TTCT - "Hồ sơ Panama" đang tiếp tục rò rỉ những thông tin làm dư luận phát sốt. “Hồ sơ Panama” cũng chỉ mới là phần nổi của tảng băng -politicalcartoons.comTổng thống Mỹ được coi là người hùng mạnh nhất thế giới, quân đội của ông được trang bị tận răng và sẵn sàng dấn bước đến mọi nơi trên địa cầu khi lợi ích Hoa Kỳ bị động chạm, nhưng ông B. Obama cũng phải lắc đầu suốt hai nhiệm kỳ khi có người nhắc đến một ngôi nhà văn phòng năm tầng ở quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh. Như “Hồ sơ Panama” vừa tiết lộ, Cayman hóa ra ở khắp mọi nơi.Thiên đường thuếUgland House, ngôi nhà văn phòng nói trên, ở số 335 phố South Church, George Town (thủ phủ đảo Cayman Lớn), theo lời ông Obama, được The New York Times trích hồi năm 2009 “là ngôi nhà lớn nhất thế giới, hoặc mẹo trốn thuế lớn nhất thế giới”.Trên vài mét vuông sau cánh cửa đóng im ỉm cả ngày là không ít hơn 19.000 công ty lớn nhỏ có chủ nhân từ khắp thế giới. Họ tìm đến đây không chỉ vì biển xanh, cát trắng và nắng vàng của vùng Caribê, vốn không mấy thay đổi từ khi được Colombo phát hiện năm 1503.Với vẻn vẹn 56.000 cư dân (tức khoảng 1/4 quận Ba Đình của Hà Nội), quần đảo Cayman lại là nơi đăng ký 92.664 công ty, 10.841 quỹ đầu tư thanh khoản (hedge funds) và 226 ngân hàng, bằng cả thành phố nhà băng quốc tế Frankfurt am Main ở Đức, theo báo Bild năm 2013.Sự khác biệt cơ bản chỉ lộ rõ nếu ai đó được phép thống kê xem trong đám chủ sở hữu có bao nhiêu doanh nhân buôn bán vũ khí, nhà độc tài, người thừa kế tài sản từ 1 triệu USD trở lên, hoặc cũng có khi chỉ là một nhạc công violoncello tầm thường song tình cờ có bạn nối khố tên là Putin, cũng có thể là những dâu rể với một họ Tập nào đó...Nước Anh có lẽ là quốc gia còn nhiều lãnh thổ hải ngoại nhất hành tinh, nhưng từ khi phải trả lại Hong Kong thì chỉ còn các đảo nhỏ lẻ với kinh tế nông nghiệp và đánh cá lèo tèo. Bù lại, luật Anh cho phép nhiều lãnh thổ ấn định mức thuế từ rất thấp đến bằng 0 để thu hút tiền bất cứ từ nguồn nào.Sẽ không công bằng khi nói tất cả đều là tiền bẩn, song dễ hiểu là người thu nhập trung bình không hơi đâu tìm đến tận những hòn đảo xa tít mù khơi như Virgin, Bahamas hay Cayman. Phải nói ngay là không luật nước nào cấm đem tiền đến đây đầu tư để lấy lãi cao hơn, nếu số tiền ấy đã chịu thuế trong nước.Nhưng nếu ai đó thông qua một hệ thống công ty mẹ con rối rắm để bí mật chuyển tiền đến các thiên đường thuế thì ắt có gì đó không ổn.Công ty mẹ, công ty con, công ty maTờ Süddeutsche Zeitung số 3-4-2016 liệt kê ra trong “Hồ sơ Panama” nhiều ngân hàng trên thế giới, trong đó có 28 của Đức, dính chàm vì Mossfon (Mossack Fonseca), đã thành lập 15.600 công ty ma như ở Ugland House.Toàn những tên tuổi khả kính như Deutsche Bank (Đức), UBS (Thụy Sĩ) cho đến Royal Bank of Canada. Dĩ nhiên cả những nhà băng nhỏ hơn. Tổng cộng trên 500 ngân hàng đã dùng mẹo này để giúp khách hàng ruột tránh thuế.Tránh thuế cao chưa hẳn đã là xấu, chỉ mang tiếng thiếu trách nhiệm xã hội, nhưng một loạt nhân viên nhà băng sẽ không tránh khỏi cáo buộc đã nhắm mắt giúp cho khách hàng của mình rửa tiền. Trong thế giới của thiên đường thuế, nhà băng là một trong những chủ thể quan trọng nhất bên cạnh luật sư, tư vấn tài sản và thanh tra kinh tế. Ai có nhiều tiền và không muốn phải nộp đi, người ấy thường không trực tiếp gõ cửa Mossfon, mà tìm đến nhà băng hay luật sư.Đoạn còn lại khá đơn giản: ngân hàng thành lập cho thân chủ một công ty với cái tên tưởng tượng nào đó đặt trụ sở ở thiên đường thuế, các giao dịch do bên thứ ba được ủy nhiệm làm thay, và tất cả diễn ra sau bức màn tên là bảo vệ bí mật khách hàng.Trong 11,5 triệu tệp tài liệu mà Süddeutsche Zeitung nhận được, có thể nhận rõ con đường lắt léo mà các nhà băng dắt thân chủ mình đi.Ví dụ, một lá thư mà Mossfon gửi Commerzbank International S.A. Luxembourg năm 1998: “Nói chung có thể tạo ra một cấu trúc mà trong đó một khách hàng tư nhân không phải là chủ tài khoản hoặc có thẩm quyền kinh tế (...). Tuy nhiên, cần người thứ ba và đòi hỏi phải có sự tin cậy tuyệt đối vào người đó”.Rồi Jürgen Mossack, đồng sáng lập Mossfon, giải thích tiếp: “Chủ tài khoản sẽ là người thứ ba, ví dụ Hồng Thập tự hay một người họ hàng có hộ khẩu ngoài EU. Mossfon thành lập hội đồng quỹ và sau đó có thể thay đổi tên chủ tài khoản như khách hàng tư nhân yêu cầu”.Nói cách khác là Hồng Thập tự được dùng làm “quân xanh” khi ghi tên vào thủ tục sáng lập, trong khi người hưởng lợi thật sự không hiện diện ở bất cứ đâu. Cuối thư, Jürgen Mossack cho khách hàng biết mục đích của công ty ma: “Quý vị có lợi thế là có quyền bỏ qua một cách hợp pháp các câu hỏi về chủ tài khoản, quyền hạn kinh tế và ủy nhiệm trước nhà chức trách Đức”.Dịch ra ngôn ngữ đời thường là có quyền khai báo ít ỏi với cơ quan thuế vụ mà không phải nói dối. Trả lời câu hỏi của Süddeutsche Zeitung và International Consortium of Investigative Journalists (Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế) hôm 5-4-2016, Mossfon chống chế là không mời khách hàng “giải pháp” để phạm luật và trốn thuế, mà chỉ qua đó tận dụng lợi thế từ luật hiện hành hoặc tránh bị đánh thuế hai lần - và hành vi đó “hoàn toàn hợp pháp”.Đạo đức thuế của người ĐứcTrước tiên ta phải thống nhất về cơ sở xã hội của hiện tượng thuế, bởi vì mọi cuộc tranh luận thiếu thống nhất về tiền đề sẽ không đưa đến đâu. Lấy ngay ví dụ nước Đức, vì không ngẫu nhiên mà “Hồ sơ Panama” được chuyển cho hai tờ báo lớn của Đức - Süddeutsche Zeitung và Focus.Ở Đức, ai lĩnh tiền lãi từ gửi tiết kiệm hoặc đầu tư bảo hiểm thì được miễn thuế cho 800 euro đầu (hoặc 1.600 nếu có gia đình), từ đó trở lên bị đánh thuế như một dạng thu nhập với thuế suất 26,4%, nhiều người đóng thêm thuế nhà thờ 8-9% nữa.Nhiều người cảm nhận biện pháp này là phi lý hay ít nhất là quá cao. Khối Eurozone hằng năm vẫn phải điều chỉnh mức thuế này để tránh việc người dân đem tiền ra nước ngoài gửi. Mô hình Áo, hoặc nhất là Thụy Sĩ chắc đã nhiều người biết, do chủ tài khoản không ghi tên mà chỉ đánh số nên không ít người Đức không ngần ngại ôm cả balô tiền mặt đi “tị nạn thuế”.Chủ tịch Uli Hoeness của đội bóng lừng danh FC Bayern Munich vừa ngồi tù vì trốn 30 triệu euro tiền thuế chỉ là một trong nhiều vụ bị lộ. Một điểm rất... Đức là Hoeness trong thời gian bị tù vẫn được tại ngoại nửa ngày để tập cho đội Bayern Munich trẻ, chứng tỏ dư luận ít nhiều “thông cảm” với hành vi “tiết kiệm thuế” của đương sự? Bản thân một cựu bộ trưởng tài chính liên bang, Theo Waigel, đã nói ra lời có cánh như sau: “Ai cũng có trách nhiệm đóng thuế, nhưng ai cũng có quyền đóng ít nhất như có thể”.Một trong những đầu sách cẩm nang bán chạy nhất ở Đức tên là 1.000 mẹo giảm thuế hợp pháp, giá chỉ 1,90 euro nhưng đã giúp cho tác giả của nó trở thành triệu phú sau vài năm đầu. Để đừng ai hiểu lầm: nhà nước nào cũng sống bằng thuế thu của người dân, và người Đức có tiếng trọng luật lệ, chỉ kêu ca khi có loại thuế hoặc mức thuế nào mà họ cảm thấy không ổn - và hình như đó là vấn đề ở tất cả các quốc gia!?Thu thuế là ăn cướp?Dù có chối tai hay không, và dù quan điểm sau đây không chiếm thế thượng phong, thiết tưởng cũng nên suy xét một học thuyết với tên gọi “Chủ nghĩa tư bản vô chính phủ (Anarcho-capitalism)”. Những người theo triết lý này gọi hành vi thu thuế, bất cứ ở dạng nào và mức độ nào, là ăn cướp.Tuần báo Pháp Philosophie Magazine năm 2012 đã toan đăng một bài phỏng vấn triết gia Hans-Hermann Hoppe vì quan điểm sau đây:“Thuế không phải là khoản tiền chi bình thường cho hàng hóa hoặc dịch vụ, vì người ta không được phép cưỡng lại nếu không hài lòng với sản phẩm. Không ai bị phạt chỉ vì không mua xe hơi của Renault hoặc nước hoa của Chanel, nhưng sẽ bị tù nếu không trả tiền để nuôi các trường phổ thông và đại học công lập hoặc đời sống xa hoa của ông Sarkozy”.Hoppe cũng thể hiện một lập trường đáng đem ra tranh luận về công bằng và về cuộc đấu khẩu xung quanh thuế suất lũy tiến, vốn diễn ra không chỉ ở Tây Âu:“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể giàu hay nghèo. Có những người giàu nhưng không vì trộm cắp hay lừa đảo, mà họ giàu vì vất vả làm việc, vì chăm chỉ tiết kiệm, vì chứng tỏ có năng suất và năng khiếu kinh doanh, đôi khi từ nhiều thế hệ. Những người như thế không chỉ xứng đáng được để cho yên thân, mà còn phải được tuyên dương là anh hùng”.Chậm nhất là đến đây có thể nhận ra lý thuyết này - cho dù nhiều hàm ý tích cực - phản lại tinh thần của kinh tế thị trường mang định hướng xã hội của Đức và Bắc Âu vốn đã được thử thách từ hơn nửa thế kỷ nay.Nhưng để khỏi lạc đề, ta quay lại với phòng tư vấn luật Mossfon hay xuất phát điểm của vụ “Hồ sơ Panama”, thật trớ trêu, được phanh phui bởi những tờ báo Đức, có sự tham gia của các ngân hàng Đức, với chủ công ty tâm điểm cũng là một người Đức nốt!Suy đoán vô tội?Thật đáng để hỏi tiếp triết gia Hans-Hermann Hoppe rằng liệu ông đã biết danh sách khách hàng của Mossfon số đông chẳng phải những người lao động chân chỉ hạt bột? Rất có thể ông đã nghĩ đến họ khi nói trong cuộc phỏng vấn không được công bố ở trên:“Có cả những người giàu, thường trong giới lãnh đạo chính trị có quyền kiểm soát bộ máy nhà nước cũng như tầng lớp cầm đầu trong các ngân hàng và công nghiệp cánh hẩu với nhà nước, họ giàu hoặc vì trực tiếp được tham gia tịch thu, trộm cắp và bịp bợm hoặc gián tiếp hưởng lợi từ đó. Những kẻ ấy không nên được để yên mà phải bị truy tố và khinh bỉ như hạng lừa đảo”.“Hồ sơ Panama” mới phát lộ vài hôm, còn quá sớm để khơi mào thuyết âm mưu hoặc nhận định có thế lực nào giật dây.Nhưng danh sách chủ các công ty ma mờ ám không ngẫu nhiên có các tên sau đây, dù là chưa được phép vội vàng cáo buộc họ: -Mauricio Macri (tổng thống Argentina, cùng bố và em trai làm giám đốc Fleg Trading Ltd. ở Bahamas do Mossack Fonseca thành lập và sau này giải thể, nhưng không ghi vào bản khai tài sản năm 2007 và 2008),-Sigmundur Gunnlaugsson (thủ tướng Iceland từ chức hôm 5-4 vì giấu nhẹm công ty ma Wintris Inc., dù luật nghị viện Iceland đòi phải kê khai cổ phần trên 25% trong một doanh nghiệp khi ứng cử dân biểu), -Salman bin Abd al-Asis (vua Saudi Arabia, cùng vợ và sáu con sở hữu cổ phần một loạt công ty ma và sử dụng du thuyền đăng ký ở quần đảo Virgin), Mariam Safdar (con gái thủ tướng Pakistan, sở hữu các công ty ma Nielsen Enterprises Limited và Nescoll Limited trên quần đảo Virgin và đội lốt chúng mua đất giữa London), -Petro Poroshenko (tổng thống Ukraine, chủ công ty ma Prime Assets Partners Limited do Mossfon đăng ký tại Virgin), - chưa kể đến một loạt “chuột nhắt” như minh tinh màn bạc Thành Long, ngôi sao sân cỏ Lionel Messi, cựu đồng nghiệp của Putin ở KGB Valerii Polomarchuk...Có vẻ như sẽ còn tốn nhiều giấy mực.■ Tags: Trốn thuếHồ sơ panamaChủ các công ty ma mờ ámThu thuế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất vàng mã, túi nilon, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ronaldo tạo cơn sốt hơn 13 triệu view cùng YouTuber số 1 thế giới Mr Beast THANH ĐỊNH 22/11/2024 Tiền đạo Cristiano Ronaldo tiếp tục chứng tỏ sức hút vượt trội của mình ngoài sân cỏ khi vừa công bố video cùng khách mời là YouTuber số 1 thế giới Mr Beast.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;