Hát bằng tay, để âm nhạc được thấy

VĨNH ANH 17/04/2023 06:46 GMT+7

TTCT - Người điếc hay khiếm thính vẫn có thể thưởng thức âm nhạc, chỉ cần có người "hát" lại bằng ngôn ngữ cơ thể để họ thấy các bài hát.

Các biểu cảm sống động của Miles khi "hát" cùng Rihanna. Ảnh chụp màn hình

Các biểu cảm sống động của Miles khi "hát" cùng Rihanna. Ảnh chụp màn hình

Việc trình diễn âm nhạc bằng ngôn ngữ ký hiệu đã có từ cách đây một thế kỷ, nhưng chưa được biết nhiều. Chỉ đến khi phần trình diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu cho bài WAP của Kelly Kurdi lan truyền trên TikTok tháng 8-2021, và mới đây là cảnh Justina Miles, phiên dịch liên khúc của Rihanna trực tiếp trên sân khấu Super Bowl LVII Halftime Show vào tháng 2, công chúng mới hiểu được sự kỳ diệu của ngôn ngữ có thể chuyển tải được cả nhịp điệu và giai điệu của âm nhạc này.

"Hát" bằng ngôn ngữ cơ thể

Theo Jody Cripps, giáo sư ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL) và lịch sử khiếm thính tại Đại học Clemson, lầu đầu tiên một bài hát phổ biến được "hát" lại bằng ASL là tại Đại học Gallaudet ở thủ đô Washington D.C. năm 1902. Đó là bài quốc ca Mỹ, xuất hiện trong một bộ phim câm đen trắng.

"Vào thời điểm sản xuất bộ phim, những người thuộc cộng đồng khiếm thính không có thiết bị trợ thính, vì vậy việc phát hành một bộ phim có ngôn ngữ ký hiệu là một điều thú vị" - Cripps viết trong một bài báo trên Journal of American Sign Languages and Literatures năm 2018. Tiếc rằng sự "thú vị" này lại cá biệt, bởi đến thập niên 1930, việc trình diễn âm nhạc bằng ngôn ngữ ký hiệu mới được đưa lại lên màn ảnh.

Suốt nửa đầu thế kỷ 20, việc phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chủ yếu dành cho các nghi lễ tôn giáo và sự kiện âm nhạc dành riêng cho người khiếm thính hay khó khăn trong việc nghe. Đến những năm 1980, những phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu dần dần xuất hiện nhiều tại các lễ hội âm nhạc. Năm 1982, Nhà hát opera thành phố New York bắt đầu yêu cầu phần trình diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu vào buổi biểu diễn.

Kỷ nguyên kỹ thuật số đã đưa những người phiên dịch ASL song song với ca sĩ hát chính đến gần công chúng hơn. Những buổi biểu diễn nhạc sống bằng ngôn ngữ ký hiệu ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Trên YouTube, người khiếm thính có thể "nghe" nhiều bài nổi tiếng, từ Hello của Adele đến Let it go trong phim Frozen. Người "hát" những bài hát này ngày càng có nhiều hợp đồng biểu diễn trực tiếp. Các sự kiện âm nhạc nổi tiếng như Super Bowl, Grammys và lễ hội âm nhạc Sanremo ở Ý đều có phiên dịch ASL.

Người phiên dịch ASL Galloway Gallego (trái) và rapper Wiz Khalifa. Ảnh: Randy Holms/ABC/Getty Images

Người phiên dịch ASL Galloway Gallego (trái) và rapper Wiz Khalifa. Ảnh: Randy Holms/ABC/Getty Images

Người khiếm thính "hát" cho người khiếm thính

Truyền thông mô tả "Rihanna không phải ngôi sao duy nhất" trong phần biểu diễn giữa giờ ở Super Bowl 2023, bởi ở đó, Justina Miles - một nghệ sĩ ngôn ngữ ký hiệu - đã khiến khán giả thán phục trước từng chuyển động cơ thể, biểu cảm gương mặt và cử động môi của cô, khớp đến từng nhịp (beat) trong phần trình diễn của Rihanna, năng lượng tỏa ra cũng một chín một mười.

Sau buổi diễn, khi video phần biểu diễn này lan truyền trên mạng xã hội, Miles, sinh viên ngành điều dưỡng 20 tuổi, kể với CBS News mình phải thuộc lời ca khúc để phiên dịch lại đúng bài hát và nhảy múa theo beat, để âm nhạc có thể được "nhìn thấy" một cách đã mắt với khán giả khiếm thính.

Justina Miles tại Super Bowl LVII 2023 Halftime.

Miles làm việc cho Amber G. Productions, đơn vị cộng tác với Amazon Music để trình diễn song song với các nghệ sĩ trong buổi hòa nhạc phát sóng trực tiếp (Amazon Music Live - AML). Đơn vị sản xuất này chỉ tuyển những người đến từ cộng đồng khiếm thính và suy giảm thính lực, vì họ có sự thấu hiểu về văn hóa của người trong cuộc và có khả năng kết nối với khán giả.

Sáng lập Amber G. Productions là Amber Galloway-Gallego - một người mắc chứng suy giảm thính lực tiến triển. Nguy cơ hoàn toàn điếc trong tương lai chính là động lực cho công việc của cô. Hiện tại, Galloway-Gallego sử dụng thiết bị hỗ trợ nghe và đọc khẩu hình cùng với ASL để giao tiếp. Cô đồng thời dạy ngôn ngữ ký hiệu tại Trường cao đẳng Cộng đồng Houston.

Galloway-Gallego đã trình diễn ở các sự kiện âm nhạc ngoài trời trong suốt 23 năm, từng "hát" cạnh Anthony Kiedis - giọng ca chính của Red Hot Chili Peppers và "rap" cùng rapper "nhanh nhất thế giới" Twista. Cô cũng gây sốt trên mạng khi phiên dịch ASL bên cạnh Kendrick Lamar tại lễ hội Lollapalooza năm 2013.

Khi mới vào nghề, Amber được truyền cảm hứng bởi nhóm nhảy khiếm thính The Wild Zapper. Cô hiểu rằng những người cùng cảnh ngộ nên có trải nghiệm thưởng thức âm nhạc xứng đáng ở sân khấu. Vì thế, khi đứng bên cạnh nghệ sĩ trình diễn, thông dịch viên ASL cần có chuyển động khớp với âm nhạc và không khí của chương trình biểu diễn, chứ không đơn thuần dịch lại lời bài hát.

Một người trình diễn ASL tốt thường chú trọng vào khả năng tương tác khán giả, diễn tả từ ngữ và dòng chảy trong cử động. Các thước đo của ngôn ngữ ký hiệu - hình dạng bàn tay, chuyển động, vị trí, hướng lòng bàn tay và biểu cảm khuôn mặt có thể được kết hợp với các yếu tố của ngôn ngữ của mắt, các cử chỉ đến từ chính ASL, cho phép người phiên dịch hòa nhịp vào âm thanh của ca khúc, khiến ca khúc mang sự sống động.

"Những bàn tay có cảm xúc riêng của chúng. Chúng có suy nghĩ riêng của riêng mình" - Primeaux-O'Bryant, một vũ công ba lê chuyên nghiệp, nói với New York Times. Khi còn là học sinh của Trường trung học Đặc biệt cho người khiếm thính ở Washington đầu thập niên 1990, giáo viên yêu cầu anh thử phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho một bài hát của Michael Jackson trong Tháng lịch sử của người da đen. Giờ đây, Primeaux-O'Bryant vận dụng kỹ năng ba lê một cách uyển chuyển vào ca khúc của mình.

Quy trình làm việc thông thường gồm: một thông dịch viên có khả năng nghe sẽ nghe nhạc, phiên dịch ra ngôn ngữ ký hiệu và đưa dữ liệu cho thông dịch viên khiếm thính khác. Người này tiếp nhận và luyện tập phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để trình diễn trên sân khấu.

Khi chọn người trình diễn, Amber G. Productions chọn kỹ lưỡng người phiên dịch phù hợp với thể loại âm nhạc và ca sĩ trình diễn, tốt hơn hết họ nên là fan để truyền tải trọn vẹn trải nghiệm đến khán gỉa. Họ phải dành nhiều thời gian để làm quen với âm nhạc, nhớ lời bài hát, truyền tải bài hát bằng biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể phù hợp với năng lượng của người trình diễn.

Nhiều thông dịch viên của Amber G. Production nói họ muốn việc tiếp cận âm nhạc của cộng đồng khiếm thính và suy giảm thính lực trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp nhạc sống hơn là muốn được nhiều người biết đến công việc của mình.

Họ có thể lạc quan. Các nền tảng như Amazon Prime Video cùng những nghệ sĩ nổi tiếng Lil Wayne và A$AP Rocky đều quan tâm đến việc có phiên dịch viên ASL để mang trải nghiệm âm nhạc đến với cộng đồng khiếm thính.

Theo báo cáo từ Tổ chức Attitude Is Everthing (Anh), 80% fan âm nhạc khiếm thính và mắc khuyết tật khác đã có những trải nghiệm khó khăn khi đặt vé đến sự kiện âm nhạc ngoài trời. Việc khó khăn trong tiếp cận trải nghiệm có thể khiến họ quay lưng lại với các sự kiện do không nhận được sự thấu cảm từ những người bình thường. Việc các sự kiện lớn bắt đầu có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu có thể sẽ phá vỡ định kiến này, dù không thể một sớm một chiều.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận