TTCT - Tuần qua, Hoa Kỳ tiếp tục có những động thái khẳng định tham vọng với hòn đảo giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược Greenland của Đan Mạch, vì mục đích "hòa bình thế giới"! Ông JD Vance trong chuyến thăm Greenland mới đây. Ảnh: Reuters"Chúng tôi không nói về hòa bình cho Hoa Kỳ. Chúng tôi đang nói về hòa bình thế giới…, về an ninh quốc tế. Nếu bạn nhìn vào các tuyến đường thủy, có tàu Trung Quốc và Nga ở khắp mọi nơi…" "Chúng tôi sẽ không dựa vào Đan Mạch hay bất kỳ ai khác để giải quyết tình hình này", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 29-3, trong bối cảnh Phó tổng thống JD Vance có chuyến thăm căn cứ quân sự Pituffik của Hoa Kỳ tại Greenland hôm trước đó. Greenland - thuộc địa của Đan Mạch từ thế kỷ 18 và trở thành lãnh thổ bình đẳng vào năm 1953 - được Copenhagen trao quy chế tự trị chính thức vào năm 1979.Từ lời nói sang hành độngNgày 28-3, ngay sau khi đến Greenland, ông Vance đã có bài phát biểu ngắn gọn với quân nhân Hoa Kỳ tại căn cứ Pituffik. Ông nói: "Nếu Hoa Kỳ không dẫn đầu trong khu vực, các cường quốc như Trung Quốc và Nga sẽ dẫn đầu". Vance không ngại làm mích lòng đồng minh châu Âu: "Tranh cãi của chúng ta không phải với người dân Greenland... Tranh cãi của chúng ta là với giới lãnh đạo Đan Mạch, những người đã đầu tư không đủ vào Greenland và cơ sở hạ tầng quốc phòng của nó".Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Vance chỉ diễn ra trong một, thay vì ba ngày như thông báo: người Greenland và Đan Mạch phẫn nộ vì chương trình của Vance không được tham vấn trước. Chuyến thăm vô hình trung làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ không chỉ giữa Hoa Kỳ với Đan Mạch, mà còn giữa Hoa Kỳ với Greenland.Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trump bày tỏ tham vọng với Greenland. Tháng 8- 2019, trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã đề nghị mua Greenland. Tháng 12-2024, sau khi tái cử, ông một lần nữa đưa ra đề nghị này. Ngày 13-3 vừa rồi, trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Trump tuyên bố ông nghĩ việc sáp nhập Greenland "sẽ xảy ra" do điều đó là cần thiết "vì an ninh quốc tế".Sau đó, hàng trăm người dân Greenland đã xuống đường biểu tình. Khoảng 800 người diễu hành qua các đường phố thủ phủ Nuuk với cờ Greenland và áp phích: "Nước Mỹ biến đi", và "Chúng tôi không phải để bán". Chính trị gia và thành viên Quốc hội Đan Mạch Rasmus Jarlov lên án lập luận của Washington, chỉ ra rằng Greenland đã là một phần của Đan Mạch từ năm 1380 và chỉ có 6% cư dân trên đảo ủng hộ việc gia nhập Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng mối đe dọa từ Trung Quốc chỉ là hư cấu.Bất chấp phản ứng Greenland và Đan Mạch, trên NBC News ngày 29-3, Tổng thống Trump lại nói Mỹ "sẽ giành được Greenland. 100%. Tôi nghĩ có khả năng chúng ta sẽ lấy được [Greenland] mà không cần đến quân đội. Nhưng tôi sẽ không loại trừ khả năng đó".Ngày 28-3, 4/5 đảng tham gia quốc hội Greenland đã công bố thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền. Đảng duy nhất không tham gia là Nalerak, lực lượng chính trị địa phương duy nhất ủng hộ việc xích lại gần Hoa Kỳ. "Đây là thời điểm mà chúng ta đang chịu áp lực với tư cách là một dân tộc. Chúng ta phải đoàn kết. Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn", Thủ hiến mới của hòn đảo Jens-Frederik Nielsen phát biểu trong lễ ký kết thỏa thuận liên minh. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen bày tỏ sự ủng hộ đối với Nielsen và nói thêm rằng chuyến thăm của ông Vance đã gây "áp lực không thể chấp nhận được". Bà Frederiksen nhấn mạnh Đan Mạch muốn hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng "Greenland thuộc về người dân Greenland".Ba tuyến hàng hải qua Bắc Cực khi băng tan cho thấy vị trí chiến lược của Greenland. Màu đỏ: tuyến Tây Bắc, màu xanh lam: tuyến Nam, màu xanh lục: tuyến Xuyên Cực.Ngày 30-3, ông Trump đã chuyển từ lời nói sang hành động khi đàm phán với Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb về việc mua tàu phá băng. Trong thế giới đóng tàu phá băng, Phần Lan là một siêu cường: 80% tàu phá băng trên thế giới do các công ty Phần Lan thiết kế và 60% được đóng tại các xưởng của họ. Theo tvzvezda.ru, Nga có nhiều tàu phá băng nhất thế giới - 41 tàu, và trong tương lai sẽ đóng thêm 8 tàu nữa cho tuyến đường biển Bắc. Để cạnh tranh ở Bắc Cực, Hoa Kỳ cần một hạm đội hoàn chỉnh, mà không ai ngoài Phần Lan có thể cung cấp. Hiện tàu phá băng duy nhất đang hoạt động của Hoa Kỳ là Polar Star, được chế tạo vào năm 1976. Tàu phá băng thứ hai Polar Sea đã ngừng hoạt động từ năm 2010 do hỏng động cơ. Tàu thứ ba Healy, được đưa vào sử dụng năm 1999, thì hư hỏng nghiêm trọng do hỏa hoạn vào năm 2020.Mối đe dọa Nga và Trung Quốc?Sau chuyến đi Greenland của Vance, một video về đoàn kết với Greenland đã xuất hiện trên mạng xã hội của Nhà Trắng. Phần đầu video nói về mối liên hệ lịch sử giữa Mỹ và hòn đảo này. Sau đó, video lưu ý rằng Greenland đang bị đe dọa bởi "sự xâm lược của Nga và sự bành trướng của Trung Quốc trên Bắc Cực".Năm 2024, cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ bờ biển Nga - Trung đã diễn ra ngoài khơi bờ biển Alaska. Tháng 7 và 8-2024, ba tàu phá băng hạng nặng của Trung Quốc đã phá tan băng ở Bắc Băng Dương, mở ra lối đi thông suốt qua đại dương này, động thái cho thấy Bắc Kinh đã hiện diện ở Bắc Cực và dự định ở lại đó lâu dài. "Bắc Cực đang trở thành của Trung Quốc" là một tiêu đề của hãng tin Nga RIA Novosti tháng 10-2024.Tuy nhiên, về mặt khai khoáng, Vasily Kashin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn diện châu Âu và quốc tế tại Trường Kinh tế cao cấp (Nga), nói với tờ Kommersant: "Hoạt động của Trung Quốc tại Greenland hiện giới hạn ở một số nỗ lực đầu tư vào khai thác khoáng sản và hạ tầng. Hoạt động là hạn chế và hầu hết đều gặp phải sự phản kháng, chính xác là do ảnh hưởng của Hoa Kỳ".Tổng thống Nga Vladimir Putin thì gọi kế hoạch sáp nhập Greenland của Trump "không đơn giản là một tuyên bố khoa trương". Theo Putin, những yêu sách lãnh thổ này có nguồn gốc lịch sử từ thế kỷ 19, khi Hoa Kỳ đã cân nhắc việc sáp nhập Greenland, nhưng vào thời điểm đó ý tưởng này không được Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ. Putin nhắc lại rằng năm 1910, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Đức đã chuẩn bị một thỏa thuận ba bên để trao đổi lãnh thổ, theo đó Greenland được cho là sẽ thuộc về Hoa Kỳ, nhưng thỏa thuận đã thất bại. Trong Thế chiến II, Hoa Kỳ đã đặt căn cứ quân sự ở đây và sau đó đề nghị mua các vùng lãnh thổ này. "Những kế hoạch này có nguồn gốc lịch sử lâu dài và rõ ràng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy một cách có hệ thống các lợi ích địa chiến lược, quân sự - chính trị và kinh tế của mình tại Bắc Cực", ông Putin nói.Trong khi đó, tân Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết nước này có ý định hợp tác ở Bắc Cực với tất cả các quốc gia thân thiện, nhưng nói rõ Nga không nằm trong số đó.Ảnh: AFPBa tuyến hải vận mới qua Bắc CựcĐài Đức DW ngày 28-3 cho rằng các tuyên bố gần đây của Trump về Greenland chẳng qua thể hiện "va chạm lợi ích của các cường quốc từ góc độ địa chính trị". Đài này nói tới ba tuyến đường vận chuyển hàng hóa mới qua Bắc Cực.Thứ nhất là tuyến Đông Bắc, chạy dọc bờ biển Nga và hiện được Trung Quốc và Nga phát triển thành tuyến đường biển thương mại và vận chuyển nguyên liệu thô, đặc biệt quan trọng là việc vận chuyển khí đốt từ bán đảo Yamal ở Tây Siberia đến Trung Quốc. Hiện tuyến này (Nga gọi là tuyến đường biển phía Bắc) ít được sử dụng.Tuyến Tây Bắc, ngoài khơi bờ biển Canada, còn ít được sử dụng hơn. Di chuyển dọc bờ biển này khó khăn hơn nhiều so với tuyến Đông Bắc. Mặt khác, việc sử dụng tuyến Tây Bắc cũng có thể gây ra vấn đề cho Nga và Trung Quốc về chính trị vì nó đi qua những khu vực mà Canada coi là lãnh hải của họ và có quyền quản lý hoạt động vận chuyển ở đó.Với tốc độ tan băng nhanh chóng, tuyến đường biển xuyên cực - tuyến ngắn nhất nối Đông Bắc Á và châu Âu - sẽ mở ra vào những tháng hè. Nó chạy thẳng qua cực bắc địa cầu, rút ngắn rất nhiều so với các tuyến đường biển hiện nay. Iceland có thể đóng vai trò cảng trung chuyển trên tuyến này. Trung Quốc đã xây dựng một đại sứ quán lớn tại quốc đảo này.Michael Paul, chuyên gia về an ninh hàng hải tại Quỹ Khoa học và chính trị (SWP) có trụ sở ở Berlin, cho rằng về cơ bản, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong phát triển tuyến đường biển Đông Bắc là điều gây quan ngại nhất cho Mỹ. "Có thể hiểu được tại sao Trump phản ứng rất gay gắt. Ông ta đã làm như vậy với kênh đào Panama, nơi hai cảng ở lối vào và ra do các công ty Trung Quốc kiểm soát, nhưng gần đây đã được bán cho Tập đoàn BlackRock của Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng muốn sử dụng tuyến Đông Bắc trong tương lai", Paul nhận định.■ Gần một nửa lãnh thổ Bắc Cực nằm dưới quyền tài phán theo yêu sách của Nga. Nếu Trump mua Greenland, Mỹ sẽ có khoảng 1/4 Bắc Cực. Thậm chí nếu ông thành công trong việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 thì hải phận Bắc Cực trên thực tế của Mỹ vẫn sẽ nhỏ hơn Nga. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng bắt tay vào dự án phức tạp, kéo dài và tốn kém này. Lý do chính là Trung Quốc. Greenland có trữ lượng khoáng sản khổng lồ đa dạng, rất cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp. Một ví dụ: Hiện 40% lượng than chì của Hoa Kỳ đến từ Trung Quốc, nhưng nguồn cung cấp này có thể bị cắt bất cứ lúc nào. Khi đó ngành sản xuất công nghệ cao ở Mỹ sẽ gặp khó khăn. Tags: GreenlandHoa kỳTàu phá băngBắc cựcVance
Ông Trump sẽ xem xét tạm dừng thuế quan trong 90 ngày với tất cả các nước, trừ Trung Quốc? NGHI VŨ 07/04/2025 Thông tin trên được cho là do Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett đưa ra vào tối 7-4 (giờ Việt Nam) trong một cuộc phỏng vấn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản, năng lượng chậm trả vài tỉ đến vài trăm tỉ nợ trái phiếu BÌNH KHÁNH 07/04/2025 Một doanh nghiệp bất động sản cho biết do một số nguyên nhân khó khăn nên chậm thanh toán số nợ lãi trái phiếu gần 5 tỉ đồng.
Dior âm thầm gỡ hình ảnh Thùy Tiên sau vụ kẹo rau củ Kera TÔ CƯỜNG 07/04/2025 Một số tin tức nổi bật: Dior âm thầm gỡ hình ảnh Thùy Tiên sau vụ kẹo rau củ Kera; Nam vương Lào gây chú ý bởi một nhan sắc của thí sinh; Khán giả nhí bị cảnh sát đuổi khỏi rạp vì cảnh 'Chicken Jockey'...
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Phải chuẩn bị kịch bản xấu nhất khi Mỹ áp thuế Việt Nam CHÍ TUỆ 07/04/2025 Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng các doanh nghiệp nông nghiệp phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất nếu Mỹ vẫn áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam.