EU tuần qua đã chứng kiến “cơn địa chấn” Hi Lạp khi hơn 61% dân xứ này nói không với các điều khoản trả nợ của các chủ nợ. TTCT mời bạn nghe những câu chuyện của các thường dân Hi Lạp từ đảo Crete. Những phụ nữ Hi Lạp trên đảo Crete mặc áo đen lập cập đi bỏ phiếu - Ảnh: Lê Quang Lần đầu bước chân lên đất Hi Lạp cách đây hàng chục năm, tôi phải thú nhận là có chút thất vọng. Trong tâm tưởng của một con mọt sách, đây là cái nôi của nền văn hóa rực rỡ và mãi mãi gây ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới. Khi còn đi học, có lần trong một chương trình trao đổi sinh viên, tôi có mặt tại một triển lãm đồ họa ở Wroclaw (Ba Lan) và mua được bức tranh The drifting Acropolis vẽ ngôi đền thiêng rã ra từng mảnh. Tôi đem về bồi bìa cứng và treo lên tường. Không chỉ Acropolis, những ngôi đền Hi Lạp tỏa hào quang tráng lệ từ thuở hồng hoang của nghệ thuật xây dựng trên quả đất này, nay thiếu kinh phí tu bổ nên thường chỉ còn là cái bóng của chính mình... Ngày ấy chưa có Internet và Google, tôi cầm cuốn sách hướng dẫn du lịch đi tìm rất lâu mới thấy một nhà hát tròn ngoài trời (amphitheatre) để mong lọc ra những âm thanh cổ xưa giữa cuộc sống náo nhiệt. Vô ích. Những bậc đá hoang tàn và lở loét, hình như chưa hề được một lần tu sửa. Nhìn mà đau lòng, chạnh nhớ The drifting Acropolis... ÔNG BÀ CHỦ QUÁN SYMPOSIUM Và hôm nay tôi lại có mặt ở Crete (Hi Lạp), với tâm trạng vô cùng áy náy như đứng cạnh một người ốm đau mà không thể giúp gì: Hi Lạp đứng trước món nợ công khổng lồ mà việc chi trả theo điều khoản của chủ nợ khiến chính phủ phải trưng cầu ý dân vào ngày 5-7! Bộ máy quản lý nhà nước rệu rã đến mức, theo lời bà chủ nhà trọ, có đến vài chục ngàn người vẫn nhận đều lương hưu dù đã thành người thiên cổ từ lâu, chưa kể đến tầm kinh tế vĩ mô mà có lẽ chẳng người dân nào quan tâm lắm. Crete là hòn đảo đông dân nhất và lớn nhất Hi Lạp (thứ 5 ở Địa Trung Hải) và cũng thu hút nhiều du khách với hơn 1.000km bờ biển. Tên Crete bắt nguồn từ thần thoại Hi Lạp, theo con gái Krete của nữ thần Europa. Do ngôn ngữ ở đảo ít bị ảnh hưởng từ tiếng Hi Lạp chuẩn, người Crete thường bị dân “đại lục” chế giễu vì phương ngữ cũng như tính bảo thủ của mình. Kênh radio Erotokritos chỉ phát bằng phương ngữ, và sách vở rất chú ý giữ cách viết của địa phương, khiến việc tìm đường trên Internet khá vất vả. Crete lần lượt bị chiếm đóng bởi Venice, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, các thời đoạn ấy để lại dấu tích văn hóa rất thú vị cho du khách. Từ thời bị Đức chiếm đóng, người Crete có thói quen giữ vũ khí trong nhà. Cảnh sát Hi Lạp dự tính có chừng 750.000 vũ khí không được đăng ký ở Crete (với dân số 620.000)! Mỗi lần có đám cưới hay hội hè là người ta bắn súng tưng bừng lên trời, nghe nói cảnh sát nhắm mắt coi như không thấy. Người Crete ngày càng ít sống bằng nghề nông (từng sản xuất 40% lượng dầu ôliu cả nước) mà chuyển hướng sang dịch vụ du lịch. Lang thang một lát tìm được nhà hàng Symposium gần bờ nước. Bữa trưa ở đây ít khi bắt đầu trước 2 giờ chiều, biết vậy nên tôi cứ vào chơi với mấy con mèo. Ông chủ cau có tiếp tục dọn dẹp, nhưng bà chủ niềm nở ra ngay - người Crete nổi tiếng yêu chó mèo, cứ âu yếm với chúng thì ắt sẽ làm thân được với chủ. Dĩ nhiên không vì thế mà họ bỏ công việc đi làm bữa trưa sớm cho tôi, nhưng tôi cũng chỉ định nghe người dân ở đây có ý gì về cái Liên minh châu Âu (EU) xa vời mà sát sườn. - Hi Lạp hôm nay chỉ đợi chết, bất kể chúng tôi ly khai hay ở lại trong Eurozone. Ở lại thì cả năm chục năm nữa, xin lỗi, năm trăm năm nữa cũng không trả hết nợ cho EU, mà bỏ đồng tiền euro thì chắc chắn sẽ mất khách. Dân EU đã quen đi khắp nơi mà không gặp cây chắn ở biên giới và không phải đổi tiền. Cứ bốn du khách qua Hi Lạp thì ba là người Đức. Thêm vài người Anh và người Nga nữa, nhưng không đáng kể. - Ông bà sẽ đi bỏ phiếu chứ? - Để làm gì? Lý do duy nhất để chúng tôi đi bỏ phiếu là lo Tsipras từ chức. Ông ấy là người mà chúng tôi tin cậy, nhưng chắc cũng chẳng làm được trò trống gì. Vì đi hay ở thì Hi Lạp cũng chẳng khá hơn lên. Người ta có thể trách chính phủ tiền nhiệm kém khả năng lãnh đạo, cũng có thể oán Thủ tướng Tsipras cứng đầu không muốn bị EU bắt ép. Ít ai ý thức được sự kiện Grexit, nếu quả thật xảy ra, là nhát cắt đau nhất trong lịch sử châu Âu hậu chiến, khủng hoảng tệ hại nhất của EU kể từ khi ra đời. VÀ CRETE HẬU 5-7 Sáng 5-7, tôi đến điểm bỏ phiếu Georgioupolis, một làng nhỏ với khoảng 500 dân trên đảo Crete, chủ yếu sống bằng nghề nông và du lịch. Họ lấy ngôi trường làng làm nơi bỏ phiếu chung với mấy làng nhỏ xung quanh. Thoạt tiên dân làng vui vẻ bắt chuyện và một số trả lời phỏng vấn ngắn, rất ấn tượng. Phụ nữ Hi Lạp luôn mặc trang phục đen trong các dịp trang trọng. Và hôm nay tôi đã thấy những phụ nữ ấy mặc áo đen, nhiều người đã già, lập cập đi bỏ phiếu, nhìn thật cảm động. Họ rất lịch sự, thân thiện. Sau đó có một nhóm trẻ quá khích đi môtô và ôtô đến bỏ phiếu. Một người có vẻ là cầm đầu nhóm chặn tôi lại và làm ầm lên, trách các viên chức tại sao cho chụp ảnh (dù tôi đã hỏi xin phép từ trước). Các viên chức ra sức trấn an nhóm trẻ này nhưng không thành. Nhóm người này bắt tôi xóa ảnh. Họ gọi ba xe cảnh sát đến, cảnh sát đưa tôi về đồn, ghi tên tuổi rồi khuyên tôi xóa ảnh cho lành chứ họ không thể bảo vệ tôi suốt dọc đường. Tôi đành phải xóa hết, chỉ còn mấy cái chụp linh tinh bằng điện thoại. Dân Hi Lạp và EU có vẻ ghét nhau rồi? Dưới đây là hai câu chuyện tôi góp nhặt được trong ngày bỏ phiếu. Philipos, chủ nhà hàng và khách sạn mini Nostalgy, Georgioupolis (phỏng vấn ngày 5-7 khi vừa mở điểm bầu) Philipos (trái), chủ nhà hàng và khách sạn mini Nostalgy, Georgioupolis - Ảnh: L.Q. cung cấp Anh có hiểu nội dung tờ phiếu bầu không? À, anh biết rồi à? Đây nhé, tôi tin là không ai hiểu tờ giấy này nói gì, vì người dân nói chung bầu theo cảm tính. Họ chỉ bầu Tsipras khi ông ấy hứa sẽ tránh cho họ khỏi thắt lưng buộc bụng. Hứa thế thì đắc cử là phải. Tôi chưa rõ kết quả ra sao, chắc sẽ rất sát nút, nhưng thật ra tôi không quan tâm lắm. Người Hi Lạp vì có tư tưởng tự ti khi phải dựa vào Eurozone nên họ sẽ cứng cổ bầu theo chính phủ kêu gọi, chứ không ai biết rõ hậu quả đâu. Chúng tôi có thể được hoãn nợ, nhưng rồi vẫn phải trả chứ. Tôi có hai quốc tịch, tôi bay đi bay lại giữa Crete và Mỹ, tôi không lo cho bản thân, nhưng người dân đảo này nghèo lắm. Họ sẽ thấm thía hậu quả khi khách du lịch bỏ đi và EU mất tín nhiệm với Hi Lạp. Lúc nãy tôi quan sát cảnh sát làm phiền anh. Dân ở đây là thế, rảnh rỗi sinh ra lắm chuyện, việc gì mà phải điều ba xe cảnh sát đến. Thôi, anh đi tắm biển cho lành. P., tu sĩ dòng Chính Thống giáo Hi Lạp, Vamos Cha cố P. ở Vamos (Crete) - Ảnh: Lê Quang Dân vùng này bỏ đi hết rồi, tôi cai quản vài con chiên và cũng không nắm được hết tình hình. Vợ tôi làm mật ong, ép dầu ôliu thủ công và mứt cam chanh, tôi bán hàng và dẫn khách tham quan nhà thờ. Nhà thờ này cổ lắm, móng được đặt từ thế kỷ 18, thỉnh thoảng có khách đến xem thì tôi giấu chìa khóa dưới cục đá trước cửa, ai vào xem cũng được. Tôi sẽ không kể là có đi bầu hay không, hoặc bầu cho phương án nào. Dân ở đây nghèo và cũng sẽ không thay đổi cuộc sống là mấy, bất luận kết quả trưng cầu ra sao. Tôi không có thống kê, nhưng dự đoán là 40% dân trên đảo không có việc làm tử tế. Nghề nông không ra tiền đâu. Nhưng quả đất này đủ ăn cho tất cả, tại sao phải tham lam? *** Sáng 6-7, sau kết quả nói “không” chấn động châu Âu và tuyên bố từ chức cũng chấn động không kém của Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Yanis Varoufakis “Minister no more”, tôi không khỏi ngạc nhiên khi rất khác với không khí hừng hực trên truyền thông, người dân đảo Crete không quá bận tâm. Ariadne, quản lý nhà hàng Apollo, Kavros (8g30 sáng 6-7) Ông Varoufakis từ chức rồi à? Anh nói thì tôi mới biết đấy. Tôi dậy từ sáng, lo cho các con rồi đi làm luôn. Đây là nhà hàng gia đình nên trăm việc đến tay tôi cả, cũng vì thế mà hôm qua tôi không đi bầu. Kết quả thế nào cũng thế cả. Cũng tiếc cho ông Varoufakis, ông ấy giỏi lắm, nhưng lúc tranh cử ông ấy nói là chỉ giúp ông Tsipras thôi, chứ ông ấy khó hòa hợp với chính sách của EU lắm. Tôi không tin Hi Lạp ra khỏi khu vực dùng tiền euro và chúng tôi cần đồng euro mới khá lên được. Tôi cũng quyến luyến đồng drachme nhưng không muốn quay lại. Giulietta, hướng dẫn viên du lịch Giulietta, hướng dẫn viên du lịch trên đảo Crete - Ảnh: Lê Quang Tôi không ngờ hơn 60% dân Hi Lạp chống lại kế hoạch cải cách của EU đề ra. Tôi đoán nguyên nhân là sự bất bình của người Hi Lạp do cảm thấy bị áp buộc. Tôi sống ổn và không lo lắng gì cả, vì trước sau thì Crete cũng là đất du lịch. Tôi không tin Hi Lạp sẽ ra khỏi khối các nước dùng đồng euro hoặc thậm chí quay lại đồng tiền cũ. Vì châu Âu mang món nợ lớn với Hi Lạp. Tôi không nói khía cạnh văn hóa hay thậm chí hòa vào dàn đồng ca hủ lậu đòi Đức bồi thường chiến tranh. Nhưng ai theo dõi báo chí sẽ dễ dàng nhận ra từ nhiều năm nay, mỗi khi Hi Lạp nhận được tín dụng từ EU (mà Đức và Pháp chủ đạo) thì vài hôm sau Hi Lạp lại ký hợp đồng mua chiến đấu cơ, tàu ngầm... của họ. Đất nước này đâu cần nhiều vũ khí như vậy? Hi Lạp vay tiền không phải để bị buộc lấy tiền đó mua súng đạn của chủ nợ. Đức và Pháp nên xấu hổ vì hành vi đó. Họ đã chịu tổn hại nhiều trong thế chiến, để rồi hôm nay là những nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất nhì thế giới. Anh nhìn những biệt thự đẹp nhất có hướng nhìn ra biển chưa? Toàn là người Anh mua cả đấy, từ khi tỉ giá đồng bảng Anh lên cao. Họ mua nhà rồi mỗi năm qua đây 2-3 tháng nghỉ thôi. Đất nước này chảy máu vì châu Âu, vậy nên nếu tìm người có lỗi trong khủng hoảng này thì nên tìm ở cả hai bên. Cử tri Hi Lạp có bị mắc lừa bởi những lời hứa của đảng liên minh cầm quyền Syriza thì cũng dễ hiểu: họ tìm một lối thoát trong danh dự chứ không ai muốn nhịn đói để trả nợ cả đời cả, và rõ ràng các chủ nợ không biết hết được áp lực đè nặng ra sao lên vai người dân Hi Lạp, những người đột nhiên sinh ra thói quen ham tiêu những đồng tiền mà họ lẽ ra không có. Tôi giã từ người đảo Crete với những tâm sự ngắn ngủi này. Hi Lạp có trụ lại trong khu vực dùng tiền euro hay không, những Tsipras của thế giới này sẽ đến rồi đi, nhưng 11 triệu dân Hi Lạp sẽ quá kiêu hãnh để trốn món nợ ngập đầu, nghĩa là họ sẽ khổ ải dài dài... EU có dám để nền dân chủ đầu tiên của thế giới văn minh lụi tàn? Và xa hơn nữa, sau Grexit liệu sẽ còn nối tiếp hàng loạt Spaxit, Finxit, Irexit, Italexit...? Tags: Hi LạpEurozoneTrưng cầu dân ýAlexis Tsipras
Tổng Bí thư: Hải Phòng hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong hợp tác và phát triển kinh tế TIẾN NGUYỄN 14/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng TP Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố tiêu biểu châu Á.
Thủ tướng bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt làm phó tổng Thanh tra Chính phủ THÂN HOÀNG 14/11/2024 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Tiến Đạt giữ chức phó tổng Thanh tra Chính phủ. Trước đó ông giữ chức vụ cục trưởng ở cơ quan này.
Chuyên án ma túy đường hàng không từ Pháp về Việt Nam: Phá 500 đường dây, khởi tố 1.132 người ĐAN THUẦN 14/11/2024 Liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam, đến nay Công an TP.HCM xác định các đối tượng đã giao dịch mua bán ma túy với số tiền hơn 28.000 tỉ đồng.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu ông Trump khởi xướng TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói Matxcơva sẵn sàng đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu ông Trump khởi xướng, nhưng kèm theo điều kiện.