TTCT - Việc một loài thực vật mới được công bố không chỉ có ý nghĩa đối với môi trường về mặt đa dạng sinh học mà còn mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu giúp ích cho con người. Hình ảnh chi tiết về trà hoa vàng Văn Lang Camellia vanlangensis phát hiện tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: tiến sĩ Phạm Văn Thế83 loài thực vật mới từ Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu thực vật trong nước và quốc tế phát hiện, ghi danh trong năm 2023, theo một báo cáo khoa học công bố hồi đầu năm.Tìm một loài mới như thế nào?Khác với động vật hoang dã - chỉ cần đặt bẫy ảnh, nhìn dấu chân, thức ăn hay phân có thể xác định được loài - với thực vật, giữa một khoảng không rộng lớn, nhiều tầng nhiều lớp thực vật phủ vây, việc xác định tìm loài mới theo quy trình nào thì ít được biết đến.Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên Đại học Nông lâm TP.HCM, là một trong những người "mê rừng", "mê cây cỏ" từ nhỏ. Cả đời ông dành hết tâm huyết cho việc nghiên cứu các loài thực vật. Nhiều loài cây mới dưới những tán rừng đã được ông và các cộng sự tìm, phát hiện, giúp hiện lên sự đa dạng của các loài thực vật ở Việt Nam.Theo ông Diệp, những người nghiên cứu, với kiến thức có sẵn về thực vật, khi đi thực địa thường chụp ảnh và lấy mẫu tiêu bản những loài có hoa, quả. Sau đó về tra cứu trong tài liệu có sẵn, nếu thấy chưa có trong tài liệu thì đánh dấu tọa độ để theo dõi và thu mẫu vật về nghiên cứu."Những loài có hoa thường phải chụp mẫu phân tích (tức là giải phẫu hoa tại chỗ để chụp hoặc ngâm trong cồn 70 độ đem về làm sau) - tiến sĩ Diệp cho biết - Mỗi người chỉ chuyên một số họ thực vật nên thường phải tham vấn người biết chuyên về một họ nào đó. Dấu hiệu để nhận biết loài lạ là hoa hoặc quả của loài đang có ngoài thực địa".Năm 2017, ông Diệp và hai người đi sâu vào Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) khảo sát thực địa. Họ ngỡ ngàng phát hiện một chi lan hoại sinh, Silvorchis - từng được tìm thấy ở Java, Indonesia hơn 100 năm trước, sau đó gần như tuyệt chủng. Đó là lan Silvorchis vietnamica, một loài lan hoại sinh có kích thước nhỏ, không lá, mọc dưới đất, thân trắng tinh, không có diệp lục tố. Loài này không sống bằng hấp thụ diệp lục mà nhờ vào chất mùn của đất.Lan Silvorchis vietnamica. Ảnh: Tiến sĩ Đinh Quang DiệpSilvorchis vietnamica chỉ ra hoa duy nhất vào đầu mùa mưa và chỉ có thể bảo tồn tại chỗ. Hoa của loài này khá lạ, phát hoa dài 8-10cm, hoa có từ 1-4 chiếc mọc ở ngọn, màu trắng, cánh môi xẻ thùy giống hình một chiếc sừng có màu hồng bọc trong màu vàng. Trung tâm cánh môi màu vàng với hai vết bớt màu đỏ xinh xắn."Việc phát hiện loài lan này cho thấy mối liên hệ thực vật giữa hệ thống núi ven biển miền Nam Việt Nam với quần đảo Sunda Lớn và bán đảo Mã Lai. Đây cũng là một ví dụ điển hình về tính đặc hữu của địa phương trong hệ thực vật Việt Nam" - ông nói.Còn theo tiến sĩ Phạm Văn Thế - Viện tiên tiến khoa học và công nghệ Trường ĐH Văn Lang, những nhà nghiên cứu chuyên sâu chỉ quan tâm đến một nhóm thực vật nào đó, như chỉ nghiên cứu về rêu hay dương xỉ, khi khảo sát thực địa họ tập trung vào nhóm loài này. Việc xác định được loài mới ngay ngoài thực địa thường từ những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu này. Họ đã đọc hầu hết tài liệu về các loài hiện có, xem rất nhiều mẫu vật khô về chúng. Vì vậy khi phát hiện một loài lạ, là những loài thực vật có hình thái chưa bao giờ thấy, họ có thể đảm bảo loài đó mới với phần trăm rất cao. Tuy nhiên vẫn cần ghi chép tỉ mỉ, chụp hình ảnh và thu thập mẫu làm bằng chứng.Đối với những dự án như kiểm kê thành phần loài, đánh giá đa dạng sinh học, đánh giá tình trạng bảo tồn, họ thu thập thông tin của tất cả các loài thực vật trong một vùng địa lý nhất định. Loài nào cũng được thu thập mẫu, hình ảnh, ghi chép về sinh thái, đặc điểm sinh học, vị trí phân bố, mức độ phổ biến (số lượng)… Vì vậy công việc nhiều hơn, vất vả hơn và tốn kém hơn."Họ sử dụng phương pháp so sánh hình thái, tức là so sánh các đặc điểm hoa, quả, lá, thân… với các loài đã biết dựa trên các bản mô tả và mẫu chuẩn. Để chắc chắn, cần phải giải mã gene và so sánh với những dữ liệu đã lưu tại các ngân hàng gene quốc tế. Sau khi thấy sự khác biệt rõ ràng thì tiến hành mô tả loài mới. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp mô tả loài mới có thể chỉ dựa trên bản vẽ, bản ảnh chứ không cần thu mẫu" - tiến sĩ Thế chia sẻ.Đặt tên cho loài mớiKhi phát hiện một loài thực vật mới, việc đặt tên rất quan trọng. Năm 2021, nhóm nghiên cứu của ông Phạm Văn Thế đã khám phá một loài thực vật mới, đặt tên Trà hoa vàng Văn Lang (Camellia vanlangensis V.D. Luong & V.T. Pham). Năm 2023 công trình này được công bố trong Tạp chí chuyên ngành thực vật học Taiwania (SCIE, Q3) của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU). Dựa trên các tiêu chí đánh giá tình trạng bảo tồn của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) năm 2019, loài trà hoa vàng này được xếp vào thứ hạng Cực kỳ nguy cấp (Endangered -CR), hạng mục B1ab(i-iv) + B2ab(i-iv).Theo ông Thế, một tên loài thực vật gồm ba phần: từ đầu tiên là chỉ tên chi, từ thứ hai là tính từ chỉ loài và từ thứ ba là tên tác giả. Ví dụ, trong Camellia vanlangensis V.D. Luong & V.T. Pham, thì từ Camellia là tên chi (chi trà), vanlangensis là tính từ chỉ loài và V.D. Luong & V.T. Pham là tên tác giả.Trà hoa vàng Văn Lang Camellia vanlangensis được công bố vào năm 2023. Ảnh: Tiến sĩ Phạm Văn ThếCái "mới" trong tên một loài mới chính là "tính từ chỉ loài". Tính từ này thông thường sẽ chỉ các đặc điểm của cây để dễ nhận dạng. Ví dụ, với loài cẩm cù Hoya longipedunculata thì longipedunculata nghĩa là cuống cụm hoa dài, loài thu hải đường Begonia jubar thì jubar nghĩa là sáng, chỉ những đường gân lá sáng nổi bật so với màu xanh của phiến lá.Tính từ chỉ loài đôi khi được đặt cho vị trí phân bố, nơi phát hiện ra chúng, ví dụ loài tỏi rừng Aspidistra sonlaensis chỉ sự phát hiện ở Sơn La; hoặc đặt theo tên người để vinh danh những đóng góp của người đó, ví dụ loài cẩm cù Hoya lockii được đặt tên nhằm vinh danh GS.TS Phan Kế Lộc.Theo ông, việc đặt tên loài theo đặc điểm của loài, theo tên người, địa danh hoặc nhân vật hư cấu đều được, miễn là hài hòa và không có xung đột. Nhưng không nên đặt theo tác giả công bố, vì như vậy có thể thể hiện sự không khách quan và lạm dụng.Phát hiện mới, ý nghĩa lớnTheo tiến sĩ Phạm Văn Thế, việc phát hiện những loài thực vật mới có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thành phần các loài thực vật hiện có trên Trái đất, từ đó có thể đánh giá sự đa dạng loài và mở ra cơ hội cho các nghiên cứu về đa dạng gene và tiềm năng tài nguyên thực vật. Nhiều loài mới cũng có giá trị dược liệu cao và hứa hẹn trong nghiên cứu y tế cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái bản địa."Ví dụ, loài mạch môn Mường Nhé (Ophiopogon muongnhensis) ở tỉnh Điện Biên, trà hoa vàng lông mềm (Camellia velutina) ở tỉnh Phú Thọ, xương cá Hà Giang (Dichocarpum hagiangense) ở tỉnh Hà Giang, là những loài mới được phát hiện, có giá trị làm cảnh và làm dược liệu" - ông nói.Theo tiến sĩ Diệp, những khám phá mới về thực vật Việt Nam cho thấy tài nguyên thực vật của nước ta rất phong phú. Chỉ trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, họ lan (Orchidaceae) đã được phát hiện hơn 600 loài mới hoặc ghi nhận mới từ 755 loài (Phạm Hoàng Hộ, 2000), hiện nay là hơn 1.400 loài (Averyanov, 2023).Mạch môn Mường Nhé (Ophiopogon muongnhensis)Nhiều họ thực vật cũng liên tục được công bố các loài mới như họ gừng (Zingiberaceae), họ trà (Theaceae), họ lá gấm (Gesneriaceae), họ măng tây (Asparagaceae)... Nhiều loài trong họ trà có giá trị về cảnh quan và dược liệu, họ gừng (Zingiberaceae) cho nhiều giá trị về dược liệu và thực phẩm."Những loài tôi phát hiện là loài mới thì chưa được nghiên cứu về dược liệu. Tuy nhiên tôi có cộng tác cùng người khác để nghiên cứu về thành phần hóa học và hợp chất hữu cơ một số loài như loài nghệ lùn (Curcuma pygmaea) và nghệ Vitellina (Curcuma vitellina), những loài này có tính kháng khuẩn cao - tiến sĩ Đinh Quang Diệp nói - Phát hiện một loài cây nào đó phải nghĩ đến tính ứng dụng, đưa vào thực tế. Điều đó mới nâng cao giá trị của bảo tồn". Năm 2023, các nhà khoa học thuộc Vườn Bách thảo hoàng gia Kew (RBG Kew) - tổ chức hàng đầu thế giới chuyên về thực vật - và các đối tác đã đặt tên cho khoảng 74 loài thực vật và 15 loài nấm (fungi) mới. Chúng đến từ vách đá ở Nam Cực tới hệ sinh thái độc đáo của Madagascar và bán đảo Triều Tiên. Đáng tiếc là nhiều loài trong số này đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do việc xóa bỏ môi trường sống, theo thông cáo của RBG Kew.Trung bình, các nhà khoa học đặt tên cho khoảng 2.500 loài thực vật mới và 2.500 loài nấm mới mỗi năm. Ứớc tính có tới 100.000 loài thực vật chưa được chính thức nhận diện.Trong số các loài đang chờ được khám phá, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy những nguồn thực phẩm mới, thuốc men và các giải pháp từ thiên nhiên cho những thách thức môi sinh lớn mà chúng ta đang đối mặt hiện nay. Tags: Đa dạng sinh họcMôi trườngTỉnh Thanh HóaThực vật mớiTiến sĩ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".