TTCT - Hôm thứ ba 10-12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết do phe đối lập chính đưa ra, yêu cầu điều tra cáo buộc nổi loạn đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng 7 nhân vật khác liên quan đến việc ban bố tình trạng thiết quân luật đêm 3-12. Tiến trình này bắt đầu hôm thứ hai 9-12 với việc Đảng Dân chủ (DPK, đảng đối lập chính) đề xuất truy tố Tổng thống Yoon về tội nổi loạn do quyết định ban bố thiết quân luật. Đáng lưu ý là lãnh đạo Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền đã tuyên bố 108 đại biểu Quốc hội của đảng này có "toàn quyền tự do" bỏ phiếu thuận hoặc chống dự thảo của phe đối lập. Điều này đồng nghĩa PPP đã chính thức "buông bỏ" ông Yoon. Qua thứ ba 10-12, lãnh đạo PPP Han Dong Hoon nêu ý kiến đảng này cũng nên đề xuất mở điều tra Tổng thống Yoon, theo Thông tấn xã Yonhap.Ai muốn lật ông YoonChuyện Tổng thống Yoon bị DPK cáo buộc tội nổi loạn là chuyện thường tình, song việc chính Đảng PPP của ông cũng đề xuất điều tra thì quả là cay đắng. Rốt cuộc, nghị quyết của DPK đã được thông qua với tỉ lệ phiếu bầu 210-63, với 14 phiếu trắng, nhằm bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt độc lập điều tra xem ông Yoon có phạm tội nổi loạn và lạm dụng quyền lực hay không.Cùng chung số phận bị điều tra đặc biệt với ông Yoon còn có cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong Hyun; Tổng tham mưu trưởng lục quân, tướng Park An Su (chính là vị tư lệnh thiết quân luật... 6 tiếng); Thủ tướng Han Duck Soo; Giám đốc Tổng cục phản gián Yeo In Hyung; và đại biểu Quốc hội Choo Kyung Ho (người tới gần đây còn là lãnh đạo PPP, nhưng đã phải từ chức). Tất cả bị cáo buộc trực tiếp hoặc thông đồng thực hiện hành vi nổi loạn. Tờ Korea Herald chú thích thêm rằng theo luật, ông Yoon không thể thực hiện quyền phủ quyết của tổng thống với dự luật này.Với danh sách đối tượng điều tra khủng như trên, không lạ khi một tuần sau vụ thiết quân luật, Cơ quan Công tố nhà nước, cảnh sát và Văn phòng Điều tra tham nhũng với quan chức cấp cao (CIO) của Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch hợp tác để xử lý vụ này, giữa bối cảnh lo ngại về nhiều "điểm mù" trong cuộc điều tra. "Điểm mù" ý chỉ tình hình không thể minh bạch khi rất nhiều đối tượng bị điều tra cũng đang nắm các chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước - an ninh quốc gia.Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ảnh: AFPCác nhà điều tra từ nhiều cơ quan khác nhau trên đã nói với tờ JoongAng Ilbo rằng họ "đồng ý về nhu cầu hợp tác giữa các cuộc điều tra khác nhau" và đang phối hợp hoạt động. Kim Hu Gon, cựu giám đốc Văn phòng Công tố viên cấp cao Seoul, cho biết "tốt nhất" sẽ là một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp để tích hợp và điều phối các nỗ lực điều tra khác nhau, chịu trách nhiệm chung, đồng thời "ngăn chặn nghi phạm hợp tác với các nhà điều tra để cản trở công lý".Thượng tôn pháp luậtMột tuần sau vụ thiết quân luật, đã có nhiều thông tin chi tiết về những gì xảy ra và vai trò của từng nhân vật chánh tham gia với Tổng thống Yoon. Theo tờ JoongAng Ilbo 10-12, trong cuộc họp của ủy ban quốc phòng quốc hội, trung tướng Kwak Jong Keun, người đứng đầu Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt của lục quân, thuật lại rằng Bộ trưởng quốc phòng Kim Yong Hyun lúc đó đã ra lệnh cho ông hạn chế số lượng đại biểu vào họp Quốc hội dưới 150 người vào tối 3-12, đêm mà Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật.Tướng Kwak cho biết vào thời điểm đó, ông nhận lệnh trên một chiếc điện thoại an toàn tại sở chỉ huy. Lời khai này của tướng Kwak chứng tỏ ông Kim Yong Hyun liên can trực tiếp đến âm mưu vô hiệu hóa hoạt động của Quốc hội.Đó là lý do mà tòa án quận trung tâm Seoul sáng sớm thứ tư 11-12 đã lập tức ban hành lệnh bắt giữ ông Kim Yong Hyun. Đây là lệnh bắt giữ đầu tiên được ban hành, và thẩm phán giải thích họ cần hành động lập tức vì có nguy cơ thực tế là ông cựu bộ trưởng quốc phòng sẽ tìm cách tiêu hủy bằng chứng và/hoặc bỏ trốn. Các công tố viên đã đọc lệnh bắt ông Kim với cáo buộc ông "có vai trò quan trọng trong một cuộc nổi loạn" và "lạm dụng quyền lực", cụ thể là tham gia soạn thảo sắc lệnh thiết quân luật và ra lệnh cho quân đội đột kích vào trụ sở Quốc hội.Cũng theo báo chí Hàn Quốc, Tổng thống Yoon còn muốn qua lệnh thiết quân luật bắt giữ Lee Jae Myung, lãnh đạo DPK, và một số thủ lãnh đối lập quan trọng khác. Các chuyên gia luật pháp Hàn Quốc bình luận việc ông Yoon nêu ra cái cớ "mối đe dọa từ Triều Tiên" để ban bố thiết quân luật không chỉ là vô căn cứ, mà còn là bất hợp pháp. Ông Han Dong Hoon, lãnh đạo PPP cầm quyền, cũng tuyên bố lệnh thiết quân luật ngày 3-12 là vi hiến. Nhiều nhà bình luận khác coi quyết định này của ông Yoon là để che đậy thất bại chính trị và bảo vệ chính ông khỏi sự tấn công từ các đảng đối lập và sự phản đối từ người dân, theo Seoul Times.Cựu bộ trưởng quốc phòng Kim Yong Hyun vừa bị bắt. Ảnh: ReutersLập trường của ông YoonSong, dù ông Yoon có ý đồ là gì đi nữa thì với sự trưởng thành của nền chính trị và tinh thần thượng tôn pháp luật tại Hàn Quốc như đã thấy từ ngày 3-12 tới nay, ông cũng không thể trở thành một nhà độc tài phi dân chủ như kiểu các "tiền bối" Park Chung Hee hay Chun Doo Hwan nữa. Để hiểu được quá trình chuyển biến đó của xã hội và nền chính trị Hàn Quốc, một nghiên cứu đáng đọc là phân tích của Seung Woo Han về khái niệm "jayu" (tự do) đăng trên chuyên san Nature mới đây: "Phân tích ý niệm "jayu" trong diễn văn của tổng thống Hàn Quốc: nghiên cứu toàn diện nền chính trị Hàn Quốc từ năm 1948-2023, tập trung vào chính quyền Yoon Suk Yeol"."Nghiên cứu này xem xét việc sử dụng chiến lược "jayu" trong chính trị Hàn Quốc, tập trung vào chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol, nơi mà từ ngữ này lại tượng trưng cho các hệ tư tưởng và bản sắc chính trị bảo thủ". Tác giả cho biết đã nghiên cứu, phân tích kỹ các bài phát biểu của Tổng thống Yoon để rút ra kết luận đó. Theo đó, trong nền dân chủ năng động của Hàn Quốc, các bài phát biểu của tổng thống có mục đích kép: vừa là phương tiện truyền đạt chính trị quan trọng, vừa là công cụ chính trong việc khẳng định lập trường tư tưởng và định hướng chính sách.Tác giả đã đặc biệt phân tích các diễn văn, phát biểu của ông Yoon, và nhận thấy tần suất sử dụng từ "jayu" là dày đặc, và không hề là ngẫu nhiên. Ở Hàn Quốc, ý niệm "tự do" lại là hình thức ngôn ngữ để thể hiện nội dung tư tưởng - ý thức hệ bảo thủ, vốn đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội. Trái ngược với nó là ý niệm "minju" (dân chủ). Tác giả phân tích sự phát triển của tên các đảng phái chính trị Hàn Quốc minh họa cho điều đó: phe bảo thủ theo truyền thống sử dụng tên gọi có từ "tự do", bắt đầu bằng Jayu-Dang (Đảng Tự do) vào năm 1951 của tổng thống đầu tiên Syngman Rhee, cho tới ngày nay là Jayu-Hankuk-Dang (Đảng Tự do Hàn Quốc, tiền thân của PPP).Ngược lại, các phe phái tự do thực sự, tức có xu hướng cấp tiến, luôn gắn kết với từ ngữ "minju", tỉ như Minju-Dang (Đảng Dân chủ, tức DPK đối lập hiện giờ). Tóm lại, lấy tên là "tự do" song không hẳn là "tự do", đây cũng là điều phản ánh nền chính trị đặc thù của Hàn Quốc: dân chủ và quá trình xây dựng dân quyền đích thực rất nhọc nhằn và đang là ưu tiên. Nên hiện giờ, dân chủ đồng nghĩa với cấp tiến; còn tự do đồng nghĩa với bảo thủ.Từ đó, tác giả kết luận: "Khác biệt giữa "jayu" và "minju" vượt ra ngoài những khác biệt ngôn ngữ đơn giản, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc về mặt ý thức hệ luôn được phản ánh trong đường lối của Tổng thống Yoon Suk Yeol". Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi luận tội ông Yoon. Ảnh: ReutersNhư một lời tiên tri, nghiên cứu công bố tháng 6-2024 này nhấn mạnh rằng ông Yoon đã công khai tuyên bố: "Ý thức hệ là quan trọng nhất là nguyên tắc chỉ đạo của nhà nước". Do đó, từ ngữ "jayu" được ông nhắc tới liên tục là có chủ ý, phản ánh động cơ và chương trình chính trị cụ thể mà tác giả gọi là "chế độ tổng thống kiểu hoàng đế" (imperial presidency), tức mang danh chế độ tổng thống dân cử, song hành xử như quân chủ đế vương. Vụ việc ngày 3-12 và những hậu quả của nó đã khẳng định dứt khoát là ngày nay, xã hội Hàn Quốc không còn chấp nhận một chế độ như vậy nữa. Quan trọng hơn nữa, xã hội đó đã tìm được cách xử lý một chế độ như vậy bằng luật pháp và hiến pháp, chứ không phải bằng vũ lực!■ Cũng còn may cho ông Yoon là chỉ có 23 đại biểu của PPP bỏ phiếu thuận dự luật điều tra và luận tội ông, trong khi 63 đại biểu bỏ phiếu chống và 14 bỏ phiếu trắng. Có thể thấy ý đồ kết liễu ông Yoon từ nội bộ PPP chủ yếu là từ ê kíp lãnh đạo đảng, đứng đầu là ông Han, chớ không phải của đại đa số đảng viên PPP trong Quốc hội. Trước đó một ngày, cả 7 đại biểu Quốc hội của đảng cầm quyền trong Ủy ban Lập pháp và tư pháp cũng đều tẩy chay cuộc bỏ phiếu theo đề xuất của DPK. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Căng thẳng chính trị ở Hàn Quốc Tiếp theo Tags: Quốc hội Hàn QuốcTổng thống Yoon Suk YeolTình trạng thiết quân luậtHàn QuốcTổng thống Yoon
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Bạn đọc Tuổi Trẻ đề cử các gương mặt tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước HOÀI PHƯƠNG 14/12/2024 Độc giả báo Tuổi Trẻ nhiệt tình đề cử nhiều gương mặt tiêu biểu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn từ năm 1975 - 2025. Trong thời gian ngắn đã có hơn 70 đề cử, trong đó có nhiều nghệ sĩ.
Tìm thấy thi thể nạn nhân đưa về nhà xác trong vụ ô tô tông sập lan can cầu Đồng Nai rơi xuống sông A LỘC 14/12/2024 Đến 23h, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân lên bờ và chuyển về nhà xác để điều tra.
Người đàn ông ở Quảng Nam cứu 3 học sinh bị nước cuốn trôi LÊ TRUNG 14/12/2024 Một người đàn ông nghe tiếng kêu cứu đã vội ra ứng cứu 3 em học sinh ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Video: Thủ môn Malaysia mắc sai lầm, 'tặng' bàn thắng duy nhất cho tuyển Thái Lan THANH ĐỊNH 14/12/2024 Thủ môn Haziq Nadzli của Malaysia mắc sai lầm tai hại khiến đội chủ nhà thua sát nút trước tuyển Thái Lan.