Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch

THỤY ANH 10/08/2009 01:08 GMT+7

TTCT - Tam giác mạch, cái tên không gợi về một loài hoa Nhưng lại là hoa rất đẹp, trải dài trên đường đất đỏ, cho người ta cảm giác hưng phấn sau một cơn mưa rả rích dài ngày. Nhìn thấy hoa là nắng hửng lên.

Phóng to

Đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ bậc nhất VN - Ảnh: Saigoneseguy

TTCT - Tam giác mạch, cái tên không gợi về một loài hoa Nhưng lại là hoa rất đẹp, trải dài trên đường đất đỏ, cho người ta cảm giác hưng phấn sau một cơn mưa rả rích dài ngày. Nhìn thấy hoa là nắng hửng lên.

Hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Những tay lá bé bỏng cũng mơ hồ ba góc xanh. Nghe nói đây là cây thuộc họ ngũ cốc, hạt để làm bánh rất ngon, còn thân lá có thể nấu lên làm thuốc. Trên đường từ thành phố Hà Giang lên cao nguyên Đồng Văn, chúng tôi đã gặp một vài vạt hoa tam giác mạch như thế.

Anh bạn sinh sống, làm việc ở Đồng Văn đi cùng đoàn bảo trên đèo Mã Pí Lèng ngoạn mục có những cung đường hoa tam giác mạch trải dài hàng vài cây số. Chúng tôi đứng trong hơi sương mờ mịt, nghe tiếng lục lạc của đàn dê thấp thoáng trên đèo mà mơ hồ cảm nhận cái quyến rũ không lời của vùng cao nguyên đá. Mùa nào thì tam giác mạch nở hoa?

Có người bảo lúc này - mùa hạ, người khác bảo phải là mùa thu. Nhưng đến đây rồi không thể tưởng tượng Hà Giang không có tam giác mạch nở rộ, hồng trắng tím thân thương. Cũng như không thể tưởng tượng Đồng Văn không có đá nở hoa trên vách núi. Những phiến đá xoay thành cụm ôm ấp lấy nhau, đen nhánh như than, đầu hơi bàng bạc hệt như những đóa hồng đen khổng lồ. Ở đây, nơi quanh năm mây phủ, hoa và đá cũng nở bốn mùa.

Miền núi cao này thật đáng yêu vì sương mờ quấn quýt trên đỉnh núi, vì những cung đường cheo leo, vì những ngôi nhà có vách đất trình dày khộp màu vàng nhạt, vì những mảnh khăn xanh, đỏ của những người trỉa bắp thấp thoáng trên triền núi, vì những đàn dê đủng đỉnh đi lại trong sương với tiếng nhạc chuông lảnh lót, vì thứ rượu ngô Lũng Táo chảy miên man trong một đêm vui với các chiến sĩ đồn biên phòng Đồng Văn. Chúng tôi được các anh đãi một bữa cơm khách không “lính” chút nào với nhiều món cả thịt lẫn rau. Đang dở bữa, có tiếng gió va đập cây ào ạt bên ngoài, một chiến sĩ hớn hở reo: “Mưa, mang thùng ra hứng nước!”.

Đại úy đồn trưởng Vàng Đình Chiến, người Mông, gương mặt rắn rỏi và nghiêm khắc, kể với chúng tôi về nỗi khổ thiếu nước của anh em. Có những tháng khan nước phải tiết kiệm, hạn chế cả việc dùng bát đĩa để khỏi tốn nước rửa nhiều. Nhưng rồi anh nói: “Khổ gì thì khổ, sao bằng đồng bào. Người dân ở đây khổ ngay từ bước chân đi. Sinh ra, lớn lên, sống cả đời ở địa hình không thuận lợi, gió mưa thay đổi thất thường...”.

Phóng to
Nhà trên cao nguyên đá - Ảnh: Thái A
Sau những chén rượu ngô Lũng Táo mềm môi, Vàng Đình Chiến bắt đầu cất giọng hát. Giọng anh rất trầm, có những âm sắc đặc biệt, thanh dài và sâu:

Ơ... Rừng chiều có tiếng khèn ai đó
Khèn hát lên những lời mong chờ
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
Đường chỉ có hai người yêu nhau...

Buổi tối ở thị trấn Đồng Văn, trước khi đi ngủ mỗi người chúng tôi được ăn bữa cháo ấu tẩu đặc sản Hà Giang. Quán ăn đêm trong căn nhà đơn sơ, vách đất trình dày khộp, ngọn lửa được khơi lên trong lò, cái nóng ấm lan tỏa trong khi ngoài trời mưa phùn và gió núi lùa về. Đêm rằm phố núi, người ta đang chuẩn bị lễ hội phố cổ Đồng Văn. Đèn lồng đỏ, khèn, sáo, đàn. Áo váy Tày, Mông, Lô Lô... xúng xính. Giá mà không cần ngủ, có thể sống hết mình với phố cổ Đồng Văn suốt đêm này!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận