Giữa hai làn đạn

(CÒN TIẾP) 03/09/2008 22:09 GMT+7

TTCT - Sự kiện 11-9-2001 đã buộc Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đứng trước một lựa chọn cực kỳ khó khăn: giữ thái độ nào trong cuộc chiến chống khủng bố? Liệu có nên nhượng bộ trước những yêu sách quá quắt của Hoa Kỳ? Làm sao kiểm soát được các nhóm cực đoan ở trong nước? Lý lẽ nào đằng sau việc bỏ rơi Afghanistan? Ông biết sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định này, kể cả việc đánh đổi bằng mạng sống của chính mình...

“Có gì khẩn cấp à?” - tôi hỏi, hơi bồn chồn.

“Xin ngài hãy xem truyền hình” - ông ta đáp.

Ông ta đã tìm ra kênh CNN. Tôi không thể tin nổi vào mắt mình. Khói cuồn cuộn bốc lên từ hai ngọn tháp của tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới. Nhiều người nhảy ra ngoài từ các cửa sổ. Một sự hoảng loạn cùng cực. Không phải là chiếc máy bay tư nhân hạng nhẹ mà là hai chiếc Boeing thương mại chứa đầy nhiên liệu, mang theo đầy hành khách. Những máy bay này đã bị cướp và cố tình lái đâm vào tòa tháp đôi. Đây khó lòng là một tai nạn. Đây hẳn phải là một hành động khủng bố cố tình và táo tợn. Tôi được thông báo còn hai máy bay khác bị cướp - một đâm vào Lầu Năm Góc, một đâm đầu xuống một cánh đồng ở Pennsylvania. Các bình luận viên lúc đó nói rằng máy bay này đang trên đường bay đến Nhà Trắng. Chiến tranh rồi!

Phóng to
Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong dư luận quốc tế lẫn trong nước. Pervez Musharraf sinh ngày 11-8-1943 trong một gia đình trung lưu ở Pakistan.

Quân đội đem lại tất cả cho Musharraf. Ông đã thăng tiến rất nhanh trong quân đội. Tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan. Cuối cùng ông trở thành tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan.

Ông lên nắm quyền kiểm soát đất nước bằng một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1999, lật đổ chính quyền của thủ tướng dân cử Nawaz Sharif. Sau đó ông đã giải tán quốc hội, gây nhiều xôn xao trong cộng đồng quốc tế.

Năm 2001, ông tự phong là tổng thống Pakistan.

Sau khi Musharraf tuyên bố ý định chiến đấu chống lại những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan, phương Tây đã chuyển từ cấm vận Pakistan sang tích cực ủng hộ nước này thông

qua trợ giúp quân sự và tài chính. Sau sự kiện 11-9, Tổng thống Musharraf cắt đứt sự hậu thuẫn của Pakistan đối với phe Taliban của Afghanistan, đồng thời biến Pakistan thành đồng minh không thể thiếu của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Cuối năm 2007, Tòa án tối cao Pakistan đưa ra phán quyết thách thức tính hợp pháp trong việc ông Musharraf tái tranh cử chức tổng thống khi mà ông vẫn là tổng tham mưu trưởng quân đội. Ông Musharraf đã đáp trả bằng việc đình chỉ hiến pháp và ban hành hàng loạt biện pháp cứng rắn. Ngày 24-11-2007, Ủy ban bầu cử Pakistan đã xác nhận ông tái đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, từ đó đến nay sức ép lên ông vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích đoạn giới thiệu từ hồi ký của ông In the line of fire (Trong làn đạn, xuất bản tại Anh năm 2006, tái bản 2008).

Chúng tôi vẫn dán mắt vào chiếc tivi đến khi thấy một ngọn tháp đổ sụp xuống và vài phút sau đến ngọn tháp thứ hai. Không thể tin nổi! Khói từ nhiên liệu máy bay đang bốc cháy, bụi và vôi gạch từ tòa nhà lớn nhất thế giới khiến khung cảnh nơi đây giống như một vụ nổ hạt nhân.

Có thể cảm nhận ý nghĩa to lớn của sự kiện này. Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đã bị tấn công ngay trên đất của mình, bằng chính các máy bay của mình được sử dụng như tên lửa. Đó là một bi kịch lớn, một cú tát trời giáng vào niềm kiêu hãnh của một siêu cường. Nước Mỹ chắc chắn sẽ phản ứng dữ dội như một con gấu bị trúng thương. Nếu thủ phạm là Al Qaeda thì con gấu bị thương đó sẽ lao thẳng đến Pakistan. Al Qaeda đặt căn cứ tại nước láng giềng Afghanistan và nằm dưới sự bảo trợ của kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế khác là Taliban. Không chỉ có vậy. Chúng ta còn là quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao với Taliban và lãnh đạo của họ: Mullah Omar. Sự kiện 11-9 đánh dấu bước ngoặt không thể trở lui từ quá khứ để bước vào một tương lai bất định. Thế giới sẽ không bao giờ như cũ nữa.

Sáng hôm sau, tôi đang chủ tọa một cuộc họp quan trọng tại nhà chính phủ thì viên tham mưu quân sự của tôi nói rằng ngoại trưởng Mỹ, tướng Colin Powell, đang gọi điện thoại. Tôi bảo sẽ gọi lại sau nhưng ông ta cứ kỳ nèo tôi rời cuộc họp để nhận điện thoại. Powell nóithẳng ruột ngựa: “Các ông hoặc là theo chúng tôi hoặc là chống lại chúng tôi”. Rõ ràng đây là một tối hậu thư. Tôi bảo ông ta Pakistan luôn đi cùng với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố, rằng chúng ta đã chịu nhiều thiệt hại do khủng bố suốt nhiều năm qua và sẽ sát cánh với đất nước của ông ta để chống lại nó.

Khi tôi quay về Islamabad ngày hôm sau, tổng giám đốc Cơ quan tình báo nội bộ, tình cờ đang ở Washington lúc đó, đã kể cho tôi qua điện thoại về cuộc tiếp xúc với thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage. Trong một tuyên bố phản ngoại giao nhất xưa nay, Armitage đã lặp lại những gì mà Powell đã nói với tôi. Ông ta không chỉ bảo ông tổng giám đốc rằng Pakistan phải quyết định đứng về phía Mỹ hay đứng về phía bọn khủng bố, mà còn nói thêm rằng nếu chúng tôi chọn phía khủng bố thì hãy sẵn sàng hứng chịu những trận bom đưa Pakistan trở lại với thời kỳ đồ đá. Đó là một lời dọa nạt trơ tráo và gây sốc, nhưng rõ ràng nó cho thấy Hoa Kỳ quyết định sẽ giáng trả và giáng trả rất nặng.

Ngày 13-9-2001, đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan Wendy Chamberlain chuyểncho tôi bản danh mục bảy yêu sách. Một số yêu sách hết sức lố bịch, giả dụ như “trấn áp mọi biểu hiện hậu thuẫn (khủng bố) nhằm chống lại Hoa Kỳ, cũng như các bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ”. Yêu sách này còn tùy thuộc vào việc diễn dịch cụ thể thế nào là hậu thuẫn khủng bố, trong những giới hạn cho phép của bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận. Tôi nghĩ rằng việc yêu cầu Pakistan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Afghanistan nếu họ tiếp tục chứa chấp Osama bin Laden và Al Qaeda là không thực tế, không chỉ bởi lẽ Hoa Kỳ cần Pakistan mới tiếp cận được với Afghanistan, ít ra là đến khi Taliban sụp đổ, mà còn vì những quyết định như thế này là công việc nội bộ của mỗi quốc gia và không thể bị áp đặt bởi ai khác.

Cũng không thể chấp nhận được yêu sách thứ hai và thứ ba. Làm sao có thể cho phép Hoa Kỳ “toàn quyền sử dụng bầu trời và quyền hạ cánh” mà không đe dọa các tài sản chiến lược của Pakistan? Tôi chỉ cho phép một hành lang bay hẹp nằm xa các khu vực nhạy cảm của chúng tôi. Pakistan cũng không thể cho phép Hoa Kỳ “sử dụng các quân cảng, các căn cứ không quân, các vị trí chiến lược ở biên giới của Pakistan”. Pakistan chỉ cho phép Hoa Kỳ sử dụng hai căn cứ là Shamsi ở Balochistan và Jacobabad ở Sindh cho mục đích hậu cần và sửa chữa máy bay. Không một cuộc tấn công nào được phát động từ những nơi đó.

Tổng thống Pervez Musharraf bắt đầu đón nhận những đòn dội ngược lại từ quyết định đi cùng với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố, bắt cóc con tin xảy ra ở trong nước. Mũi dùi khủng bố dần dần hướng đến các quan chức cao cấp trong Chính phủ Pakistan, và chính Pervez Musharraf trở thành mục tiêu của các vụ mưu sát.

Hoa Kỳ không phải là nạn nhân duy nhất của sự kiện 11-9. Vụ tấn công này cũng giáng cả vào Pakistan, tuy là theo một cách khác nhưng hung hãn như nhau. Không một quốc gia nào phải cùng lúc đối đầu với nhiều mối đe dọa từ nhiều mặt trận như thế. Pakistan đứng chung với Hoa Kỳ và đứng chung với toàn thế giới để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Giờ đây Pakistan đang đối mặt với những đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Afghanistan là láng giềng của Pakistan. Hai nước có chung đường biên giới đan xen, có nhiều điểm tương đồng trong tôn giáo, sắc tộc và có cả những quan hệ huyết thống. Nhiều bộ lạc của Pakistan xuất phát từ Afghanistan và có rất nhiều cuộc hôn nhân xuyên biên giới giữa các bộ lạc. Nhiều người tị nạn Afghanistan đã chọn Pakistan làm mái nhà sau khi Liên Xô đưa quân vào đất nước họ năm 1979. 25 năm sau, Pakistan đã có 4 triệu người tị nạn Afghanistan, một số dân tị nạn lớn nhất thế giới. Pakistan đã phải gánh chịu phần lớn các hệ quả kinh tế và xã hội của họ, nhất là sau khi Liên Xô rút quân và họ bị Mỹ bỏ rơi.

Cho nên một mặt trận mới là công luận đã mở ra ở trong nước: mặc dù phần lớn người Pakistan lên án cuộc tấn công ngày 11-9, nhưng cũng tồn tại một tình cảm mạnh mẽ chống lại phản ứng của Hoa Kỳ. Tình cảm này được động viên một phần bởi sự vận động tôn giáo hậu trường và một phần từ những tình cảm bài Mỹ đã tồn tại trước đó do việc Hoa Kỳ bỏ rơi Pakistan sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận