Hình thái mới và vấn đề mới

VŨ THÁI HÀ 09/01/2019 23:01 GMT+7

TTCT - “Những người và những thông tin cần thiết tụ tập cả ở Tokyo”. Hình ảnh một thanh niên Nhật đứng trong căn hộ 5m2 của mình xuất hiện trên báo, bên cạnh câu phát biểu như vậy, đã khiến chúng ta phải giật mình!

Koki Katagiri, một thanh niên lớn lên ở Chiba, nay sống trong một căn hộ siêu nhỏ ở Tokyo (Ảnh: Mainichi/Motohiro Negishi)

 

Chỉ ở Tokyo người ta mới tiếp cận được với các điều kiện để có việc làm, để mưu sinh; đổi lại một điều kiện sống quá hạn chế, đến độ chẳng ai dám nghĩ đến chuyện kết hôn và sinh con đẻ cái. Và các làng quê Nhật Bản đang ngày một vắng bóng người, nhà cửa bỏ hoang ngày càng nhiều: mọi người đều đã đổ xô về thành phố.

Khoảng cách số

Mưu sinh và mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn là nhu cầu và quyền chính đáng của mọi người. Từ xưa đến nay, vùng đất nào cho phép con người tranh thủ được các điều kiện tự nhiên tốt hơn, như đất, nguồn nước, khí hậu... thì vùng đó sẽ thu hút người ta tìm đến.

Nói cách khác, nơi nào cho phép tiếp cận tư liệu sản xuất tốt hơn, nơi ấy sẽ thu hút nhiều dân số hơn. Ngày nay, các tư liệu sản xuất đáng kể nhất chính là con người và thông tin. Vì rất nhiều lý do, cả hai đều đang tập trung ở các đô thị lớn. Điều đó đưa đến một vấn đề: di dân cơ học. Đây không phải là vấn đề mới nhưng nó đang mang những sắc thái mới, do đặc thù của bối cảnh hiện tại.

Không chỉ có các thành phố Nhật Bản là chật cứng người và các làng quê Nhật Bản là hoang vắng. TP.HCM và Hà Nội cũng đang chật như nêm, còn các làng quê ở Đồng bằng sông Hồng thì nhiều nơi chỉ có người già trụ lại. Khắp nơi trên thế giới, sự phân cách đó đã trở thành một mô thức chung.

Kinh tế số đã đóng góp rất lớn vào quá trình đó. Các công ty ngày càng đầu tư nhiều vào tài sản vô hình - thương hiệu, bản quyền, thiết kế, nghiên cứu và phát triển, năng lực chuyên môn... - và ít đầu tư vào tài sản hữu hình - máy móc và nhà xưởng. Sự khác biệt, đúng hơn là sự bất bình đẳng (inequality), đã trở nên nghiêm trọng và ngày một rõ rệt.

Có thể nhìn vấn đề từ hai khía cạnh: (1) Thành phố là nơi tụ hội của các tài năng đủ mọi ngành nghề. Tương tác xã hội của họ tạo nên nền tảng cho các ý tưởng, sáng kiến và thành công. Từ đó thành phố trở thành tâm điểm của đổi mới và sáng tạo, vốn là hấp lực thu hút đầu tư: các doanh nghiệp đều muốn hiện diện ở thành phố.

(2) Như một hệ quả, người dân thành thị nói chung cởi mở trước trải nghiệm và sự phát triển của nền kinh tế số, do họ có điều kiện trải nghiệm, được giáo dục và có đủ thông tin để tận hưởng các lợi ích kinh tế số đem đến.

Trong khi đó, người dân nông thôn vẫn tiếp tục ứng xử một cách truyền thống và bảo thủ trước cái mới, quan trọng hơn là họ thiếu trải nghiệm, thiếu nhận thức và thiếu năng lực để sống với mô hình kinh tế mới.

Như một dòng chảy không ngừng, mọi thứ đang chuyển biến rất nhanh và ngày càng quyết liệt. Điều kiện sống ở thành phố ngày càng đắt đỏ, chật hẹp và căng thẳng; còn nông thôn thì ngày càng xa khỏi đời sống của nền kinh tế số, không được tham gia nhiều vào quá trình sáng tạo ra giá trị.

Khoảng cách số (digital divide) là một khái niệm gắn với sự ra đời của Internet và thế giới số. Nó ngụ ý một sự bất bình đẳng trong việc truy cập và tiếp cận thông tin và dịch vụ trực tuyến.

Bất chấp các nỗ lực và tiến bộ đã đạt được trong các năm vừa qua, những người nghèo nhất - sống ở nông thôn cũng như thành thị, là những người mà về nguyên tắc sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu được tiếp cận với dịch vụ trực tuyến nhờ chi phí thấp - lại thường không có được điều kiện tiếp cận.

Ngay cả khi kết nối hay đường truyền vật lý đã sẵn sàng, kiến thức và nhận thức của họ cũng không đủ để tận hưởng các giá trị mà thế giới số đem lại. Nếu như các năm trước đây khoảng cách số chỉ biểu hiện ở khả năng truy cập được vào Internet, thì hiện nay nó tập trung vào khía cạnh làm thế nào để sử dụng Internet và công nghệ máy tính hợp lý và hiệu quả.

Các quan sát của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy sự phân cực về mặt xã hội và khoảng cách thu nhập có thể làm tăng khoảng cách số. Ở những vùng phát triển hơn, nhiều việc làm được thay thế bằng các công cụ công nghệ và tự động hóa, dẫn tới sự xuất hiện của những khoảng cách số hoàn toàn mới, chưa từng có trước đây.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm cho khoảng cách số lớn hơn nữa, khi nó khuyến khích các công việc đòi hỏi hàm lượng sáng tạo và đổi mới cao, thay thế dần lao động truyền thống. Những ai có đủ khả năng và điều kiện để có được vị trí trong nền kinh tế số thì tiếp tục tiến về phía trước, những người không theo kịp sẽ rơi lại phía sau; và cứ thế, họ ngày càng cách xa.

Khoảng cách số đào sâu sự bất bình đẳng về tài chính, giáo dục và địa vị xã hội. Thực tế cho thấy những người không đủ điều kiện tiếp cận với tài nguyên số, hoặc không đủ năng lực để sử dụng nó một cách hiệu quả, sẽ buộc phải chịu thất thế: họ không tiếp cận được các nguồn tài chính tốt nhất, các bài học, chương trình và phương pháp đào tạo tốt nhất; và rốt cuộc, họ phải nhận lấy cho mình địa vị kẻ đứng bên lề quá trình phát triển.

Ảnh: MIT Technology Review
Ảnh: MIT Technology Review

Tương lai mà thông tin là tài sản công cộng

Kinh tế số gắn liền với tài sản số, là thông tin, dữ liệu. Tài sản này đang hình thành từng giây và có giá trị vô cùng lớn. Nhưng quan trọng hơn, dữ liệu và thông tin cá nhân đang trở thành hàng hóa công cộng (public goods).

Trong khi nhiều cá nhân đang tự nguyện chia sẻ thông tin - như hồ sơ sức khỏe hay thông tin về bộ gen - công khai, cho phép chúng thành hàng hóa công cộng, thì các chính quyền cũng đang thử nghiệm từng bước việc cho phép sử dụng dữ liệu công dân - vì nhiều lý do và qua nhiều phương thức - như hàng hóa công cộng.

Từ phương diện xã hội và mạng xã hội, ảnh hưởng ngoại biên (externality) của việc chia sẻ thông tin cá nhân đang trở thành một vấn đề nổi cộm. Thông tin cá nhân sau khi được chia sẻ sẽ được dùng như thế nào, ảnh hưởng đến ai, tác động đến cộng đồng xã hội ra sao... là việc rất khó đoán, nếu không muốn nói là không thể.

Chẳng hạn, nếu không thích những gì Facebook làm với thông tin cá nhân của mình, chúng ta có thể chấm dứt sử dụng, xóa hết các dữ liệu mà mình đã từng đưa lên; nhưng ứng xử này thật ra không đạt được mục đích và không có trọn vẹn ý nghĩa.

Lý do là, không thể tránh khỏi, thông tin của bạn liên kết với thông tin của những người khác có mặt trong tấm ảnh của bạn, hoặc liên kết bạn bè với bạn. Khi mà các mẫu hình (pattern) hay tương quan (correlation) đã được rút ra từ các mối quan hệ thông tin đó rồi, thì việc chúng ta xóa thông tin của mình ở một chỗ nào đó trên không gian mạng là không còn ý nghĩa và không ảnh hưởng gì đến khuôn mẫu thông tin mà Facebook đã có.

Giá trị của tài sản số không nằm ở thông tin cụ thể, mà nằm ở mẫu hình và tương quan được đúc rút ra từ các thông tin đó. Bằng việc chia sẻ thông tin, chúng ta góp phần làm nên giá trị đó nhưng lại không thể kiểm soát được nó. Thông tin một khi đã được chia sẻ rồi thì không thể rút lại.

Câu hỏi mà giới khoa học, giới chuyên môn và các nhà lập pháp đang đặt ra hiện nay là việc quản trị mô hình kinh tế - xã hội mới trong đó thông tin đang trở thành tài sản công cộng cần phải được thiết lập như thế nào: quy luật của thị trường hay quy phạm của nhà nước sẽ là cơ sở chủ đạo của hình thức sở hữu và phương thức quản trị nền kinh tế số đang tràn ngập các tài sản công cộng và các tác động ngoại biên gắn liền với chúng?

Thế giới ngày càng khó dự đoán. Lý do chủ yếu là tốc độ thay đổi của nó quá nhanh và độ phức tạp của các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao. Với các biến chuyển thực tế như đã được quan sát và ghi nhận, câu hỏi thậm chí còn trở nên khó trả lời hơn bao giờ hết.

Tương lai của việc làm với các dự đoán có thể gây sốc là một trong những điểm thông tin được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Dưới tác động của tự động hóa, nhiều việc làm đang mất đi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục. Nhưng đáng nhắc đến hơn là phương thức vận hành của quan hệ kinh tế trong nền kinh tế số với sự xuất hiện và phát triển của kinh tế nền tảng (platform economy).

Theo đó, mối quan hệ giữa công ty với người lao động sẽ được thay thế ở nhiều lĩnh vực: “công ty tạo ra việc làm cho người lao động” giờ thay bằng “công ty tạo ra cơ hội cho đối tác tự kiếm sống”. Cộng đồng những người lao động tự do, thời vụ, hay “làm việc cho chính mình” sẽ ngày càng đông đảo. Khuôn khổ luật pháp về lao động sẽ phải thay đổi như một đòi hỏi tất yếu.

Mâu thuẫn giữa quyền riêng tư và quyền khai thác thông tin cá nhân như tài sản công cộng là một vấn đề khác cần được giải quyết; kinh tế số cần một khuôn khổ chính tắc để quản trị khía cạnh này trên bình diện rộng. Bao trùm lên tất cả, thu hẹp khoảng cách số sẽ tiếp tục là bài toán mà xã hội đặt ra, và việc tìm lời giải cho nó sẽ ngày càng trở nên cấp bách.

Nhà nước chắc chắn sẽ phải đóng vai trò chủ yếu trong việc giải bài toán này thông qua các chính sách điều tiết nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cũng sẽ phải góp phần của mình, chẳng hạn như các doanh nghiệp cần xem xét lại các mục tiêu lợi nhuận, tích hợp các mục tiêu xã hội vào quyết định đầu tư. Hay một ví dụ khác, xây dựng thành phố thông minh phải được triển khai cùng với nông thôn thông minh, nếu không muốn khoảng cách số hay sự bất bình đẳng bị khoét sâu hơn. ■

WEF: Internet cần mô hình đầu tư khác để thu hẹp khoảng cách số

Khoảng cách số chia rẽ thế giới Internet đã phát triển và đang phát triển sẽ có thể thu hẹp với những mô hình đầu tư khác cho Internet, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố giữa năm 2018.

Theo đó, có sự chênh lệch lớn về tiềm năng tăng trưởng Internet, cơ sở hạ tầng công nghệ và mô hình đầu tư hiện tại ở các nước giàu và nghèo, cũng như hiện tại và tương lai. Báo cáo Đầu tư cho một Internet tiến bộ cho tất cả mọi người của WEF nhận định rằng việc kết nối những người chưa được kết nối trên thế giới với Internet mới là bước đầu tiên đảm bảo rằng tất cả xã hội sẽ được tham gia vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng số hóa.

Những người dùng có kết nối tốt nhất thế giới hiện có năng lực Internet cao gấp 200 lần những người dùng ở một số khu vực châu Phi và châu Á, báo cáo cho biết. Ngoài ra, với 3,2 tỉ người trên thế giới hiện đã được tiếp cận Internet, điều đó đồng nghĩa vẫn còn 3,9 tỉ người đứng ngoài công cuộc toàn cầu hóa này.

WEF ước tính cần khoản đầu tư 1.000 tỉ USD để thu hẹp khoảng cách đó từ giờ tới năm 2040, và đó không chỉ là vấn đề công nghệ. “Các giải pháp công nghệ có sẵn và đã được thử nghiệm - báo cáo viết - Điều cần làm là giúp các nước cải thiện hạ tầng Internet của họ và những nguồn tài chính mới cho việc cải thiện năng lực sử dụng Internet”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận