Hệ thống đào tạo mà ta từng biết sẽ thay đổi rất nhanh

THANH TUẤN 02/04/2014 23:04 GMT+7

TTCT - New Zealand vừa công bố chiến lược giáo dục đại học từ năm 2014-2019, nhấn mạnh sáng tạo, khoa học, công nghệ như một cách thích ứng với những thay đổi của thế giới. Bộ trưởng phát triển kinh tế kiêm giáo dục đại học New Zealand Steven Joyce chia sẻ với TTCT nhân chuyến thăm VN từ ngày 18 đến 20-3.

Ông Steven Joyce - Ảnh: Thanh Tuấn

* Thưa bộ trưởng, ông từng học về động vật học nhưng sau khi tốt nghiệp lại làm cho đài phát thanh (về âm nhạc), rồi kinh doanh, trở thành chính trị gia từ bộ trưởng giao thông và nay là bộ trưởng kinh tế và giáo dục đại học. Con đường đó khá thú vị.

- Mỗi ngành học cho bạn một kinh nghiệm. Nhưng thực tế điều quan trọng nhất với mỗi tấm bằng là bạn có kỹ năng học. Khi học đại học thì tôi muốn theo học ngành thú y nhưng không được mà chỉ vào được ngành động vật học. Khi đó tôi đã nghĩ tới việc bỏ học, nhưng một người khuyên tôi nên ở lại và cố lấy được tấm bằng - bất cứ bằng gì cũng được. Vì tấm bằng chủ yếu là để bạn học kỹ năng học.

Thực tế tôi chưa bao giờ dùng tấm bằng động vật học này để làm việc. Nhưng hằng ngày tôi đều sử dụng những kỹ năng mà tôi đã học trong quá trình đại học, dù đó là khi tôi làm ở đài phát thanh hay là trong sự nghiệp chính trị hay bất cứ công việc gì sau này.

Tôi nghĩ đó là bài học cho nhiều người trẻ.

- Đó là bài học quan trọng. Tất cả kiến thức anh học, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, tự đặt câu hỏi với các thông tin, tổng hợp nó... là những kỹ năng mà trường đại học trang bị cho anh. Những kỹ năng cần cho cuộc sống sau này.

* Ông đã trò chuyện về những gì với sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM hôm 19-3?

- Chúng tôi nói về tầm quan trọng của giáo dục trong kết nối giữa các nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục là cách để các nước có thể tăng cường hiểu biết khi có nhiều sinh viên gửi tới học tại các trường của nhau. Trao đổi sinh viên cũng có lợi cho chính người học trong nhiều ngành, đặc biệt trong các ngành như thương mại, kinh doanh, nhất là khi chúng ta đang sống trong thế giới ngày càng quốc tế hóa.

Vì vậy việc đến với một môi trường có ngôn ngữ mới, văn hóa mới như New Zealand để học tập sẽ có nhiều lợi ích cho sinh viên VN, giúp họ mở rộng tầm nhìn, sự từng trải và tự tin hơn. Được làm việc trong nhiều nền văn hóa giúp họ có giá hơn trong thị trường tuyển dụng dù là bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là thế giới hiện đại với bản chất là tính quốc tế hóa nên có được sự tự tin, năng lực để làm việc là điều rất quan trọng.

* Tại sao New Zealand sẽ hấp dẫn với sinh viên VN?

- Trước hết là sự tương đồng với hệ thống giáo dục kiểu Anh. Trong khối Thịnh vượng chung, chúng tôi là môi trường giáo dục chất lượng cùng với Úc, Anh và Canada. Các trường đại học của chúng tôi nằm trong top 500 trên thế giới và ngoài ra chúng tôi có những nét đặc sắc riêng của New Zealand.

Một là cách thức dạy ở New Zealand rất sáng tạo và đặc thù, khuyến khích các hoạt động, khuyến khích sáng tạo. Chúng tôi tạo điều kiện để sinh viên tham gia nhiều dự án trong quá trình học. New Zealand là xã hội tương đối nhỏ nên sinh viên có thể dễ dàng tương tác với những người có trách nhiệm hay các quan chức chính quyền, thậm chí với các bộ trưởng. Góc độ đó là khá đặc biệt.

Thứ nữa là chúng tôi có thiên nhiên rất đẹp. Sinh viên thích sống ở đây. Tôi nói chuyện với một số cựu sinh viên từng học ở New Zealand hơn 40 năm trước, họ vẫn kể về những kỷ niệm như đi câu cá, dã ngoại, thăm thú...

Ngoài ra, đây là môi trường đa văn hóa, pha trộn giữa văn hóa châu Á, châu Âu, Thái Bình Dương (cộng đồng người Maori), nhiều người đến từ Mỹ và Nam Mỹ. Bạn có thể gặp người từ nhiều chủng tộc văn hóa khác nhau. Người dân cũng thích việc có nhiều người từ nhiều gốc văn hóa khác nhau tới sinh sống.

Có một loạt ngành mà sinh viên VN có thể sẽ thích thú. Ví dụ về ngành đào tạo kỹ sư dân dụng, trường của chúng tôi nằm trong top 20 thế giới. Và về thương mại, kinh doanh, về các kỹ năng nông nghiệp, đặc biệt khi VN đang muốn phát triển ngành công nghiệp bơ sữa của mình... Ngoài ra, chúng tôi có chương trình rất tốt về giáo dục mầm non.

* Với sinh viên thì làm thế nào để hòa mình với những thay đổi?

- Tôi nghĩ là họ phải quan sát rồi coi cái gì sẽ phù hợp với mình. Chúng ta ngày càng cần các sinh viên được học tập ở nhiều môi trường khác biệt, đa dạng hơn, học chương trình ở nhiều trường khác nhau tại các nước. Ở châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu của mô hình học này.

Mô hình lý tưởng của tôi thì sinh viên có thể học ở Aukland một năm, học ở TP.HCM một năm rồi một năm ở một thành phố khác tại châu Á. Họ sẽ có điều kiện để học tại nhiều quốc gia trong chương trình học. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy mô hình này xuất hiện nhiều hơn.

Chúng ta cứ đặt mình vào vị trí sinh viên, những người đã có những tiếp xúc với môi trường quốc tế. Trong thương mại chẳng hạn, ở cả VN và New Zealand, ngày càng nhiều công ty hoạt động tầm quốc tế hơn.

Thời tôi còn làm kinh doanh thì mọi người chỉ quan tâm tới chuyện cung cấp cho thị trường nội địa nhưng giờ câu chuyện là cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho thế giới. Những công việc này đòi hỏi người có khả năng làm việc được với nhiều nền văn hóa khác nhau và thị trường đang có nhu cầu lớn với những kinh nghiệm kiểu này.

* Ông vừa công bố chiến lược mới của New Zealand về đào tạo đại học cho giai đoạn 2014-2019, xin ông nói thêm về những thay đổi mới của chiến lược?

- Chiến lược lần cuối của chúng tôi tập trung rất lớn vào chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo cho người dân tộc thiểu số (người Maori) - vốn thường có kết quả học thấp hơn so với các sinh viên khác. Chiến lược cũ cũng đề cao sự thay đổi theo hướng nhấn mạnh kỹ năng sử dụng, tạo ra những kiến thức mới. Những điều này đã được thực hiện rồi.

Chiến lược lần này sẽ tập trung vào một số vấn đề mà có thể VN cũng quan tâm như đảm bảo các trường đào tạo được sinh viên mà các công ty thật sự cần, đồng nghĩa với việc cần nhiều sinh viên giỏi khoa học, công nghệ, toán hơn trước. Có sự gắn kết hơn nữa giữa trường học với thực tế thị trường. Đó là điều rất quan trọng.

Chúng tôi mời nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham gia quá trình thiết kế các khóa học, có nhiều thời gian đi thực tập trong quá trình học.

Một mục tiêu nữa là quốc tế hóa việc học tập như tôi đã nói ở trên. Điều này quan trọng cho sự trải nghiệm của sinh viên cũng như cho quá trình nghiên cứu. Chúng tôi muốn tăng cường kết nối hơn nữa với thế giới, như với VN, Trung Quốc hay Bắc Mỹ. Đó là điều rất quan trọng...

* Đâu là lý do cho những thay đổi mà New Zealand muốn tiến hành này?

- Nền kinh tế New Zealand. Chúng tôi đã đối phó khá tốt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kinh tế của New Zealand đã tăng trưởng lại khá tốt, khoảng 3,5%/năm. Và giờ chúng tôi đã thấy được việc thiếu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thiết kế - kỹ sư, khoa học cũng như nông nghiệp.

Đó là lý do mà chúng tôi thay đổi chiến lược, tái nhấn mạnh vào các ngành khoa học, công nghệ - những ngành mà thị trường đang cần kỹ năng.

Việc có bằng đại học cho ta những kỹ năng nhất định thì luôn quan trọng. Kỹ năng phản biện với kiến thức, tự tìm hiểu... đều quan trọng nhưng chúng ta cũng cần tập trung vào các nghề căn bản. Đó là một trong những lý do chúng tôi thay đổi chiến lược của mình.

* Ông vừa nói về việc phải thu hẹp dần khoảng cách giữa việc học và thực tế trong một nền kinh tế đang thay đổi, cần nhiều kỹ năng mới. Với chiến lược mới, việc thu hẹp khoảng cách này được xử lý thế nào?

- Phải có nhiều biện pháp. Một là phải khuyến khích sinh viên về khả năng thích ứng. Nhiều khi chúng ta đưa ra các môn học mà sinh viên không hề biết những môn học này sẽ dẫn họ tới đâu khi ra trường. Vì vậy chúng ta phải cung cấp thông tin rất tốt cho sinh viên cũng như gia đình họ.

Ở New Zealand, chúng tôi có hệ thống số liệu rất tốt giữa từng ngành cung cấp để sinh viên biết, ví dụ với ngành kỹ sư sau năm năm học ra trường thì anh có thể kiếm công việc nào, thu nhập bao nhiêu. Những thông tin như vậy là quan trọng.

Một phần nữa là đảm bảo các trường có trọng tâm đúng để sinh viên hiểu là thị trường cần thêm kỹ năng ICT chẳng hạn. Các trường phải củng cố đội ngũ giáo viên về mảng này. Quá trình thích nghi của các trường với thị trường thì có thể mất thời gian.

* Số lượng sinh viên VN (khoảng 2.000 người) đang đứng thứ 9 trong số sinh viên nước ngoài ở New Zealand. Các trường ở New Zealand đánh giá ra sao về sinh viên VN?

- Tôi nghĩ là họ thích sinh viên VN. Sinh viên VN chăm chỉ, thân thiện. Tôi nghĩ một trong những lý do đất nước các bạn phát triển tốt là vì người Việt thân thiện và chăm chỉ. Nói chung là họ có tiếng tốt.

* Không có phàn nàn gì sao?

- Không hề. Để tôi hỏi đội thư ký nhé: không hề. (cười)

* Ở New Zealand không có hệ thống đại học tư, các trường thường là nhận nguồn tiền từ nhà nước. Điều đó có ảnh hưởng tới sự chủ động, tự do của các trường về học thuật, giảng dạy?

- Không, chúng tôi đảm bảo sự chủ động, tự do của các trường. Các trường nhận được khoảng 40-45% trợ cấp học phí và nghiên cứu từ nhà nước, phần còn lại là từ tiền học phí và các nguồn khác.

* Xin cảm ơn ông.  

 Tôi là người rất tin vào chuyện thay đổi công nghệ có vai trò cực kỳ quan trọng trong giáo dục đại học như anh đã thấy với các mô hình đào tạo qua mạng. Hệ thống đào tạo đại học chúng ta từng biết sẽ phải thay đổi trong 20 năm tới. Cùng với đó là thay đổi trong cách nghĩ, cách tư duy. 

Tôi không nghĩ ta đã hiểu một cách toàn vẹn ảnh hưởng của những thay đổi công nghệ, nhưng một điều chắc chắn là nó xóa bỏ dần những khoảng cách về địa lý giữa việc học đại học ở đây với học đại học ở Mỹ hay New Zealand hay bất cứ nơi nào. Điều đó sẽ làm thay đổi cách thức học tập, cách thức hợp tác nghiên cứu...

Đó cũng là thách thức lớn cho những nhà hoạch định chính sách, mỗi nước sẽ phải tự tìm ra cách thức để khuyến khích dòng chảy ý tưởng, kiến thức giữa con người với con người này.

(Bộ trưởng phát triển kinh tế kiêm giáo dục đại học New Zealand Steven Joyce)



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận