Hậu tình yêu

HỮU CHÍ 12/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - “Không điều gì có thể diễn ra trong nhiều thập kỷ và rồi nhiều thập kỷ lại có thể xảy ra trong vài tuần”. Câu nói của George Galloway, một nghị sĩ Scotland, đã diễn đạt lại một thời khắc dường như được nén lại trong nhiều thập kỷ để chờ cơ hội bùng phát và thay đổi. Nó khiến người ta phải chất vấn những vấn đề thường nhật, nhận ra những điều cốt yếu của cuộc sống bị bỏ qua và đoàn kết với nhau trong thân phận bấp bênh của con người.

 
 

 Bức tranh The Lovers I của Rene Magritte.

Hắn đáp chuyến bay về nhà mà lòng ngổn ngang. Hôm trước chia tay, nàng nói: “Em còn chưa chuẩn bị là ngày mai sẽ không còn gặp được anh nữa”. Hắn vuốt tóc nàng và trấn an: “Yên tâm, anh sẽ giải quyết chuyện gia đình rồi chậm nhất hai tuần nữa lại gặp nhau”. Hắn không ngờ tình thế sẽ rất khác nhưng đó là chuyện sau này.

Sáng, xỏ giày ra công viên. Đó là một thói quen của hắn trong chục năm nay nhưng bây giờ như một thôi thúc. Một tin nhắn qua Facebook Messenger: “Em dậy rồi. Chúc anh một ngày vui vẻ.” Làm sao có thể vui được khi phải ngồi nhai cơm nguội hằng ngày, mong ngóng một tô phở cách đó 2.000km. Chạy khiến tâm thần hắn phấn chấn đôi chút. Nhưng về đến nhà, đọc mảnh giấy trên bàn: “Có hai cái bánh mì, anh ăn một cái, buộc chun, loại có rau, cái kia là của S.” làm hắn ngán ngẩm. S. là con trai hắn, “một cái cột đèn” vừa được chính phủ “giải cứu” từ Mỹ khỏi dịch bệnh COVID-19.

Chiều, cơm nước xong, hắn vào phòng. Hồi tưởng. Giờ này thì mình và nàng đi dạo, đi uống cà phê hoặc xem phim. Đang tơ tưởng thì hắn giật mình khi nghe: “Anh còn chậu bát đấy nhé, hôm nay là ngày của anh”. Đó là phân công lao động của một thế giới bình đẳng trong đó đàn ông cũng phải tham gia công việc gia đình. Hắn bỗng nhận thấy người-mà-ai-cũng-biết-là-ai thật đáng ghét, những đề nghị hợp lý của người này cũng thật “phi lý” dưới đầu óc đang mơ tưởng của hắn.

Gần 20 năm nay, việc đưa con đi học, rồi đi chợ hay rửa bát tuần ba buổi xem như việc đương nhiên. Thú thật, ban đầu hắn cũng không thích nhưng làm lâu thì cảm giác khó chịu biến mất và hắn không còn thắc mắc. Mới thoát ra được vài tháng khi công tác xa nhà, như chim sổ lồng giờ lại quay lại chuồng cũ, con chim già là hắn cảm thấy hơi bất mãn. Bất giác hắn nhớ lại câu chuyện nhà văn David Foster Wallac kể lại trong diễn văn dịp khai giảng tại Trường Kenyon vào năm 2015:

“Có hai con cá trẻ đang bơi cùng nhau, tình cờ gặp một con cá già bơi theo hướng ngược lại. Cá già gật đầu với hai chú cá trẻ và hỏi: “Chào các bạn. Nước hôm nay thế nào?”. Im lặng. Hai con cá con bơi tiếp một đoạn, cuối cùng một con nhìn con kia và nói “Nước là cái quái gì vậy?”.

Câu chuyện về những con cá chỉ đơn thuần cho chúng ta thấy những hiện thực quan trọng, rõ ràng nhất thường là những điều ít để ý và xem như mặc nhiên không cần quan tâm. Cho đến một điểm đứt gãy trong thời gian. Với hắn, bắt đầu bằng quyết định trở về nhà.

Lời hứa hai tuần quay lại không thành hiện thực. Nó kéo dài hai tháng bằng lệnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19 bùng phát. B., con gái hắn, chia tay bạn bè để nghỉ Tết Canh Tý cũng tưởng chỉ sau hai tuần gặp lại. Ngờ đâu, các bạn tuổi đi học có thời gian nghỉ tết kỷ lục, gần 4 tháng từ cuối tháng 1-2020 đến giữa tháng 5-2020. Ban đầu là một sự vui thích của những đứa trẻ, sự âu lo của những phụ huynh về việc giữ chúng ở nhà nhưng càng về cuối, càng có vẻ đuối. Ông bà của B. già yếu, không thể chăm cháu. Hai vợ chồng hắn phải quyết định việc ai sẽ phải hi sinh sự nghiệp để chăm lo cho gia đình. Xét đến hoàn cảnh kinh tế, hắn chỉ là vai phụ trong gia đình, người hi sinh đương nhiên là hắn.

Rồi trường của B. cũng tìm cách để cho học sinh được thực hiện quyền và nghĩa vụ của chúng: học tập nhưng bằng cách học từ xa, qua mạng, trên Zoom hay Microsoft Team hoặc Google Class. Những phương cách học tập hiện đại được cổ vũ trước đó bởi những hãng công nghệ nhưng chưa mấy thành công, nay trở thành một thứ bắt buộc vì không có lựa chọn nào khác. Những “con cá nhỏ” chưa được chuẩn bị để làm quen với trạng thái không có bảng đen, bị bắt ngồi ngay ngắn với những thầy cô giáo nghiêm khắc. Với một chiếc iPad, B. nằm trên giường liếc qua hình ảnh các thầy cô giảng từ xa. Nhưng cũng chỉ một lúc rồi cô bé cũng chán, tìm đến những trò chơi trên mạng, những clip của Sơn Tùng M-TP hay nghe bài “Trên tình bạn dưới tình yêu” của ca sĩ mới nổi tên Mint.

Hắn đọc một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy học sinh và sinh viên đã mất đi một trong những “năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời mình”. Sau một học kỳ mùa xuân với các lớp Zoom, 75% sinh viên đại học không hài lòng với e-learning và cứ 6 học sinh trung học sắp tốt nghiệp thì có một em đang cân nhắc hoãn nhập học đại học trong một học kỳ hoặc một năm. S., “cái cột đèn” nhà hắn, cũng đang học online một cách không hào hứng. Nhưng trường đại học cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất vẫn thu đủ học phí.

Scott Galloway, GS Trường đại học New York, nhận định về nền đại học Mỹ, được xem là tiên tiến trên thế giới: “Ngành giáo dục đại học trị giá 600 tỉ đôla của chúng ta lại cung cấp một sản phẩm cũ kỹ đến mức đáng thương. Một nền giáo dục mà mỗi năm tiêu tốn của các bậc cha mẹ Mỹ 40.000 USD và để lại những khoản nợ đáng kể cho sinh viên sau khi ra trường”. Như thế, có thể thấy gánh nặng học hành vẫn đặt nặng trên vai phụ huynh như hắn, cả ở Việt Nam lẫn ở Mỹ.

 

 Bức tranh The lovers II của họa sĩ René Magritte, 1928.

Đối nghịch với tình yêu không phải là sự thù hận; mà là sự dửng dưng.

                                                                                                                        (Patricia Bourrié)

Ban đầu là những tin nhắn thường xuyên, sau thưa dần. Nàng cũng không muốn làm khó cho hắn, một kẻ có gia đình và chưa giải quyết xong. Ấy là hắn nghĩ thế để tự lấy làm vui. Có những lúc hắn nhắn, cả ngày sau mới có hồi âm. Hắn như điên dại, suy diễn đủ kiểu: giờ này nàng chắc lại cà phê với ai đó hoặc có duyên mới. Mà nàng thì không có gì ràng buộc, còn hắn lại chưa dứt nợ. Khi hắn than phiền việc không liên lạc được thì nàng nói: “Em còn phải kiếm tiền nuôi con. Không có thời gian lúc nào cũng trả lời tin nhắn của anh được”.

Cơ quan nàng cũng thực hiện chế độ “Work From Home” (làm việc tại nhà), lương giảm 20%, một số nhân viên được khuyến khích nghỉ không lương. Đầu năm 2020, dự báo về kinh tế của các tổ chức WB, IMF chung nhận định là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, bấp bênh bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là thương chiến Mỹ - Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy cơ. Nhưng lại lạc quan về tình hình Việt Nam. Trong khi hạ dự báo khu vực, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020. Còn WB tỏ ra lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Nga với 1,6% cho năm 2020 và 1,8% cho năm 2021.

Nhưng tình hình xấu đi nhanh chóng khi giãn cách trở thành biện pháp chủ đạo trên toàn thế giới. Hắn cũng chuyển sang làm freelance và thu nhập giảm còn một phần tư. Nhưng thế vẫn còn may so với đồng bào trẻ tuổi của mình khi mà tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong quý 1-2020 và dự đoán năm 2020 sẽ ở mức 10,8% đến 13,2%, tức là gần gấp đôi so với mức 6,9% của năm 2019 theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Lao động quốc tế.

Hắn nghĩ một nguyên nhân gây đổ vỡ mối lương duyên của mình là vấn đề lương thưởng. Lương thưởng giảm làm người ta mất nhuệ khí, đến yêu cũng chán nữa là yêu xa. Thế quái nào mà lương thưởng lại giảm? Câu hỏi của hắn cũng như người làm công ăn lương không khác nào những con cá với câu hỏi về nước vì trong hàng thập kỷ nay, kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ cao và lương thưởng đều tăng qua từng năm. Tất nhiên, không ai nghi ngờ lý do giảm sút nặng nề của tiền lương bình quân sau khi nhìn lại một năm đầy biến động.

Hôm nọ, chở B. đi học rồi ghé phòng tài vụ trường học để đóng tiền. Phụ huynh đứng xếp hàng chờ đến lượt. Cô thủ quỹ nhìn hắn giọng không vui vì đã đóng tiền quá hạn:

- Sao bây giờ mới đóng?

- Dạ, bây giờ gia đình mới thu xếp được ạ.

Khổ. Tiền thì hắn không thiếu, nhiều thì hắn không có. Chỉ là trường không có phương thức thanh toán khác ngoài tiền mặt nên mới thế này.

- Thế anh làm nghề gì?

- Dạ, tôi làm tự do, cô ạ.

Cô thủ quỹ mặt giãn ra, có vẻ thoải mái. Chắc cô nghĩ freelance như hắn là một loại vớ vẩn, tệ hơn địa vị thủ quỹ của mình. Cô dịu giọng:

- Thôi, anh ráng đóng đúng hạn. Nếu gia đình quá khó khăn có thể xin trợ cấp giảm học phí.

Học phí trường công vài triệu một tháng, kể cả tiền bán trú. So với trường tư thục hay “có yếu tố nước ngoài”, “trường Tây” thì học phí chỉ bằng 1/5 đến 1/10. Gia đình “tiểu thị dân” như hắn vẫn có thể đóng được. Nhưng với cần lao chạy ăn từng bữa mùa COVID-19 thì cũng không đơn giản.

Đã lâu không nhận được tin nhắn của nàng nữa, hắn cũng cảm thấy bình thường, lâu dần dửng dưng như chưa từng biết nàng. Đôi lúc, hắn cũng nghĩ nếu không vì COVID-19 thì hắn có thể hạnh phúc xiết bao. Hắn sẽ không phải quay về nhà, ăn cơm nguội, bánh mì, rửa chén bát, đưa con đi học và thanh toán học phí. Đời chỉ toàn là những cuộc đi dạo vui vẻ, ca hát, xem phim, nghe nhạc.

“Không điều gì có thể diễn ra trong nhiều thập kỷ và rồi nhiều thập kỷ lại có thể xảy ra trong vài tuần”. Câu nói của George Galloway, một nghị sĩ Scotland, đã diễn đạt lại một thời khắc dường như được nén lại trong nhiều thập kỷ để chờ cơ hội bùng phát và thay đổi. Nó khiến người ta phải chất vấn những vấn đề thường nhật, nhận ra những điều cốt yếu của cuộc sống bị bỏ qua và đoàn kết với nhau trong thân phận bấp bênh của con người. Giờ hắn nhận ra người-mà-ai-cũng-biết-là-ai cũng không đến nỗi nào và nàng chỉ như một ảo ảnh tươi đẹp của quá khứ.

Một tin nhắn hiện lên. Hắn liếc qua không cảm xúc. Cuộc sống đã trở lại bình thường và hắn đã thích nghi với một “bình thường mới” cũng như những con cá trẻ không còn thắc mắc về nước nữa. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận