Hạ men gan nhờ "ba mũi giáp công"

NGUYỄN VĂN KHÁNH (TP.HCM) 27/03/2011 19:03 GMT+7

TTCT - Năm ngoái tôi đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ “phán” một câu xanh rờn: ”Men gan cao!”. Tôi uống thuốc theo toa bác sĩ một thời gian rồi ngưng. Mới đây khi khám lại, kết quả men gan vẫn cao. Tôi lười đi “thăm” bác sĩ vì thấy trong người cũng bình thường. Chẳng biết men gan cao có nguy hại gì không...?

Phóng to
Cương quyết cấm đoán chuyện rượu bia, thuốc lá, hai món đại kỵ với lá gan, hai món hàng đầu phá thuốc đặc hiệu - Ảnh: Google.com

Mặc dù viêm gan là bệnh rất thường gặp ở xứ mình, thậm chí từ lâu vượt xa mức báo động của ngành y ở các nước khác, nhưng số người hiểu đúng về bệnh này vẫn là thiểu số. Bằng chứng là nhiều người qua xét nghiệm máu đã biết men gan tăng rất cao nhưng vẫn chưa chịu là đã bị viêm gan.

Chống viêm chưa đủ

Đó cũng là lý do tại sao nhiều người qua đợt khám sức khỏe đã biết lá gan không khỏe nhưng vẫn chần chờ chưa đến thầy thuốc, như bạn đọc Khánh viết trong thư. Tất nhiên không ai vui khi phải đến thầy thuốc để rồi vừa bị cấm đoán đủ điều lại thêm thủng hầu bao. Nhưng vì xem thường chuyện tăng men gan mà số trường hợp xơ gan rồi ung thư gan ở nước mình mới cao đến thế!

Ngay cả tên gọi men gan cũng khó hiểu. Tuy gọi là men nhưng chẳng ăn nhằm gì với chuyện lên men. Ba loại men gan thường được xét nghiệm với ký danh SGOT, SGPT và GGT là những chất gắn liền với cấu trúc của tế bào. Nếu vì lý do nào đó mà tế bào gan bị hủy hoại thì các chất này lọt được vào máu. Mô gan càng hư hại, hàm lượng các chất này trong máu càng cao. Thầy thuốc dựa vào đó có thể đánh giá gián tiếp tình trạng tổn hại của lá gan cũng như hiệu quả của liệu pháp.

May mắn cho bệnh nhân là hiện nay không thiếu thuốc để hạ men gan, nghĩa là để chống tình trạng viêm tấy trong nhu mô gan. Nhưng chống không chưa đủ. Trị bệnh gan cũng từa tựa chống lạm phát. Ổn định được giá cả chỉ mới là chữa cháy cầm canh trong khi chờ đợi phục hồi nền kinh tế. Vấn đề của thầy thuốc khi gặp bệnh gan cũng thế. Không quá khó để hạ men gan, nhưng khó hơn nhiều ở chỗ làm sao phục hồi nhu mô gan. Nếu không thì việc hạ men gan chỉ là chuyện trước mắt, trong khi người bệnh cần hiệu quả về lâu về dài trong căn bệnh lúc nào cũng kiên nhẫn chực chờ từng thời cơ thuận lợi để...đánh lén.

“Ba mũi giáp công”

Tùy kinh nghiệm của thầy thuốc mà nhà điều trị chọn thuốc hóa chất tổng hợp hay dược phẩm từ cây thuốc. Nhưng dù dùng thuốc kiểu nào cũng đừng quên tối thiểu ba biện pháp đi kèm. Đó là:

- Phối hợp các cây thuốc đã được xác minh tác dụng nhuận gan, lợi mật như atisô, linh chi, diệp hạ châu, bồ công anh... để vừa hỗ trợ chức năng giải độc vừa tái tạo nhu mô của lá gan. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tác dụng hạ men gan của nhiều cây thuốc rõ ràng an toàn hơn thuốc hóa chất. Cũng nên nhớ người bệnh viêm gan không thể dùng thuốc ngày một ngày hai. Bệnh nhân vì thế cần liệu pháp hiệu quả nhưng đồng thời càng ít phản ứng phụ càng tốt. Nói cách khác, làm sao để thuốc trị bệnh gan đừng là áp lực của lá gan đã mệt nhoài vì bệnh!

- Cương quyết cấm đoán chuyện rượu bia, thuốc lá, hai món đại kỵ với lá gan, hai món hàng đầu phá thuốc đặc hiệu. Theo kết quả nghiên cứu, lá gan nhờ khả năng chịu đựng rất cao nên phục hồi rất nhanh trong vòng vài tuần nếu gia chủ thương tình đừng tiếp tục tẩm rượu, xông khói (thuốc lá) lá gan.

- Áp dụng chế độ dinh dưỡng nhiều dưỡng chất cần thiết cho tiến trình tái tạo mô gan như lysin trong tảo spirulina, lecithin trong đậu nành, tiền sinh tố A trong dầu gấc, polyphenol trong nấm đông cô... thay vì hình thức dinh dưỡng kiêng khem trật lất vì bệnh nhân hiểu lầm là phải kiêng hết nếu bị bệnh gan. Đừng quên gan mà thiếu mỡ, thiếu đạm thì còn gì là gan. Ăn uống đến độ suy dinh dưỡng rồi đòi lá gan phục hồi thì đúng là thiếu công bằng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận