Grammy 61: Ai cần tới những đề cử âm nhạc?

DU LÊ 21/02/2019 04:02 GMT+7

TTCT - Gia tăng số lượng đề cử lên 8 ở 4 hạng mục quan trọng nhất, trong đó quá nửa số đề cử thuộc về nghệ sĩ nữ và da màu, và cố gắng tránh đi những cái tên quá hiển nhiên hằng năm và trở nên rộng rãi trong các tiêu chuẩn (đa) văn hóa, Giải Grammy lần thứ 61(*) vừa diễn ra đã trở nên cồng kềnh. Và người ta nhắc nhiều hơn đến những cái tên đã không xuất hiện tại lễ trao thưởng này.

Grammy 61 được cứu vớt nhờ màn trình diễn xuất sắc với hai chiếc piano cùng lúc của nữ ca sĩ Alicia Keys
Grammy 61 được cứu vớt nhờ màn trình diễn xuất sắc với hai chiếc piano cùng lúc của nữ ca sĩ Alicia Keys

 

1 Một vở opera sáng tác bằng tiếng Ý bởi một nhà soạn nhạc Áo qua tư liệu dân gian Tây Ban Nha, tái dựng bởi một nhà hát tại Anh, với một dàn diễn viên đa quốc tịch (và chủng tộc) liệu có thể được giới thiệu như một tác phẩm thuộc về một quốc gia nào?

Đâu đó tương tự với một nghệ sĩ hay một album âm nhạc xếp vào một tiểu loại dòng nhạc, dẫu phù hợp nhất với một hội đồng thẩm định có uy tín lẫn các đôi tai sành sỏi hơn (hẳn) đại chúng, câu hỏi đặt ra không phải là sự phù hợp tới đâu mà là, có lẽ, không phù hợp tới đâu ở kiến trúc thượng tầng đang chuyển dời chậm chạp theo những nhánh hướng của hạ tầng bên dưới.

Vai trò khó chối cãi trong cuộc sống của âm nhạc, như từ bấy lâu vẫn được nhắc, có thể trích lời cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tại Grammy 61: “Âm nhạc luôn giúp tôi kể câu chuyện của mình. Dù bạn yêu thích country hay nhạc rap hay rock đi nữa, âm nhạc luôn giúp chúng ta sẻ chia về bản thân, cho phép ta lắng nghe nhau”.

Trong hồi ký Becoming của mình, bà viết “thiên đường, theo hình dung trong đầu tôi, phải là một nơi đầy ắp nhạc jazz”, ấn tượng sâu đậm từ những nhạc kinh điển kế thừa từ đam mê cuồng nhiệt của ông ngoại bà.

Với người nghe nhạc không-chuyên, thời điểm để tìm hiểu và thưởng thức những sáng tác mới nhất không phải dịp đầu năm, mà là cuối năm, khi hàng loạt chuyên trang âm nhạc thế giới (thực tế là phương Tây) và những blogger âm nhạc đưa ra những tổng kết chẳng đặng đừng về thu hoạch âm nhạc của họ trong suốt một năm qua - những người chuyên nghe.

Những đề cử âm nhạc dẫu rộng cách mấy cũng không thể sánh được với những cuộc đào lặn vừa sâu vừa rộng của những cá nhân lẫn chuyên gia thưởng thức từ tự phong tới chuyên nghiệp này, nhưng điều hiển nhiên là họ có thời gian một năm, chứ không phải vài tháng, để thẩm thấu và bình chọn ra những tác phẩm âm nhạc từ một bể nguồn không bao giờ vơi cạn.

Một hãng đĩa tầm trung với 250 album trở lên sản sinh ra 1 tỉ lượt nghe hằng năm so với lượng album nhạc thực có trên tất cả nền tảng, theo Streaming Price Bible trên blog Trichordist của anh hùng tác quyền âm nhạc David Lowery (nhóm Camper van Beethoven).

Cả một năm trước đó, nếu không có một đam mê, những người nghe kiên gan bền chí nhất, dễ thường thuộc về những fandom thần tượng như ARMY của BTS, và thiểu số nghe tạp ngốn ngấu những đĩa nhạc mới nhất từ những nghệ sĩ từ quen đến lạ nhất.

Đại diện duy nhất từ châu Á, nhóm nhạc đình đám K-pop BTS, đã phải ra về tay trắng dù được đề cử “Thiết kế album xuất sắc nhất” với Love Yourself: Tear phát hành hồi tháng 5-2018.

Tuy không nhận được giải thưởng, sự xuất hiện tại Grammy như bảo chứng cho BTS một tầm vóc mà nhóm nhạc Hàn này muốn vươn tới thay vì những thành tựu có được từ sức ảnh hưởng của truyền thông xã hội (hơn là thực chất âm nhạc, một thực tại mà nhóm muốn thoát khỏi).

Nói chung, với Grammy 61 chúng ta đang chứng kiến những nỗ lực của một thiểu số 61 tuổi đời muốn duy trì hiện diện của mình trong dòng chảy âm nhạc hơn là những công nhận.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama (thứ hai từ bên phải) tới dự Grammy 61 với một thông điệp về nữ quyền được tán thưởng. Ảnh: Eonline.com
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama (thứ hai từ bên phải) tới dự Grammy 61 với một thông điệp về nữ quyền được tán thưởng. Ảnh: Eonline.com

 

2 ​ Kacey Musgraves, bị cư dân Twitter thắc mắc “ai đây”, thậm chí còn bị đọc nhầm tên tại lễ trao giải, đã nhận định radio không phải một kênh thưởng thức mình đã nghĩ tới trong quá trình sáng tác “Album của năm” Golden Hour (còn thắng cả giải “Album nhạc đồng quê xuất sắc”).

Bởi với cô, nơi chốn thưởng thức không còn quan trọng, “chỉ là liệu âm nhạc có kết nối hay không”. Lady Gaga bị chỉ trích nhẹ vì phần trình diễn bản song ca Shallow dù rất xuất sắc và ấn tượng nhưng lại diễn ra mình ên, khi Bradley Cooper không “thèm” đi Grammy mà đến dự giải thưởng British Academy Film.

Người xem giải qua truyền hình, theo thống kê của Nielsen, chưa tới 20 triệu người trên toàn thế giới, mức rating gần như thấp nhất, chỉ cao hơn 100.000 so với năm 2018.

Rapper 21 Savage không thể xuất hiện vì lấn cấn thị thực, và danh ca Alicia Keys, người mà tin đồn nói rằng đã suýt trình diễn tại sự kiện ra mắt Chặng đua thể thức 1 tại Hà Nội tháng 11 vừa qua nhưng bất thành, trở thành người dẫn chương trình nữ đầu tiên sau 15 năm.

Bjork thất trận lần thứ 15 liên tiếp với Utopia, trong khi kỹ sư âm thanh Emily Lazar là ca nữ đầu tiên đoạt giải master album trong đội ngũ thực hiện album thứ 13 Colors của Beck, trong hạng mục “Album Alternative xuất sắc nhất”.

Donald Glover, tức Childish Gambino, giành một chiến thắng không có gì ngạc nhiên với “Thu âm của năm” và “Bài hát của năm” This is America, từ chối xuất hiện tại đêm trao giải, cùng với loạt Beyoncé, Jay-Z, Kendrick Lamar, Ed Sheeran, Taylor Swift và Ariana Grande.

Tại sao ca khúc của năm (Song of the year) lại là This is America - ca khúc đậm chất chính trị về một nước Mỹ biến động, trải qua đợt đóng cửa dài hơi nhất lịch sử của chính phủ dưới tay ông Donald Trump? Ai cần tới những người (chủ yếu) da trắng điều khiển những nước đi của nền công nghiệp âm nhạc đại chúng toàn cầu, hay cả những thẩm mỹ Âu - Mỹ áp đặt thế nào là hay, là đẹp, và cả thế nào là chưa hay, chưa đẹp?

Nói theo lời rapper Drake, người giành giải “Bản nhạc rap của năm” (Best rap song), “chúng ta chơi trong một môn thể thao dựa trên quan điểm chứ không dựa vào thực tế.

Nó chẳng phải giải NBA vào mỗi cuối năm chúng ta nhận cúp nhờ những quyết định đúng đắn và những trận thắng mà đó là một phi vụ đôi khi thuộc quyền quyết định của một nhúm người chẳng hiểu một đứa trẻ lai da màu lớn lên ở Canada sẽ nói điều gì hay đưa một cô nàng Tây Ban Nha từ New York [sang Los Angeles, nơi lễ trao giải diễn ra] hay bất cứ ai đó sang tham dự bằng máy bay [...]

Bạn đã giành được chiến thắng nếu như có người hát ca khúc của mình không sót một chữ, nếu như ở thị trấn của mình bạn là một người hùng”. Bài phát biểu nhận giải của anh không lâu sau đó đã bị ngắt sóng, không ai còn biết anh đã nói thêm gì.

Ai cần tới những công nhận khi hãng đĩa vẫn cứ là những “nhãn mác” mang tính địa danh, uy tín, chủ nghĩa tinh hoa, những thứ tài sản đang vơi nhanh hơn bao giờ hết?

Khi những phụ nữ đứng lên tranh cử chức tổng thống Mỹ 2020 như Elizabeth Warren, Kamala Harris, Tulsi Gabbard, Kirsten Gillibrand và khi các thế lực chính trị là nữ giới của Đảng Dân chủ như Alexandria Ocasio Cortez, Stacey Abrams đang tạo những tiếng vang và ảnh hưởng? Dường như việc đại diện của phái nữ (tăng 80%) tại Giải Grammy chỉ là một thực tế đang xảy ra và quan trọng hơn, một thực tế chưa từng xảy ra trước đây.

Và sau cùng, đương nhiên rồi, đó chưa bao giờ là tất cả những gì gọi là cuộc sống, nhất là những cuộc sống còn đang chuyển hóa và thể hiện thông qua âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác.

Và chúng ta tại sao cứ dừng chờ những ban phát thượng tầng, bọc lớp tinh hoa cho các giá trị đại chúng, mà quên đi cốt lõi của thưởng thức nằm ở cuộc đối thoại của chính người thưởng thức với tác phẩm, luôn nội tâm và cả cần ồn ã hơn.

Thưởng thức âm nhạc cũng giống như âm nhạc, luôn đến trước, trước cả các nhà phê bình, những bảng xếp hạng và những định chế già nua chưa bao giờ thật sự là thước đo duy nhất. Không có gì là duy nhất.■

(*) Giải thưởng âm nhạc thường niên do Viện Thu âm nghệ thuật và khoa học quốc gia Mỹ chủ trì, nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp âm nhạc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận