Hàn Quốc và cuộc chiến chiều cao

HUY ĐĂNG 17/05/2018 14:05 GMT+7

“Cao hơn, nghĩa là mạnh mẽ hơn. Những người thấp bé là những người thất bại” - đó là phát biểu từng gây xôn xao dư luận Hàn Quốc của Lee Do-kyong, một sinh viên ở ĐH Hongik (Seoul), cách đây vài năm trong một chương trình truyền hình.

Các ngôi sao K-pop thường xuyên tham gia những sân chơi thể thao nhằm kêu gọi giới trẻ chơi thể thao. Ảnh: Korean Times
Các ngôi sao K-pop thường xuyên tham gia những sân chơi thể thao nhằm kêu gọi giới trẻ chơi thể thao. Ảnh: Korean Times

100 năm, cao hơn 20cm

Ngay lập tức, phát biểu của Lee khiến cô nhận vô số chỉ trích từ dư luận. Nhiều người đã gửi đơn kiện Lee tội phỉ báng, trước khi cô sinh viên này bị buộc phải xin lỗi khán giả. Cả Đài truyền hình KBS cũng bị vạ lây vì không biên tập lại phát ngôn của Lee. Ủy ban Tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc sau đó cũng khiển trách KBS vì phát biểu có phần “vi phạm nhân quyền” này.

Nhưng một thời gian dài sau đó, câu chuyện về phát biểu của Lee vẫn được nhắc lại. “Cô ấy đơn giản chỉ nói ra suy nghĩ của tất cả người Hàn Quốc, chỉ là không ai dám nói một cách công khai như vậy. Sự thật là ở Hàn Quốc, nếu bạn thay đổi, bạn sẽ thay đổi được số phận của mình” - New York Times dẫn lời một bác sĩ nổi tiếng ở Hàn Quốc - ông Kim Sang Yoo. Phát ngôn có phần miệt thị của Lee lại chính là đại biểu cho nỗ lực quyết liệt của người Hàn Quốc trong việc phát triển chiều cao. Không phải đơn giản mà xứ sở kim chi lại chính là quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất về chiều cao trong hơn 100 năm qua.

Năm 2016, Tổ chức sức khỏe Risk Factor Collaboration (RISC) công bố kết quả khảo sát về sự cải thiện chiều cao của giới thanh niên (18 tuổi) mỗi quốc gia trong giai đoạn 1914-2014. Kết quả cho thấy phụ nữ Hàn Quốc đứng đầu trong khoảng cải thiện chiều cao. Những cô gái 18 tuổi vào năm 2014 của Hàn Quốc cao hơn thế hệ đi trước đến 7,94 inches (khoảng 20cm). Với nam giới 18 tuổi, người Hàn cũng cao lên đáng kể khi tăng từ 1,59m chiều cao trung bình vào năm 1914 lên 1,75m năm 2014, tức tăng hơn 16cm.

Phụ nữ Hàn Quốc cao lên đáng kể nhờ phổ biến những môn như bóng chuyền. Ảnh: Asian Volleyball
Phụ nữ Hàn Quốc cao lên đáng kể nhờ phổ biến những môn như bóng chuyền. Ảnh: Asian Volleyball

10cm có giá hơn 1 tỉ won

Từ những năm đầu thế kỷ 20, người Nhật được xem như hình mẫu cho việc cải thiện chiều cao. Những chính sách, đầu tư cho khoa học, dinh dưỡng, giáo dục của người Nhật trong bài toán cải thiện chiều cao được người Hàn mô phỏng khá nhiều. Nhưng đến thế kỷ 21, Hàn Quốc thậm chí đã vượt mặt quốc gia láng giềng trong khả năng cải thiện chiều cao của dân tộc. Sự gia tăng chiều cao trung bình của những cô gái 18 tuổi Nhật Bản sau 100 năm là 16cm, đứng thứ nhì trong danh sách tăng trưởng nhưng vẫn kém xa Hàn Quốc.

Đâu là nguyên nhân tạo ra sự vượt trội của Hàn Quốc trong “công nghệ phát triển chiều cao”? Đầu tiên phải nhắc đến ý thức khủng khiếp của người dân xứ sở kim chi về hình thể. Từ 100 năm trước, giáo dục Hàn Quốc đã cố gắng xây dựng ý thức này cho học sinh tiểu học, rằng “Một dân tộc hùng mạnh, phát triển phải là một dân tộc có chiều cao”.

Sự khao khát về cải thiện chiều cao của người Hàn Quốc thể hiện sự xuất hiện ngày càng nhiều của những “trung tâm tăng trưởng”. Có thể xem những trung tâm này như một loại phòng tập gym kết hợp trung tâm dinh dưỡng. Tại đây, những đứa trẻ được cho tập các bài tập đặc biệt, sử dụng những phương pháp điều trị phương Đông như châm cứu cùng những loại dinh dưỡng đặc biệt. Những công nghệ hàng đầu được đổ vào các trung tâm này, và hiển nhiên, giá của chúng cũng không rẻ chút nào.

“Chiều cao ngày càng quan trọng trong xã hội. Tôi sợ con gái của mình phải thấp hơn các bạn, nó sẽ mất tự tin vì điều đó” - Seo Hye Kyong, một phụ huynh đưa 2 đứa con mới ở độ tuổi 4-5 đến đây tập luyện và điều trị, nói. Gia đình bà Seo chi 770 USD mỗi tháng cho 2 con nhỏ của mình cho Hamsoa - một trung tâm có đến 50 chi nhánh rải khắp Hàn Quốc. Nhiều phụ huynh khác còn bỏ ra khoảng 1.000 USD mỗi tháng “phí cải thiện chiều cao” cho con mình.

“Cha mẹ muốn giúp con mình cao hơn 10cm thay vì để cho chúng 1 tỉ won (khoảng 850.000 USD). Nếu bạn hình dung trẻ em như một cái cây, tại đây chúng tôi sẽ giúp có được loại đất hợp lý, đón gió, ánh nắng mặt trời phù hợp để phát triển. Chúng tôi giúp trẻ có được cảm giác thèm ăn, ngủ ngon và giữ cân bằng cuộc sống” - bác sĩ Shin Dong-gil của trung tâm này cho biết.

Một bé gái tập luyện trong một trung tâm tăng trưởng ở Hàn Quốc. Ảnh: NYT
Một bé gái tập luyện trong một trung tâm tăng trưởng ở Hàn Quốc. Ảnh: NYT

Những phương thức truyền thống không lỗi thời

Nhưng không phải người Hàn Quốc nào cũng tán thành với những trung tâm này. Nhiều người cho rằng các phụ huynh Hàn Quốc đã quá tham lam trong việc phát triển chiều cao cho con trẻ. Sự thật, cách thức truyền thống - khá tương tự từ người Nhật những năm đầu thập niên 1990 cũng giúp người Hàn Quốc cải thiện đáng kể về chiều cao. Đó là tập trung vào chế độ dinh dưỡng hợp lý và chơi thể thao.

Từ đầu thế kỷ 20, người Hàn Quốc đã tập thói quen chia nhỏ bữa ăn thành những bát nhỏ - được gọi là banchan. Theo đó, một bữa cơm của người Hàn thường có đến hàng chục những bát nhỏ đựng các loại thức ăn khác nhau này. Phong cách này giúp người Hàn Quốc đa dạng hóa dinh dưỡng, không chỉ tập trung ăn tinh bột. Những đứa trẻ Hàn Quốc vì thế từ nhỏ đã được hấp nạp đầy đủ các loại dinh dưỡng, không bị rơi vào tình trạng mất cân bằng trong quá trình trưởng thành. Cũng cần phải nói, người dân Hàn Quốc vốn có ý thức rất tốt về dinh dưỡng.

Tỉ lệ thuận với chiều cao trung bình của người Hàn Quốc hơn nửa thế kỷ qua cũng là những tấm huy chương Olympic của họ. Trong lần tham dự Olympic đầu tiên ở London 1948, Hàn Quốc chỉ dự thi 7 môn và giành vỏn vẹn 2 HCĐ. 20 năm sau, họ dự thi 11 môn ở Mexico City 1968 và giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. 20 năm sau nữa trên chính sân nhà Seoul 1988, Hàn Quốc dự thi 31/32 môn và giành đến 12 HCV, 10 HCB và 11 HCĐ.

Sự thăng tiến của thể thao Hàn Quốc không chỉ thể hiện qua số lượng huy chương, mà còn ở số môn thể thao được phát triển từng ngày ở xứ sở kim chi. Trong lần dự Olympic đầu tiên, Hàn Quốc chỉ góp mặt ở những môn thể thao truyền thống như bóng đá, điền kinh... Đó là những môn thể thao mà hầu như đứa trẻ Hàn Quốc nào cũng biết chơi, bên cạnh taekwondo truyền thống. Hàng chục năm sau, Hàn Quốc bắt đầu vươn lên tầm thế giới ở cả những môn quan trọng chiều cao như cầu lông, bóng chuyền, bơi lội...

Đó là kết quả từ những đầu tư của ngành thể thao Hàn Quốc. Người Hàn Quốc không chỉ cố gắng đào sâu vào những môn thế mạnh của họ như taekwondo, judo, vật, bắn cung... để tìm kiếm huy chương ở Olympic hay Asiad, họ phát triển rộng khắp các môn thể thao trong môi trường học đường, đặc biệt là những môn thể thao giúp phát triển hình thể. Những giải đấu, sân chơi thể thao sinh viên cũng đặc biệt nhiều. Hầu như mỗi tuần đều có một giải chạy marathon lớn dành cho thanh niên ở Hàn Quốc.■

Bóng rổ Hàn Quốc “cấm cửa” những gã khổng lồ

Quan niệm về chiều cao của người Hàn Quốc rất rành mạch. Càng cao càng có lợi trong một số môn thể thao, đặc biệt là bóng rổ. Và vì vậy, cao quá sẽ... không được chơi ở Giải vô địch bóng rổ Hàn Quốc (KBL). Ban tổ chức KBL mới đây ra một điều lệ mới: mỗi CLB bóng rổ Hàn Quốc giờ đây chỉ được sử dụng 2 ngoại binh, với 1 người phải thấp hơn 1,85m và người còn lại cũng không thể cao quá 2m. Đổi lại, người Hàn vẫn khuyến khích học sinh chơi bóng rổ thật nhiều để phát triển chiều cao. Có lẽ đến một ngày, khi nhận thấy những VĐV Hàn Quốc đã đạt đến tầm vóc đáng kể, KBL sẽ lại mở cửa cho những ngoại binh khổng lồ từ Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận