Hậu trường một giải chạy online

HUY ĐĂNG 14/06/2020 20:06 GMT+7

TTCT - Giải đấu càng đông vui thì những người tổ chức càng mệt. Điều đó lại càng đúng với một giải chạy bộ ảo, hình thức tập luyện thể thao đã nở rộ trong thời dịch bệnh, và nhiều khả năng sẽ còn ở lại lâu dài ngay cả khi đại dịch đã qua.

Hai mặt huy chương đúc nổi sẽ tặng cho người tham gia hoàn tất cự ly đăng ký.
Hai mặt huy chương đúc nổi sẽ tặng cho người tham gia hoàn tất cự ly đăng ký.

Thức giấc từ tờ mờ sáng và về nhà khi đã tối mịt, cả ngày lại dán mắt vào màn hình để cập nhật những con số, trả lời thắc mắc của người tham gia... Đó là tình cảnh của các thành viên tiểu ban chuyên môn Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 do báo Tuổi Trẻ̉ và Ngân hàng Sacombank phối hợp tổ chức.

Thấp thỏm khi người đăng ký... quá đông

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các giải đua ảo đã trở thành xu thế với các môn chạy bộ và đua xe đạp vì tính tiện lợi và khả năng duy trì giãn cách xã hội. Chỉ với một chiếc điện thoại hay đồng hồ thông minh đã cài đặt ứng dụng theo dõi vận động (Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày không tiền mặt sử dụng ứng dụng Strava), bạn có thể tham gia một giải đua ảo ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

Lượng người đăng ký tham gia Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày không tiền mặt phản ánh rõ điều đó. Chỉ ba ngày sau khi mở cổng đăng ký, giải đón nhận đến hơn 8.000 người đăng ký, vượt xa con số 5.000 người của giải năm ngoái chạy “offline”.

Sau một tuần, con số đã vọt lên đến 15.000 người đăng ký. Mọi chuyện quá dễ dàng với các “runner”, họ chỉ việc đăng ký và tìm một thời điểm thích hợp trong ba ngày 14, 15 hoặc 16-6 để hoàn tất cự ly mình đăng ký.

Nhưng để đảm bảo tất cả những sự tiện lợi đó, các thành viên thuộc ban tổ chức giải phải làm việc không ngừng nghỉ. Bắt đầu ngay từ khâu tưởng chừng đơn giản và vui vẻ nhất - đón lượng người đăng ký. Sacombank đã đặt hàng đối tác viết phần mềm và thuê một server để phục vụ cho giải chạy bộ này.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà còn phải liên hệ làm việc với Strava để hệ thống hai bên cùng mở rộng, tránh tình trạng quá tải, gây phiền hà cho người đăng ký. May mà mọi chuyện ổn thỏa, khi chúng tôi chuẩn bị cho khả năng mỗi ngày hệ thống đáp ứng được tối đa 30.000 lượt yêu cầu”.

Chống bệnh thành tích

Khi tổ chức một giải chạy phong trào, mục tiêu chính là làm sao cho mọi người đều vui. Vui ở đây là được tụ họp, giao lưu, tranh tài và kiểm nghiệm nỗ lực bản thân. Với việc kiểm nghiệm nỗ lực bản thân và các giải đua ảo, chuyện xác định thành tích là khâu quan trọng và phức tạp hơn so với đua “offline”.

Nếu ngày xưa các giải việt dã phải sử dụng đội ngũ trọng tài với đồng hồ bấm tay (chỉ chú trọng xác định thành tích nhóm đoạt giải, chứ phần đông còn lại chỉ xác định thành tích theo đợt); thì ngày nay ở các giải chạy ngoài đời thực, hệ thống điện tử đã chính xác tới từng mili giây. Tuy nhiên, với một giải chạy online thì có nhiều vấn đề phát sinh.

Ở một giải online tổ chức vào loại lần đầu tại VN kéo dài trong một tháng trước kia, từng có điều tiếng về một CLB đứng hạng nhất với thành tích không tưởng. Hóa ra họ “chơi chiêu” như giao nhiều đồng hồ, điện thoại cho một người chạy thật giỏi trong nhóm mang khi chạy hay đạp xe.

Chuyện đó nếu không được chấn chỉnh thì phong trào rất dễ chết yểu. Cũng may, ứng dụng Strava góp tay khi phân định được chuyện chạy xe đạp với đi bộ. Cứ thế, giải nào cũng phải tìm cách ngăn chặn bệnh thành tích để số đông còn lại không thấy chán.

Cụ thể, với giải hưởng ứng Ngày không tiền mặt, ban tổ chức quy định chỉ ghi nhận thành tích với các VĐV có “pace” (số phút chạy/km) từ 4 đến 20. Sở dĩ như vậy vì nếu chạy marathon với pace dưới 4, bạn đã hoàn thành cuộc đua 42km với thời gian ít hơn 2 giờ 48 phút - ngang ngửa các VĐV chuyên nghiệp (con số này thậm chí tốt hơn cả thành tích của VĐV giành HCV marathon nữ ở SEA Games).

Ứng dụng Strava có tầm quan trọng đáng kể trong khâu tổ chức cũng như với nhiều giải đua ảo khác. Khi đại dịch bùng phát, nhiều giải chạy bộ nổi tiếng như Boston Marathon, London Marathon... đã phải hủy và chuyển sang hình thức thi đấu online. Hầu hết các giải này đều sử dụng Strava.

Mạng xã hội của dân chạy bộ

Được sáng lập vào năm 2009 bởi Mark Gainey cùng Michael Horvath, Strava là một trong những ứng dụng tiên phong trong việc quản lý thành tích chạy bộ cá nhân. Cùng hàng loạt tính năng khác, Strava đã gần như trở thành một nền tảng mạng xã hội thu nhỏ của người chạy bộ. Qua đó họ có thể quản lý việc chạy bộ, kết bạn, giao lưu, theo dõi tình hình cộng đồng chạy bộ thế giới...

“Strava” nghĩa là gì? Trong tiếng Thụy Điển, đó có nghĩa là sự phấn đấu, nỗ lực đến tột cùng. Horvath, một trong hai nhà sáng lập, là người Mỹ gốc Thụy Điển. Ông cùng cộng sự Gainey thống nhất về tên gọi Strava, liên tưởng đến lịch sử người Thụy Điển với các chiến binh Viking huyền thoại.

Người đưa ra ý tưởng là Horvath, từ tận thập niên 1990. Khi rời đội chèo thuyền của trường đại học, ông cảm thấy mình không còn duy trì được động lực tập luyện. Rồi Horvath nhận ra mình thiếu một cộng đồng, những người tập luyện cùng chí hướng. Làm sao để chạy bộ, đạp xe một mình những lúc rảnh rỗi mà vẫn có bạn bè để duy trì động lực? Ý tưởng về mạng xã hội dành cho dân yêu thể thao ra đời từ đó.

Bà Nicole Teixeira, đại diện của Strava, cho biết đối tượng ban đầu ứng dụng này hướng đến là những VĐV ba môn phối hợp hàng đầu thế giới. Nhưng rồi sau đó Horvath và Gainey quyết định mở rộng đối tượng.

“Bất kỳ ai đủ can đảm để xỏ giày và đổ mồ hôi đều sẽ có một vị trí trên Strava. Ứng dụng này dành cho tất cả mọi người, từ những người thường xuyên chạy trên các con đường lớn cho đến những người mới tập chạy bộ cần thiết lập những mục tiêu cụ thể. Họ sẽ truyền cảm hứng cho nhau bằng thành tích của mình, và sẽ được tôn vinh khi hoàn thành bất kỳ một mục tiêu nào. “Phấn đấu” là từ cốt lõi của Strava” - bà Teixeira nói.

Bản đồ nhiệt của Strava ghi nhận số người sử dụng app trên toàn thế giới. (Ảnh: Strava)

Một thống kê mới đây của tờ The Guardian cho biết đã có hơn 49 triệu người tải ứng dụng Strava ở 195 quốc gia. Hiện giờ Strava tuyên bố họ thu hút thêm khoảng 1 triệu người dùng mới mỗi tháng. ■

Hãy cố gắng hoàn thành cự ly

Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2020 diễn ra trong ba ngày 14, 15 và 16-6. Có ba cự ly dành cho nam giới (10km, 21km, 42km), với nữ ngoài ba cự ly tương tự nam, còn có thêm cự ly 5km. Số lần chạy không giới hạn, miễn sao người tham gia hoàn tất cự ly đăng ký. Sau khi hoàn tất, người tham gia sẽ được nhận huy chương, áo do BTC gởi đến địa chỉ đăng ký.

Đặc biệt, với mỗi người tham gia đã hoàn tất cự ly đăng ký, Sacombank sẽ góp 100.000 đồng ủng hộ đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu chống dịch COVID-19. Vì vậy, số người hoàn tất cự ly đã đăng ký càng cao thì cuộc thi sẽ có ý nghĩa càng lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận