Hai vụ kiện và tương lai của Facebook

HẢI MINH 21/02/2017 18:02 GMT+7

TTCT- Facebook đã mắc vào hai vụ rắc rối pháp lý có thể khiến hãng này thiệt hại không nhỏ về tiền bạc cũng như uy tín. Hai vụ kiện xoáy vào những vấn đề then chốt với tương lai của không chỉ Facebook mà cả mạng xã hội nói chung.

Tin tức giả mạo và sự phổ biến của phương tiện đưa tin - Facebook - đã và đang làm thay đổi bản chất thông tin và nội dung được truyền đi -npr.org
Tin tức giả mạo và sự phổ biến của phương tiện đưa tin - Facebook - đã và đang làm thay đổi bản chất thông tin và nội dung được truyền đi -npr.org

 

500 triệu USD và thực tế ảo

Vài ngày sau khi hồ hởi loan báo đã cán mốc 2 tỉ tài khoản hôm 1-2, Facebook phải đón nhận một tin xấu: Công ty Oculus thuộc sở hữu tập đoàn này bị tòa án phán quyết phải đền bù cho công ty trò chơi điện tử ZeniMax tổng cộng 500 triệu USD.

Tòa án khu vực bắc Texas của Mỹ xác định CEO Palmer Luckey của Oculus không tuân thủ một thỏa thuận giữ bí mật với ZeniMax trong vụ ZeniMax kiện công ty này từ tháng 5-2014, vài tháng sau khi Facebook mua lại Oculus.

Đơn kiện nói Oculus đã sử dụng trái phép các mã do ZeniMax tạo ra để chế tạo thiết bị đeo mắt thực tế ảo (virtual reality, hay VR) Rift VR. ZeniMax là công ty mẹ của ID Software, nhà sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Doom and Quake, có người đồng sáng lập là John Carmack - hiện làm giám đốc công nghệ ở Oculus.

Luckey đã trao đổi nhiều thư điện tử với Carmack thời ông còn ở ID Software khi phát triển thiết bị tương tự cho Oculus. Oculus dự kiến sẽ kháng cáo và nói công ty vẫn tiếp tục theo đuổi và tin tưởng “vào thành công dài hạn của công nghệ thực tế ảo”.

Rất có thể đây chỉ là khởi đầu cho một cuộc chiến VR không chỉ trên mặt trận pháp lý mà cả về công nghệ, thị trường, và sự triển khai được kỳ vọng sẽ định nghĩa lại tương lai của mạng xã hội.

Ở hội thảo Oculus Connect 3 tháng 10-2016, Oculus đã giới thiệu nhiều công nghệ mới liên quan tới VR rất giàu sức tưởng tượng và được hứa hẹn “sẽ ra mắt trong tương lai gần”.

CEO Facebook Mark Zuckerberg, có mặt trong cuộc hội thảo, khẳng định VR là “hệ thức tiếp theo của thông tin liên lạc trên mạng” và sẽ sớm trở thành “nền tảng mạng xã hội rộng lớn nhất từ trước tới giờ”.

Dự án được chú ý nhất có lẽ là việc Oculus hợp tác cùng Hãng phim Disney để sản xuất và phân phối bộ phim Blade Runner 2049, độc quyền trên nền tảng VR, dự kiến ra mắt tháng 10-2017.

Đó sẽ là thử nghiệm đầu tiên cho một ngày chúng ta có thể thưởng thức mọi thứ trên nền tảng VR, từ những bộ phim bom tấn, một buổi đại hòa nhạc ồn ào, cho tới những cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại trầm lắng sang cả.

Chưa hết, Oculus cũng đã giới thiệu dự án Avatars để tạo ra nhân thân cá nhân hóa tối đa cho người dùng trong thế giới VR, bao gồm hai tính năng mạng xã hội mới: “tiệc tùng” và “phòng”, cho phép tối đa 8 người cùng tham gia một nhóm trò chuyện trực tuyến, chơi trò chơi điện tử, chia sẻ dữ liệu và nhiều hơn nữa trong một không gian VR, từ môi trường thật cho tới môi trường giả lập 360 độ.

Tất cả các trải nghiệm VR này hiện vẫn đang ở giai đoạn phôi thai và sẽ mất thêm thời gian để đưa ra đại chúng, cũng như để được đón nhận, nhưng viễn cảnh gần như là vô hạn.

Xa hơn nữa, Zuckerberg và các lãnh đạo Facebook đặt mục tiêu đầy tham vọng “nhúng” Oculus vào toàn bộ Facebook, tạo ra một thực tế ảo khổng lồ.

Ngay tại hội thảo, tỉ phú 33 tuổi này đã trình diễn một phần của tương lai đó bằng cách trả lời một cuộc gọi Facebook Messenger với thiết bị VR. Trong cuộc gọi, Zuckerberg đã thay đổi giữa các không gian ảo và phòng khách ngoài đời thực ở nhà mình.

Vợ anh, Priscilla Chan, người ở đầu dây bên kia, có thể nhìn thấy không gian ảo của Zuckerberg. Zuckerberg sau đó tự chụp một bức ảnh không gian ảo cùng Chan và chú chó của họ.

Facebook và Oculus đã cam kết đầu tư 250 triệu USD giúp đẩy nhanh hơn nữa việc sản xuất các nội dung VR, bao gồm giải trí, phục vụ doanh nghiệp và trò chơi điện tử. 50 triệu USD cũng đã được dành riêng cho nội dung VR di động, 10 triệu USD cho các chương trình giáo dục VR, và 10 triệu USD cho các ứng dụng VR khác.

Mua lại Oculus với giá 2 tỉ USD năm 2014, tầm nhìn của Zuckerberg với công ty này thật sự tương xứng khoản đầu tư đó.

Tin tức giả mạo

Trong khi các biên giới công nghệ đang mở ra hơn bao giờ hết, sự phổ thông của Facebook cũng đã mang tới nhiều thách thức với tập đoàn này. Thứ hai tuần trước (6-2), một đơn kiện nữa đã được nộp với bị đơn là hãng công nghệ này, chỉ có điều nơi nộp đơn là nước Đức.

Năm 2015, Anas Modamani có một bức ảnh tự chụp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, tấm hình được coi là biểu tượng cho quyết định của nhà lãnh đạo can đảm khi mở cửa đón hàng trăm nghìn người nhập cư vào Đức.

Nhưng Modamani, một người tị nạn từ Syria, hôm 6-2 đã nộp đơn lên tòa án Đức xin lệnh cấm không để Facebook đăng lại tấm hình đó hay bất cứ phiên bản sửa chữa nào, sau khi trên mạng xã hội này xuất hiện những tin tức giả mạo liên hệ Modamani với khủng bố.

Phiên tòa, một trong vài vụ đáng chú ý mà Facebook bị kiện ở Đức, nêu ra những câu hỏi pháp lý nền tảng và có thể thiết lập tiền lệ để điều chỉnh các quan hệ pháp luật không chỉ với Facebook mà cả mạng xã hội nói chung trong tương lai.

Chẳng hạn, liệu một người đăng lại những thông tin giả mạo mà họ không phải là nguồn viết ra có phải chịu trách nhiệm về tội mạ lị hay không? Ở Đức, vấn đề thêm nhạy cảm khi những lo ngại về chủ nghĩa dân tộc và dân túy đang gia tăng, vào lúc cuộc tổng tuyển cử sắp tới gần, tháng 9 năm nay.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đã úp mở về khả năng thay vì nhắm vào người dùng, chính quyền sẽ buộc Facebook phải chịu trách nhiệm cho những bài đăng có tính chất kích động hận thù.

Một ủy ban đặc nhiệm của chính phủ có sự tham gia của các đại diện Facebook, Google và Twitter cũng đang tìm hiểu cách thức để các trang này ngăn chặn những bài như thế. Modamani, hiện 19 tuổi, rời Syria sang Đức năm 2015, đang sống trong một khu tị nạn tại Berlin khi bà Merkel tới thăm nơi đó tháng 9-2016.

Anh này đệ đơn xin trát tòa tại Würzburg, bang miền nam Đức Bavaria, đòi Facebook gỡ bỏ tất cả nội dung giả mạo liên hệ anh với khủng bố. Đáp lại, Facebook nói họ rất quyết tâm trong “việc đáp ứng các nghĩa vụ của chúng tôi theo luật pháp Đức liên quan tới nội dung được mọi người chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi”, và đã gỡ bỏ các bức ảnh theo yêu cầu của Modamani.

Nhưng Facebook vẫn cho rằng vụ này liên quan tới tội mạ lị chứ không phải các tiêu chuẩn cho cộng đồng mạng xã hội của họ. Điều này ngụ ý những cá nhân đăng hình Modamani kèm theo thông tin giả mạo phải chịu trách nhiệm chứ không phải Facebook.

Cuộc tranh luận này sẽ góp phần thiết lập nền tảng cho việc xử lý các trường hợp tương tự đầy rẫy trên mạng xã hội.

Tin tức giả mạo đã trở thành một chủ đề lớn sau khi Facebook được cho là đóng vai trò tối quan trọng ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ qua cách các cử tri tiếp nhận thông tin.

Từ đó tới nay, Zuckerberg đã thực hiện nhiều bước đi để củng cố cách công ty xử lý những khiếu nại liên quan tới tin giả. Tháng trước, Facebook cập nhật tính năng “Trending Topics” để đưa ra các đường dẫn từ những trang được cho là đáng tin cậy hơn về những chủ đề đang ăn khách.

Hãng cũng phối hợp với một số tổ chức tin tức chủ lưu, như The Washington Post (Mỹ), El País (Tây Ban Nha) và Correctiv (Đức) để quản trị tốt hơn tin tức cho 2 tỉ người dùng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng các nỗ lực của Facebook là chưa đủ. Trang mạng xã hội này hiện chắc chắn là trang tổng hợp tin tức lớn nhất thế giới.

Trong khi vẫn khẳng định họ không phải là một trang tin tức truyền thống, Facebook là nơi 44% người Mỹ đọc tin tức, theo một nghiên cứu của Pew năm 2016. Ở trung tâm của cuộc tranh cãi là thuật toán cho tính năng News Feed (Bảng tin) thành công vượt bậc của họ, một phần mềm tự động theo dõi hành vi của người dùng và đưa ra cho họ các bài đăng mà họ nhiều khả năng sẽ đọc nhất.

News Feed thực sự là cỗ máy in tiền của Facebook. Hơn 2 triệu hãng quảng cáo mua các quảng cáo trên đây mỗi tháng. Những gã khổng lồ truyền thông truyền thống như CNN và New York Times đều đăng nội dung miễn phí trên đây để hút người đọc lên trang web của họ.

Quý 3-2016, Facebook ước tính thu về 7 tỉ USD doanh thu quảng cáo, so với 4,5 tỉ USD cùng kỳ năm 2015, mà News Feed rõ ràng đóng vai trò quyết định.

Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục, phương tiện đưa tin - Facebook - đang làm thay đổi cách đưa tin lẫn cách người đọc tiếp nhận.

Rất nhiều trang tin chính trị mới đã xuất hiện chỉ nhờ vùng đất chưa khai phá Facebook: The Angry Patriot, Addicting Info, Right Alerts, Fed-Up Americans..., thường với ý thức hệ hạn hẹp, tuyên bố mình là tiếng nói khách quan và của đám đông không được lắng nghe, với giọng điệu đôi khi rất cực đoan mà không có News Feed chắc chắn khó lòng sống nổi.

Một ví dụ: vào lúc câu chuyện (giả mạo) giáo hoàng ủng hộ ứng viên Cộng hòa nay là Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bóc mẽ, nó đã được gần 1 triệu lượt chia sẻ trên mạng!

“Bỗng nhiên một tầng lớp truyền thông hoàn toàn mới xuất hiện ảnh hưởng tới tất cả nhưng không hề có thẩm quyền, và những hãng tin có thẩm quyền, kiểm tra dữ kiện kỹ thì lại không còn ảnh hưởng” - New York Times dẫn lời Ed Wasserman, Đại học California, Berkeley.

Facebook hiện thống trị tới mức khó mà tưởng tượng trang này có thể sụp đổ, nhưng nội dung “rác” từng là lý do khiến mạng xã hội lớn nhất trước họ, Myspace, tan tành.

Thành lập năm 2003, trang này được tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch mua lại với giá 580 triệu USD năm 2006, với dự tính họ có thể đạt mốc 200 triệu người dùng vào giữa năm 2007 và giá trị 6 tỉ USD.

Nhưng tới tháng 4-2008, Myspace mất 40 triệu người dùng mỗi tháng vì tự biến mình thành một “bãi rác số”: tràn ngập hình ảnh những ngôi sao hạng B thiếu vải, những câu chuyện rẻ tiền và tin tức giật gân.

“Lịch sử không lặp lại, nhưng luôn có những hình mẫu trước sau” - văn hào Mark Twain từng nói. Các công ty Internet sống trong một môi trường thay đổi nhanh với các chu kỳ ngắn ngủi, ít chỗ cho sai lầm. Facebook đang tăng trưởng rất nhanh, tương tự là yêu cầu về việc tạo ra môi trường đáng tin cậy cho người dùng. Họ vẫn đang có doanh số rất tốt, nhưng nhu cầu thay đổi cũng đang là lớn hơn bao giờ hết với mạng xã hội này.■

Làm ăn phát đạt

Dù sẽ kháng cáo, Facebook không có gì phải ngại khoản tiền phạt 500 triệu USD trong vụ kiện với ZeniMax. Theo báo cáo tài chính gần nhất, quý 4-2016, doanh thu cùng kỳ của Facebook đã tăng 51% nhờ gia tăng trong mảng quảng cáo di động, hiện chiếm 84% tổng doanh thu.

Doanh thu của Facebook trong quý kết thúc ngày 31-12-2016 ở mức 8,81 tỉ USD với lợi nhuận theo quý tăng gấp đôi lên 3,57 tỉ USD so với 1,56 tỉ USD một năm trước. Facebook cũng đã có 1,86 tỉ tài khoản hoạt động (và 2 tỉ vào ngày 1-2 vừa rồi) tính tới cuối tháng 12-2016, tăng 17% so với một năm trước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận