Hậu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sân ga rất đông người

DANH ĐỨC 09/03/2019 19:03 GMT+7

Cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un lần thứ nhì đã kết thúc không như kỳ vọng của một số bên trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Đằng sau những “đổ thừa” qua lại vẫn còn nguyên những vấn đề cũ mà trên thực tế không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga đến Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc…

Vấn đề Triều Tiên, với tất cả sự phức tạp và lịch sử lâu đời, không chỉ là của riêng người Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Instick
Vấn đề Triều Tiên, với tất cả sự phức tạp và lịch sử lâu đời, không chỉ là của riêng người Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: Instick

Ba ngày sau khi hội nghị kết thúc không kèn không trống, hãng thông tấn Pháp AFP đăng một bài viết về sự khác biệt giữa hai ông Trump và Kim, từ chính kiến đến khẩu vị: “Các lệnh trừng phạt và các nhà máy hạt nhân không phải là những vấn đề tranh cãi độc nhất: Trong khi Tổng thống Mỹ thích miếng bít-tết của ông thật chín, thì nhà lãnh đạo Triều Tiên lại thích ăn thật tái… Ông Kim đã cho chở theo thịt bò Triều Tiên thượng hạng, mời ông Trump thưởng thức trong bữa ăn tối”.

Từ câu chuyện về miếng thịt bò, AFP dẫn đến kết luận sát thực tế: “Đối với một công dân Mỹ bình thường, ăn miếng bít-tết do nhà lãnh đạo Triều Tiên cung cấp có khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt mà Washington đã áp đặt với Bình Nhưỡng liên quan đến các chương trình vũ khí của nước này.

Theo mục 6 sắc lệnh hành pháp 13722, vốn được áp dụng đối với ông Kim, các công dân Hoa Kỳ không được nhận “hàng hóa” từ bất kỳ người nào đang bị trừng phạt. Nhưng với tư cách là tổng thống Mỹ trong một công vụ chính thức, quy tắc này không áp dụng với ông Trump: một điều khoản khác tuyên định các giao dịch vì công vụ của chính phủ liên bang không bị cấm”.

Trừng phạt nữa thôi?

Câu chuyện trên mới đề cập tới một phần thực trạng trừng phạt: những biện pháp trừng phạt “bổ sung”, từ phía Mỹ và một số nước, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, EU, và cả Trung Quốc, bên cạnh các lệnh trừng phạt “nền tảng” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).

Tin tức về việc HĐBA đồng ý cho Việt Nam cấp visa nhập cảnh cho phái đoàn Triều Tiên giống như từng đồng ý vào năm ngoái cho Singapore là một ví dụ điển hình về tính toàn cầu của những lệnh trừng phạt (theo báo Vietnam News ngày 21-2 dẫn lại AFP và The New York Times ngày 20-2).

Qua việc Trung Quốc, đồng minh số 1 của Bình Nhưỡng, năm 2017 cũng trừng phạt Triều Tiên, có thể thấy rằng các biện pháp cấm cản là sự chấp hành quy định từ LHQ. Tháng 2-2017, Trung Quốc loan báo ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm, cũng như hạn chế xuất dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên, theo Tân Hoa xã bản tiếng Anh, ngày 23-9-2017.

Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi về các biện pháp trừng phạt “bổ sung”, khi Nga có ý kiến phản bác ở phiên họp của HĐBA ngày 27-9-2018, qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov: “Các biện pháp trừng phạt “bổ sung” do Hoa Kỳ và một số đồng minh áp đặt lên CHDCND Triều Tiên và các quốc gia khác, đi vòng và vượt qua các lệnh trừng phạt của HĐBA, còn nặng nề hơn. Những cấm đoán đơn phương như vậy không chỉ làm suy yếu chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia thành viên, mâu thuẫn với các chuẩn mực và quy tắc thương mại quốc tế, mà còn làm suy yếu tính toàn vẹn của các biện pháp từ chính HĐBA. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các nước áp đặt trừng phạt dừng việc này lại”. Cần đặt tuyên bố này trong bối cảnh Nga cũng bị trừng phạt “đơn phương” từ Mỹ và phương Tây sau vụ sáp nhập Crimea.

Các lệnh trừng phạt những năm 2016 và 2017 đó được cho là đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Triều Tiên. Chính vì thế, một trong những điều kiện thương lượng tiên quyết của Bình Nhưỡng là Mỹ tháo gỡ ngay 5 lệnh trừng phạt ban hành trong hai năm 2016 và 2017, và thương lượng đổ vỡ khi Mỹ không đồng ý.

Vấn đề không chỉ ở Mỹ, mà HĐBA - “tác giả” của 5 nghị quyết trừng phạt - vẫn “chưa thấy lý do để xem xét chế độ trừng phạt… Với tư cách chủ tịch (HĐBA), tôi chưa thấy có nhu cầu thay đổi chế độ trừng phạt hiện tại - đại diện Đức Christoph Heusgen cho biết” (thông tấn Nga Sputnik News ngày 2-3-2019). Các nghị quyết đó cấm buôn bán vũ khí, hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ vào Triều Tiên, trục xuất một số nhà ngoại giao Triều Tiên có hoạt động khả nghi, hạn chế sản phẩm dầu hỏa đã lọc xuống 2 triệu thùng mỗi năm…

Từ đó, có thể thấy cho dù có họp hai bên Mỹ - Triều, hay thậm chí là ba bên - theo đề xuất của Hàn Quốc mới đây - cơ bản vẫn phải đợi HĐBA nhất trí thông qua lệnh tháo gỡ trừng phạt đã, có thể từ kết quả của đàm phán hai bên, ba bên, hay tham khảo các “tay chơi” then chốt trong ván cờ thế Triều Tiên suốt từ chiến tranh Triều Tiên, qua cuộc chiến tranh lạnh, kéo dài đến ngày nay.

Song phương là chưa đủ?

Các nước ấy đều trực tiếp liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Thông điệp của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 1-3 vừa qua nhân kỷ niệm 100 năm phong trào độc lập của Hàn Quốc phản ánh phần nào cục diện “liên quan hỗ tương” này.

Ngay cả trong ý muốn thiết lập một cộng đồng hợp tác kinh tế giữa hai miền, ông Moon cũng ý thức rằng lịch sử, độ phức tạp và độ rộng của vấn đề Triều Tiên khiến các thỏa thuận song phương chỉ có giá trị hạn chế: “Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ về các cách thức khôi phục du lịch ở núi Geumgang và hoạt động của Khu công nghiệp Kaesong”.

Tổng thống Moon giải thích: “Tiến bộ trong quan hệ liên Triều sẽ dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Hoa Kỳ và Nhật Bản, sau đó mở rộng thành một trật tự hòa bình và an ninh mới ở Đông Bắc Á”.

Đó có vẻ cũng là tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, qua thông điệp chính sách nhân khai mạc quốc hội khóa 198 hôm 28-1-2019: “Để biến Đông Bắc Á thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và thực sự ổn định, chúng ta sẽ dấn thân mạnh mẽ về mặt ngoại giao với các nước láng giềng, phù hợp với thời đại mới và không bị hạn chế bởi những cách nghĩ thông thường… Hướng tới giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa, và quan trọng nhất là vấn đề bắt cóc, chúng ta sẽ có những hành động táo bạo, không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào, bằng cách phá vỡ sự ngờ vực lẫn nhau, và tôi sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Kim Jong Un… Chúng ta sẽ tìm cách giải quyết quá khứ không may và bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Để đạt mục đích đó, chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế”.

Tức Nhật Bản không muốn chỉ là nguồn tham khảo, mà còn muốn tham gia trực tiếp vào tiến trình. Hôm 28-2-2019, Thủ tướng Abe họp báo về cuộc điện đàm của ông với ông Trump không lâu sau khi tổng thống Mỹ lên máy bay rời Hà Nội: “Tôi vừa có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Trump qua điện thoại và nhận được thông báo về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Với quyết tâm mạnh mẽ nhằm đạt được sự phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Trump đã quyết định sẽ không dễ dàng nhượng bộ, đồng thời tiếp tục thảo luận mang tính xây dựng, và kêu gọi Triều Tiên thực hiện các hành động cụ thể. Nhật Bản hoàn toàn ủng hộ quyết định đó”.

Trở lại sáu bên?

Từ những tuyên bố của ông Abe, có thể thấy rõ Nhật Bản không phải là kẻ ngoại cuộc trong tiến trình đàm phán với Triều Tiên. Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc thì đã rõ là tham gia trực tiếp.

Chính lẽ đó, một số ý kiến trong phiên họp của HĐBA ngày 27-9-2018, khả năng mở rộng đàm phán không chỉ giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên - vốn là chuyện trước kia từng làm qua các cuộc đàm phán sáu bên - lại được mở ra. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov mở lời: “Chúng tôi đề nghị hợp tác để xem xét một hệ thống đảm bảo an ninh quốc tế… Nga sẵn sàng hợp tác chặt chẽ nhất có thể với tất cả các nước quan tâm với mục đích đảm bảo hòa bình, ổn định và giải quyết toàn diện các vấn đề của bán đảo Triều Tiên trên cơ sở bình đẳng, các cuộc đàm phán không phân biệt đối xử với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cụ thể hơn: “Vấn đề bán đảo cơ bản là về an ninh. Để bảo đảm hòa bình ở đó, điều quan trọng là phải giải quyết các mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các bên một cách phù hợp và cân bằng. Những người trong cuộc chính trong quá trình đó là CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ, nhưng tất cả các bên liên quan đều có nghĩa vụ đóng vai trò của họ. Các cuộc đàm phán sáu bên đã đóng một vai trò quan trọng và sẽ vẫn là một nền tảng đa phương không thể thiếu”.

Trong bối cảnh tháng 9-2018, khi thượng đỉnh Trump - Kim Singapore còn “nóng sốt” và đang chuẩn bị cho một thượng đỉnh thứ nhì, các gợi ý trên tạm gác lại, chờ cho ông Trump thỏa thích phô diễn kỹ năng đàm phán cho đến khi chán vì… chẳng đi tới đâu thì thôi.

Ông Lavrov không úp mở nhiều khi nói: “Trong một thời gian dài, chúng tôi đã thúc giục các đối tác của mình (tức Hoa Kỳ) thực hiện theo khuôn khổ lộ trình do Nga và Trung Quốc đề xướng vào mùa hè năm ngoái (tức 2018), điều đang diễn ra trên thực tế”.

Lộ trình này được ông Lavrov đề cập gián tiếp trong phát biểu một ngày trước thượng đỉnh Trump - Kim Hà Nội: “Hoa Kỳ thậm chí còn hỏi lời khuyên, quan điểm của chúng tôi về kịch bản này hay kịch bản kia về cách thức diễn ra thượng đỉnh ở Hà Nội”, theo AP ngày 25-2-2019.

Có vẻ vấn đề Triều Tiên sẽ không thể giải quyết qua các cơ chế song phương, và ngay cả Hoa Kỳ và một Tổng thống Trump rất xăng xái cũng không thể một mình “đá bao sân”, khi những tay chơi khác đều đang nhắn nhủ “không có mình là không được đâu”, như một thực tế không thể phủ nhận của nền chính trị thực dụng bao đời nay!■

Ngay cả vấn đề được cho là khá dễ dàng: nối lại du lịch ở núi Geumgang và hoạt động của Khu công nghiệp Hàn - Triều Kaesong cũng có những ý kiến khác nhau. Chẳng hạn thể hiện qua cuộc họp báo trưa 22-2-2019 của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono:

- Thông tấn xã Kyodo: Bộ trưởng có nghĩ rằng việc nối lại các dự án núi Geumgang và Khu công nghiệp Kaesong… không nên được coi là ngoại lệ với các lệnh trừng phạt (tức sẽ phải thông qua HĐBA để nối lại các dự án đó)?

- Bộ trưởng Kono: Tôi tin là như vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận