Hãy sánh bước cùng con

ANH THƯ (VŨNG TÀU) 24/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Bài viết “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?” của Lê Thanh Hải trong số TTCT ngày 3-6-2012 đã đề cập một vấn đề mà theo tôi, là mang tính thời đại trong thế hệ phụ huynh 5X, 6X và có thể cả 7X.

“Cùng nhau tìm kiếm bản sắc" - cuộc chạy đua vô vọng?
Theo chứ không bị dắt
Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Đúng là “Sau ngày mở cửa thì thế hệ con cái và thế hệ phụ huynh ở Việt Nam ở vào thế cùng đứng trước một xuất phát điểm trong cuộc chạy đua tìm hiểu thế giới”, nhưng có thật sự chúng ta (phụ huynh) “kém lợi thế” hơn thế hệ trẻ theo như tác giả bài viết. Theo tôi, có lẽ đúng hơn là do chúng ta, khi đứng trước vạch xuất phát này, đã chưa nhìn nhận đúng vấn đề. Từ quan sát của bản thân, tôi thấy có hai nhóm phụ huynh như sau:

Một là nhóm “buông xuôi”, cho rằng việc “tìm hiểu thế giới” là của giới trẻ và tự loại mình ra khỏi cuộc đua. Những đứa trẻ, khi chúng thành thạo với Google và Facebook, dễ dàng với Discovery và National Geographic bằng tiếng Anh, chủ động đặt vé máy bay và phòng khách sạn online cho những kỳ nghỉ gia đình, bỗng trở nên những người thuộc “thế giới văn minh” ngay chính trong nhà mình, đối với chính cha mẹ mình. Chúng trở thành “thần tượng công nghệ”, là “biết tuốt” trong mắt cha mẹ và một cách bản năng, chúng “nhìn ra” thế giới và “nhìn xuống” cha mẹ.

Tôi đã từng chứng kiến một cậu bé đi cùng với bố để mua một thiết bị tin học. Cậu bé vốn đã nghĩ rằng bố chẳng biết gì về lĩnh vực này nên không “giảng giải” gì cho bố mà mặc nhiên cho rằng việc mua gì là do mình quyết định. Vì vậy mà khi người bố, cuối cùng được nhân viên bán hàng giải thích đã nghe theo tư vấn của anh ta, khiến cậu con trai giận dữ tới tột đỉnh. Cậu phản ứng với bố như thể là “đã không biết gì còn nghe tư vấn lung tung”.

Có phải những phụ huynh này đã buông xuôi để lũ trẻ kéo mình đi xềnh xệch trước vạch xuất phát? Chúng ta không nhất thiết phải có cùng hiểu biết với con về mọi lĩnh vực vì mối quan tâm của từng lứa tuổi sẽ khác. Nhưng thiết nghĩ hiểu biết về thế giới xung quanh, về thời cuộc, trước hết đã là nhu cầu tự thân của con người, sau nữa điều này lại giúp chúng ta có cơ hội gần gũi và hiểu con cái hơn, tại sao chúng ta không cố gắng?

Hai là nhóm “lấy mình làm chuẩn”. Có thể với chút thành công trong việc tạo dựng cuộc sống và công việc, nhóm này luôn lấy câu “ngày xưa mẹ thế này”, “hồi trước bố thế kia”... làm cửa miệng mỗi khi dạy dỗ con. Họ không cần biết rằng cái tấm gương “mua được nhà ở tuổi 35” của bố đã trở thành vô nghĩa với lớp trẻ ngày nay, khi mà chúng chả mảy may bận tâm xem chúng sẽ ở tỉnh này hay tỉnh khác, Việt Nam hay nước ngoài, miễn là ở đó chúng có một công việc phù hợp.

Một người bạn 6X của tôi cứ một mực bắt con thi đại học quản trị kinh doanh vì “phi thương bất phú”, trong khi cô con gái nhất định muốn thi vào ngành vật lý sau ba năm liên tục ở hàng “top” của lớp chuyên lý. Cô bé bực đến phát khóc khi mẹ không chịu hiểu rằng được làm gì mình thích thì thú vị thế nào.

***

Thật đáng buồn khi còn không ít phụ huynh vẫn chép miệng cho rằng “tụi trẻ bây giờ không bằng chúng ta ngày xưa”. Thiếu tôn trọng và niềm tin vào lớp trẻ, áp đặt chuẩn mực của thế hệ mình cho con cái, nhóm phụ huynh này đã vô tình đặt thêm vài “cục gạch” trước “vạch xuất phát” của con (và cũng là của chính mình).

Chúng ta đã quá quen với lời khuyên của các nhà sư phạm và chuyên gia tâm lý rằng phụ huynh nên “làm bạn” với con. Chúng ta sẽ chẳng thể “làm bạn” nếu chúng ta không hiểu và có cùng mối quan tâm với “bạn” và chắc chắn “bạn” cũng sẽ chẳng sẵn lòng chia sẻ hiểu biết, bàn bạc tương lai và xin tư vấn nếu “bọn già chúng ta” bảo thủ, tự mãn và lười học. Và nếu thế thì quả là cái kết cục đáng thương “bọn già chúng ta” ngơ ngác hỏi nhau “Chúng ta là ai?” đã đến gần lắm rồi.

__________

Trong cuộc sống có một điều không thay đổi đó là tất cả đều thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh. Nhóm yếu tố xã hội được xem là ít thay đổi nhất thì cũng dần đổi thay nhiều hơn do sự biến động mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, công nghệ và tự nhiên. Tất cả chúng cộng hưởng lẫn nhau tác động đậm nét lên đời sống từng gia đình, mỗi con người.

Cuộc sống bon chen lo toan sinh kế trong thế giới đất chật người đông này cùng với “công nghệ phát triển vũ bão” đã thiết kế ra lối sống mới, gấp gáp hơn, gọn tiện hơn, làm lu mờ dần những giềng mối cũ. Mặt khác, người trẻ sáng tạo tri thức và làm chủ công nghệ tốt hơn, họ nhạy bén với cái mới hay hơn, tạo ra và nắm bắt cơ hội nhanh hơn... khiến ta có cảm tưởng bị bọn trẻ dẫn đường.

Thật ra ai dẫn dắt được ai không phụ thuộc vào họ trẻ hay già mà ai giàu tri thức hơn ai. Cùng với giàu tri thức sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, nắm quyền lực chi phối hơn. Điều này không có gì mới. Vậy hà cớ gì băn khoăn “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?”. Đó là tín hiệu đáng vui hay buồn? Đó là điều tất yếu!

Xưa nay vẫn biết cha mẹ chỉ dìu con đi một đoạn đường đời, tuy nhiên đoạn đường này dường như ngày càng thu ngắn lại, cũng như kinh nghiệm ngày càng giảm giá trị so với sức sáng tạo do thế giới thay đổi chóng vánh làm chuyển biến cả thế giới quan, nhân sinh quan. Không còn cuộc sống chầm chậm để “cây đa, cây đề” mãi phát huy giá trị hoài hoài. Thừa nhận sự thật này quả hụt hẫng cho người luống tuổi thường nhớ về cõi huy hoàng xa xăm.

Vấn đề là làm sao để làm chủ cuộc đời mình lâu hơn, hạn chế sự phụ thuộc dẫu đó là tuổi già bên con cháu. Phải chăng gìn giữ sức khỏe và học hỏi không ngừng? Có lẽ câu “sinh con rồi mới sinh cha” phần nào đúng trên khía cạnh này. Từ khi có con, đấng sinh thành bước ngoặt sang lối rẽ mới - liên tục học hỏi: học để nuôi dạy con, học để chơi cùng con, học để chia sẻ được với con, học để hiểu con cùng mỗi chặng đường con đi theo dòng chảy miệt mài của xã hội.

Cần cầu thị để học từ con trẻ mới mong song hành bên con được dài hơi. Vì con trẻ là tương lai nên học hỏi lớp trẻ sẽ là ẩn số, là biến số, thú vị và bất ngờ, có lẽ khó tiếp thu hơn cách học từ các bậc cao niên, đó là học từ kiến thức ổn định và rõ ràng như một hằng số, như những công thức minh định cả rồi.

__________

Mỗi lần dòng tộc có việc nhóm họp, người lớn chúng tôi lại thấy mình nhỏ bé hẳn đi trước lớp con cháu ngày một giỏi giang. Những việc chúng tôi mù mờ, thậm chí hiểu sai lạc thì nay với chiếc máy tính xách tay, con cháu giúp chúng tôi thông suốt. Nghe những thuật ngữ khoa học, tài chính, ngân hàng mãi rồi chúng tôi thấy quen tai nên dần dần hiểu được các khái niệm cổ phần, chứng khoán, lên sàn, khớp lệnh, chỉ số Index...

Những gì mà thế giới quan tâm như hiệu ứng nhà kính, thủy triều đen, sự tan chảy của băng ở hai cực Trái đất, đồng bằng sông Cửu Long sẽ như thế nào khi nước biển dâng cao trong vài mươi năm tới... cũng được làm sáng tỏ.

Không chỉ trẻ ở nước ngoài mới có khả năng làm chệch hướng phán đoán, quyết định của cha mẹ do sự vượt trội trong ngôn ngữ, trẻ trong nước cũng không thua kém gì. Một thí dụ rất nhỏ: kinh nghiệm trong nghề và tham khảo ý kiến đồng nghiệp của tôi cho thấy nhiều bậc phụ huynh không hiểu hết những gì thầy cô phê trong sổ liên lạc.

Do yêu cầu của ngành sư phạm, các câu chữ được sử dụng khi cần thông tin đến cha mẹ học sinh phải được cân nhắc, thận trọng tránh xúc phạm đến nhân cách các em nên lời phê: nghịch phá trong lớp chuyển thành: cần giữ trật tự trong lớp. Tương tự, không lễ phép với thầy cô sẽ thành: chưa ngoan... Khi đó học sinh có thừa năng lực để giải thích cho cha mẹ về những sai sót của mình và rất lâu mới sửa chữa được khuyết điểm.

Việc con trẻ sẽ hướng dẫn chúng ta trong tương lai cũng không có gì là bi quan nếu thật sự ta không giỏi bằng. Có lẽ nên tìm cách kết hợp giữa kinh nghiệm của thế hệ đi trước với khả năng của lớp trẻ hôm nay. Bên cạnh đó, việc nỗ lực học tập, tìm hiểu để nâng cao nhận thức trình độ hiểu biết, giải quyết công việc là rất cần thiết. Có như vậy mới hết băn khoăn về câu hỏi “Bọn trẻ sẽ dắt ta đi?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận