Giữ chân người giỏi và chắn sóng từ xa

PHÚC TIẾN 18/02/2008 22:02 GMT+7

TTCT - Trước tết, câu chuyện cán bộ nhà nước cỡ giám đốc sở, vụ trưởng xin thôi việc công để “ra riêng” xuất hiện “nóng” trên nhiều báo.

Phóng to

Thời kinh tế thị trường, chất xám phải được đánh giá đúng giá trị, công bằng và hợp lý. Trong ảnh: nhân viên văn phòng làm việc tại Nhà máy Nidec VN trong Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Mồng 5 tết, mở báo Pháp Luật thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bộc bạch nỗi lo về thiếu nhân lực cho toàn xã hội. Trong đó, chính “Chính phủ cũng đau đầu giữ chân người giỏi. Vì ngay Văn phòng Chính phủ vừa qua cũng có người ra đi”! Hóa ra đến cấp cao nhất còn bị “chảy máu chất xám”, vậy ai gây ra vết thương này? Lấy gì ràng rịt để nhân tài vẫn ở lại với Nhà nước?

Hơn 20 năm trước, vào lúc giao thời bao cấp và đổi mới, chất xám đã róc rách chảy bởi đây đó đều có tình trạng cán bộ “chân trong chân ngoài”. Không ít người giữ biên chế, giữ chức vụ nhà nước, nhưng kỳ thực nếu không ăn cắp của công, tham nhũng thì đều phải tranh thủ làm thêm việc khác, chạy chợ kiếm sống.

Khi đó khu vực tiểu thương, tiểu chủ hoặc tất cả những hoạt động kinh tế được coi là “bung ra” đã có được sự “viện trợ” tự nhiên và quí báu của chất xám từ khu vực công. Tình trạng làm việc “nửa nạc nửa mỡ” ở cơ quan nhà nước chỉ giảm thiểu khi đồng lương nhà nước khá hơn. Tuy nhiên, như một di chứng, hiện vẫn có không ít người dùng chiếc ghế cán bộ, dùng vị thế cơ quan nhà nước để làm “kinh tế ngầm” cho bản thân!

Đầu thập niên 1990, Việt Nam thoát khỏi “cấm vận”, cùng lúc tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài được “xả cảng”. Đó chính là lúc phát khởi một luồng cán bộ “cởi áo” nhà nước, “mặc áo” tư doanh hoặc liên doanh với nước ngoài. Họ là một trong những nguồn tiếp sức quan trọng làm nên thành phần kinh tế tư nhân mới hồi phục! Quả thật, không ít “đại gia” thành danh ngày nay từng là cán bộ cộm cán tổng công ty này, sở nọ.

Có những cặp doanh nhân, ông “cởi áo” quốc doanh trước, rồi từ từ bà cũng “tư nhân hóa” theo. Có nhiều người cất thẻ Đảng, chịu mang tiếng tham gia “bóc lột” để xây dựng cơ nghiệp riêng của mình. Thuở ấy, họ bị coi là “cơ hội”, là “biến chất” nhưng thực tế cho thấy họ là những người liều lĩnh vì ra làm tư vào lúc tranh tối tranh sáng, dễ bị tai tiếng và “tai nạn”. Họ xuất phát từ nhiều cỡ cán bộ khác nhau, thường thường bậc trung hay chuyên viên cao cấp hoặc “lính trơn” nhưng nhìn kỹ thì có “gốc gác”.

Trong 15 năm qua không biết đã có thống kê nào về con số và thành phần - tạm gọi là “cán bộ giải tư” - hay chưa. Nếu có chắc cũng khó chính xác, bởi đa số họ đều không làm gì ầm ĩ. Thêm nữa, báo chí thời ấy cũng chưa để ý nhiều đến họ! Đến bây giờ, khi kinh tế thị trường Việt Nam bước lên nấc thang WTO, tốc độ tăng trưởng kinh tế lên cao thì lại xuất hiện đợt sóng “cán bộ giải tư” thứ hai. Đợt sóng này có vẻ mạnh hơn đợt trước vì những công chức bỏ ghế nhà nước đều là cán bộ cỡ đầu ngành, từ địa phương tới trung ương. Lại thêm chuyện mới, họ thẳng thắn viết đơn nghỉ việc và không giấu giếm điều này với báo chí.

Phóng to

Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cũng là cơ quan Nhà nước có cán bộ cấp cao xin nghỉ việc trong năm 2007. Trong ảnh: Cấp giấy phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư. Ảnh: T. Thạnh

Có nhiều ý kiến cho rằng “cán bộ giải tư” chẳng qua vì tiền, vì làm tư sướng hơn làm công! Có lý do đấy nhưng chỉ là lớp vỏ ban đầu! Bởi đằng sau những đợt sóng nói trên là qui luật cung cầu của thị trường lao động. Không thể khác, khu vực tư đang “đói người” thì phải nghĩ đến “hút người” từ khu vực công. Một cách thực tế, ngoài chuyện đào tạo mới, khu vực tư không thể bỏ qua nguồn cán bộ “ngon cơm” đã được Nhà nước “dọn sẵn”.

Tuy nhiên, khu vực tư không thể trưng dụng người tài, không thể cưỡng bức ai theo mình mà chỉ có thể tìm cách chinh phục. Chính khu vực Nhà nước muốn giữ người và tại sao không nghĩ đến việc lấy người của khu vực tư cũng phải học những cách chinh phục tương tự! Cách chinh phục đầu tiên là “có thực mới vực được đạo”.

Một nhà nước thời bình thì không thể kêu gọi người tài ra làm việc nước chỉ bằng tấm lòng suông. Nếu khu vực tư có thể trải thảm đỏ không chỉ bằng lương thưởng cao, nhà ở, chế độ công tác phí, kể cả việc trả tiền cho con vào đại học mà còn bằng cổ phần, cổ phiếu thì khu vực công cũng có thể làm như vậy.

Làm một cách minh bạch, tính toán hiệu quả cho những người làm việc hiệu quả thì dân sẽ có cách giám sát và không thắc mắc! Không đâu xa, tại Singapore, nhà nước trả lương công chức bình thường đủ sống. Riêng đối với công chức cao cấp thì mức lương phải bằng hoặc cao hơn tư nhân. Hơn nữa, họ còn dám tuyển tư nhân đưa vào làm quan chức và chính khách. Đơn cử như chỉ trong vòng một thập niên, ông Goh Chok Tong từ vị trí tổng giám đốc cảng được đưa vào huấn luyện làm bộ trưởng, phó thủ tướng và rồi thủ tướng.

Tuy nhiên, lương tiền - cũng chỉ là phương tiện - đưa con tàu đi đến bến bờ. Trong khi ấy, đối với con người, nhất là người tài - còn phải cần đến những cánh buồm lớn, bầu không gian thoáng đãng, tình đồng đội gắn bó để cùng hiệp lực ra khơi thành công. Nhìn lại lịch sử, thời nào cũng vậy, có những người từ quan vì chán ghét cảnh bè phái nịnh nọt, vì không chịu nổi cảnh “hàng thần lơ láo”, hoặc không chấp nhận lối làm việc “vắt chanh bỏ vỏ”. Muốn giữ họ lại, vua phải dẹp các nịnh thần, phải trân trọng hiền tài, phải tuyển người làm quan bằng thi cử chứ không phải tiến cử.

Thời nay, những nước đã và đang công nghiệp hóa, ở cả khu vực tư và công đều phải tạo ra môi trường làm việc tôn vinh người tài, đào thải người yếu kém. Muốn thế, người ta bắt đầu từ tuyển dụng minh bạch, thưởng phạt công minh, bàn bạc dân chủ. Đặc biệt là việc đề bạt cán bộ phải dựa trên tiêu chí tài năng chứ không phải bằng quen biết, bợ đỡ, bằng kim tiền.

Ở khu vực tư, từ nhân viên đến trưởng phòng, giám đốc và tổng giám đốc đều có thể tuyển dụng công khai qua quảng cáo trên báo đài. Ngay cả người muốn tái bổ nhiệm hay người đang ở cấp phó cũng đều có quyền và được khuyến khích nộp đơn dự tuyển. Vậy thì khu vực công hoàn toàn có thể tổ chức tuyển dụng công khai, mời gọi ứng viên ở những chức vụ chuyên môn. Có bổ nhiệm định kỳ, có công khai tiêu chuẩn, có thi tuyển rõ ràng thì càng tìm được và tôn vinh người tài.

Việt Nam đã có thi tuyển công chức bình thường, hiện đang phổ biến trong ngành sư phạm và y tế thì lẽ công bằng ở các vị trí công chức trung cấp và cao cấp khác cũng phải thông qua thi tuyển!

--------------------------------------

Ý kiến bạn đọc:

* Chúng ta thường hay nói: "Nhân tài là nguyên khí của quốc gia''. Tất nhiên, nhân tài làm việc trong khu vực nào tại quốc gia cũng đều là nguyên khí của quốc gia cả. Tuy nhiên, đối tượng được hưởng lợi rộng hay hẹp mới là quan trọng. Đối tượng được hưởng lợi rộng hơn thì sẽ đóng góp cho quốc gia nhiều hơn và ngược lại.

Ngạn ngữ nói: "Một người biết lo hơn một kho người biết làm''. Một nhân tài thực sự có năng lực, nếu đứng ra lo liệu mọi việc cho dân sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho quốc gia. Điều đó là quá rõ ràng. Chính vì vậy, Singapore đã đưa những nhân tài của họ vào làm việc trong khu vực nhà nước lên vị trí hàng đầu dưới mọi góc độ, nên đất nước nhỏ bé này đã làm cho thế giới phải kinh ngạc.

Còn Việt Nam thì sao? Chúng ta thường hay nói: "Công chức lương ba cọc ba đồng''. Nếu không chịu được, chắc phải "đánh bài chuồn". Họ là người có công hay có lỗi hay là có tội?...

Thời gian qua họ tự nguyện ra đi vô điều kiện, trong thời gian tới họ chắc chắn họ còn tiếp tục ra đi nhiều hơn. Đã từ lâu, nhà nước đã hô vang khẩu hiệu "cải cách tiền lương'', nhưng mỗi lần tăng được mấy chục đồng, không đủ tiền xăng đi làm việc. Và chưa nói đến tệ tham nhũng, "trái đắng" của phần lớn lý do không thể toàn tâm toàn ý cho công việc khi bị đè nặng vai chuyện manh áo miếng cơm...

* Tôi rất tâm huyết bài viết này. Nhất là câu nhận xét: "Hơn 20 năm trước, vào lúc giao thời bao cấp và đổi mới, chất xám đã róc rách chảy bởi đây đó đều có tình trạng cán bộ “chân trong chân ngoài”. Không ít người giữ biên chế, giữ chức vụ nhà nước, nhưng kỳ thực nếu không ăn cắp của công, tham nhũng thì đều phải tranh thủ làm thêm việc khác, chạy chợ kiếm sống".

qcdieu@

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận