TTCT - LTS: Giáng sinh là dịp để lắng nghe và kể cho nhau những câu chuyện hạnh phúc, tinh thần khoan hòa, yêu thương và chia sẻ. TTCT giới thiệu hai câu chuyện có thật từ những ký ức Giáng sinh. Minh họa: Bích Khoa “Ba ơi, chúng con đã đến...” Kha năm đó 17 tuổi. Ba mẹ con nó không phải người Công giáo nhưng lại sống trong một xóm đạo ven thị xã của một tỉnh miền Tây. Hai anh em nó lớn lên nhờ sự tảo tần của mẹ, một người bán hàng rong. Anh em nó không nhớ gương mặt ba, cũng không có tấm hình nào của ông. Nghe mẹ kể khi nó lên 3 tuổi và em gái mới 7 tháng tuổi thì ba bỏ đi. Nhiều năm trôi qua, không có một tin tức nào về ông. Có thể ông đã lang thang đâu đó mưu sinh, có thể ông có một gia đình khác và một cuộc sống yên ấm đủ để quên mẹ nó và anh em nó... Ba nó chỉ tồn tại trong những câu chuyện của người hàng xóm, từ những đàm tiếu, bới móc của họ. Hình ảnh đáng chê trách của ông cứ đeo đẳng suốt thời niên thiếu của nó, hành hạ nó khổ sở, khiến lòng nó tràn đầy ám ảnh cay đắng. Bất cứ khi nào nó làm sai điều gì, điểm kém hay lười làm việc nhà là mẹ nó lại chì chiết: “Mặt mày sao giống ba mày quá vậy, cha con cùng dòng máu, có sai đâu? Trời ơi, sao tôi khổ về chồng con thế này?”. Dường như cái mặt giống người cha “biến mất” của nó càng khiến mẹ nó trở nên giận dữ và bất công hơn với nó trong mọi tình huống. Khi 14 tuổi, nó nghe người trong xóm nói phong thanh ba nó đã về ở đậu trên đất vườn nhà bác Quảng, người bác họ xa. Tiếng đồn cứ râm ran. Đêm đêm nó thường nghe mẹ trở mình, thở dài. Mẹ vào ra thẫn thờ. Với chiếc xe đạp cũ, nó cùng em gái đi tìm hiểu ngọn ngành. Cũng chẳng khó khăn gì, nó tìm đúng nhà của ba: một căn chòi lá ven sông, rách nát và xiêu vẹo. Và ba nó, người đàn ông trung niên hom hem trước tuổi, mái tóc pha sương, nước da đen nhẻm, đôi mắt thật sâu và u uẩn. Nó và em gái đứng ngoài nhìn vào, nhìn thật lâu, lòng tràn lên nỗi uất giận. Khi ba nó quay ra thấy, hai anh em đạp xe bỏ chạy thật nhanh. Tối đó, nó về hỏi mẹ: “Mẹ biết ba đã về mà giấu con phải không?”. Mẹ nó lặng nhìn anh em nó một lúc lâu rồi khe khẽ gật đầu. Ba năm rồi, nhiều lần mẹ muốn nó và em gái nhìn nhận cha. Em gái nó phân vân, còn nó lắc đầu cương quyết. Nó lạnh lùng bảo: “Mẹ quên rồi sao? Ông ta từng bỏ mẹ con mình kia mà...”. Giáng sinh năm đó xóm nhỏ họ đạo của nó tưng bừng không khí lễ hội. Những cây thông Noel trong các sân nhà lấp lánh ánh sáng ấm áp, những bài hát Giáng sinh vang lên du dương ngọt ngào... Dòng người tấp nập, những bước chân háo hức, những bộ quần áo mới, những gương mặt hớn hở, chan hòa niềm vui sum vầy. Đêm Giáng sinh, đêm của yêu thương, sẻ chia và tha thứ... Nó nắm tay em gái lang thang trong dòng người đổ vào nhà thờ. Chúng đi trong vô định, không có áo đẹp, cũng không có lời nguyện cầu nào trong lòng, chỉ cảm thấy gió lạnh tràn thổi bay những tấm áo sờn cũ... Bỗng em gái giật tay nó, nói: “Anh thấy ông già kia không? Cái ông già với cái mê nón ngồi ven đường đó, giống hệt ba mình”. Nó quay lại, thảng thốt nhìn. Ồ, mà giống thật. Cũng rách rưới, hom hem, cũng khóe miệng chán chường, cũng gò má cao và đôi mắt sâu... Ông già chìa cái nón lá về phía nó thều thào van vỉ. Nó vội vàng nắm tay em gái bỏ chạy khỏi đám đông. Một cảm giác xúc động kỳ lạ tràn ngập lòng nó giống như sợ hãi, giống như ăn năn, giống như mặc khải được điều thiêng liêng mà Giáng sinh mang lại... Nó mua vội vàng ba gói xôi gà, đạp xe chở em gái tới đúng căn chòi lá ven sông mà nó và em gái từng đến, không phải chỉ một lần. May quá, vẫn còn ánh đèn điện tù mù thắp sáng, chứng tỏ ba nó chưa ngủ. Nó gõ cửa. Như chờ sẵn từ bao giờ, cửa bật mở và ba nó hiện ra trong quầng sáng khung cửa, tóc ông đã bạc đi rất nhiều so với trước, làn da khô sạm và nhiều nếp nhăn chồng chất trên gương mặt... Riêng đôi mắt ông, vốn chất chứa bao nỗi niềm, bỗng sáng bừng lên khi nhận ra nó và em gái. - Vào đi hai con. Ba tưởng tụi con chẳng bao giờ đến....! Anh em nó rụt rè bước vào nhà, ngồi lên chiếc giường. Ba nó lập cập đi lấy nước uống. Bàn tay ông run lên vì xúc động cố kìm nén... Chuông nhà thờ bỗng ngân lên da diết “binh boong, binh booong...” Em gái nó tựa vào vai anh, nước mắt chực trào... Có gì đó thật nghẹn ngào dâng lên trong tim nó. Nó ngỡ như đêm Giáng sinh này một bậc thánh nào đó đã hóa thân thành người ăn xin ven đường chìa bàn tay cho nó... Bàn tay đó thôi thúc nó đến đây, đến ngôi nhà này gặp ba nó, nói cho ba biết rằng nó đã bỏ qua cho ông, tha thứ cho những ngày tháng cay đắng của những đứa trẻ không cha bị rẻ rúng, bị mắng nhiếc, đọa đày... Chuông nhà thờ vẫn chậm rãi “binh boong, binh booong...” như đếm cái hữu hạn của đời người... BẢO NHI _____________ Đôi mắt Ba Na Cậu em tôi dắt về một đứa bé người dân tộc Ba Na, đó là kết quả của một lần làm việc với nhóm bạn hoạt động tình nguyện của nó. Đừng hiểu lầm, đứa bé mắc bệnh tim có gia cảnh khó khăn và cả nhóm quyết định gây quỹ giúp nó chữa bệnh. Đứa bé tá túc ở nhà tôi vài ngày vì đến lượt khám theo hẹn của bác sĩ. Thằng bé Ba Na biết nói một ít tiếng Việt, em tôi gọi nó là Cu Đơ, tôi cũng cứ thế mà gọi. Nó có đôi mắt trong sáng như mắt một chú nai con với đường viền xanh rì kỳ lạ. Tôi thấy phiền hà vì không quen tiếp một đứa bé xa lạ, đã vậy còn lu bu kế hoạch cuối năm và lời hứa trang trí hang đá với cây thông Noel cho thằng nhóc nhà tôi. Con tôi mới 9 tuổi, còn đủ nhỏ để bị những thứ lung linh của Giáng sinh quyến rũ. Khi mở thùng đồ trang trí, con tôi lập tức lôi chiếc xe tuần lộc ra trước cặp mắt ngưỡng mộ của Cu Đơ, nó đẩy chiếc xe chạy quanh nhà với vẻ phô trương không che giấu. Khi Cu Đơ lấy chiếc chuông đỏ, con tôi bảo nó phải đặt chuông lên xe để báo hiệu, rồi túi quà, rồi ngôi sao đều được chất hết lên xe. Thằng con tôi đẩy xe chạy trước, Cu Đơ thèm thuồng chạy sau, vì trạc tuổi nhau nên chúng mau chóng kết bạn nhưng con tôi sẵn sàng giật lấy mọi thứ Cu Đơ chạm đến để chứng tỏ vị thế chủ nhà của mình. Khi Cu Đơ cầm lấy quả cầu màu xanh lấp lánh, tôi thấy đôi mắt nó vụt sáng lên vẻ hân hoan khôn tả, và dĩ nhiên con tôi ngay lập tức giật phắt lấy! Lần này Cu Đơ phản kháng, hai đứa giằng co và Cu Đơ vùng chạy ra cửa với quả cầu trong tay, còn con tôi ngã kềnh. Phản ứng như bất kỳ người mẹ nào, tôi quát Cu Đơ và ra lệnh nó trả lại. Cu Đơ nhìn tôi, phút chốc tôi chợt nhận ra sự quá đáng của mình trong đôi mắt mở to trong veo ấy. Con tôi chạy đến và giằng lại quả cầu như một chiến lợi phẩm. Cây thông cuối cùng cũng được trang hoàng xong, quả cầu màu xanh biếc đung đưa đầy kiêu hãnh và quyến rũ, bọn nhóc lại chạy vòng quanh với trò chơi mới, quên hẳn xích mích cũ. Nhưng tôi không vui mừng lâu. Sáng hôm sau, tôi ra nhìn thành quả của mình thì quả cầu xanh đã biến mất! Trên bàn ăn sáng, tôi hỏi có đứa nào giấu quả cầu không, tôi nghĩ Cu Đơ đã làm việc đó để trả đũa con tôi nên phải hỏi hai ba lần nó mới hiểu nhưng không nhận, đôi mắt trong veo ấy nhìn tôi như dấu hỏi. Tôi chỉ muốn tống cổ thằng bé đi càng sớm càng tốt. Rồi cũng đến lúc Cu Đơ đi, tôi tiễn nó với nụ cười nhẹ nhõm và chân thành mong cậu bé sẽ được chữa khỏi bệnh. Nó lúng búng một câu gì đó không rõ và tôi chợt thấy quyến luyến đôi mắt ấy, nhưng tôi chỉ muốn mau chóng trở lại khung cảnh gia đình quen thuộc của mình. Giáng sinh qua đi, mọi hăm hở của việc đón Noel bay mất, nhường chỗ cho phần dọn dẹp nhà cửa đầy mệt mỏi. Tôi mở thùng đồ trang trí để đặt trở lại các thứ và đập vào mắt tôi là quả cầu xanh lấp lánh nằm ngạo nghễ giữa đám giấy gói nhàu nhĩ! Ngay lập tức, tôi chợt nhớ ra tất cả. Tôi, chính tôi đã treo quả cầu lên rồi quyết định gỡ xuống vì thấy nó quá thừa thãi, quá chói lọi và chẳng hài hòa với những thứ khác. Chính tay tôi đã vò mớ giấy gói để bao nó lại và quên béng chuyện này. Tôi đã để thành trì của lòng ích kỷ thắng cả trí nhớ và sự suy xét. Tôi nhìn trân trân vào quả cầu, tôi nhớ đôi mắt của Cu Đơ trong veo, với đường viền xanh rì kỳ lạ, cả dấu hỏi trong đôi mắt đó. Tôi cố nhớ Cu Đơ nói gì với mình trước khi tạm biệt nhưng không thể. Đứa bé Ba Na ấy, có lẽ nó chẳng có thứ đồ chơi gì cầu kỳ đáng giá, chắc nó chẳng cần Giáng sinh hay cây thông, nó đã bỏ qua chiếc xe, túi quà và những thứ khác nhưng lại cố gắng giành lấy quả cầu xanh lấp lánh. Nhưng tôi đã không cho phép nó chạm vào quả cầu, hay đúng hơn tôi không cho phép nó sở hữu một chút niềm vui nào cả. Tôi không chỉ cấm đoán mà còn tước đoạt thứ mà thằng bé đó không hề nắm giữ. Về sau tôi có hỏi em mình về Cu Đơ, nó nói trường hợp đó đã giải quyết xong, giờ nó đang làm việc khác. Còn tôi cứ thấy mình nợ cậu bé ấy một lời xin lỗi, nhất là mỗi khi Giáng sinh về. VĂN CƠ Tags: Yêu thương
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.