Giường bệnh và những nhiệm kỳ Bộ trưởng

LAN ANH 26/12/2011 23:12 GMT+7

TTCT - Giữa tuần rồi, khi trở lại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) với tư cách bộ trưởng (trước đây bà Tiến từng thực tập tại bệnh viện này), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chảy nước mắt vì thương cán bộ y tế.

“Nhân sự như thế này, quá tải như thế này thì tất cả bệnh viện, kể từ ban giám đốc phải được phong anh hùng tất” - bà Tiến nói.

Phóng to
Bệnh nhân chầu chực chờ đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Nhưng người bệnh lại không nghĩ như thế, nhất là khi họ bước chân vào bệnh viện là chen chúc nằm chung ba, bốn người một giường trong mối nguy lây nhiễm chéo không hề nhỏ.

Hơn 50 năm, Hà Nội chỉ thêm hai bệnh viện

“Hơn 30 năm quay lại, tôi thấy Bệnh viện Xanh Pôn vẫn thế, vẫn khuôn viên ấy. Bệnh viện hạng 1 mà khoa cấp cứu chung với khoa điều trị tích cực, nội hô hấp và nội tim mạch khác hẳn nhau mà vẫn phải ghép chung vào một khoa, thành ra bệnh nhân tim phải nằm chung với bệnh nhân hen. Từ giải phóng thủ đô đến nay (1954), Hà Nội mới xây thêm Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện ung bướu” - bà Tiến phàn nàn.

Tám năm trước, phát biểu trong một phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến than vãn tình trạng “kẹt cứng” của ngành y tế: “Tôi đã đi một số tỉnh, ngay gần Hà Nội đã thấy khó khăn lắm rồi. Tôi đã thiết tha nhiều lần đề nghị đầu tư cho y tế. Phải có kinh phí, nếu không Quốc hội hỏi tôi, chất vấn tôi thế này, tôi không làm sao giải thích được”.

Tháng 8-2007, khi tặng hoa cho người tiền nhiệm Trần Thị Trung Chiến trong buổi lễ bàn giao, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định một trong những ưu tiên của ông suốt nhiệm kỳ là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, vốn lúc ấy đã là một vấn nạn lưu cữu của toàn ngành y tế. Lúc ấy, các bệnh viện Hà Nội đều quá tải từ 25-30%. Nguyên nhân chính, theo ông Triệu, vẫn cứ là “chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân”.

Bốn năm sau, người kế nhiệm ông Triệu phát biểu với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo sau khi ông phàn nàn tình trạng “các bệnh viện quá tải, mỗi ngày phải nhận bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú vượt hơn 2.000-3.000 lượt bệnh nhân” như sau: “Về cơ chế khám chữa bệnh ban đầu, chuyển viện, nhập viện hiện nay chưa ổn, cần siết chặt lại để hạn chế nhập viện tự do không phù hợp”.

Trước đó khi khảo sát tại TP.HCM, bà Tiến không ngại ngần tuyên bố: “Cả xã hội bức xúc về tình trạng quá tải bệnh viện nhưng cuộc sống phải cân bằng giữa cho và nhận. Có cho (ngành y tế) cái gì đâu mà đòi nhận nhiều. Không đầu tư, xây dựng bệnh viện mà dịch vụ đòi tốt thì vô lý, bất công vô cùng”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ giường bệnh trong những năm qua “có tăng” nhưng không kịp so với tốc độ gia tăng dân số. Trong khoảng 10 năm vừa qua, ở tuyến trung ương chỉ có một số bệnh viện được xây mới hoặc mở rộng, đáng kể là Viện Huyết học truyền máu trung ương, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế. Còn lại là mở rộng theo kiểu chắp vá.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội mới đạt bình quân 14 giường bệnh/vạn dân, trong khi cả nước đã đạt trên 21 giường/vạn dân (khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt bình quân 33 giường/vạn dân).

Năm 1999, tư liệu của Bộ Y tế cho biết tỉ lệ giường bệnh/vạn dân là 16,9 giường. Tám năm sau, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, năm 2007, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, bình quân giường bệnh/vạn dân cả nước chỉ nhích lên không đáng kể, đạt 17,3 giường. Đến năm 2010, khi Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, tỉ lệ này là 20,6 giường/vạn dân và khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bắt đầu nhiệm kỳ (năm 2011), tỉ lệ giường bệnh/vạn dân là trên 21 giường.

Trung bình mỗi năm dân số VN tăng trên 1 triệu người, tương đương với số dân của một tỉnh. Khỏi cần so sánh cũng đủ thấy trong tình trạng quá tải bệnh viện sẵn có, trong sự chênh lệch chuyên môn giữa tuyến trung ương và cơ sở hàng thập kỷ nay chưa giải quyết được, số giường bệnh/vạn dân có tăng chậm cũng chỉ là một trong vô số “chứng nan y” của ngành y tế.

Trói cả tay lẫn chân ngành y tế?

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết bệnh viện này có 550 giường bệnh và năm vừa qua thu được 210 tỉ đồng. Trong đó, có 26% là kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, những bệnh viện tuyến trung ương như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức... thì gần như đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, ngân sách nhà nước hỗ trợ bệnh viện đã giảm đến mức gần như bằng 0 (từ năm 2006 trở về trước, hỗ trợ từ ngân sách cho Bệnh viện Bạch Mai chiếm 40-50% kinh phí hoạt động).

Có lẽ vì vậy mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mới tuyên bố với báo giới: ngân sách hỗ trợ cho bệnh viện ngày càng giảm nhưng lại yêu cầu bệnh viện làm tốt, khác gì “trói tay trói chân” bệnh viện?

Nhưng nếu nghĩ các bệnh viện “bỗng dưng” chịu cảnh quá tải thì cũng không đúng với thực tế. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, dù chỉ có 550 giường bệnh nhưng bệnh viện này lại nhận tới 270.000 thẻ bảo hiểm y tế, mà đây đã là con số giảm rất nhiều so với trước đây với 470.000 thẻ. Theo một chuyên gia ngành y tế, với tình hình như Xanh Pôn, nhận 100.000-150.000 thẻ đã là quá nhiều.

Số lượng bệnh nhân bảo hiểm y tế mắc bệnh mãn tính, cần đi khám hằng tháng quá nhiều, khoa nội bệnh viện này chỉ có một hành lang chật hẹp, dẫn đến tình trạng bệnh nhân ngồi chờ từ 5g sáng đến 11g trưa vẫn chưa được khám. Xanh Pôn vẫn kê đơn cho bệnh nhân bằng tay, trong khi rất nhiều nơi khác tuyến dưới đã áp dụng bệnh án điện tử để giảm thời gian theo dõi - hồi cứu bệnh nhân.

Chuyện “ôm” lượng thẻ bảo hiểm y tế “khủng” không hiếm ở những nơi khác, chẳng hạn Bệnh viện Chợ Rẫy có 1.703 giường nhưng mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt bệnh nhân ngoại trú đến khám và 2.600 bệnh nhân nội trú, trong đó số bệnh nhân dùng thẻ bảo hiểm chiếm hơn 50%.

Y tế dự phòng ra sao?

Trong tình trạng dân số tăng đều cả triệu người mỗi năm, việc theo đuổi một tư duy y khoa truyền thống (nhắm đến đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân) tất yếu va đập những khó khăn về tài chính và đầu tư. Xây thêm bệnh viện hay nhập thêm nhiều thiết bị y khoa hiện đại sẽ không giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Việc xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng hay y tế dự phòng đã được đặt ra nhiều năm, hướng đến tư duy y khoa “phòng bệnh hơn là chữa bệnh” vốn đã được chứng minh cả lợi ích và hiệu quả tại nhiều quốc gia tiên tiến.

Trong phân bổ ngân sách, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, nhưng theo ông Trịnh Quân Huấn - chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, rất ít địa phương dành ngân sách cho y tế dự phòng đúng quy định này. Năm 2011, dịch tay chân miệng nóng nhất từ trước đến nay, nhưng có địa phương kể từ đầu năm đến tháng 11-2011 chỉ chi có... 150 triệu đồng cho đủ các công việc liên quan đến dự phòng, chống dịch. Và địa phương này đã trở thành nơi có số tử vong/số mắc tay chân miệng cao nhất cả nước.

Giai đoạn 2012-2015, Hà Nội có kế hoạch đầu tư trọng điểm xây dựng và cải tạo nhiều bệnh viện. Các dự án bệnh viện tư đang triển khai “sẽ” cung cấp cho Hà Nội 4.000 giường bệnh, nâng tỉ lệ giường bệnh/vạn dân vào năm 2015 đạt 20 giường. Còn trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có hứa từ đầu nhiệm kỳ rằng sẽ có một “chiến lược bài bản” trình Thủ tướng để giảm tải bệnh viện.

Theo ông Lê Ngọc Trọng - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, tỉ lệ giường bệnh phải đạt 25 giường/vạn dân mới có thể tạm coi là giảm tải và đang là mơ ước của VN. Từ trên 21 giường/vạn dân hiện tại lên 25 giường/vạn dân mơ ước sẽ là chặng đường rất dài, bởi từ 17,3 giường/vạn dân năm 2007 đến 21 giường/vạn dân hiện tại đã phải qua ba nhiệm kỳ bộ trưởng. Liệu “chiến lược bài bản” của Bộ Y tế nhiệm kỳ này có bứt phá được, ít nhất về mặt thời gian?

Theo Hội Kinh tế y tế VN, giai đoạn 2011-2015, các bệnh viện tuyến tỉnh được xây dựng mới theo đề án 930 cần 38.300 tỉ đồng (trung bình 7.660 tỉ đồng/năm). Các bệnh viện không được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ như phục hồi chức năng, y học cổ truyền, chuyên khoa mắt, sản, tai mũi họng cần đầu tư 3.000 tỉ đồng, bình quân 600 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên do yêu cầu giãn tiến độ thi công, giảm lạm phát, nhiều dự án xây dựng bệnh viện đã bị đình trệ trong năm 2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận