TTCT - Chưa từng có công nghệ nào khiến những người lao động trình độ cao, được giáo dục bài bản mất việc hàng loạt. ChatGPT có là ngoại lệ? Minh họa do AI DALL-E của OpenAI thực hiện.Giới chuyên gia vẫn còn thận trọng trước câu hỏi này nhưng nếu hỏi chính ChatGPT, ta sẽ có câu trả lời chắc nịch: AI có thể làm giảm tỉ lệ có việc làm của người có trình độ đại học, vì "Khi công nghệ tiếp tục phát triển, nó sẽ có thể thực hiện các tác vụ mà trước đây được cho là đòi hỏi trình độ học vấn và kỹ năng cao. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển của người lao động trong một số ngành nhất định, khi các công ty tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách tự động hóa các quy trình".Đây là đoạn trích kết quả ChatGPT trả về khi cây bút Annie Lowrey của tạp chí The Atlantic ra yêu cầu: "viết một đoạn văn năm câu theo phong cách The Atlantic về việc AI có bắt đầu làm giảm việc làm của người có trình độ đại học trong năm năm tới hay không".ChatGPT có khả năng tạo ra nội dung đa lĩnh vực một cách nhanh chóng. Từ khi OpenAI mở ChatGPT cho người dùng miễn phí vào tháng 11-2022, học sinh, sinh viên nhanh chóng nhờ cậy AI viết bài luận ở trường, các doanh nghiệp dùng nó để lo nội dung cho trang web, bài quảng cáo, đăng mạng xã hội, các luật sư thì để máy viết tóm tắt pháp lý.Từ đây, không tránh khỏi lo ngại ChatGPT có thể chiếm mất việc làm của những người viết nội dung sáng tạo, nhà báo, nhân viên dịch vụ khách hàng, tiếp thị kỹ thuật số, lập trình viên... Đây là những nghề từng được cho là miễn nhiễm trước sự xâm lăng của robot, song với ChatGPT, sự an toàn này có thể sẽ chấm dứt.Theo các chuyên gia công nghệ, một loạt các tác vụ vốn không thể tự động hóa giờ đây đã có thể được AI xử gọn. David Autor, giáo sư MIT, giải thích: trước đây con người đặt ra quy trình từng bước và máy móc chỉ làm theo, nó không tự học hoặc tự tùy biến, còn bây giờ ChatGPT và những AI tương tự có thể tự học và cải thiện. Điều này "hứa hẹn sẽ gây bất ổn cho hàng loạt công việc cổ cồn trắng, bất kể AI có lấy mất việc làm hay không" - Autor nói với tác giả Lowrey.Minh họa do AI DALL-E của OpenAI thực hiện.Nhân viên của BuzzFeed có thể là những người biết được chuyện này sẽ thành bại ra sao đầu tiên, khi công ty truyền thông và giải trí này hồi tháng 1 tuyên bố sẽ sử dụng một công nghệ AI khác của OpenAI để tạo các bài trắc nghiệm vui và "những hình thức nội dung mới" trên nền tảng của mình.Trước khi mở rộng nội dung sang tin tức, talk show, trong giai đoạn đầu (2014-2019), BuzzFeed nổi tiếng là nơi để chơi các trắc nghiệm như "hãy cho tôi biết vị kem yêu thích của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là công chúa Disney nào". Trong năm nay, AI sẽ tham gia vào quá trình tạo những bài trắc nghiệm vui như thế để "tăng trải nghiệm người dùng và giúp công ty tiết kiệm chi phí", theo thông báo mà nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Jonah Peretti gửi cho nhân viên hôm 25-1.Một người phát ngôn của BuzzFeed sau đó nói rõ với trang Insider rằng công cụ AI này sẽ không tạo ra toàn bộ bài trắc nghiệm; đội ngũ BuzzFeed vẫn sẽ soạn các câu hỏi, và AI sẽ chỉ được dùng để tạo ra vô số các cách trả lời khả dĩ.Tuy vậy, thông tin này vẫn gây cảm xúc lẫn lộn với nhân viên BuzzFeed. Một nhân viên hợp đồng nói với Insider cô "cực kỳ thất vọng nhưng không ngạc nhiên" trước nước đi này, vì lãnh đạo công ty trước đó đã sa thải đến 12% đội ngũ nhân viên. Người này nói không sợ AI sẽ "cướp trắng" công ăn việc làm của mình, nhưng chỉ lo độc giả sẽ xa rời BuzzFeed khi biết các bản tin, câu đố là do máy viết. Một nhân viên cơ hữu của BuzzFeed cũng cho biết cái giá phải trả là chất lượng nội dung chứ không phải việc làm.Nói gì thì nói, đây không phải lần đầu tiên nhân loại đứng trước lo sợ một bước tiến khoa học kỹ thuật có thể gây xáo trộn trong đời sống. Lịch sử đã cho chúng ta nhiều bài học tham khảo về máy dệt, xe hơi, Internet, điện thoại thông minh. Ngay lúc này, những người làm nghề viết lách sáng tạo hay bàn giấy vẫn có thể lạc quan rằng ChatGPT hay một AI có tài năng tương tự sẽ chưa thể thay thế họ hoàn toàn.Sau đoạn mở đầu năm dòng nêu ở đầu bài, Lowrey hoàn toàn có thể kêu ChatGPT viết nốt cả bài, nhưng thứ AI này không thể làm được là đi phỏng vấn chuyên gia, lấy ý kiến của những người có liên quan hoặc đưa ra các nhận định của chính nó. ChatGPT chỉ tạo ra nội dung từ những gì có sẵn, đã được đăng tải trên Internet - nó không có hiểu biết hay thẩm quyền với những gì đã viết, không có khả năng đọc lại bản thảo và chỉnh sửa, không thể đánh giá được đâu là ý tưởng mới hay thú vị.Sự xuất hiện của ChatGPT, một "cây bút" có khả năng sản xuất tin bài nhanh nhưng hời hợt, sẽ chỉ làm báo chí thực thụ, do con người viết ra, có giá trị hơn. AI có thể viết biên bản hội nghị, gạch đầu dòng các ý chính và con người sẽ viết bài chuyên sâu từ những dữ kiện đó. "Bằng nhiều cách, AI sẽ giúp chúng ta sử dụng chuyên môn của mình tốt hơn" - Lowrey kết luận. Tags: AITrí tuệ nhân tạoChatGPTCổ cồn trắng
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.