Hãy trở thành người phụ nữ như bạn muốn

QUỲNH TRUNG 23/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - “Chúng ta không cần phải xin phép ai để thực hiện những vai trò phi truyền thống, chúng ta chỉ lấy lại những cơ hội đã bị tước mất” - bà Sandie Okoro, phó chủ tịch cấp cao và luật sư trưởng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), nói với TTCT trong cuộc trò chuyện về vai trò của phụ nữ trong thế giới hiện nay cũng như những hỗ trợ phát triển của WB dành cho Việt Nam, nhân chuyến thăm làm việc lần đầu tiên tại Việt Nam mới đây.

Bà Sandie Okoro. -Ảnh: Dailypost
Bà Sandie Okoro. -Ảnh: Dailypost

Trở thành phó chủ tịch cấp cao và luật sư trưởng Nhóm WB, sự nghiệp của bà là một sự thành công rực rỡ mà nhiều người muốn hướng tới. Và điều này thậm chí còn truyền cảm hứng hơn dựa trên bối cảnh nhiều phụ nữ, bất chấp họ có tài năng và trí thông minh tuyệt vời, vẫn bị tước lấy những cơ hội do những định kiến, phân biệt giới, màu da và tôn giáo. Có bao giờ bà cảm thấy may mắn khi sự nghiệp tiến xa như vậy?

- Thật sự có người cho rằng thành công của tôi đã đạt được hẳn là nhờ một ma thuật nào đó. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng nếu tôi làm được thì bạn cũng làm được, nếu bạn tin tưởng vào bản thân và không bỏ cuộc.

Kinh nghiệm của tôi là bạn hãy tự hào về những gì bạn đang làm, kiên cường, và không bỏ cuộc, rồi bạn sẽ thành công. Bị ngã chưa phải là sự chấm hết. Hãy cố gắng tiếp tục. Khi cơ hội đến thì nắm bắt.

Trong cuộc nói chuyện ở Trường ĐH Luật Hà Nội, tôi có nói với các bạn sinh viên rằng trên con đường đi đến thành công, bạn hãy khiêm tốn, giúp đỡ người khác và liêm chính trong mọi hành động. Không có sự bảo đảm nào cho thành công.

Làm việc cật lực, cố gắng đạt điểm số tốt ở trường đều quan trọng cả. Ngoài ra, ở đúng nơi, đúng thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng khác để thành công. Đặc biệt, khi mọi thứ diễn ra không đúng ý của bạn, hãy mạnh dạn chỉnh sửa nó.

Được biết bà là người Anh gốc Nigeria. Phụ nữ Nigeria và những người phụ nữ Việt Nam mà bà tiếp xúc khác nhau như thế nào?

- Trong chuyến thăm Việt Nam, tôi có dịp gặp gỡ và chia sẻ với một số đại diện doanh nghiệp nữ thuộc khu vực tư nhân về vai trò của phụ nữ Việt Nam với tư cách là những nguồn động lực của tăng trưởng và đóng góp của họ trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.

Tôi cũng hiểu thêm về những rào cản mà phụ nữ làm việc trong khu vực công và khu vực tư nhân đang gặp phải. Tôi nghĩ phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đều đối mặt nhiều thách thức.

Các phụ nữ Việt Nam đặt giá trị gia đình lên trên hết, điều này khiến tôi nhớ đến phụ nữ Nigeria, luôn xem gia đình là trung tâm của mọi thứ. Tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam và Nigeria khá tương đồng.

 Đề ra những tiêu chuẩn thực tế, biết mình làm được những gì, sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Bạn có thể nhìn lại bản thân và những người xung quanh, nhưng đừng tạo ra những tiêu chuẩn quá sức cho bản thân.

Bà Sandie Okoro

Mới đây, nhân dịp tham dự cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng kêu gọi nam giới đứng lên bảo vệ nữ quyền. Quan điểm của bà như thế nào về nam nữ bình quyền?

- Mọi người có cách nhìn khác nhau về ủng hộ nam nữ bình quyền. Có người nói những lời tốt đẹp và cũng có người chê trách. Nhưng đối với tôi khi bàn về vấn đề nam nữ bình quyền, chỉ có một thứ duy nhất: hãy để phụ nữ trở thành người phụ nữ họ mong muốn mà không gặp phải bất cứ rào cản gì.

Phụ nữ có rất nhiều cơ hội ngoài những vai trò truyền thống của họ đối với gia đình và con cái. Một vấn đề bất bình đẳng giới mà phụ nữ ở nhiều quốc gia phải đối mặt chính là họ không được phép và không được khuyến khích thực hiện những vai trò phi truyền thống (như tham gia vào chính trường, làm lãnh đạo, quản lý kinh tế, trụ cột gia đình...).

Chúng ta không cần phải xin phép ai để thực hiện những vai trò này, chúng ta chỉ lấy lại những cơ hội đã bị tước mất.

 Là một người phụ nữ vô cùng bận rộn, bà dành thời gian như thế nào cho gia đình và giáo dục con cái?

- Tôi không thực sự làm tốt việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Để trở nên hoàn hảo hay thể hiện sự cân bằng giữa gia đình và công việc mọi lúc là điều không thể. Con trai của tôi đang ở tuổi mới lớn nên hầu như không muốn tâm sự nhiều với tôi, nhưng tôi nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi khi con tôi trưởng thành.

Ngày xưa, khi tôi ở tuổi con mình, tôi cũng hiếm khi gặp mẹ bởi vì bà là y tá và thường xuyên trực đêm. Đó là câu chuyện của nhiều người có cha mẹ là người nhập cư.

Cả hai người cùng phải làm việc vất vả để kiếm sống, đặc biệt nếu bạn có một người cha đến từ Nigeria như tôi. Bởi vì màu da và sự phân biệt chủng tộc, rất khó để ông ấy kiếm việc, nhưng để kiếm miếng cơm manh áo phụ giúp gia đình, ông ấy phải tìm bất cứ công việc nào để làm.

Quan điểm của bà về các hệ thống hỗ trợ cần thiết giúp phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các công việc xã hội và hoạt động kinh tế - các thể chế, khung pháp lý, quy tắc xã hội và truyền thống...?

- Từ sự quan sát của mình, tôi cho rằng đàn ông và phụ nữ có tuổi hưu khác nhau là một điều gây bất bình đẳng giới. Ở Vương quốc Anh, chúng tôi đã bình đẳng hóa tuổi nghỉ hưu.

Tôi nghĩ nghỉ hưu ở tuổi 55 là quá sớm đối với phụ nữ ở khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu đàn ông và phụ nữ cùng nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau, ví dụ như 60, 65, hay hơn, bạn sẽ chứng kiến nhiều phụ nữ hơn đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp của mình, bởi vì họ có nhiều thời gian hơn.

Ví dụ, nếu giới hạn tuổi nghỉ hưu cho thẩm phán nữ ở tuổi 55, thì điều đó có nghĩa sự hiện diện của các chánh án nữ trong tòa án nhân dân tối cao sẽ giảm đi.

Rất cảm ơn bà.■

Tại Việt Nam, bà Sandie Okoro có những buổi họp tham vấn kỹ thuật với thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ trưởng Bộ Tài chính và bộ trưởng Bộ Tư pháp về các vấn đề liên quan đến tài khóa và tầm quan trọng của xây dựng năng lực để củng cố thể chế. Đây là những vấn đề WB đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam.

“Với cương vị là phó chủ tịch cấp cao và luật sư trưởng Nhóm WB, tôi không muốn chỉ ngồi trên bàn giấy và giải quyết những vấn đề pháp lý. Tôi muốn đi ra ngoài tìm hiểu thực tế, thăm các dự án ở các quốc gia mà WB đã hỗ trợ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam - nơi đang đạt những thành tựu ấn tượng trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển” - bà Okoro cho biết.

Có thông tin WB sẽ duyệt một chương trình vay tín dụng gần 4 tỉ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo bà, Việt Nam nên sử dụng khoản vay này sao cho hợp lý để không gia tăng gánh nặng thêm cho nợ công?

- Theo Khung đối tác quốc gia Việt Nam của Nhóm WB, chúng tôi dự định dành cho Việt Nam một nguồn tín dụng 3,6 tỉ USD cho giai đoạn 2018 - 2020. Việc sử dụng nguồn tài chính này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của Chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rõ rằng Việt Nam đang đối mặt một số hạn chế trong quản lý tài khóa. Cùng lúc đó, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực xã hội của Việt Nam rất lớn. Các khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng trong tương lai. Do vậy, có hai mục tiêu chính Việt Nam cần làm là tuân thủ kỷ luật tài khóa và đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai.

Đối với WB, chúng tôi dự kiến tập trung vào ba công việc chính. Đầu tiên, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng các dự án mà WB tài trợ vốn được đánh giá kỹ lưỡng về ảnh hưởng của nó đối với nợ công. Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo các nguồn tài chính chúng tôi cung cấp sẽ phù hợp với sự ràng buộc tài khóa tổng thể của Việt Nam và sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực ưu tiên đầu tư chủ chốt trong kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ.

Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng các dự án của chúng tôi được thực hiện hiệu quả và đem lại kết quả tốt. Chúng tôi kết hợp kiến thức về việc thực thi và thiết kế dự án với các nguồn lực tài chính để hỗ trợ Việt Nam đối phó những thách thức phát triển khó khăn nhất.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy các nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân nếu phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng. Điều này sẽ giúp cung cấp một số nguồn lực đầu tư cần thiết mà không làm gia tăng gánh nặng nợ công.

Bằng cách tuân thủ ba nguyên tắc này - sự cam kết tuân thủ kỷ luật tài khóa, tập trung các lĩnh vực ưu tiên đầu tư có hiệu quả và huy động các nguồn lực tài chính tư nhân - tôi tin rằng chúng tôi có thể giúp Việt Nam đáp ứng một số nhu cầu đầu tư, đồng thời bảo đảm sự bền vững tài khóa.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận