giới. Trong nghiên cứu và ứng dụng y học, bầu trời là không giới hạn”.Trong một phát biểu trước tân sinh viên y khoa, ông chào đón họ tới “một hành trình đặc biệt khám phá thế giới thể lý và tâm trí con người”, để “bảo vệ sự sống con người”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng với tư cách là nhà khoa học y tế, các BS không chỉ cần đưa ra các giải pháp điều trị mà còn phải tham gia cuộc chiến chống lại nhiều lề thói xã hội rập khuôn và thói quen cũ kỹ. Lời khuyên đó xuất phát từ những trải nghiệm thực tế nào của ông trong sự nghiệp của mình? Y khoa không chỉ là một công việc thuần túy để kiếm tiền, mặc dù đồng tiền kiếm được từ thực hành y khoa là lương thiện, khổ nhọc và vinh dự. Y khoa còn là một thiên chức, một nghĩa vụ, bổn phận của một thầy thuốc với từng bệnh nhân ở bình diện hẹp và với xã hội, dưới bình diện công dân.Do đó, thực hành y khoa là chu toàn nghĩa vụ chăm sóc đồng loại, đồng bào theo cách tốt nhất có thể, bằng hết sở học được truyền thụ và lòng đồng cảm giữa người và người. Điều đó tạo ra sự khác biệt giữa một NGƯỜI thầy thuốc và một cái máy trị bệnh.Tôi ước gì mọi thầy thuốc VN đều ghi nhớ châm ngôn tối thượng của y khoa: “Primum non cere” (trước hết, không làm tổn hại) làm kim chỉ nam cho suốt y nghiệp của mình. Điều răn này không dễ dàng gì, nhưng nó phải thế. Vì đây là y khoa, một khoa học - nghệ thuật - liên quan đến con người!Mặt khác, người thầy thuốc không chỉ là con người chuyên môn thuần túy, đóng mình trong tháp ngà y học, mà còn là một sinh vật xã hội. Một trí thức y khoa phải là một con người tự do - Homo Libertus - trong cách tư duy và hành động. Người thầy thuốc đó phải dũng cảm vượt qua những lối mòn lạc hậu, những định kiến bị nhồi nhét để vươn đến chân lý, sự thật và bảo vệ sự thật, chân lý đó.Tại Mỹ và trên thế giới, không ít nhân vật lỗi lạc trong y khoa là những nhà hành động trên cả hai bình diện y khoa và xã hội. Không chỉ là người thực hiện thành thạo các thủ thuật điều trị chuyên ngành, người thầy thuốc còn phải xem xét bệnh nhân như một cá thể duy nhất, bất khả so sánh. Họ được cứu sống có thể nhờ thủ thuật nào đó, nhưng họ cần được SỐNG, khỏe mạnh, hạnh phúc như một con người đúng nghĩa. Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh về việc điều trị toàn diện (comprehensive care) mà các thầy thuốc trẻ, vì sự say mê kỹ thuật cao, đôi khi vô tình bỏ sót.Một khía cạnh quan trọng không kém là y học phòng ngừa (preventive medicine). Kỹ thuật cao là cần thiết, là đại diện cho những thành tựu sáng chói của y học hiện đại. Y học phòng ngừa cũng thế, nó đúc kết những quy luật sinh học cho từng cá thể, từng quần thể đám đông để chỉ ra các nguy cơ về sức khỏe của quần thể đó (mass-treatment).Y học dự phòng là nền tảng, gốc rễ đem lại lợi ích cho mọi người, trong khi y học can thiệp là hoa trái giúp ích cho một số cá thể đã mắc bệnh nặng. Và y học dự phòng là cách hiệu quả, tiết kiệm nhất để mang lại sức khỏe tốt cho toàn dân, đặc biệt trong tình trạng kinh tế Việt Nam.Y học dự phòng cũng đòi hỏi người thầy thuốc có những kiến thức sâu rộng như các chuyên ngành khác. Do đó, như một nhà tim mạch học can thiệp, tôi vẫn không quên nhắc các sinh viên của mình lời khuyên minh triết từ 400 năm trước Công nguyên:“Thầy thuốc dở trị bệnh khi đã bùng phátThầy thuốc xoàng trị bệnh khi còn nhẹThầy thuốc giỏi biết cách ngừa bệnh”.(Hoàng Đế Nội kinh Tố vấn, cuốn sách giáo khoa y học đầu tiên của Trung Quốc, 400 năm trước CN)Vì thế, trong việc chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi không chỉ điều trị bệnh. Một khi bệnh nhân mắc bệnh thì đã là muộn. Là người thầy thuốc phục vụ xã hội, người thầy thuốc cần phải phòng bệnh cho người bệnh. Năm 2007, cuốn sách lâm sàng thứ 2 của GS Thạch Nguyễn - Practical Handbook of Advanced Interventional Cardiology - đã được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Tạp chí Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ, tạp chí ở Ý đánh giá là “Một la bàn cho các bác sĩ tim mạch ngày nay”. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 2000 và lần 2 năm 2007. Lúc ấy Internet chưa phổ biến nên các BS tim mạch vẫn đọc tham khảo cuốn sách. Vào năm 2018, ấn bản lần thứ 5, sách bán vẫn khá nhưng không nhiều như trước. Ông từng nhắc rằng các BS cần chú tâm hơn nữa để ra các quyết định có lợi nhất cho người bệnh, bao gồm cả việc đưa ra các giải pháp điều trị hợp lý, tiết kiệm nhất có thể. Chi phí điều trị (tim mạch) là điều mà người dân Việt Nam cực kỳ quan tâm. Điều gì đã dẫn ông tới lời căn dặn đó? Ngành tim mạch Việt Nam nên làm gì để có thể giảm chi phí điều trị mà vẫn giữ được tốc độ phát triển và đạt được những tiến triển mạnh mẽ?Vấn đề chi phí điều trị lớn không chỉ Việt Nam mà ở Mỹ cũng phải đối mặt. Bệnh nhân Việt Nam mà không phòng ngừa tốt thì tiền điều trị sẽ rất lớn, ngân sách y tế nhỏ của Việt Nam hay lớn ở Mỹ cũng không gánh nổi. Vì thế phòng ngừa là cách tốt nhất và là cách đầu tiên, vì làm bớt bệnh và khiến chi phí điều trị giảm đi. BS nào mà không hướng dẫn phòng ngừa cho bệnh nhân thì không hoàn thành nhiệm vụ.Riêng về bệnh tim mạch, có nhiều cách để giáo dục bệnh nhân phòng ngừa bằng cách nói chuyện giảng giải, cho xem tài liệu, yêu cầu bệnh nhân ngừng hút thuốc, không uống rượu, thực hiện chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, tập luyện thể thao. Khi người BS nói về điều đó thật ân cần, giải thích cặn kẽ dễ hiểu, thì đa số người dân sẽ nghe. Có khoảng 10% không nghe, nhưng vẫn phải nói tiếp, vì đó là bổn phận của người BS, dù là người làm tim mạch can thiệp. Mình là BS chứ không phải là quan trên. May mắn ra, một lúc nào đó lời dặn thiết tha ấy của người BS được họ nghe, thì kết quả sẽ tốt cho sức khỏe của họ.Thứ hai là về thuốc. Cuốn sách của tôi bán chạy vì nó tiếp cận vấn đề này rất thực tế. Nếu bệnh nhân nghèo, họ nhìn đơn thuốc và nói không chi trả nổi thì mình phải chọn ra viên thuốc nào quan trọng nhất giữ lại, sau đó tùy tình hình mà thêm viên số 2, số 3... Trong điều trị, cách quan trọng nhất là cách vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân. Một BS trước khi cho toa thuốc dài dằng dặc thì phải hỏi hoàn cảnh của bệnh nhân, lưu tâm tới điều kiện sống của họ, có nhớ mà uống thuốc hay không, có đảm bảo thuốc được bảo quản đúng cách an toàn khi uống lâu dài không, thuốc hết hạn bỏ đi đúng cách như thế nào.Một BS tim mạch đặt một stent rồi thì đừng để 5 năm sau bệnh nhân đó quay lại đặt thêm stent nữa. Điều trị như vậy là dở vì BS đó đã không theo sát để phòng ngừa cho bệnh nhân tốt nhất và cải thiện sức khỏe của họ một cách vững bền. Trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng vậy, phải đưa ra những gì tốt nhất, đơn giản nhất và giá cả phải chăng nhất cho bệnh nhân, cả ở Mỹ và ở Việt Nam.Có câu chuyện đặc biệt nào trong sự nghiệp y khoa của ông mà ông muốn kể cho độc giả Việt Nam?Tôi muốn nói tới giáo sư Phạm Gia Khải. Thời điểm hợp tác ban đầu, có rất nhiều vị đồng nghiệp lớn tuổi khá bảo thủ. Nhưng giáo sư Khải đã rất quyết liệt để bảo vệ các bác sĩ trẻ, tạo cơ hội cho họ học hỏi và thực hành, bênh vực các bác sĩ trẻ khi người khác chỉ trích họ làm các thủ thuật nguy hiểm. Tôi đánh giá rất cao điều đó.Giai đoạn 1990 - 2000, các cán bộ cấp cao của Việt Nam vẫn phải đi Trung Quốc, Singapore điều trị nhưng sau đó hầu hết đều do các BS Việt Nam đảm trách vì họ đã có cơ hội được học hỏi và thực hành. Các BS đã làm việc với trách nhiệm xã hội lớn lao, không chỉ cho những nhân vật quan trọng trong xã hội, mà còn cứu chữa cho những người dân bình thường nhất. Đó mới là ý nghĩa đích thực của y khoa, vì trước Đấng Tạo Hóa, mọi sinh mạng đều giá trị như nhau.Trân trọng cảm ơn giáo sư.■Cầu nối y khoaNăm 1997, khi nền y khoa nước nhà chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nền y khoa tiên tiến, GS.TS Thạch Nguyễn là “cầu nối” đưa các đoàn giáo sư, bác sĩ tim mạch hàng đầu của Mỹ về Việt Nam tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có cơ duyên được gặp ông và cộng tác đến tận bây giờ.Điều tôi quý mến và trân trọng GS Thạch là ở sự ưu ái và tận tâm với thế hệ trẻ và ngành y Việt Nam của ông. Nhờ ông làm cầu nối, nhiều thế hệ bác sĩ trẻ có cơ hội học tập nghiên cứu, được tiếp xúc với nền y khoa tiên tiến bậc nhất thế giới. Từ lần gặp gỡ đầu tiên ấy, đã có trên 200 bác sĩ trẻ được tạo cơ hội qua Mỹ học tập.Suốt cuộc đời tậm tâm với nghề, ông có nhiều sáng kiến trong nghiên cứu y khoa, trong đó nghiên cứu về cơ chế huyết động trong tim rất có giá trị thực tiễn. Ông cũng là nhà khoa học Việt Nam hiếm hoi “đồng tác giả” với các nhà khoa học hàng đầu thế giới xuất bản nhiều sách y khoa có giá trị.PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh (giám đốc Trung tâm tim mạch BV Tâm Anh, phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam)Ông là người truyền năng lượng và cảm hứng bất tận“Từ 1996, GS Thạch đã mời một đoàn GS hàng đầu từ Hoa Kỳ về đào tạo kiểu “cầm tay chỉ việc” tại viện chúng tôi. Phải nói là điều ấy rất hiếm, vì các nước không đến đào tạo tại chỗ, mà mình phải đến học ở BV của họ. Những khóa học ban đầu ấy rất quý giá, làm thay đổi rất lớn diện mạo của ngành can thiệp tim mạch Việt Nam” - PGS Phạm Mạnh Hùng, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ.Sự thay đổi ấy bắt đầu không chỉ từ những kỹ thuật mà BS Việt Nam học được và làm được để điều trị cho người bệnh, mà còn từ những vật tư y tế GS Thạch Nguyễn giúp mang về. “Khi đó rất nhiều bệnh nhân bị hẹp van 2 lá, chúng tôi rất mong làm được kỹ thuật nong van 2 lá bằng bóng qua ống thông, GS Thạch đã mời được GS “cha đẻ” của kỹ thuật này đến hỗ trợ, hướng dẫn 5 ca đầu tiên tại viện chúng tôi, sau 5 ca, các BS Việt Nam đã có thể tự nong được van 2 lá qua ống thông. Buổi tối hôm ấy rất xúc động, GS Feldman nói “giờ tôi có thể tự tin các bạn đã làm được” và sau đó chúng tôi quả thực đã làm rất tốt kỹ thuật này” - PGS Hùng xúc động nhớ lại.Ông còn là một điểm tựa cho nhiều đồng nghiệp ở quê hương, qua việc hỗ trợ các BS trẻ làm được một điều rất quan trọng: trình bày các nghiên cứu với cộng đồng y khoa. GS Thạch đã làm điểm tựa đầu tiên cho họ, để sau này, khi có những hội nghị tim mạch quốc tế, điểm cầu tại Viện Tim mạch quốc gia ở Hà Nội đã được chọn thực hiện ca can thiệp trình diễn trước toàn thể hội nghị.“Tại Hội nghị Tim mạch Đông Nam Á năm 2008, chúng tôi rất bối rối vì là lần đầu tiên là chủ nhà của một hội nghị chuyên môn quan trọng, có rất nhiều đồng nghiệp quốc tế tham gia. GS Thạch đã mời các đồng nghiệp giỏi của thế giới đến trình bày kỹ thuật, cùng với báo cáo của BS Việt Nam và khu vực, hội nghị đã thu hút hơn 3.000 bác sĩ, GS tim mạch và rất thành công” - PGS Hùng nói.“Chúng tôi đang đi tiếp các bước đi đó của GS Thạch” - GS Hùng nói - “Khi Bộ trưởng Bộ Y tế (thời điểm trước 2020) Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nhiều bệnh nhân ở đây nói rằng trước đây họ phải về HN để điều trị, nhưng từ ngày Quảng Ninh triển khai được nhiều kỹ thuật điều trị tim mạch, trong đó có tim mạch can thiệp, bệnh nhân đỡ vất vả rất nhiều. Kết quả này cũng là nhờ cách làm mà các BS Việt Nam học từ GS Thạch: Đến tận BV tuyến cơ sở, giúp BS ở cơ sở nắm vững kỹ thuật hơn, thông qua “cầm tay chỉ việc” theo đúng nghĩa đen, từ cách cầm dao mổ đến ra quyết định mỗi khi có ca bệnh phức tạp. “Tôi học được từ GS Thạch 2 điều cốt lõi: thay đổi tư duy về học thuật, truyền cảm hứng cho BS trẻ. Giờ đây BS tim mạch Việt Nam đã có tên trong sách chuyên ngành xuất bản trên thế giới, đi phẫu thuật báo cáo ở nhiều nước, truyền lại kinh nghiệm của mình cho BS ở nước ngoài. Không chỉ tôi, nhiều bậc thầy của nền tim mạch Việt Nam đều nhìn nhận những nền móng quan trọng ban đầu là nhờ sự hỗ trợ của GS Thạch” - PGS Hùng khẳng định.Tiếp nối con đường ấy là quan trọng, bởi PGS.BS Phạm Mạnh Hùng rất hy vọng có thêm nhiều BS tim mạch giỏi. Vì số người mắc bệnh tim mạch ở Việt Nam khá cao, hằng năm có tới 200.000 người Việt qua đời vì bệnh tim mạch, gấp đôi số người mất vì ung thư và bệnh có xu hướng trẻ hóa.HỒNG HÀ Tags: Giáo sư Thạch NguyễnTim mạch can thiệpBệnh viện Bạch MaiKỹ thuật điều trị tim mạch
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thủ tướng: Phải nhân lên những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai THIÊN ĐIỂU 18/12/2024 Khi chỉ đạo ngành văn hóa cần xây dựng cách làm hay, mô hình tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ hai concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai hay đội bóng chuyền nữ quốc gia để nhân rộng thêm.
Xây dựng Đảng vững mạnh, lựa chọn cán bộ đủ tầm để phát triển TP.HCM trong kỷ nguyên mới CẨM NƯƠNG 18/12/2024 Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh.
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chồng ca sĩ Bích Tuyền.