Hãy lắng nghe các em

NGUYỄN HỮU NHÂN 25/04/2014 01:04 GMT+7

TTCT - Cô H., một giáo viên vừa vào nghề, đã gặp tôi than phiền về em T. - một học trò có hoàn cảnh đáng thương, tính khí thất thường mà tôi là giáo viên chủ nhiệm.

Minh họa: Mặc Tuân

Cô rất giận vì T. dám trả lời cô trước lớp rằng “Em từ trong đá chui ra”. Cô mong muốn tôi phải có biện pháp nghiêm khắc với T.. Tôi đoán phải có lý do để T. phản ứng như vậy. Tôi tìm gặp lớp trưởng để nắm rõ hơn sự việc được kể lại rằng T. thiếu tập trung nghe giảng, khi cô giáo hỏi, T. không trả lời được và T. cũng chưa lễ phép với cô.

Cô giáo bực bội buông một câu cay nghiệt: “Cha mẹ em đâu mà không biết dạy em”. Lời nói ấy vô tình thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ trong lòng bấy lâu nay, T. trả lời: “Em không có cha, không có mẹ”. Cô H. vẫn chưa tha: “Vậy ai sinh ra em?”, “Thưa cô, không ai cả. Em từ trong đá chui ra”. Lớp học lao xao, có tiếng can gián: “Cô ơi, bạn mồ côi, cô đừng la bạn nữa. Bạn ở nhà tình thương mà!”...

Tiết học trôi qua trong nặng nề. Cô nói sẽ không bỏ qua việc này.

Tôi gọi T. đến nghe em kể lại câu chuyện đã xảy ra. T. thừa nhận không tập trung nghe giảng, câu hỏi cô đưa ra T. không trả lời được nên bị chê trách. T. nhận lỗi đã nói năng không lễ phép do bức xúc vì cô chạm đến nỗi đau riêng. Tôi nhẹ nhàng phân tích cho em thấy cái sai của mình. Liền sau đó, tôi có cuộc trao đổi với cô H..

Là người có thâm niên nghề nghiệp và nhiều năm theo sát T., tôi chỉ rõ nguyên nhân đẩy T. đến chỗ có hành vi sai như vậy. Ba ngày sau đó, lớp trưởng báo cho biết cô H. vừa yêu cầu T. viết tự kiểm và lập một biên bản về lỗi đã “trả treo” với cô. T. thực hiện đúng yêu cầu của cô. Tôi phải sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa cô H. và T.. Em nhận lỗi, còn cô giáo cũng suy nghĩ lại. May mà mọi khúc mắc được giải tỏa sau cuộc gặp.

T. không còn cha mẹ từ nhỏ, họ hàng không đủ sức cưu mang đành gửi vào cơ sở nuôi trẻ mồ côi và trẻ thuộc gia đình đặc biệt khó khăn của tỉnh. Em ít nói, đôi lúc phản kháng ra mặt khi không chấp nhận một kết luận nào đó của những người xung quanh. T. cũng có biểu hiện của sự bất cần...

Với những học sinh trong hoàn cảnh như vậy, điều quan trọng là phải nắm bắt được tâm lý của các em, gặp gỡ, hỏi han và lắng nghe trong sự yêu thương, cảm thông... Chính sự thiếu tế nhị và không am hiểu hoàn cảnh và cảm thông với số phận học trò đã làm xấu đi mối quan hệ của cô giáo với T..

Đây có lẽ không phải là trường hợp hiếm hoi. Đó đây vẫn còn những trường hợp tương tự và chính sự thiếu kiềm chế của người lớn đã góp phần đẩy các em bước qua lằn ranh không còn kiểm soát được. Trấn áp không bao giờ là biện pháp mang lại kết quả tốt cả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận