Hành trình không thể nào quên

NGUYỄN NGUYÊN 19/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đêm 15-6 tại UAE, đội tuyển Việt Nam đã hoàn tất hành trình vòng 2 vòng loại World Cup 2022. Sau trận thua chủ nhà 2-3, thầy trò HLV Park Hang Seo đã lọt vào danh sách 12 đội hàng đầu châu Á dự tranh vòng loại cuối vào tháng 9 và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tiến xa được như vậy.

Về thành tích, rất đáng để tự hào về một thế hệ cầu thủ liên tiếp gây tiếng vang từ giải U23 châu Á tại Thường Châu đến nay. 

Tiến Linh ghi bàn gỡ 1-3 cho Việt Nam. Chúng ta đã kiên cường tới phút chót trước một đối thủ mạnh hơn nhiều. Ảnh: N.Khánh

 

Họ xứng đáng là đội bóng số 1 Đông Nam Á đã được khẳng định từ AFF Cup 2018 sang SEA Games 2019 và việc liên tục đứng đầu bảng G có đến 4 đội bóng mạnh của Đông Nam Á càng khẳng định điều đấy. 

Đêm 15-6 cũng là cột mốc đáng nhớ của bóng đá Việt Nam khi chúng ta lần đầu lọt đến vòng loại cuối khu vực châu Á của một World Cup. 

Nhưng tôi không thích cái cách so sánh lấy 17 điểm của vòng loại này so với điểm của Thái Lan ở vòng loại 4 năm trước để rồi ngạo nghễ với việc chúng ta hơn Thái Lan - đội có đến hai lần tham dự vòng loại cuối mà cao nhất cũng chỉ là 16 điểm. 

Nếu muốn lấy bóng đá Thái Lan ra để so sánh, thì nên so phần thu hoạch sắp tới ở vòng loại cuối với những đội hàng đầu châu Á và lấy bài học của họ để rút ra cho chính mình.

Còn nhớ Thái Lan sau chiến thắng 3-0 trước đội tuyển Việt Nam ngay tại Mỹ Đình đã mạnh miệng tuyên bố sẵn sàng bỏ qua ao làng để bước ra biển lớn với sân chơi châu Á và mục tiêu tối thượng là vòng chung kết World Cup. 

Thế nhưng đội bóng từng thắng Việt Nam 3-0 tại Mỹ Đình đấy lại thua vuốt mặt không kịp ở vòng loại cuối với 24 bàn thua, có mỗi 2 trận hòa sau 10 trận và rời vòng loại thứ 3 với vị trí bét bảng.

Giấc mơ World Cup của người Thái không chỉ tan thành mây khói từ đấy, bóng đá Thái nói chung còn tuột dốc không phanh sau vòng loại cuối thảm hại. 

Khuya 15-6, trong khi Việt Nam ăn mừng một suất trong nhóm các đội hàng đầu châu Á, người Thái đã mất luôn vị trí thứ 3 bảng G vào tay Malaysia và không còn có cơ hội dự Asian Cup 2023. Có thể nói, nhiều thập niên qua, chưa bao giờ bóng đá Thái Lan sa sút tới mức đó.

Quay lại với vòng loại vừa qua của thầy trò ông Park Hang Seo qua 8 trận cho hai lượt đấu với 5 thắng, 2 hòa, 1 thua. 2 trận hòa đều là trước Thái Lan trong thế trận cân bằng. 

Còn trận thua duy nhất trước UAE về mặt tỉ số thì chấp nhận được nhưng về thế trận thì UAE đã chứng tỏ họ vẫn ở một đẳng cấp khác - không chỉ nhờ cầu thủ nhập tịch.

Minh Vương ghi bàn gỡ 3-2. Đội tuyển Việt Nam đã chơi kiên cường tới phút chót. Ảnh: N. Khánh

 

Tự hào với một thế hệ cầu thủ mạnh mẽ, thi đấu có tính tổ chức cao, bản lĩnh và phong thái đĩnh đạc, niềm tin trở lại với một đội tuyển được xác quyết khi người hâm mộ không còn phải chứng kiến những trận thua ngớ ngẩn, thậm chí là đáng ngờ. 

Trong lúc tại CLB, cầu thủ ý thức với nghề, với tính chuyên nghiệp hơn, thì sự đầu tư cho bóng đá ở các CLB nay cũng đã khác, trở thành nền tảng cho phần ngọn ở đội tuyển.

Nhưng tất nhiên, hành trình để thực sự sánh ngang những đội hàng đầu châu Á thôi, chứ chưa nói thế giới, của bóng đá Việt Nam vẫn còn rất dài.

Thái Lan đã biết đá biết vàng ở lần thứ hai dự vòng loại cuối World Cup. Chúng ta mới bước tới sân chơi này lần đầu tiên trong lịch sử, với sự háo hức của một đội đầu bảng cho đến lượt trận cuối vòng loại thứ nhì.

Nếu lộ trình của bóng đá Việt Nam là World Cup 2026, thì vòng loại thứ ba sắp tới vừa là cuộc thử lửa, vừa là cơ hội bằng vàng để xây tiếp trên những nấc thang vững chắc cho tương lai - và luôn nhắc nhở mình bài học từ Thái Lan. 

Không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 (theo kế hoạch là tháng 9), cũng có nghĩa về mặt con người sẽ không có nhiều bổ sung, trừ sự trở lại của những vị trí chấn thương kịp hồi phục.

Ba trận cuối vòng loại thứ 2, không ai đề cập đến vấn đề thể lực, điều mà các học trò thầy Park càng đối đầu với đối thủ cứng cựa hơn thì sức càng đuối dần - cho đến trận gặp UAE thì thể lực bị bào mòn nhanh nhất và để thua trong những tình thế hoàn toàn bất lực.

Ba tháng cho việc nâng thể lực lên thì không khó nhưng ba tháng để làm mới một đội tuyển và mới cả lối chơi cho một sân chơi lớn hơn, nặng nề hơn mà đối thủ đều ở tầm từ UAE trở lên sẽ phải chạy nước rút.

Mừng và tự hào với thế hệ cầu thủ hiện nay đạt được độ chín nhất định nhưng cũng cần phải đánh giá đúng mình và đúng các đối thủ trong nhóm 12 đội hàng đầu châu Á, để xác định từ đầu thắng không kiêu, bại không nản.

Có như thế thì mới không sa vào vết xe đổ của Thái Lan bốn năm trước để rồi chịu tác hại đến tận bây giờ.■

Nâng tầm và nâng giá trị của đội tuyển

Tôi còn nhớ sau lần bóng đá Việt Nam dự vòng loại World Cup 1998 và sớm bị loại, HLV đội tuyển quốc gia lúc ấy Karl Heinz Weigang có đưa cho xem bản báo cáo viết tay của ông gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). 

Trong báo cáo có hai điểm ông nhấn mạnh nhất và viết bằng chữ in là dinh dưỡng, chế độ cho cầu thủ cần cải thiện và việc thay đổi tầm nhìn để đầu tư cho một giải đấu lớn ngoài khu vực thay vì chỉ chăm chăm vào Đông Nam Á.

Nhắc chuyện ông Weigang của những năm 1995 - 1997 để hiểu hơn vì sao ông Park Hang Seo dù rất vinh quang với chức vô địch AFF Cup và SEA Games, nhưng ông vẫn “máu” và dồn nhiều công sức cho vòng loại World Cup hơn hẳn. Các HLV có tầm đều như vậy.

Hai phần nhấn mạnh mà ông Weigang từng ao ước thì nay ông Park đã có. Nhưng rõ ràng ông cũng không sớm có sẵn ngay sự nghiêm chỉnh với một hệ thống thầy ngoại và chuyên gia mà phải trải qua những gầy dựng của riêng mình. 

Sau thành tích đầu với U23 Việt Nam tại Thường Châu, chính ông đã góp phần quan trọng làm thay đổi cách nhìn và cách đầu tư của những nhà làm bóng đá Việt Nam. Nói thế để thấy, đóng góp của ông cho bóng đá Việt không chỉ là những chiến thắng ở đội tuyển quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận